Minh Nhí: Kẻ lãnh tội mệt nhọc

Thứ Sáu, 06/11/2009, 16:39

Trong hành trình tìm lại những điều đã mất, có lẽ Minh Nhí là kẻ lãnh tội mệt nhọc. Vì để tìm được khán giả cho mình, tìm được những người chia sẻ công bằng với mình, anh đã mất gần một thập kỷ. Nhưng, có lẽ mọi hoạn nạn đời người cũng đã đủ, để ở tuổi năm mươi, anh có thể điềm nhiên sống mà không bận lòng vì những bon chen…

Minh Nhí đã từng hội đủ… tham sân si của một ngôi sao. Khi ấy, anh làm mưa làm gió và chảnh chọe đến mức chính anh cũng phải ngạc nhiên. Cũng khi ấy, anh là đề tài cho thiên hạ đàm tiếu, từ chuyện giới tính cho đến những chuyện giành giựt trong hậu trường sân khấu. Thế nên, khi anh "ngã ngựa", trong sự cố xin đi Mỹ một tháng mà ở lại cả một năm, bị cấm diễn 6 tháng, bị cắt biên chế tại trường Cao đẳng sân khấu TP HCM, anh mới chợt nhận ra có quá nhiều người ghét mình. Và suốt 6 tháng "khóc trong đêm", anh nhận ra rõ nhiều điều. Để bắt đầu lại. Vẫn là Minh Nhí, nhưng hôm nay đã biết thỏa hiệp hơn, điềm đạm hơn và lánh vào sự an hòa, rời bỏ những thị phi…

Người đàn ông… xấu lộng lẫy

Minh Nhí nói, làm diễn viên thì phải đẹp lộng lẫy hoặc là… xấu lộng lẫy. Không biết hên hay xui, nhưng anh là mẫu thứ hai. Từ nhỏ, cậu bé Minh đã mê ca hát, thuộc mọi vở tuồng của Lệ Thủy, Mỹ Châu. Mơ ước của cậu bé hạt tiêu này là trở thành một… ca sỹ. Và khi anh có ý định thi vào lớp diễn viên của trường Nghệ thuật sân khấu 2, chính người thầy hướng dẫn diễn xuất trong lớp học buổi tối của anh ngăn lại.

Minh Nhí nói, ngày đó tôi rất buồn, vì tôi thích xuất hiện trên sân khấu, thích được mọi người biết đến, tôi không thích làm người lặng thầm ở phía sau. Nhưng thầy tôi nói, nếu con cố tình thi diễn viên, thầy nằm trong hội đồng giám khảo, thầy sẽ đánh rớt con. Không ai chấm một cậu bé sắc vóc còm nhom và… xấu đậu trong kỳ thi tuyển diễn viên cả. Nhưng nếu con thi đạo diễn thì thầy sẽ rất ủng hộ, vì thầy biết con có nhiều mảng miếng và con rất thông minh.

Cuối cùng thì Minh Nhí đậu đạo diễn và suốt ba năm học, anh làm diễn viên đóng phim bài tập và phim tốt nghiệp cho bạn bè trong lớp. Để rồi, khi ra trường, đang làm trợ giảng tại Trường Nghệ thuật sân khấu, Minh Nhí đã là một ngôi sao trên sàn diễn với những vở tấu hài tưng bừng khắp các tụ điểm. Minh Nhí nói, vì tổ thương, nên đã cho một kẻ xấu lộng lẫy như anh thành một diễn viên được yêu mến. Có lẽ, với một diễn viên sân khấu, nếu trót xấu thì phải tài hơn người đẹp ba lần. Và nếu trót xấu, thì phải nỗ lực hơn người đẹp chục lần…

Minh Nhí từng là một diễn viên mà sự xuất hiện của anh luôn làm người khác ngạc nhiên. Ở mức độ biến hóa và khả năng gây hiệu ứng trong từng cảnh diễn. Mỗi vai diễn là một khuôn mặt khác nhau. Anh chăm sóc cho khuôn mặt của nhân vật đến từng chi tiết và chúng không hề là khuôn mặt của anh, nó được khoác lên một sức sống khác. Từ một con ma, cho đến một kẻ điên, từ một gã Tây mê gái tới một bà già còm cõi. Sức biến hóa của Minh Nhí tạo được sự chờ đợi nơi khán giả của anh. Mà dường như, vì điều đó, mà mỗi khi bước ra sân khấu, anh lại trau chuốt mình hơn.

