Bà Bùi Thị Thạch - vợ hiền của nhà thơ Quang Dũng:

Mộng chết ta - người vẫn biệt nhau

Thứ Hai, 04/01/2010, 16:18
Tôi trở lại ngôi nhà tuổi vàng ở khu đô thị mới Linh Đàm để thăm bà Bùi Thị Thạch (tức chị Diệm) người vợ hiền của nhà thơ Tây Tiến Quang Dũng sau một năm phát hiện ra bà vẫn còn sống và tồn tại trong lòng Hà Nội. Như bất kỳ mọi vùng miền nào trên quả địa cầu này, Hà Nội  đã vừa thêm một năm nữa đi qua. Thời gian luôn làm tròn phận sự duy nhất của mình là nhanh chóng xếp đặt cái vừa xảy ra vào ngăn quá khứ của đời sống.

Mỗi một ngày ta đang sống, mỗi một phút giây ta đang qua đều đã là quá khứ của những gì đang tới. Chầm chậm thôi, trong gió lạnh tê buốt của những ngày cuối cùng của năm, trong cái náo nức rực rỡ của phố phường mùa lễ Giáng sinh và đón mừng năm mới, tôi chầm chậm bước vào ngày hôm qua, vào năm đã cũ để gặp lại nhân vật của mình.

1. Năm ngoái cũng dịp này, cũng sắp sửa Giáng sinh, cũng náo nức phố phường chăng đèn giăng hoa vào mùa lễ hội. Cô giáo Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ Quang Dũng chở tôi đi trong mưa phùn đông giá để tới gặp mẹ, bà Bùi thị Thạch, người vợ nhất mực lặng lẽ của nhà thơ Quang Dũng.

Ngày đó, khi bước vào căn nhà tuổi vàng, nhìn thấy các cụ già mang những gương mặt vô cảm, ngác ngơ, co ro trong từng vuông giường chật hẹp của mình, ăn, uống, ngủ nghỉ theo chế độ của một trung tâm điều dưỡng, tôi đã ái ngại xót thương. Mỗi một cụ già một hoàn cảnh, trong đó có những cảnh đời éo le, những thân phận buồn, có cả những người cô đơn không nơi nương tựa.

Hầu hết những cụ già được gửi tới ngôi nhà tuổi vàng đều đã bước vào thế giới vô thức, nửa tỉnh nửa mơ, bệnh tật đầy người, mà cái sự mơ ảo gần như là ngự trị thường xuyên. Vì gia cảnh của các cụ neo người, không có ai chăm sóc, nên gia đình đã gửi các cụ tới ngôi nhà tuổi vàng để các cụ được chăm sóc theo chế độ điều dưỡng, thường xuyên có điều dưỡng viên theo dõi diễn tiến của bệnh tật, thuốc thang kịp thời và có can thiệp y tế ngay khi xảy ra sự cố. Mô hình nhà tuổi vàng của tư nhân vẫn còn là mô hình mới mẻ trong đời sống hiện tại và nhiều người vẫn chưa thể quen được với việc ai đó có thể gửi bố và mẹ của mình trong tình trạng không còn tỉnh táo, và làm chủ được bản thân vào các trung tâm dưỡng lão. Mặc dù những ngôi nhà tuổi vàng như thế này lập ra thật cần thiết và chăm sóc cận kề cho người già bệnh tật, mất trí nhớ.

Song với quan niệm phong kiến, về chữ hiếu, về đạo lý của người Việt Nam, và những e ngại dư luận xã hội vẫn đè nặng trong tâm lý của người Việt. Bởi vậy, chỉ khi không còn tìm được một giải pháp nào khả dĩ nữa thì các gia đình mới tìm đến phương án mang bố mẹ vào gửi nơi này. Tâm lý ngại dư luận, tình thương các bậc sinh thành đè nặng, song các gia đình cũng đành phải giấu đi những giọt nước mắt xót xa, giấu đi những lời thị phi của người đời, và quan trọng nhất là gạt bỏ những quan niệm cũ để yên tâm làm việc vì đã có người chăm sóc cho cha mẹ mình.

