Minh tinh màn bạc Clint Eastwood: Tự mãn sẽ kém hiệu quả

Thứ Ba, 21/08/2012, 16:30
Ở tuổi ngoài bát thập, diễn viên kiêm đạo diễn điện ảnh gạo gội Clint Eastwood vẫn tỏ ra rất sung sức và quan tâm rất sát đời sống mọi mặt của không chỉ làng điện ảnh Mỹ. Ngày 3/8 vừa qua, ông đã tham gia một hoạt động hỗ trợ tài chính cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Roney. Chính nhờ sự giàu có của con người huyền thoại trong dòng phim cao bồi miền Viễn Tây này mà số tiền quyên góp được đã lên tới 2 triệu USD.

Nghệ thuật từ đời sống

Là một tên tuổi lớn ở “trung tâm sản xuất mộng mơ” mang tên Hollywood, Eastwood không bao giờ xa lạ với những chuyện đời thường của cõi thế. Cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác ở đây, ông rất quan tâm tới chính trị. Chính vì thế nên ông đã tham gia vào một hoạt động nhằm quyên góp cho quỹ vận động tranh cử của Mitt Romney, được tổ chức tại bang Idaho ngày 3/8.

Theo lời của Eastwood, ông đã làm quen với Romney từ khi ông này ra tranh cử chức Thống đốc bang Massachusetts năm 2002… Nhà đạo diễn 82 tuổi đã bày tỏ hy vọng rằng ông Romney sẽ có thể phục hồi lại hệ thống đánh thuế công bằng và tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế Mỹ. Hiện nay, ứng cử viên Romney cũng nhận được sự ủng hộ của cựu thị trưởng New York, Rudolph Giuliani; cựu cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice; hai cựu Tổng thống Mỹ của gia tộc Bush… Ông cũng được doanh nhân lừng danh Donald Tramp, nhà  sản xuất phim Jerry Bruckheimer, minh tinh màn bạc Chuck Norris… ủng hộ

Đối thủ của ông Romney là đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Obama hiện nhận được sự ủng hộ của các diễn viên điện ảnh nổi tiếng như George Clooney. Leonardo Di Caprio, Sarah Jessica Parker cũng như đạo diễn Steven Spielberg…

Vật vã tìm mình

Clint Eastwood sinh ngày 31/5/1931 tại San Francisco trong một gia đình công nhân. Thời trẻ, ông từng học ở Trường Kỹ thuật Oakland và đã chuẩn bị thi vào đại học âm nhạc. Tuy nhiên, năm 1950, ngôi sao điện ảnh tương lai đã bị gọi đi lính và tham gia chiến tranh ở Triều Tiên. Trở về nước, Eastwood vào học tại Khoa Kinh tế Trường Đại học Tổng hợp Los Angeles.

Cũng trong thời gian này, Eastwood đã say mê tìm hiểu nghề diễn viên và tham gia nhiều vở kịch của các đoàn nghiệp dư. Đồng thời, tự tin ở những đặc điểm hình thể của mình, ông đã cố gắng tới dự các cuộc thử vai… Rốt cuộc rồi vận may cũng đã mỉm cười với chàng nghệ sĩ trẻ khi Hãng phim Universal năm 1955 đồng ý ký hợp đồng kéo dài 7 năm mà theo đó, Eastwood phải đóng bất cứ vai nào mà nó đề nghị. Tuy nhiên, chỉ sau một năm rưỡi hợp tác, Universal đã chia tay với Eastwood. Và ngôi sao tương lai lại phải sống theo cách mà tất cả những diễn viên trẻ ở Hollywood phải làm: tới dự các buổi dạy nghề, đi thử vai và tập thể thao. Những vai diễn đầu tiên, toàn là vai phụ, không mang lại cho Eastwood những cơ hội tốt. Trong giai đoạn đó, ông đã rất trăn trở, tới mức có lúc ông đã định chuyển nghề.