Có những lỗi lầm không sửa được…

Minh Nhí là một ông thầy thoạt nhìn thì nhí nhố nhưng bản chất lại vô cùng nghiêm khắc. Anh đã từng cầm roi rượt sinh viên quậy, từng la hét khản cổ để sinh viên có những bài tốt nghiệp đạt kết quả cao. Anh cũng từng mặc quần short áo thun lên giảng đường và cũng từng không chịu nghe những lời góp ý. Nhưng anh là người luôn sẵn lòng làm mọi việc để sinh viên của mình trở thành những người giỏi nghề. Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương… đều là những sinh viên đầu tiên do Minh Nhí chủ nhiệm. Và đến tận lúc này, Minh Nhí vẫn mơ ước được đứng trên bục giảng. Nhưng, có thể ước mơ đó vĩnh viễn không bao giờ trở lại với anh.

Sự kiện Minh Nhí xin đi Mỹ một tháng rồi… ở lại cả năm, đã làm giới nghệ sỹ biểu diễn xôn xao. Nhiều tin đồn xuất hiện là anh lập gia đình, tìm cách nhập cư tại Mỹ, nhưng không thành nên mới trở về. Và một năm sau, anh quay lại, bị cấm diễn 6 tháng, và công việc giảng dạy của anh tại Trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP HCM đã hoàn toàn chấm dứt.

Gần như mất trắng. Thời điểm đó, anh tìm đến những người mà anh từng cưu mang, nâng đỡ, nhưng hầu như đều bị quay mặt. Lúc đó, cảm giác như một người không còn nơi nương tựa, bấu víu. Cảm giác như bị giội một gáo nước lạnh từ chính những gì anh ngộ nhận là thân yêu. Không biết làm gì. Không thể tâm sự với ai. Chỉ có hai người, đó là Thành Lộc và Hồng Vân chìa tay ra với anh. Và đó là hai người anh biết ơn mãi về sau này. Còn khi ấy, anh ngồi lì trong nhà, không muốn gặp mặt mọi người. Cứ bật tivi lên, thấy bạn bè, học trò trên tivi là bật khóc.

Nếu ai đã từng theo dõi sự kiện ấy, sẽ thấy Minh Nhí bị báo chí và dư luận chỉ trích khá nặng nề. Mà, điều quan trọng là, không ai cho anh cơ hội được giãi bày. Lý do ở lại Mỹ quá lâu, có lẽ chỉ Minh Nhí là người hiểu rõ nhất. Và với một người thuộc biên chế Nhà nước, đang làm công tác giảng dạy, bỏ đi mà không được sự đồng ý của tổ chức, là một sai lầm. Nhưng, nếu đứng vào tâm thế của một người nghệ sỹ khi đột nhiên mất mọi nguồn vui, mọi nguồn sống, thì việc đối diện với nó không phải là đơn giản. Minh Nhí nói, những ngày tháng ấy quả là kinh hoàng.

Đã có lúc anh nghĩ đến cái chết. Nhưng, khi ấy, anh luôn nghĩ, rồi một ngày anh sẽ được trở lại sân khấu, để bắt đầu lại cuộc đời mình. Và 6 tháng sau, anh bắt đầu  đi diễn tại sân khấu Idecaf. Và cùng với Thành Lộc, Hữu Châu, Minh Nhí là một cái tên đáng nhớ trên sân khấu ấy trong suốt hơn hai năm. Minh Nhí nói, khi đi vào đáy cùng của bất hạnh, mình mới nhận ra, đâu là cái mà mình phải làm, và đâu là cái mình nên từ bỏ. Và cũng phải rơi vào những cảnh ngộ không ngờ được, thì mới biết đâu là giả, đâu là chân. Và người tốt lúc nào cũng có, chỉ có điều mình có nhận ra hay không mà thôi.

Minh Nhí nói, có những sai lầm mà anh nghĩ là rất khó sửa. Đến bây giờ anh vẫn có thể đi dạy những lớp diễn xuất cho các công ty. Nhưng anh luôn nghĩ, nếu muốn làm một diễn viên thực thụ, cần phải vào trường sân khấu học. Và vì thế, anh nhớ tiếc những năm tháng làm thầy của mình. Anh ao ước và mong muốn được quay lại công việc này, nhưng anh chưa biết sẽ xin ai và xin như thế nào. Chỉ cần được quay lại, anh sẽ không từ nan. Không có kim tiền nào so sánh được với công việc ấy. Và đó vẫn là một nỗi khao khát lớn nhất và thường trực nhất.--PageBreak--

