Mối tình cay nghiệt giữa danh ca Callas với tỷ phú Onassis

Thứ Tư, 26/05/2010, 10:12
Là giọng ca opera hàng đầu thế giới, Maria Callas dường như đã quá thừa thãi vinh quang và của cải. Thế nhưng, cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình, nàng vẫn cay đắng vật vã trong những thiếu hụt tình yêu. Người đã làm cho tim nàng đập nồng nàn nhất và cũng làm cho nó tan nát nhất là nhà tỉ phú khét tiếng Hi Lạp Aristotle Onassis.

Cô bé có cái tên khai sinh Maria Anna Sophia Cecelia Kaloge-ropoulou cất tiếng khóc chào đời ngày 2/12/1923 tại New York trong gia đình gốc Hy Lạp nhập cư vào Mỹ. Cha nàng là chủ một tiệm thuốc chữa bệnh, còn mẹ chỉ lo việc nội trợ. Trước khi sinh hạ nữ danh ca tương lai, cha mẹ nàng đã phải gặp một tấn thảm kịch: họ bị mất cậu trai duy nhất. Trong cơn tuyệt vọng, ông bà Kalogeropoulou đã bỏ quê hương sang Mỹ. Có mang đứa con mới trong lúc vẫn để tang đứa con trai vừa mất, người mẹ, đã có một cô con gái lớn rồi, cứ khấn chúa cho xin một đứa con trai nữa. Thế nhưng, đứa bé sinh ra lại là con gái. Thế là người mẹ suốt bốn ngày liền không hề chạm tới Maria.

Thái độ ghẻ lạnh bất công này còn tồn tại mãi về sau và khiến nữ danh ca tương lai vô cùng đau đớn. Thêm vào đó, Maria lại chỉ có ngoại hình rất khiêm tốn, vừa béo, vừa vụng về lại cận thị, nên cô bé càng tủi thân và ghen với người chị Jackie, xinh đẹp và hoạt bát. Vì ít được mẹ quan tâm nên lúc nào Maria cũng ăn vặt. Niềm vui duy nhất của cô bé là tập hát. 3 tuổi, Maria đã chăm chú lắng nghe những băng đĩa nhạc cổ điển. Năm tuổi, cô bé học đàn dương cầm và lên 8, bắt đầu học hát.

Gia đình Kalogeropoulou đã phải sống khá tùng tiệm nhưng dù sao cũng cố gắng cho Maria được học hành tử tế về âm nhạc. Ngay từ khi còn bé, nữ danh ca tương lai đã được đưa tới tham dự khá nhiều cuộc thi thanh nhạc. Còn giữa các cuộc thi là những buổi tập hát, như chính Maria sau này thú nhận, luôn "mệt bã cả người!". Những ký ức tuổi thơ của Maria còn bị ám ảnh bởi một chuyện u ám nữa. Năm lên 6, cô bé đã bị tai nạn ôtô và phải nằm bất tỉnh suốt 12 ngày sau đó. Chỉ nhờ may mắn mà Maria sống lại được…

Rồi cha mẹ của nữ danh ca tương lai đã ly dị nhau. Năm 1937, người mẹ cùng con gái trở về tổ quốc cũ Hy Lạp. Tại đó, năm 1938, Maria vào học ở Nhạc viện Athens. Vừa ở tuổi 15, Maria đã hát vai Santuzza trong vở opera "Cavalleria rusticana"  của nhà soạn nhạc người Italia nổi tiếng Pietro Mascagni trước công chúng và năm 16 tuổi, xướng ca đã là nghề kiếm sống của nàng. Nàng đã biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Trữ tình Athens. Thù lao của Maria đã trở thành nguồn thu nhập duy nhất của gia đình trong những năm đói kém của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.

Và sống ở đâu thì nữ danh ca cũng luôn nhớ về nước Mỹ, nơi đã trôi qua tuổi thơ của nàng và cũng là nơi cha nàng ở đó. Vào giữa những năm 40 của thế kỷ trước, Maria đã sang lại Mỹ, nhưng không thể thích ứng được với gia đình mới của cha mình. Thế là nàng lại quay trở lại châu Âu và năm 1947, đã ký được hợp đồng lớn đầu tiên - nàng sẽ đảm nhận vai La Gioconda trên sân khấu Arena di Verona.  Cũng ở đó nàng đã làm quen với nhà công nghiệp giàu có và vô cùng mê opera, Giovanni Battista Meneghini. Ông lớn gấp đôi tuổi nàng và đã trở thành người bảo trợ cũng như là bạn trai của nàng. Sau hai năm quen biết và thân thiết, họ đã kết hôn với nhau tại Florence. Ông Meneghini đã là một người chồng tận tụy và tìm mọi cách để hỗ trợ cho sự nghiệp nghệ thuật của Maria, bảo vệ nàng khỏi mọi phiền toái đời thường…