Nhà của nhà thơ Quang Dũng có 5 người con. Con trai cả Bùi Quang Vĩnh nguyên là giảng viên Đại học Nông Lâm Bắc Thái. Anh Bùi Quang Doãn là bộ đội phục viên. Anh Bùi Quang Thuận công tác ở Công ty Bảo trì bão dưỡng khách sạn TP HCM. Chị Bùi Phương Hạ là giáo viên Trường Mầm non.

Chị Bùi Phương Thảo hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình nhà thơ Tây Tiến có những nỗi éo le lận đận riêng. Anh Bùi Quang Doãn sau khi ra quân, sức khoẻ yếu do ảnh hưởng sức ép bom đạn của quãng thời gian tham gia chiến trường. Anh bị trọng bệnh mất lúc 49 tuổi khi hai cháu đang còn bé.

Chị gái Bùi Phương Hạ bị bệnh tim, mất lúc tròn 35 tuổi. Hiện nay còn lại 3 anh em, mỗi người ở mỗi phương trời. Anh cả Vĩnh Nguyên ở Thái Nguyên cũng hoàn cảnh, vợ bị trọng bệnh, đau yếu mấy năm nay phải chăm sóc. Anh Thuận xa quê hương vào làm ăn tận TP HCM không thể nào đưa mẹ vào trong kia chăm sóc được. Chị Phương Thảo ở Hà Nội, trong căn nhà vài chục mét vuông với ba thế hệ cùng sinh sống. Ngày bà Thạch còn khoẻ, đi lại được, bà khăn gói tới các con ở với người này một thời gian, với  người kia một thời gian cho đỡ nhớ các con.

Khi bà ốm đau bệnh tật, con gái Phương Thảo có thể có điều kiện để gần gũi, chăm sóc mẹ nhất thì nhà cửa lại quá chật chội, để thu xếp cho mẹ một chỗ có người giúp việc và y tá chăm sóc hằng ngày là điều không thể thực hiện được.

Hai năm nay, sau khi bà Bùi Thị Thạch ngã gãy chân không thể hồi phục được và nằm liệt một chỗ, các con bà đã đưa mẹ vào ngôi nhà tuổi vàng để tiện chăm sóc. Chị Thảo, con gái còn lại duy nhất của nhà thơ Quang Dũng với bà Thạch cũng tiện chạy đi chạy lại để trông nom mẹ. Ngôi nhà tuổi vàng cho mẹ trở thành giải pháp số một của cả đại gia đình.

Cũng nhờ được chăm sóc chu đáo tại ngôi nhà tuổi vàng, mà bà Thạch đã duy trì được sự sống, sức khỏe từ chỗ bệnh tình rất nguy kịch cầm chắc cái chết cho đến ngày hôm nay, sang năm 2010 bà đã thọ gần trăm tuổi.

2. Mùa đông năm nay, bà Thạch không thể ngồi dậy được nữa như mùa đông năm ngoái bà tiếp chúng tôi. Mọi khớp xương đã thoái hoá nặng, bà chỉ còn nằm một chỗ trên giường thiêm thiếp như đứa trẻ. Cách đây 1 tháng, bà lên một cơn huyết áp cao, khó thở. Thật may mắn hôm đó chị Thảo tới thăm mẹ. Linh cảm sức khoẻ của mẹ có vấn đề chị đã ra về rồi nhưng vẫn nán lại với mẹ và kịp thời đưa mẹ vào viện cấp cứu. Bà Thạch đã thoát chết một cách thần kỳ có lẽ nhờ tình yêu của bà với các con đã níu kéo sự sống.