Đêm nào cũng khóc với "Mẹ và người tình"

Hiện tại, Minh Nhí là Phó Giám đốc tại sân khấu kịch Phú Nhuận. Và, vở diễn "Mẹ và người tình" do anh dàn dựng đã tạo được dấu ấn đẹp với khán giả, được giải thưởng lớn tại hội diễn kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Đêm nào Minh Nhí cũng đứng sau cánh gà, xem vở diễn của mình, và luôn bật khóc khi vở diễn đến cao trào. Nước mắt lặng lẽ của một người hiểu được cái giá của được mất. Mà anh không cố tình diễn. Không cố tình tạo ra cảm giác mình quá đắm đuối với đứa con tinh thần của mình. Chỉ là những cảm xúc mà anh luôn mong muốn có được khi dựng một vở kịch. Ít ai biết, Minh Nhí đã hy sinh cho vai diễn nhiều hơn rất nhiều những điều mà anh nhận được.

Kịch bản gốc của vở diễn là "Người tình của cha", nhà biên kịch Lê Chí Trung nhấn mạnh vào nỗi dằn vặt của người đàn ông trong bi kịch gia đình. Nếu nương vào kịch bản ấy, Minh Nhí hoàn toàn có thể có được một vai diễn người cha xuất sắc. Nhưng, với công việc của một đạo diễn, anh lại muốn dấn sâu vào những bi kịch của một người mẹ, một phụ nữ lớn tuổi và những giằng xé trong tình cảm riêng tư. Và anh tự cắt vai của mình, đổi người cha thành người mẹ. Và, anh thuyết phục từ NSƯT Hồng Vân cho đến Bình Minh, Lan Phương đảm nhận những vai quan trọng. Khi vở diễn hình thành, tất cả các diễn viên đều bị nhân vật lôi cuốn đến mức say mê. Và đó chính là điều tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ của "Mẹ và người tình", một điều không dễ dàng vào thời điểm hài kịch đang "nhấn chìm" bi kịch.

Thế nhưng, khi kết thúc hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc, vở diễn của Minh Nhí được huy chương vàng, ba diễn viên chính cũng được huy chương vàng, còn anh thì tay trắng. Minh Nhí nói, anh rất buồn, nhưng nhìn vào sự yêu mến của khán giả để bình tâm lại. "Nếu như trước đây, tôi sẽ gào lên, sẽ mắng xối xả người này người khác vì nghĩ mình bị mất công. Ngày trước, mỗi khi tức giận, tôi thường làm bừng bừng như có bão. Tôi từng gào lên với anh Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Idecaf khi có mâu thuẫn, hãy gỡ ngay tên tôi xuống, xóa hình của tôi trên băng rôn, hủy ngay vai diễn của tôi, tôi không diễn nữa vì tôi không thích. Nhưng bây giờ tôi nghiệm ra một điều, được hay mất đôi khi là cái nhân duyên, mình không nên quá nóng nảy để hỏng đi tình thân mà nhiều năm vun đắp. Tôi chấp nhận mọi chuyện. Và biết, dường như số tôi không bao giờ được hưởng trọn những niềm vui".

Minh Nhí nói, mơ ước lớn nhất của anh lúc này là có một vai bi kịch sâu sắc. Anh không ham công việc quản lý, cũng đã qua giai đoạn giành giựt kiếm tiền. Chỉ mong được làm nghề mà mình yêu thích. "Ngày trước tôi nhậu, đi vũ trường liên miên, cứ như là cắm trại trong đó vậy. Buồn là tìm tới mấy chỗ đó. Giờ bỗng dưng chán. Thích sống một mình, rảnh thì rủ bạn đi cà phê, hát với nhau cho vui. Mà tôi thấy làm nghệ sỹ cũng sướng, khi mình buồn mình cũng có những vai diễn phủ lên. Giờ tôi tìm sự bình yên nhiều hơn là tìm những điều được mất hay danh lợi" - Minh Nhí nói.

Trong hành trình tìm lại những điều đã mất, có lẽ Minh Nhí là kẻ lãnh tội mệt nhọc. Vì để tìm được khán giả cho mình, tìm được những người chia sẻ công bằng với mình, anh đã mất gần một thập kỷ. Nhưng, có lẽ mọi hoạn nạn đời người cũng đã đủ, để ở tuổi năm mươi, anh có thể điềm nhiên sống mà không bận lòng vì những bon chen…

Thiên Ý
.
.