Sự nghiệp nghệ thuật của Maria từ đó không ngừng phát triển. Từ năm 1950, nàng đã hát trên sân khấu La Scala (Italia). Năm 1951, Maria tham gia vào dự án quốc tế dựng lại vở opera đã bị quên lãng của nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Franz Joseph Haydn "Tâm hồn triết gia hay Orpheus và Eurydice". Từ năm 1952, Maria lại rất thành công trên sân khấu Covent - Garden (London, Anh)…

Danh mục những tác phẩm mà Maria thể hiện thành công ngày một gia tăng. Vai Medea trong vở opera của nhà soạn nhạc lỗi lạc Italia, Luigi Cherubini mà nàng thể hiện tại Florence năm 1953 đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ… Maria liên tục đi du diễn ở khắp châu Âu, Nam Mỹ, Mexico. Năm 1956, Maria đã gặt hái được vinh quang tột đỉnh ở thành phố nơi cô đã sinh ra với vai Norma trong tác phẩm tuyệt vời của nhà soạn nhạc người Italia, Vicenzo Bellini. Vai diễn này cùng vai Lucia di Lammermoor trong vở opera cùng tên đã được các nhà phê bình âm nhạc xếp vào danh sách những thành tựu hàng đầu của nữ danh ca. Các nhà phê bình cực kỳ sảng khoái trước cái mà họ gọi là "sự không chuẩn mực thiên tài" trong giọng hát của Maria, luôn có thể mê hoặc người nghe…

Trong các vở opera, nữ danh ca đã sống trọn vẹn những mảnh đời hạnh phúc của mình. Và nàng đã nói rằng, chỉ khi nàng hát, nàng mới cảm thấy nàng được yêu thương…

Cuộc hôn nhân của nàng với nhà công nghiệp Battista lúc đó đang trong giai đoạn ổn định và có vẻ như hạnh phúc. Chỉ có một điều khiến nàng buồn - đó là việc không thể nào có con chung. Chồng nàng khi đó đã ngoài 60 tuổi, còn nàng đã ở tuổi ngoài tam thập, khi hai người thực sự muốn có con cùng nhau… Năm 1956, Maria nói về chồng mình: "Tôi không thể nào hát nếu không có anh ấy. Nếu tôi là giọng hát thì anh ấy là tâm hồn". Thế nhưng, sang năm 1957 đã xảy ra một chuyện làm đảo lộn đời nàng.--PageBreak--

Chính trong năm 1957, trong một vũ hội ở Venice, Maria đã được Elsa Maswell, một người chuyển giới đã nhọc công vô ích tìm kiếm quan hệ thân mật với nàng, giới thiệu với tỉ phú người Hy Lạp Aristotle Onassis. Đó cũng là một sự trả thù tinh tế và tinh quái của Elsa Maswell đối với những người bạn Hy Lạp mà cô ta cho là luôn thay lòng đổi dạ như chong chóng…

Hai năm sau, Maria và chồng đã nhận được giấy mời của Onassis đi nghỉ trên du thuyền Cristine của ông ta. Trong chuyến đi đó còn có nhiều nhân vật lừng danh khác như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill hay tài tử điện ảnh Mỹ Gary Cooper… Và thế là Maria đã bị mắc bẫy tình. Onassis chỉ trẻ hơn chồng nàng có 9 tuổi mà thật sung mãn và nồng nàn. Khác với Battista, Onassis nói được bằng nhiều thứ tiếng, sở hữu nhiều tỉ USD (Battista chỉ có vài chục triệu USD thôi!) và tiêu tiền một cách rất vô tư và thú vị. Còn chồng nàng thì lại luôn tằn tiện nên không thể như Onassis nghĩ ra được một dạ hội rải đầy hoa hồng đỏ để chúc mừng Maria tại khách sạn lừng danh Dorchester ở London

Và lửa đã bén rơm rừng rực. Maria bị tình yêu quyến rũ mạnh mẽ đến mức nàng cứ nghĩ đó là tình song phương và lần đầu tiên trong đời, nghiệp hát đã trở thành thứ yếu. Nàng bỏ nhiều hợp đồng béo bở. Nàng cũng bỏ chồng để tới Paris cho gần với Onassis.