Nhớ năm ngoái, bà còn ngồi dậy, còn ôm khư khư trước ngực cuốn thơ của nhà thơ Quang Dũng và tinh nghịch chỉ vào bức ảnh của nhà thơ Quang Dũng nói rằng ông ấy là người yêu trong mộng của bà. Nói với chúng tôi vậy rồi bà cười nghiêng ngả. Trong thế giới ảo, bà nhớ được những ký ức xưa cũ về nhà thơ Quang Dũng và ngày bà còn là cô tiểu thư xinh đẹp ở vùng rừng Yên Bái. Bà khoe bà mặc quần soóc trắng đi xe đạp, hai cặp giò dài như các cô gái chân dài bây giờ, nước da bà trắng ngần.

Lần nào chị Thảo đến bà cũng năn nỉ: "Đây không phải nhà của mẹ, con đưa mẹ về". Đến khi chị Thảo về thì tối nào bà cũng đòi chủ nhà tuổi vàng gọi cho cái Thảo bảo nó lên với mẹ kẻo mẹ nhớ lắm. Đến khi chị Thảo lên thì bà nhìn chị Thảo ngó lơ, ai mà nhìn quen quen nhưng không nhớ ra nữa rồi cứ thế nghệt ra cười.--PageBreak--

Giờ đây, mọi sự giao tiếp vui vẻ của năm ngoái đã kết thúc. Bà Thạch nằm trên giường, không buồn không vui, gương mặt mỗi ngày một trong dần ra trong sự mong manh sương khói của sự sống. Bà cứ nằm lặng yên như vậy, mắt mở to lắng nghe mọi người trò chuyện, không biểu lộ cảm xúc. Chỉ đến khi chị Thảo chào mẹ để ra về, bà mới cố rướn người lên, như thảng thốt, như buồn hiu, như tiếc nuối, và bà bật lên chỉ một câu thôi: "Lại về à".

Có cảm giác như bà nhận biết hết bằng trực giác, bằng linh cảm của người mẹ nhưng có thể vì sức khoẻ, vì sự mỏi mệt, bà đứng ra bên lề của cuộc trò chuyện, của những gì đang xảy ra mà không đủ sức để bận tâm. Đã từ lâu bà gắn chặt với vuông giường này, với những gương mặt cũ già và cũng bệnh tật, mất hết trí nhớ quanh bà.

Đã từ lâu, thế giới của bà ngưng đọng lại trong 4 bức tường… Nhớ lại cũng dịp này năm ngoái, sau khi loạt bài về bà Thạch in lên báo ANTG, có một người vì yêu thơ Quang Dũng, vì thương cảm cho cuộc đời của thi sỹ đã tìm đến thăm bà, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bà và các con, hứa sẽ bỏ tiền túi của mình để làm nhà lưu niệm cho nhà thơ Quang Dũng.

Thế nhưng, lực bất tòng tâm, chị Phương Thảo đã đi về năm lần bảy lượt để liên lạc với quê hương, nhưng có một chỗ để làm phòng lưu niệm cho nhà thơ Quang Dũng trên quê hương Đan Phượng thật không dễ. Vì thế cho đến bây giờ, mọi ước mong chỉ vẫn là mong ước. Những người yêu thơ Quang Dũng vẫn thường vang giọng đọc thơ ông trong những khán phòng, vẫn thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu và có những bài viết mang tính phát hiện mới về thơ của ông nhưng phần đời còn lại của ông, số phận của bà Thạch vợ hiền của nhà thơ Quang Dũng thì dường như xã hội đã gần như quên lãng. Thiết nghĩ, những ai yêu nhà thơ Quang Dũng, mến mộ thơ ông trên khắp đất nước này, xin hãy một lần ghé thăm phần đời còn lại của nhà thơ Quang Dũng là bà Bùi Thị Thạch nơi này…

Tôi nhớ câu thơ của Quang Dũng viết cho vợ ngày còn trẻ khi ông bà ly biệt xa nhau vì hoàn cảnh chiến tranh: "Tay nắm trong tay đầu sát đầu/ Đôi tim hồi hộp đập bên nhau/ Thôi rồi mở mắt tan đôi lứa/ Mộng chết ta - người vẫn biệt nhau".

