NSƯT Quang Lý:

Một đời rũ áo phong sương

Thứ Ba, 19/11/2013, 11:33

Nói chuyện với Quang Lý, ở tuổi lục tuần, nhưng âm nhạc vẫn phủ kín tâm hồn ông. Đó là một thứ âm nhạc thuần khiết, không pha tạp mà ông đã sống cùng nó cả cuộc đời mình. Những bản tình ca đã đi cùng cuộc đời ông, rong ruổi trên những con đường, từng góc phố, từng góc khuất tâm hồn, đẹp và cũng rất đời.

Khán giả Hà Nội vẫn rưng rưng khi nghe Quang Lý hát Khúc mùa thu (Nhạc Phú Quang - thơ Hồng Thanh Quang) trong đêm ra mắt bộ thơ Nỗi buồn tốc ký của nhà thơ Hồng Thanh Quang tại Nhà hát Lớn. Giọng hát ấy như vang lên từ lâu lắm rồi, thẳm sâu trong ký ức của một thời xưa cũ. Nguyên khiết và tinh tế. Hình như, với những người nghệ sĩ như ông, thì tiếng hát đã vượt qua những kỹ thuật, kỹ xảo. Và đến với trái tim người nghe một cách nguyên vẹn. Nhưng nghe Quang Lý hát, cảm nhận ở ông, không chỉ là một giọng hát đẹp, mà giọng hát ấy, mang đầy đủ những dư vị của một đời nghệ sĩ gió bụi phong trần.

Cuộc đời Quang Lý là những cuộc thiên di. Ông sinh ở Thái Lan. 9 tuổi mới về Việt Nam, sống ở Hải Phòng. Rồi lên Hà Nội, làm việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Lấy vợ, về lại Hải Phòng. Nhưng cuộc sống ở vùng đất biển chỉ có sóng và gió, chỉ có vị mặn mòi của biển ấy, không đủ rộng cho tâm hồn nghệ sĩ vẫy vùng. Có lần gặp Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung, chính Lê Dung đã khuyên Quang Lý hoặc lên Hà Nội, hoặc vào Sài Gòn.

Thế giới đó mới đủ rộng lớn cho ông. Và một cuộc thiên di lớn nhất trong cuộc đời ông, đó là quyết định vào Sài Gòn đầu quân về Nhà hát Bông Sen. Những cuộc thiên di, được mất, những năm lăn lộn kiếm sống đã chắt lọc cho ông vốn sống, để tâm hồn nghệ sĩ gần hơn với cuộc đời. Ông đi, dịch chuyển nhiều đến mức, bạn bè muốn tìm mời ông hát, có khi phải lục tung cả Sài Gòn lên. Hồi đó chưa có điện thoại. Có lần một phóng viên Báo Lao động đã phải đăng tin tìm Quang Lý trên báo mới gặp được ông. 

Sài Gòn những năm 1980, nghèo khó, chật vật. Quang Lý gặp nhạc sĩ Trần Tiến, khi Quang Lý hát Ngẫu hứng lý qua cầu của Trần Tiến, nhiều khán giả thích. Phải duyên nhau, Trần Tiến rủ Quang Lý đi hát kiếm sống. Mỗi người một cây ghi ta, và chiếc vespa cổ của Trần Tiến rong ruổi khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc. Khi ở nhà máy dệt, lúc ở công trường, lúc hát cho sinh viên nghe, lúc cho những người dân lao động chân lấm tay bùn.

Chiếc vespa cổ của Trần Tiến lúc nào cũng phải mất 10 phút khởi động, có khi phải è cổ đẩy cả một đoạn đường dài. Thế mà một “chim én” Quang Lý và một “chim cú” Trần Tiến đã có những năm tháng đẹp như thế, hát cho đồng bào tôi nghe. Nói là hát kiếm tiền, nhưng chưa hết cuộc thì tiền đã cạn túi. Thù lao là những chiếc áo, những cân đường, đôi khi là củ sắn, củ khoai bà con tặng. Một thời nghèo khó nhưng tâm hồn phơi phới. Quang Lý nói, ông cảm ơn những ngày tháng đó, đã cho ông nếm trải nhiều dư vị của cuộc sống.

Vì thế trong giọng hát trữ tình đẹp của ông, có cả chất tự do hoang dại của đời sống rộng lớn ngoài kia. “Tôi có may mắn lớn lên trên vùng đất biển khoáng đạt. 12 tuổi tôi đã chạy dài trên những bãi cát. Ngoài kia là biển, hát tướng lên cho bạn bè nghe. Rồi lớn lên, tôi được đi nhiều nơi, hát khắp công trường, cho cả những người dân lao động. Hát trên cả những mảnh đất đau thương trong những năm chiến tranh. Cuộc sống đó đã làm nên tôi hôm nay”. 

Có một thời đoạn, suốt những năm 1980, cả xã hội vất vả,  nghèo túng. Nghệ sĩ lại càng nghèo. Kiếm tiền nuôi thân còn chưa đủ. Quang Lý xắn tay vào lo toan cuộc sống với vợ, phụ vợ may hàng gia công, làm kem, bánh ngọt bỏ mối vẫn không đủ sống. Nhiều lúc phải bán cả quần áo biểu diễn để lấy tiền đóng học cho con. Cùng cực, bức bối, Quang Lý đã nghĩ sẽ bỏ nghề hát.

Nộp đơn vào một công ty, trên đường về, ông buồn ứa nước mắt. “Mình điên rồi sao. Tại sao phải chạy theo những thứ ngoài mình như thế, cuộc đời mình sinh ra chỉ để hát mà thôi”.