Thế nhưng, nhà tỉ phú Hy Lạp lại chưa vội ly dị với vợ vì làm thế có thể ảnh hưởng tiêu cực tới công việc kinh doanh của ông ta. Trước những dằn dỗi của Maria, Onassis chỉ đánh trống lảng bằng những lời hứa suông…

Thế là Maria đã bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Đôi khi nàng phải bỏ diễn. Giọng ca tuyệt vời đã có những lúc phản lại nàng. Khi bắt đầu phiên tòa ly dị, có lần khi hát vai Lucia ở Dallas, Maria đã không lên được nốt cần thiết. Thảm họa đã xảy ra khi ngày 11/12/1961, trên sân khấu La Scala, Maria khi thể hiện vai Medea, vì nhìn mãi không thấy Onassis trong khán phòng, đã hoàn toàn bị mất giọng ở màn hai. Đó là một thất bại lớn. Sau vụ này, Onassis đã qua điện thoại mắng nàng là đồ vớ vẩn…

Mâu thuẫn đỉnh điểm xuất hiện nhiều năm sau ngày hai người làm quen với nhau - khi Maria đã 43 tuổi. Chỉ khi ấy nàng mới có mang và nàng hiểu ra rằng, đó là cơ hội được làm mẹ cuối cùng của nàng. Thế nhưng, Onassis đã buộc nàng phải chọn: hoặc là ông ta, hoặc là con. Ông ta nói rằng ông ta không cần thêm đứa con nào nữa vì đã có một con trai, một con gái là những người thừa kế rồi.

Maria vô cùng sợ mất Onassis nên nàng đã đi nạo thai. Cho tới nửa năm sau, nàng vẫn chưa hoàn hồn. Để nàng đồng ý nạo thai, tỉ phú Hy Lạp đã mua tặng nàng một tấm áo choàng lông và hứa tặng hòn đảo Scorpios ở Hy Lạp. Ông ta đã thực hiện lời hứa nhưng nàng sẽ không bao giờ được diễm phúc tới ở miền đất tuyệt vời ấy.

Tháng 10/1968, Maria hay tin rằng Onassis đã cầu hôn góa phụ của cố Tổng thống Mỹ John Kennedy, bà Jackie. Năm 1969, đám cưới của họ đã được tổ chức. Khi nhận được thông báo của Onassis qua một người quen về chuyện này, Maria đã viết cho ông ta: "Anh chắc sẽ không tin rằng em có thể chết vì tình yêu. Anh hãy nhớ rằng em giờ coi như đã chết. Thế giới đã kết thúc. Em không thể hát được nữa… Anh tới đâu cũng phải bị kinh động bởi giọng hát đã mất của em. Giọng hát ấy sẽ truy đuổi anh ngay cả trong giấc ngủ, vây bủa anh, khiến anh mất trí… Nó sẽ báo thù cho em, cho sự nhục nhã của em trước bàn dân thiên hạ, cho sự cô độc của em vì thiếu đứa con mà Chúa đã cho em một cách muộn màng đến vậy, đứa con mà chính anh đã buộc em phải giết!".

Quả thực là Maria đã "đứt từng khúc ruột"... Và không nguôi nguyền rủa Onassis. Phải chăng vì sự nguyền rủa ấy nên rồi Onassis cũng phải đau đớn: con trai bị chết trong một tai nạn giao thông, còn con gái bị chết vì tiêm ma túy quá liều…

Buổi biểu diễn cuối cùng của Maria diễn ra tại Sapporo (Nhật Bản) ngày 11/11/1974. Từ đó trở đi, nàng gần như không mấy khi ra khỏi căn hộ của mình.

Điều khủng khiếp nhất là nàng vẫn yêu Onassis đến cháy lòng, vẫn đồng ý gặp gỡ với ông ta. Đôi khi ông ta lại đưa ra với nàng những lời hứa suông. Và nàng lại bán tín bán nghi. Có lần vì thất vọng, nàng đã định tự sát nhưng không thành... Quan hệ giữa hai người kéo dài 18 năm và chỉ kết thúc khi Onassis chết năm 1975. "Sẽ không còn gì có ý nghĩa nữa vì rằng thiếu ông ấy thì mọi sự sẽ không thể còn như trước nữa" - nàng thốt lên khi đó.

Maria Callas qua đời ngày 16/9/1977 ở tuổi 53. Nguyên nhân chính thức - một cơn đau tim. Cũng có giả thuyết cho là nàng đã tự vẫn…

.
.