Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:

Mang nặng hồn quê

Thứ Tư, 13/12/2006, 14:00
Bản sắc dân gian trong âm nhạc Nguyễn Văn Tý có lẽ khởi nguồn từ những ngày ấu thơ. Trong căn nhà tranh vách đất của gia đình, tâm hồn trẻ thơ của Nguyễn Văn Tý đã thấm đẫm tiếng đàn nhị trong những chiều mưa, tiếng sáo trong những chiều hè gió lộng hay tiếng đàn nguyệt trong những đêm trăng êm ả...

Cảm xúc cao nguyên

“Về Pleiku mà nghe sóng nước Biển Hồ/ Về Pleiku mà nghe tiếng cồng chiêng cổ./ Ở nơi đó… ngày xưa là núi lửa,/ Nên bây giờ ta có mặt hồ xanh”. Đây là lời mở đầu ca khúc Về Pleiku dài 60 khuôn nhịp, bắt đầu bằng đoạn nhạc dạo mười nhịp mang âm hưởng Tây Nguyên diễn tấu bằng đàn t'rưng của Nguyễn Văn Tý, sáng tác năm 2004, khi ông tròn 80 tuổi. Tác phẩm này ra đời sau một chuyến đi đầy ấn tượng, không theo lời mời của một ai, một chuyến đi tùy hứng của nhóm bạn vừa đồng niên, vừa vong niên. Vâng, nhóm du lịch dã ngoại gồm năm người. Để chăm sóc sức khỏe người nhạc sĩ già đã hai lần tắc mạch máu não với di chứng nhẹ, nhóm có một bác sĩ đi cùng.

Chúng tôi khởi hành lúc sáu giờ rưỡi chiều trên chuyến xe của một tổ chức open tour có trụ sở ở khu Tây ba lô đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Trời tối hẳn khi qua Sở Sao, vào đường 14, trườn qua những con dốc với rừng cao su thăm thẳm hai bên đường. Vượt qua Bù Đăng, huyện xa nhất của tỉnh Bình Phước, nơi có sóc Bom Bo ai cũng nghe tên, xe vào địa phận Đắk Nông rồi Đắk Lắk và nghỉ ăn đêm ở Buôn Ma Thuột, đoạn chạy tiếp 185km đường dốc trong màn sương khuya của cao nguyên đại ngàn. Lần đầu tiên đến với vùng đất xa xôi có độ cao trên 800m so với mặt biển này, trên xe, nhóm chúng tôi hầu như không ai ngủ được mà đều bồi hồi nhớ lại hình ảnh hùng vĩ và huyền bí, những tình sử bi hùng và những chàng trai, cô gái dũng cảm trong những trường ca và tiểu thuyết từng đọc.

Chúng tôi qua phố huyện Chư Sê khi trời vừa tờ mờ ra khỏi bóng đêm và đến năm giờ rưỡi sáng thì tới Pleiku với những dốc phố mù sương. Chắc có bạn thắc mắc, "hành quân đêm" vất vả như vậy chịu sao thấu đối với cụ Tý? Quả vậy, chỉ có ba người trong nhóm ngồi trên chuyến xe đường trường mà thôi. Một người khỏe nhất hội được phân công xốc nách ông - tuy nhạc sĩ đã có cây ba-toong trong tay - và ưu tiên lên máy bay, chỉ mất có 45 phút là đã hạ cánh xuống sân bay Cù Hanh của thành phố Pleiku.

Ngay buổi sáng đầu tiên, một người hâm mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - anh tên là Tùng - đã đánh xe riêng mười sáu chỗ đưa cả nhóm đi thăm phố núi. Anh Tùng không quên đưa theo hai cô giáo trẻ dễ thương làm hướng dẫn viên cho "phái đoàn" năm người chúng tôi. Nằm trong khu lâm viên rộng 460 ha, Biển Hồ rộng 250 ha rất gần, chỉ mất 10 phút chạy xe, vốn là miệng một núi lửa đã ngưng hoạt động, nay là hồ nước ngọt bao la có độ sâu trung bình 16-18m, cung cấp nguồn nước trong lành cho ngót hai trăm ngàn người. Một doi đất từ trên đỉnh cao của bờ hồ chạy ra gần giữa hồ. Doi đất đủ dài và rộng để vắt lên đấy một con đường nhựa dốc thật đẹp và xây lên một lầu nghinh phong ngũ giác đủ chỗ cho cả trăm người cùng lúc thưởng ngoạn phong cảnh quyến rũ.

