Một giờ với Ba Đẻn

Thứ Tư, 01/12/2010, 15:30
Phải mất rất nhiều cuộc điện thoại, tôi mới hẹn gặp được ông. Không phải vì Ba Đẻn không muốn tiếp chuyện mà điện thoại của ông lúc để chế độ chờ, không người cầm máy, khi thì, chú đang đi chơi, không ở Hà Nội. Lúc Bắc Ninh, lúc Sơn Tây, thậm chí rong ruổi cả bên trời tây hàng tháng trời. Cảm giác, Ba Đẻn đang lẫn vào đời bằng những cuộc rong chơi, cho thỏa chí tang bồng của một tâm hồn lãng du. Con ngựa bất kham Ba Đẻn, đang bật tung vó ngạo nghễ với cuộc đời.

1. Qua cái cầu thang cũ kỹ, tôi bước lên căn phòng riêng của gia đình Ba Đẻn (cựu danh thủ Nguyễn Thế Anh). Rẽ phía bên phải là nhà của em trai ông, Nguyễn Cao Cường mà tôi đã từng có dịp ghé thăm. Hai căn nhà được bố mẹ ông mua lại của một gia đình người Tàu. Ba Đẻn đã có hơn 30 năm sống ở đây, nhưng mọi thứ của ông đều vẫn cũ kỹ, mộc mạc như ngày xưa.

Cuộc sống đang thay đổi từng ngày, và đi liền với nó là những tiện ích của cuộc sống cũng thay đổi trong từng gia đình. Nhưng với Ba Đẻn thì không. Ông dường như xa lạ với những thứ tiện nghi, hiện đại. Mà giản đơn đến không ngờ. Giản đơn như chính con người ông vậy. Quá khứ lừng lẫy của một thần đồng bóng đá từng mưa làm gió sân cỏ những năm 60, 70 của thế kỷ trước dường như đã lùi xa trong ông.

Nên gặp Ba Đẻn bây giờ, câu chuyện với ông không phải là những hồi tưởng về quá khứ, mà là những chuyện đời, chuyện người của một người nhiều chiêm nghiệm. Cuộc đời ông được phủ bóng bằng những hào quang, nhưng dường như, đối với ông điều đó chưa bao giờ quan trọng. Một người sống giản đơn, thích ngao du, rong ruổi với bạn bè, thì mọi thứ hào quang, cũng chỉ là phù du mà thôi.

Thế nên, đến nhà Ba Đẻn hôm nay, tuyệt nhiên không có một bức ảnh ngày xưa, hay những huân chương, huy chương cả một đời ông cống hiến trọn vẹn cho niềm đam mê bóng đá. Thậm chí, người khác có thể nhớ mồn một những giải thưởng, những chiếc cúp kỷ niệm, những huân chương, huy chương, thì trong trí nhớ của Ba Đẻn, những điều đó với ông cũng không tồn tại.

Pha đi bóng của "Ba đẻn" (trước) trong trận Thể Công gặp Bưu Điện Hà Nội năm 1970.

Bởi, bóng đá là một niềm đam mê, hơn thế một lẽ sống. Ông sinh ra để dành cho nó, và đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình. Còn vinh quang ư, đâu phải là đích đến của cuộc đời ông. Những bức ảnh, kỷ vật, có cái nào, bạn bè xin, ông đều cho hết, chả giữ lại làm gì. Kỷ vật cũng chỉ là những thứ vô tri, cái quan trọng là trong lòng mọi người có nhớ đến mình hay không. Đó là cách Ba Đẻn sống giữa đời, không màu mè, hình thức, mà thuần chất như từ khi cha mẹ sinh ra ông vậy.

Những cảm nhận đầu tiên khiến tôi bất ngờ về một danh thủ nổi tiếng như ông. Với họ, câu chuyện thường là những hồi ức về quá khứ huy hoàng, về những hào quang của chiến thắng. Còn với Ba Đẻn, câu chuyện của ông được gói gọn trong hai chữ "giản đơn". 40 năm gắn bó với Thể Công, và về hưu. Chấm hết. Một lý lịch tưởng như chẳng có gì để nói nhưng lại chứa đựng cả một thế giới nội tâm sâu sắc.