Tuy nhiên, tới năm 1958, trong một lần tới tìm một người bạn ở kênh truyền hình CBS, Eastwood đã tình cờ gặp một người đàn ông vận bộ y phục rất sang trọng. Người đàn ông này chăm chú nhìn chàng trai có ngoại hình rất dễ thương này và hỏi: “Cậu là diễn viên phải không?”. Hóa ra là ông ta đang tìm người tham gia một vai phụ trong bộ phim Viễn Tây nhiều tập Rawhide (Mảnh da nhàu ướt) mà kênh truyền hình CBS đứng ra sản xuất. Và thế là xuất hiện nhân vật đầy ấn tượng Rowdy Yates, mang lại cho Eastwood những tia ấm đầu tiên của vinh quang trong suốt 7 năm liền bộ phim này được công chiếu liên tục trên truyền hình. Khán giả Mỹ đã rất yêu thích hình ảnh nhân vật của Eastwood: lịch sự, lôi cuốn nhưng rất nguyên tắc. Tuy nhiên, với bản thân người nghệ sĩ thì điều đó không quá hấp dẫn. Trong một bài trả lời phỏng vấn sau này, Eastwood đã nói rằng, cho tới trước khi bước vào tuổi tam thập thì ông đã không đạt được thành công vì lúc nào trông cũng như cậu bé mới lớn và mục tiêu trong cuộc sống cũng chưa được xác định rõ ràng.

Mãi tới năm 1964, với vai gã vô danh trong bộ phim đầu tay Một nắm dollars của đạo diễn Sergio Leone, Eastwod mới bắt đầu trở thành một ngôi sao thực thụ, một gương mặt điển hình của dòng phim Viễn Tây… Bộ phim này cùng với hai tập tiếp theo Vài dollars thừa (1965) và Vừa xấu vừa tốt (1966) đã củng cố vững chắc vị thế của Eastwood không chỉ trong làng điện ảnh Mỹ mà cả ở châu Âu và thế giới. Sự nghiệp điện ảnh của ông bắt đầu cất cánh lên từ đó…

Hiện nay, Eastwood không chỉ là một diễn viên thượng thặng mà còn là một đạo diễn có uy tín cao ở Hollywood. Ông đã hai lần được nhận giải Oscar với tư cách đạo diễn (năm 1992 và năm 2004). Ông cũng có hai giải Oscar dành cho bộ phim xuất sắc nhất. Từ năm 1993, ông chỉ đóng các vai trong những bộ phim do chính ông dàn dựng.

Những nguyên tắc sống

- Bất cứ một sự nghiệp thành công nào đều bắt đầu từ một thất bại hay cái gì đó tương tự như thế. Đối với tôi, bước ngoặt như thế là buổi chiếu ban ngày một trong những bộ phim đầu đời của tôi: “Vây phục trên đèo Cimarron” (1958). Đó là bộ phim dở nhất trong lịch sử nền điện ảnh! Tôi đã cảm thấy cực kỳ xấu hổ.

- Tôi lớn lên trong giai đoạn đại suy thoái. Tôi nhớ cảnh cha tôi trong thời gian đó luôn luôn phải đi tìm kiếm việc làm. Tôi vẫn nhớ cảnh không ít người đã vào nhà tôi hỏi xem liệu có thể có công việc gì đó cho họ làm thuê không, dù chỉ là bổ củi thôi cũng  được. Thời đó mọi người luôn phải tha phương cầu thực và gia đình tôi cũng đã phải chuyển đi nhiều nơi. Bốn tháng ở thành phố này, sáu tháng ở thành phố khác, rồi tám tháng ở thành phố khác nữa… Và tôi luôn là người mới đối với hàng xóm và luôn phải tự bảo vệ, phải tham gia các cuộc ẩu đả để chứng minh một cái gì đó.

- Khi Thomas Waller (nghệ sĩ piano nhạc jazz lừng danh người Mỹ da đen) qua đời, mẹ tôi đã mang về nhà cả một bộ sưu tập các đĩa hát của ông và nói, sau này thì khó mà mua được. Tôi đã tập chơi piano bằng cách nghe các tiết mục biểu diễn của ông ấy và học theo các nghệ sĩ nhạc jazz cũng như nhạc blues của thời ấy. Ít nhiều thì tôi cũng nắm bắt được phong cách stride và cách chơi ba hợp âm. Tôi đã rất say mê phong cách boogie - woogie, jazz và  bepop. Tôi đã biết kể những câu chuyện trên đàn piano từ rất lâu trước khi tôi dựng bộ phim đầu tiên của mình.