Chúng tôi đứng trên lầu, nghe tiếng gió vi vu nhẹ lướt trên mặt hồ gợn sóng chớp sáng phản chiếu ánh mặt trời ban mai và lặng ngắm rừng thông xanh đầu non quanh hồ trải dài đến mênh mông xa thẳm của vùng đất thiêng đầy dấu tích sử thi của các dân tộc Tây Nguyên. Dân gian trong vùng có cả một truyền thuyết về cô gái có đôi mắt ngọc long lanh gắn liền với sự tích xuất hiện hồ nước thơ mộng này.

Sau khi chụp hình bên chiếc cầu treo, nơi nước Biển Hồ đổ xuống qua một con đập để vào nhà máy xử lý nước, chúng tôi vào làng Pleiku Roh với ngôi nhà sàn mái dốc cao vút. Ở đấy, trong tiếng chiêng cồng rộn ràng, chúng tôi dự một cuộc liên hoan tưng bừng với rượu cần, cơm lam, thịt nướng và thưởng thức bài ca Dăm Brông qua tiếng hát của nghệ nhân nổi tiếng Rchâm Tin. Cô Rmah H'Nguyệt, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, ngồi cạnh tôi cho biết tên bài hát có nghĩa là Chàng trai dũng cảm. Được cuốn hút bởi tiếng nhạc, chúng tôi nắm tay nhau nhảy điệu dân vũ cùng các cô sơn nữ dân tộc J'Rai, Puih H'Lý, Puih H'Raih… dễ mến.

Trong buổi tối gặp mặt giao lưu bên bờ hồ Đức An lung linh ánh trăng với những người bạn mới gồm giáo viên, bác sĩ, nghệ sĩ, chủ doanh nghiệp… mà hầu hết ở lứa tuổi U40, U50, hình như ai cũng băn khoăn tự hỏi nên xưng hô thế nào với người nhạc sĩ lão thành. Sau cùng thì tùy nghi. Có người gọi Nguyễn Văn Tý là bác, là cụ, là ông, có người gọi là nhạc sĩ (nghĩa là trẻ già gì cũng phù hợp). Riêng hai cô giáo đã dẫn chúng tôi tham quan Pleiku, do "thâm giao" hơn nhưng lại là trẻ nhất, đã trìu mến gọi nhạc sĩ là anh. Hai cô còn trổ tài tự ca ngâm (và chép lại sau đó) thơ của mình để tặng chúng tôi, tự đệm guitare và hát Dư âm, Mẹ yêu con, Cô đi nuôi dạy trẻ…

Tối hôm ấy, Nguyễn Văn Tý rất vui và xúc động. Ông không ghìm được giọt nước mắt sung sướng và nói rằng, tận sâu thẳm tâm hồn và trái tim rung cảm, ông thấy vô cùng ấm áp dù lúc đó đã 11 giờ khuya, gió lạnh cao nguyên đã tạt về và sương đêm phố núi đã vương trên vai áo mọi người.--PageBreak--

Ít lâu sau, từ dư âm của chuyến đi, Nguyễn Văn Tý cảm tác ca khúc đầu tiên về vùng cao nguyên đất đỏ phong phú tiềm lực kinh tế, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh bảo vệ buôn làng, tiếp nối danh sách dài các bài hát bất hủ của ông về khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Nhóm ca nổi tiếng Bazan gồm các chàng trai Ba Na, Ê Đê… đã đưa tác phẩm Về Pleiku này của ông lên sân khấu trình diễn trong một chương trình live show được truyền hình trực tiếp của VTV3.

 Trong mấy ngày ở Pleiku, có dịp nghỉ chung phòng và cùng đi thăm vùng Bàu Cạn bạt ngàn đồi chè hoặc ngồi nhâm nhi trong quán Vương Cát Trà trên đường Hùng Vương… với người nhạc sĩ già, mấy anh em chúng tôi đưa ra nhiều câu hỏi và được ông cởi mở giãi bày tâm tình.

Mang nặng hồn quê

Bản sắc dân gian trong âm nhạc Nguyễn Văn Tý có lẽ khởi nguồn từ những ngày ấu thơ. Bố ông, trước khi là thợ máy ở Nhà máy Xe lửa Trường Thi, đã là một nghệ nhân tài ba, vừa dạy vừa chơi tất cả các loại nhạc cụ của một phường bát âm và cả đàn bầu, đàn đáy, đàn tranh… Trong căn nhà tranh vách đất của gia đình người thợ, từ thuở lọt lòng mẹ, tâm hồn trẻ thơ của Nguyễn Văn Tý đã thấm đẫm tiếng đàn nhị trong những chiều mưa, tiếng sáo trong những chiều hè gió lộng hay tiếng đàn nguyệt trong những đêm trăng êm ả. Còn nhỏ xíu, Nguyễn Văn Tý được người cha dạy hát những bài cổ bản, từ Kim tiền, Lưu thủy, Sa mạc, Trống quân đến Huê tình, Hành vân, Tạ ngũ điểm, Bình bán… Mới sáu tuổi, "Cậu Tý hát hay" đã nổi tiếng khắp vùng với bài Lý giao duyên.