3. Chị Bùi Phương Thảo, con gái út của nhà thơ Quang Dũng và bà Bùi Thị Thạch có lẽ là người con duy nhất làm sợi dây nối giữa gia đình nhà thơ Quang Dũng với bạn văn, bạn thơ với đồng nghiệp của bố chị và cả những người yêu thơ Quang Dũng, hâm mộ thơ Quang Dũng tìm đến với gia đình. Ngày nhỏ, chị Thảo cũng là người con may mắn nhất được bố dắt đi các trại viết, các hội nghị, hội thảo văn học nghệ thuật. Lớn lên trong môi trường văn học, trong không khí thơ ca, và thấm đẫm những câu thơ, hồn thơ của bố, của các nhà thơ bạn bố, chị Thảo là người lưu giữ nhiều nhất những ký ức về bố. Sau khi nhà thơ Quang Dũng mất được mấy năm, Câu lạc bộ Thơ xứ Đoài được thành lập. Mỗi lần Câu lạc bộ Thơ xứ Đoài tổ chức hội họp, thể nào cũng có giấy mời tới gia đình nhà thơ Quang Dũng.

Những lần như vậy, chị Phương Thảo lại dắt mẹ đi. Những người yêu thơ xứ Đoài đã không bao giờ lãng quên phần đời còn lại của nhà thơ Quang Dũng, đó là bà Bùi Thị Thạch và các con của ông bà mà chủ yếu là chị Bùi Phương Thảo. Không biết có phải vì lớn lên trong không khí văn chương thơ ca của bố, và theo suốt cả cuộc đời mình là những ám ảnh thơ bố đã từng viết mà chị Phương Thảo đã đến với thơ như một cuộc hội ngộ muộn màng mà ý nghĩa.

Ngoài việc dạy học, chị tham gia Câu lạc bộ Thơ xứ Đoài. Mỗi tháng dăm ba bận, chị gác hết công việc để tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật của Câu lạc bộ Thơ xứ Đoài như là một cách để chị trở về với cội nguồn, với một nơi chốn linh thiêng vẫn cất giữ những ký ức về bố, về gia đình chị.

Chị Phương Thảo đã xuất hiện trên làng văn dè dặt với những bài thơ ban đầu. Những bài thơ về bố, về mẹ, về gia đình đã phần nào nói lên tâm hồn của người con gái hiếu thảo. "Lúc bé ngóng mẹ qua song cửa/ Mẹ nay già mong con tựa lưng thềm/ Bạc đầu mẹ chăm con dâu bể/ Con được đôi ngày muối bỏ khơi xa/ Thôi thì số trời con xa mẹ/ Mỗi lần đến thăm phải mấy lần xe/ Nhỏ to quây quần cũng đành chốc lát/ Tiễn con đi bóng mẹ ướt sau hè/ Gập ghềnh đường về núi xa mờ khói/ Phố rồi làng ngai ngáí hương quê/ Vần vũ chiều đông mây trời nằng nặng/ Sâu thẳm lòng con mây đã mưa giông" (Mây chiều). "Con về Đan Phượng chiều vàng ngập nắng/ Dọc những làng đường trải mịn lối xe/ Ở tít xa kia Ba Vì xanh thẫm/ Nhận giọng quê mình quá đỗi thân quen/ Chạy chân trần trên bờ đê cỏ ngát/ Bếp khói rơm thơm đến nao lòng/ Nghe rất nhẹ bông cỏ đậu trên tóc/ Buông dài khung cửa đẫm hương cau/ Trên quê hương cha đổi thay từng phút/ Phố đông người cao vút nhà xây/ Chợ Phùng vãn họp đôi phiên mỗi tháng/ Kẽo kẹt gánh gồng lúng liếng trầu cay/ Hành trang vào đời con mang theo tên cha/ Bấy nhiêu yêu thương trái tim thành chật chội/ Bật lên câu-chữ, vuông-tròn hình khối/ Xếp lại thành thơ để được gần cha hơn" (Đan Phượng chiều vàng)

N.B.
.
.