Minh tinh Hollywood Sandra Bullock: Sau cơn mưa trời lại sáng

Thứ Hai, 10/01/2011, 14:18
Năm 2010 đã trở thành quãng thời gian không hề giản đơn chút nào đối với Sandra Bullock. Một năm có nhiều chuyện xui xẻo nhưng cũng không ít niềm vui. Nhìn chung, cuộc đời Sandra không mấy khi bằng phẳng mà trái lại, luôn xen kẽ những thất bại với thành công, những khổ đau cùng hạnh phúc…

Đó là năm mà Sandra vừa được nhận giải Oscar dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất (trong phim "The Blind Side") vừa phải gánh giải Mâm xôi vàng dành cho nữ diễn viên tồi nhất (trong phim "All About Steve"). Đó cũng là năm mà cô phải chịu thất vọng ê chề vì bị chồng phản bội và phải li dị, nhưng lại có thêm một niềm vui mới với tình mẫu tử khi nhận thêm một đứa con nuôi nữa…

Đó cũng là năm mà mức thù lao dành cho Sandra đã tăng đánh kể, đưa cô lên vị trí đầu tiên trong danh sách những ngôi sao hái ra tiền ở Hollywood do tạp chí Forbes bình chọn. Và trung tuần tháng 12/2010, tạp chí People đã bình chọn Sandra là người phụ nữ thú vị nhất trong năm với 56 triệu USD…

Sandra Bullock sinh năm 1964 tại ngoại ô Washington, trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều liên quan tới nghệ thuật. Mẹ cô, Helga Mayer, một phụ nữ gốc Đức, là ca sĩ opera (bà đã mất tháng 4/2000). Cha cô là giáo viên thanh nhạc Alabama John Bullock. Em gái của cô, Gesine Bullock - Prado, về sau đã trở thành một luật gia.

Cả cha lẫn mẹ đều mong con gái mình lớn lên thành một ngôi sao opera nhưng chính vì thế đã làm cho Sandra trở nên dị ứng với nghệ thuật thanh nhạc hàn lâm. Để thoát khỏi những hợp âm mà cô coi là chán ngắt, năm lên 7 tuổi, có lần Sandra đã cố tình cắt chảy máu cả hai bàn tay để khỏi phải học hát nữa…

Thuở nhỏ, hơn 12 năm nữ minh tinh màn bạc tương lai đã sống ở thành phố Furth (CHLB Đức) và đã học ballet ở đó. Cũng tại Furth, cô bé Sandra, bẩm sinh có giọng hát rất tốt, đôi khi, cực chẳng đã, cô cùng mẹ tham gia một số vở nhạc kịch. Một lần, cha mẹ cô đưa cô tới nhà hát opera Salsburg để cô thể hiện khúc hát của một vai phụ. Không thể từ chối các bậc sinh thành nhưng trên sân khấu Sandra đã hát tệ tới mức mẹ cô phải nộp một khoản tiền phạt khá lớn. Và từ đấy về sau, cô không bao giờ phải lên sàn diễn âm nhạc nữa…

Sandra đã theo học Trường Anh ngữ ở Đức và đã là một trong những nữ sinh xuất sắc ở đó. Những bạn đồng trang lứa thoạt tiên chỉ coi Sandra như một kẻ lạ tới từ đất nước xa xôi, nên có phần lảng tránh cô. Tuy nhiên, Sandra đã rất mau chóng được quý mến khi cô tham gia vào đội cổ động viên (cheerleaders) bóng đá sở tại và cũng rất mau chóng trở thành người đầu trò trong nhóm này.

Cùng gia đình trở về Mỹ, sau khi tốt nghiệp trung học, Sandra thi vào Khoa Luật tại Trường đại học Tổng hợp Bắc Carolina, nhưng rồi trái tim giàu xúc cảm đã xui khiến cô rời bỏ những tiết học luật khô khan đi về New York với ước mơ trở thành người mẫu hoặc cùng lắm là chiêu đãi viên hàng không.