- Trong đơn vị quân đội cùng phục vụ với tôi có một số diễn viên và chẳng bao lâu sau tôi bắt đầu suy tính xem mình có nên vào một vai nào đó không. Nhưng đó là một việc “một lần là một vận vào” rất dai dẳng khiến ta không bao giờ rời bỏ được nữa.

- Diễn xuất là nghề mà ta học khi quan sát những người khác. Khi bạn còn trẻ và mới bước vào nghề, bạn cứ phải lang thang ở khắp các tiệm ăn hay quán bar để nghiên cứu mọi người cũng như cách hành xử của họ. Giờ thì thật đáng tiếc là tôi đã chuyển đổi từ người đi nghiên cứu thành đối tượng bị nghiên cứu.

- Ai cũng phải đánh giá mình như một tay đấm box chuyên nghiệp: đó là những người biết rằng mình chỉ có cơ hội trong không nhiều năm, khi mà ta có thể đạt được một điều gì đó đáng giá.

- Trong giai đoạn đầu, tôi suýt nữa thì bỏ nghề diễn. Tôi tham gia một số phim, nhìn chung là rất bình thường, nên sau khi xem lại chúng, tôi đã quyết định: “Thôi đi, có lẽ đã tới lúc ta phải tìm kiếm một công việc gì bình thường hơn!”.

- Khi tôi bắt tay vào bất cứ việc gì thì tới một thời điểm nào đó thể nào cũng có người khuyên tôi đừng làm tiếp nữa. Có lẽ vấn đề là ở chỗ tôi luôn tuân theo tiếng nói nội tâm của mình và không sợ nhúng tay vào những việc hết sức khác nhau.

- Tất nhiên, một khi ta còn chưa bị ném cà chua thối thì vẫn còn là hay ho.

- Ở cuối những năm 60 (thế kỷ XX) các đạo diễn đã là những nhân cách điển hình hơn, uống rượu nhiều hơn và cũng nổi danh vì nhiều trò lập dị hơn. Tuy nhiên, họ cũng làm việc nhiều hơn. Thí dụ như John Huston, anh ấy có thể làm tới ba phim một năm. Những đồng nghiệp của anh ấy bây giờ còn lâu mới tiến sát lại được chỉ số ấy.

- Một lần Huston đã thốt lên rằng, tôi đã bán mình không chỉ một lần và những gì tôi đánh mất thì bây giờ không thể nào lấy lại được nữa. Nói cách khác là, tôi đôi khi cũng bán mình và làm những bộ phim mà lẽ ra chúng không nên xuất hiện trên cõi đời này. Về chuyện này thì có thể hối tiếc, nhưng tôi cứ xét theo chính bản thân mình thì thà làm như thế còn hơn là  phong cách hiện nay ở Hollywood, khi mà các đạo diễn chuẩn bị kế hoạch của mình rất kỹ lưỡng và không bắt tay vào làm bất cứ bộ phim nào không tương thích với danh giá của họ.

- Muối của cuộc sống là ở chính sự tìm kiếm những cái mới.

- Không cần phải cố gắng vươn tới sự hoàn mỹ. Sau hai mươi lần quay thì có thể đạt được một cảnh hoàn hảo, các diễn viên diễn xuất cũng chuẩn mực, cách phát âm chuẩn mực, rồi ánh sáng, rồi bóng hình, nói chung, mọi sự đều hoàn hảo. Thế nhưng, nó sẽ nhạt nhẽo như nước cất. Nó bị mất đi nhịp điệu của nó, sự tự nhiên của nó. Về phần tôi thì tôi thích những sai lầm.

- Tôi đã giành lấy cho mình danh tiếng của một người chỉ làm một hoặc hai lần quay. Có lẽ không phải ai cũng ưa cách làm việc này. Tuy nhiên, tôi thích làm việc thật nhanh, chỉ khi đó tôi mới có cảm giác là tôi đang chuyển động tới đâu đó.

- Nếu một minh tinh quá sùng bái mình thì thật là buồn. Bởi điều này chứng tỏ anh ta không còn có việc gì để bận trí nữa.

Phương Hà
.
.