2. Ba Đẻn rời Câu lạc bộ Thể Công về hưu từ năm 2008. Với lương của một đại tá quân đội có lẽ không đủ cho những cuộc ngao du với bạn bè của ông. Có rất nhiều Câu lạc bộ mời Ba Đẻn về làm huấn luyện viên, với những mức lương cao ngất trời, nhưng sau 40 năm đầm mình cho bóng đá, đâu phải vì tiền bạc hay sự giàu sang, nên bây giờ, dù mức lương có hấp dẫn đến đâu cũng không đủ làm Ba Đẻn thay đổi.

Có lẽ ông thèm cảm giác được tự do sống, tự do ngao du trong cõi đời mà không vướng bận đến những lo âu thường nhật. Tôi nhìn thấy sự mỏi mệt trong đôi mắt trũng sâu của ông. Mấy hôm nay Ba Đẻn đang bị đau chân, căn bệnh thời hiện đại khiến ông đi lại một cách khó khăn, thậm chí đôi khi bức bối. Bởi ông không thể ngồi một chỗ. Ông đi nhiều, tham gia vào các câu lạc bộ lão tướng, đá giao lưu với bạn bè.

Cách đây hai tháng, trong cuộc rong ruổi bên Đức, đám bạn lão tướng của ông đã tổ chức những trận đấu giao hữu với nhiều lão tướng bên đó. Ông không rời xa bóng đá, mà ông chọn một cách khác để được gần với bóng đá, nhưng lại không bó hẹp mình trong một môi trường quá chật chội và nhiều ràng buộc.

Ngồi nói chuyện với Thế Anh, ẩn sâu trong cái vẻ cũ kỹ, mộc mạc như một nông dân của ông, là một con người chơi, với một tâm hồn khoáng đạt, hồn hậu. Tầng 3, nhà Ba Đẻn có một khoảng dành riêng để trồng cây, nuôi chim và đọc sách. Chơi cây để dưỡng tâm và nuôi chim để dưỡng trí, các cụ xưa từng bảo thế. Góc phòng tầng 3 còn một khoảng dành cho sách.

Nếu không gặp Ba Đẻn ngoài đường, thì về đến nhà là ông lên căn phòng này, tận hưởng cảm giác thư thái hiếm hoi giữa cuộc đời tấp nập. Mà bây giờ gặp Ba Đẻn rất khó, ngày nào, không đi xa khỏi thành phố thì ông cũng có bạn mời đi nhậu, đến mức mà người vợ rất dễ tính của ông nhiều lúc phát  ghen tị với cái cách Ba Đẻn giao đãi với bạn bè đã chiếm hết gần tâm trí ông.

3. Ba Đẻn rất mê sách, đặc biệt là thơ và tiểu thuyết. Thời còn ở Câu lạc bộ Thể Công, ngoài những giờ khổ luyện, ông dành thời gian cho sách. Mê tiểu thuyết, mê thơ Puskin, Lermontov, chàng trai trẻ Ba Đẻn - Thế Anh ngày đó không chỉ là một nghệ sĩ trên sân cỏ mà còn là một nghệ sĩ thực thụ ngoài đời, biết cảm nhận và yêu cái đẹp. Và điều đó cũng thể hiện đẳng cấp của các cầu thủ bóng đá ngày xưa. Đẳng cấp không chỉ trên sân cỏ, mà đẳng cấp còn thể hiện ở những vẻ đẹp ẩn giấu trong tâm hồn họ.

Ngày đó, có một thời bóng đá Việt Nam đã từng chạm đến những đỉnh cao, khi từng làm mưa làm gió trên sân cỏ Trung Quốc trong trận thắng năm 1979 khiến đội bóng của nước láng giềng phải nể phục, ngày đó, đá nghiêng ngả với Triều Tiên, một đội bóng lớn trong những trận giao đấu quốc tế…

Ngày đó, thế hệ cầu thủ như Thế Anh - Ba Đẻn, chơi bóng mà không vướng bận gì ngoài trái bóng tròn, nhiều khi không được ra sân còn phát khóc, nhiều khi đi giày, đinh cắm vào chân chảy máu mà vẫn đá. Ngày đó, người dân chen chúc đổ xô đi xem bóng đá, để được nhìn thấy Ba Đẻn rê, dắt, thấy Bính, thấy Trọng Giáp đánh đầu…

Dấu ấn cá nhân của các cầu thủ in rõ trong từng trận đấu. Lâu rồi ông cũng không xem bóng đá Việt Nam, bởi lối đá thiếu thuyết phục, không có bản sắc, xem đã biết là sẽ thua. Ba Đẻn bảo, hình như bây giờ, cầu thủ chỉ cần chạy nhanh, chạy khỏe là được vào đội tuyển.