Hỡi ơi, vạn sự khởi đầu nan, Sandra đã không thể nào biến thành sự thật ước mơ đó nên buộc phải kiếm kế sinh nhai tạm thời bằng nghề làm bồi bàn trong những quán bar và nhà hàng bình dân. Chính cảnh sống cần lao đó đã hun đúc cho Sandra ý chí tự rèn luyện và học tập để trở thành nghệ sĩ. Và cô đã xin vào học một khóa đào tạo diễn viên điện ảnh.

Tuy nhiên, cô vẫn không thể tìm được công việc thích hợp với năng khiếu của mình ở New York nên đành phải tới Los Angeles thử những vận may mới bằng cách tham gia vào các vở kịch diễn tại các sân khấu nằm ngoài khu vực Broadway. Mặc dù thế, cô vẫn mau chóng được giới phê bình nghệ thuật ghi nhận và chẳng bao lâu sau, đã được mời tham gia một số bộ phim truyền hình dài tập. Tới năm 1990, Sandra đã có được vai diễn nghiêm túc đầu tiên của mình trong bộ phim hài nhiều tập trên màn ảnh nhỏ "Working Girl" (Cô gái làm việc).

Dẫu vậy, phải ba năm sau, cô mới bắt đầu thực sự được đánh giá đúng, mặc dù trước đó cô đã có các vai diễn trong các bộ phim truyền hình nhiều tập khá ăn khách như "Thức uống tình yêu số 9" hay "Cái mà người ta vẫn gọi là tình yêu" (đây là bộ phim ca nhạc hài và trong đó, Sandra  được cùng diễn với những ngôi sao tên tuổi đã ổn định như River Phoenix hay Dermot Mulroney)...

Tác phẩm bắt đầu làm rạng danh Sandra là một bộ phim viễn tưởng hành động "Kẻ phá hoại", nơi cô xuất hiện cùng những siêu sao như Sylvester Stallone và Wesley Snipes. Thực ra, công chúng và giới phê bình đã đón nhận bộ phim này một cách lạnh nhạt và số tiền thu được từ nó cũng chỉ ở mức thường thường bậc trung (dưới 60 triệu USD).

Thế nhưng, tất cả đều thống nhất đánh giá cao cách diễn xuất hài hước của Sandra trong vai nữ trung úy cảnh sát "dựa cây, cây đổ, dựa đình, đình xiêu" tới từ tLenina Huxley. Sandra đã có mặt trong bộ phim này một cách tình cờ: Cô chỉ được chọn 3 ngày trước khi phim được bấm máy sau khi một nữ nghệ sĩ nổi tiếng từ chối vai Huxley. Vài năm sau khi phim "Kẻ phá hoại" ra đời, trong một lần trả lời phỏng vấn, Stallone trước câu hỏi liệu anh có muốn diễn cùng với Sandra thêm một lần nữa không, thì anh đã cười nói, chắc bây giờ anh không đủ tiền để trả thù lao cho cô ấy…

Thực sự vị thế của Sandra ở Hollywood trong một thời gian ngắn đã có những thay đổi căn bản. Năm 1994, Sandra lại quyết định tham gia đóng phim hành động và nhận lời mời tham gia bộ phim đầu tay trên cương vị đạo diễn của nhà quay phim nổi tiếng người Hà Lan Jan de Bont, người từng cộng tác với những tên tuổi lớn như Paul Verhoeven và Madonna.

Đó là phim "Tốc độ", kể về chuyến xe bus chở khách không thể nào dừng lại được vì bị gài bom. Bộ phim đã thành công lớn trên mọi phương diện. Với chi phí chỉ ở mức 30 triệu USD, "Tốc độ" đã thu về cho những người làm phim hơn 350 triệu USD, đưa cặp diễn viên chính là Sandra Bullock và Keanu Reeves trở thành những siêu sao thực sự.

Dẫu vậy, không phải từ đó Sandra làm gì cũng được. Năm 1997, cô tham gia vào phần hai phim "Tốc độ" nhưng đó lại là một trong những thất bại về tài chính lớn nhất trong năm của Hollywood.