Đi qua những năm tháng chật vật không mấy dễ dàng, đến những năm 1990, thù lao đi hát đã bắt đầu giúp Quang Lý trang trải ổn thỏa việc gia đình. Tiếng hát của ông xuất hiện trong hầu hết những chương trình lớn ở Sài Gòn - Hà Nội những năm 1990 và những chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Có lần sang Argentina, Quang Lý hát bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Văn Cao. Một bài hát rất lạ lẫm với người nước ngoài. Nhưng khi ông vừa dứt tiếng hát, cả khán phòng đứng dậy vỗ tay rào rào. Việt Nam có những giai điệu đẹp đến thế. Bởi ông đã hát bằng cả tâm hồn mình.

Quang Lý tuổi 60 vẫn giữ được nét hào hoa phong trần của người nghệ sĩ. Câu chuyện của ông cũng dịu dàng, thủ thỉ như một lời tâm tình. Tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm, nặng nợ với đời ấy, đã khiến nhiều khán giả khóc vì những bản tình ca buồn. Có một thời, nhiều người nương nhờ tâm hồn mình trong những bản tình ca ông hát.

Bởi ngay cả khi ông hát về nỗi buồn, hay sự đau đớn, thì vẫn mang đến cái đẹp thánh thiện của nỗi buồn. Có thể nói, Quang Lý đã truyền tải một cách nguyên vẹn nhất, nỗi buồn sang trọng của những bản tình ca ấy. Những Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, rồi sau này là Phú Quang. Sự thao thiết trong tiếng hát của ông vẫn khiến những trái tim run rẩy. 

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm sao để truyền được cảm xúc của mình đến khán giả”. Bởi cuộc đời, hữu xạ tự nhiên hương. Những gì chân thành từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Thế nên dù đi qua một cuộc đời gió bụi, ông vẫn giữ trong mình cái nhìn tin yêu cuộc đời này. Như những bản tình ca,  ngay cả khi buồn vẫn đẹp. Cái đẹp cứu rỗi cả thế giới. Những huân huy chương ư, ông có đầy một tủ những huy chương vàng trong những cuộc thi, ông cất vào một góc kỷ niệm. Nhưng đối với ông, huy chương hay cả sự nổi tiếng chưa bao giờ quan trọng.

Giờ tuổi đã cao, không đi hát nhiều, Quang Lý chỉ chọn những gì mình thích. Đôi khi không phải là những khán phòng sang trọng, mà đơn giản, chỉ là hát cho sinh viên, cho những người lao động. Ông không thích hát phòng trà. Hàng tháng ông vẫn xuất hiện trong những chương trình lớn như Những bài ca đi cùng năm tháng Mùa thu và mãi mãi. Sống chậm rãi vậy thôi.

Trong thế giới ồn ã, vội vã của Sài Gòn, vẫn có những góc riêng, chậm trôi. Và tiếng hát của ông, như một mạch nước ngầm len chảy âm thầm, bền bỉ vào trái tim người nghe. Đó là thế giới của Quang Lý. Lặng lẽ nhưng không đơn độc. Hơn 20 năm sống ở Sài Gòn, ăn cơm Sài Gòn, uống nước Sài Gòn, nhưng Quang Lý vẫn giữ sự bình an tự tại và cả phong thái nho nhã của người Bắc Kỳ.

Ông có một gia đình bình yên. Một người vợ yêu thương và chung tình, biết níu chân kẻ lãng tử phong trần. Đời sống giản dị vậy thôi. Những đứa con của Quang Lý đều đã trưởng thành, không theo nghiệp hát nhưng hiểu và yêu âm nhạc. Có lẽ thế là đủ. Đời nghệ sĩ, cũng là số phận. Khi số phận không chọn, mình đừng cố. Cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Ông đi nhiều, bạn bè tứ chiếng, trong Nam, ngoài Bắc. Tình tri kỷ, tình nghệ sĩ. Ôi, những thứ tình dằng díu trong cuộc đời nghệ sĩ đa cảm của ông. Những tình, như là gió thoảng, như mây trôi, hiện hữu đấy mà mơ hồ đấy. Nhưng sẽ là trống rỗng, nếu tình yêu bỏ ta mà đi. “Khi tình yêu rời bỏ mình mà đi, thì tâm hồn không còn xúc cảm, và tôi không thể hát được nữa”. Vì thế, khi hát, Quang Lý thường nhớ về những mối tình trong tâm tưởng. Để rồi khi dứt tiếng hát, ông lại trở về với thực tại. Bởi sau những bước phong trần mỏi mệt, ông biết, mình có một mái ấm để trở về.

Ông nói, ông thích sự hồn nhiên trong âm nhạc. Sự hồn nhiên mà trong đời sống ồn ào, đua chen này, chẳng còn mấy ai giữ được.  Ông say sưa kể về một cô gái, xuất hiện trong một chương trình âm nhạc của châu Âu, tìm kiếm tài năng trẻ. Cô gái ấy, mặc một bộ đồ trắng tinh khôi như thiên thần. Và khi cô cất tiếng hát, ông thấy gai người.

Tiếng hát ấy, tâm hồn ấy, như trở về với sự sơ khởi, trong veo và nguyên bản của âm nhạc. Và cô gái đó đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi. Thế nên, nhiều năm làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc trong nước, hay bây giờ giảng dạy cho học trò, Quang Lý luôn muốn giữ lại sự hồn nhiên trong tiếng hát của các em. “Tuy nhiên, có thể bây giờ giới trẻ nghĩ khác, họ thích phải ồn ào, phải phô trương hơn. Có lẽ tôi đã thuộc về những giá trị xưa cũ”.

Nhưng không, những giá trị xưa cũ, nó vẫn có vị trí trong đời sống hôm nay, khi nghe Quang Lý hát. Và tôi tin, đó là những gì còn lại với đời sống sau này

Việt Nguyễn
.
.