Sự mở rộng của các câu lạc bộ trong cơ chế thị trường là một tất yếu, nhưng đồng nghĩa với nó, chất lượng của bóng đá đang ngày càng đi xuống. Bóng đá Việt Nam bây giờ đang có xu hướng thuê các cầu thủ ngoại, trong khi đó ngày xưa đội tuyển Việt Nam từng có những trận đấu ngang ngửa với các đội bóng nước ngoài, Cuba, Tiệp Khắc, CHDC Đức… các cầu thủ trẻ giờ có đủ điều kiện vật chất, nhưng họ thiếu một tinh thần máu lửa, ý chí và lòng dũng cảm.  Cái "khí"  của người cầu thủ mới làm thành một cầu thủ giỏi trong từng trận đấu đã bị các cầu thủ trẻ quên lãng.

Ngày đó, Ba Đẻn và thế hệ ông đến với bóng đá chỉ có niềm đam mê, một niềm đam mê thuần khiết, không vướng bận đến tiền bạc. Nên khi nhắc lại những câu chuyện cá độ của các cầu thủ trẻ bây giờ, vụ của H.S. những năm 90, hay các cầu thủ Sông Lam Nghệ An, như V.Q., Q.V..… khiến những người làm nghề như ông đau lòng. Ba Đẻn trong cuộc trò chuyện với tôi không muốn nhắc lại những ký ức buồn như một vết nhơ trong lịch sử bóng đá. Nhiều mong muốn cho sự đổi thay của một nền bóng đá chuyên nghiệp hơn, nhưng lực bất tòng tâm.

Khi tôi đang viết bài về ông, trong một đêm Hà Nội  đầu đông se lạnh, đã khuya lắm rồi, Ba Đẻn bỗng gọi cho tôi, và trong chếnh choáng men say, ông đọc tặng tôi một bài thơ ông viết. Vẫn giọng của Ba Đẻn, “đời tôi giản đơn lắm, không có gì để viết đâu, chỉ cần viết một bài thơ này là đủ.”

Và ông đọc, cái giọng khàn khàn lẫn trong hơi men của rượu qua điện thoại, nghe xa xôi như tiếng vọng từ sâu thẳm của một tâm hồn luôn biết che giấu bên ngoài cái vẻ giản đơn của mình một nội tâm sâu lắng: Em ơi, người cầu thủ/ Sống cuộc đời tự do/ Khi gian lao vất vả/ Lúc nhẹ nhàng như chơi/… Đời cầu thủ hào hoa/ Sống vui khỏe chẳng già/ Yêu tình yêu tha thiết...

Tôi không muốn bàn đến thơ hay, hay dở, mà tôi chỉ muốn được thấu hiểu một tâm hồn, một cựu danh thủ bóng đá đã từng góp phần làm nên thương hiệu đầy tự hào của nền bóng đá nước nhà: Thể Công. Tôi vẫn cười mà nước mắt vẫn rơi/ Tôi vẫn vui mà lệ tràn đôi má/ Tôi tự hỏi tôi sao lạ quá/ Hay tại vì yêu mà nước chảy vào trong…

Bài thơ "Định luật vĩnh cửu" của Ba Đẻn được nhiều bạn bè chuyền nhau đọc trong các cuộc nhậu, và ông bảo, giờ này, tâm ông thực sự bình an. Nhưng tôi biết, phía sau sự bình an đấy, là những đợt sóng ngầm đang cuộn chảy trong một tâm hồn lãng du. Dẫu với Ba Đẻn được sống trong cõi đời, được cống hiến gần trọn đời cho bóng đá đã là một niềm hạnh phúc, vinh quang hay phiền muộn, cũng chỉ là phù du mà thôi…

Hà Nguyễn
.
.