Trong các ca khúc của mình, Nguyễn Văn Tý thường gắn quyện, lồng ghép các đề tài, hình tượng một cách tài tình. Ông đi thực tế tích lũy vốn sống rất nhiều, có khi ấp ủ nhiều năm mới tạo hình hài xong một tác phẩm. Để có Em đi làm tín dụng, ông phải thâm nhập đời sống không chỉ nơi gần mà cả ở vùng sâu, vùng xa và vùng cao. Lại cũng phải trải qua thất bại của ca khúc cùng viết về ngành Ngân hàng trước đó Bạc vàng nên nhân nghĩa, tình người là núi sông, một "xã luận ca" như ông nói.

Ở Em đi làm tín dụng, tiếng sáo dạo đầu cao vút luyến láy và giai điệu mượt mà suốt 64 khuôn nhịp mô phỏng theo làn điệu dân ca của dân tộc Mông mà ông đã sưu tầm từ vùng núi Tây Bắc trước đấy ba năm cùng với lời ca vừa cụ thể vừa đầy màu sắc của quê hương bản làng và tình yêu thiết tha khiến bài ca này không chỉ ngành Ngân hàng hát nhiều mà rất nhiều người ưa thích và cùng hát.

Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng/ Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ/ Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô…/ Anh đã đi xa em vẫn đợi chờ,/ Rừng đào vẫn hẹn mùa hoa nở,/ Em chắc lúc về lòng anh hớn hở,/ Nhìn bản làng khác thuở anh đi./ Anh chưa quên tiếng hót của chim quy/ Em chưa quên câu anh đã nói gì./ Mùa xuân đã đến tiếng sáo ai bay bổng giữa trời/ Lòng em vẫn nhớ tiếng sáo anh bay bổng nhắn lời.

Trong bài này, qua chủ đề về ngành Ngân hàng tín dụng, công chúng yêu ca hát thấy bóng dáng người phụ nữ mới tham gia gánh vác công việc xã hội cùng sắc màu và cung bậc của hình ảnh và âm thanh vùng núi cao miền Tây Bắc đất nước.

Cũng vậy, ở Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, với chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, từ những làn điệu, tiết tấu và nội dung lời ca của các bài ví dặm (Mự mi mô rồi hỡi/ Tau đi tỉnh mới về/ Có những chuyện hay ghê/ Lại đây tau học chuyện… hoặc Tui nọ biết anh mô/ Anh nọ biết tui mô/ Sóng ngoài biển tràn vô/ Mây rừng xanh lộn lại/ Gió đại ngàn cuốn lại…), Nguyễn Văn Tý đã phát triển và sáng tạo những giai điệu và ca từ thật đẹp về vùng sông Lam núi Hồng sơn thủy hữu tình với những người con trai, con gái khỏe mạnh cả tinh thần và thể chất đang nỗ lực lao động xây dựng quê hương.

Trong các ca khúc này, người nghe vẫn cảm nhận được tiết tấu ví dặm nhưng không phải được lặp lại bằng những câu chỉ có năm chữ như ở câu ca cổ mà đã được nhào nặn, biến hóa sinh động lên rất nhiều. Giống như ở những ca khúc khai thác vốn chèo cổ và quan họ, ở đây người nghe nhận ra Nguyễn Văn Tý luôn tìm tòi để có những âm thanh mới, hình thức mới và những phương tiện biểu hiện mới.

Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ/ Này vùng Đá Bạc đồi núi lô nhô,/ Những dòng suối nhỏ theo sông về với biển/ Bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa.

Và... Tay anh phá đá tay em đào sỏi/ Ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày hè/ Chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá/ Ta nghe trong nớ bao nhiêu là chuyện lạ/ Ngày ta đi học em nói thích nghề gì?/ Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ/ Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi/ Giống ngày phượng nở hai đứa mình cùng đi.

Cùng trong những năm này, Nguyễn Văn Tý có Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca phụ nữ Việt Nam… Và sau năm 1975 là những Cô đi nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre, Huyền diệu… được đông đảo công chúng trên mọi miền đất nước nồng nhiệt đón nhận và hát rất nhiều.

Trong lúc say sưa nhớ lại những tác phẩm để đời của mình mà nhờ đó, ông được Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, Nguyễn Văn Tý như trẻ lại, những nếp nhăn trên khuôn mặt hầu như không còn, ông cười lớn và kể mạch lạc câu chuyện cách nay đã trên nửa thế kỷ

Mai Thế Phú
.
.