Giữa những thăng trầm như thế, Sandra bằng sự tham gia vào một số bộ phim hay như "Khi anh đang ngủ", "Mạng lưới", "Thời giết chóc"… vẫn ngày một củng cố thêm danh tiếng của mình như một ngôi sao có thể một mình lôi kéo khán giả vào xem. Những bộ phim trên cũng đã ăn khách không kém gì "Tốc độ" phần 1…

Rút kinh nghiệm từ thất bại của "Tốc độ" phần 2, Sandra trong một thời gian đã thôi không tham gia vào các bộ phim hành động mà tập trung vào các bộ phim hài và tâm lý. Và cô đã đạt được một số thành công ở những năm cuối thế kỷ XX như trong phim tâm lý gia đình "Hy vọng nổi trôi" (1998) hay trong phim hài "Sức mạnh của thiên nhiên" (1999)… Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này đã có một số bộ phim với sự tham gia của Sandra đã chỉ mang lại những thất bại về tài chính, thí dụ như "28 ngày" (2000, một bộ phim tâm lý hài về nạn nghiện rượu) hay bộ phim hài kinh dị "Phép lạ thực tế" (1998)…

Năm 2000, bộ phim "Hoa hậu FBI" đã tạo cho sự nghiệp điện ảnh của Sandra một xung lực mới: chính trong tác phẩm điện ảnh này, cô đã thêm một lần bộc lộ được tài năng xuất sắc của một diễn viên hài. "Hoa hậu FBI" đã mang về cho những người làm phim hơn 200 triệu USD tiền bán vé và cho Sandra giải Quả cầu vàng với vai Gracie Hart.

Tuy nhiên, cũng như chuyện đã xảy ra với "Tốc độ" phần 2, phim "Hoa hậu FBI" phần 2 mà Sandra tham gia năm 2005 rốt cuộc cũng đã là một thất bại về mặt tài chính. Từ thời điểm đó, Sandra tuyên bố rằng, trong tương lai cô sẽ chủ yếu chỉ tham gia các bộ phim với ngân sách nhỏ, độc lập…

Và bộ phim đầu tiên theo hướng này là "Đụng độ", nói về các mâu thuẫn sắc tộc, do Paul Haggis đạo diễn. Ngân sách dành cho phim này quả thực rất nhỏ (theo tiêu chuẩn Hollywood): chỉ vẻn vẹn 6,5 triệu USD. Thế nhưng, nó đã kéo được rất nhiều khán giả vào rạp và mang lại cho các tác giả ba giải Oscar, trong đó có giải dành cho phim xuất sắc nhất.

Trong "Đụng độ", Sandra đóng một vai phụ là một bà nội trợ tính khí đồng bóng, đã cùng chồng bị những tay đua ô tô gốc Phi tấn công. Diễn xuất của Sandra, cũng như của các nghệ sĩ khác trong phim đã được các nhà phê bình đánh giá rất cao và họ về sau, đã được nhận nhiều giải thưởng ở các cuộc liên hoan phim khác nhau…

Ở tuổi tứ thập, những năm gần đây, Sandra vẫn tích cực tham gia đóng nhiều bộ phim với một phong độ có thể là không phải lúc nào cũng như lúc nào, nhưng nhìn chung, cô vẫn tạo nên được những đỉnh cao nghệ thuật riêng của mình. Giải Oscar 2010 dành cho vai diễn trong phim "The Blind Side" là một thí dụ.

Tất nhiên, Sandra cũng khó có thể cười vui khi cũng ở thời điểm đó đã phải nhận giải Mâm xôi vàng, mặc dù cô cũng đủ độ hài hước để tuyên bố rằng, sẽ để hai giải thưởng này cạnh nhau trong… nhà tắm!

Là một nữ nghệ sĩ rất thành công trong sự nghiệp, Sandra đã vấp phải những cú đánh khá cay đắng của số phận. Là một mỹ nhân lãng mạn, cô không ngờ rằng chính những người thân yêu nhất của cô cũng có thể làm cô đau bởi những thú vui lãng mạn của họ. Ngay sau khi nhận giải Oscar 2010, cô đã phải đối mặt với vụ tai tiếng của chồng, khi anh bị phát giác là đã ngoại tình rất nhiều lần. Cực chẳng đã, cô đã phải ra tòa li dị chồng…

Huyền Anh
.
.