Cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, giải Nobel về hòa bình 2008:

Mang chuông đi đấm nước người...

Thứ Năm, 13/11/2008, 14:00
Ông Martti Oiva Kalevi Ahtisaari sinh ngày 23/6/1937 tại thành phố Viipuri thuộc vùng Karelia, trước đây thuộc về Phần Lan nhưng nay là thành phố Vyborg nằm trong lãnh thổ Nga. Năm 2000, sau khi hết nhiệm kỳ làm Tổng thống Phần Lan, ông Ahtisaari lại quay về lĩnh vực hoạt động mà ông vốn quen thuộc: Ngoại giao quốc tế. Ông lập ra tổ chức phi chính phủ "Sáng kiến vượt qua các cuộc khủng hoảng".

Trong một thế giới liên tục bị phân hóa bởi quá nhiều mâu thuẫn như hiện nay, tìm được một nhân vật để trao một giải thưởng dù muốn dù không cũng mang đậm màu sắc chính trị như giải Nobel về hòa bình luôn là việc không dễ. Đây chính là nguyên nhân khiến nảy sinh các dư luận trái chiều về những người được trao giải Nobel về hòa bình hằng năm, đặc biệt là khi họ liên đới tới các tiến trình tìm kiếm giải pháp cho các khúc mắc trầm kha trên chính trường thế giới.

Nhìn từ góc độ này, giải Nobel về hòa bình 2008 cũng không phải ngoại lệ, khi nó được trao cho cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari nhờ "những đóng góp trong suốt 30 tham gia tìm kiếm hòa bình trên các châu lục" (lời tuyên bố lý do của Ủy ban Nobel về hòa bình).

Nhiều người trên thế giới biết tới ông Ahtisaari trước hết như một trong những kiến trúc sư chính cho việc tách Kosovo thành một nước cộng hòa độc lập ra khỏi Serbia, sự kiện bị đánh giá như một khởi đầu mới trong quá trình chia rẽ châu Âu và thế giới. Trước đây, vào các năm 2000, 2001 và 2006, ông Ahtisaari cũng từng có tên trong danh sách các ứng cử viên cho giải Nobel về hòa bình.

Ông Martti Oiva Kalevi Ahtisaari sinh ngày 23/6/1937 tại thành phố Viipuri thuộc vùng Karelia, trước đây thuộc về Phần Lan nhưng nay là thành phố Vyborg nằm trong lãnh thổ Nga. Cha ông vốn mang tên họ Oiva Alvar Agolfsen, sinh ra ở Na Uy nhưng từ năm 1929 đã vào quốc tịch Phần Lan và lấy họ Ahtisaari từ năm 1935.

Khi bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai trên phần đất giữa Phần Lan và Liên Xô ngày 30/11/1939, người cha, một hạ sĩ quan hậu cần ở Viipuri, đã phải đi ra chiến trường, còn người mẹ cùng cậu con trai nhỏ chuyển về ở Kuopio. Ngày 13/3/1940, chiến tranh kết thúc: Theo thỏa thuận hòa bình ký ở Moskva trước đó, khu vực Karelia cùng với hai thành phố Viipuri và Keksgolm đã được chuyển về cho Liên Xô...

Martti Ahtisaari đã tốt nghiệp phổ thông tại Kuopio. Năm 1952, do người cha chuyển nơi làm việc nên cả gia đình đã tới cư trú tại Oulu. Tại đó, nhà chính trị gia tương lai đã học trung cấp và gia nhập Liên đoàn Thanh niên Thiên chúa giáo (The Young Men's Christian Association, viết tắt là YMCA). Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, Martti Ahtisaari đã học thêm một khoá đào tạo giáo viên trong hai năm ở Oulu và đi dạy học ở Trường phổ thông Oulunsuu một thời gian không dài...

Tới năm 1960, Martti Ahtisaari theo phân công của YMCA chuyển sang làm người phụ trách ký túc xá sinh viên ở Trường Cao đẳng Thể dục thể thao tại thành phố KarachiPakistan. Tới năm 1961, ông quay về Phần Lan và vào học ở Trường Kinh tế Cao cấp tại Helsinki. Ba năm sau, ông trở thành Thư ký điều hành Câu lạc bộ Sinh viên Quốc tế Helsinki và tổ chức "Hỗ trợ Thanh niên Quốc tế".

Từ năm 1965, Martti Ahtisaari bắt đầu vào làm việc ở bộ phận trợ giúp các nước đang phát triển thuộc Bộ Ngoại giao Phần Lan và đã có những bước thăng tiến tuần tự nhưng vững chắc. Tới năm 1971, ông đã là Vụ phó Vụ Trợ giúp các nước đang phát triển và tham gia trực tiếp vào nhiều đề án lớn giúp đỡ châu Phi... Những hoạt động nhân đạo đã tạo thêm điều kiện để năm 1973, Martti Ahtisaari trở thành đại sứ Phần Lan tại Tanzania. Năm 1975, ông còn kiêm thêm nhiệm vụ đại diện ngoại giao của Phần Lan ở Zambia, SomaliaMozambique...

Ông đã thiết lập được những quan hệ hữu hảo với các thủ lĩnh Tổ chức Nhân dân Đông Nam Phi (South West African Political Organization, viết tắt là SWAPO), lực lượng vũ trang được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận là đại diện chính thức cho Namibia từ năm 1973 (Namibia vốn thuộc thành phần CH Nam Phi nhưng từ năm 1966, SWAPO đã đứng lên tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cho vùng đất này). Năm 1977, với sự ủng hộ của các thủ lĩnh SWAPO, ông đã được cử giữ chức đại diện LHQ tại Namibia.

Ông đã tới New York để bảo vệ quyền lợi cho những người dân Namibia trong quá trình LHQ thông qua những quyết định liên quan tới quá trình trao trả lại nền độc lập cho các cư dân ở vùng đất này. Ngoài ra, cũng từ năm 1978, Martti Ahtisaari đã nhận thêm chức đại diện đặc biệt tại Namibia của Tổng thư ký (TTK) LHQ, thoạt tiên là ông Kurt Waldheim, rồi sau đó là ông Javier Perez de Cuellar. Từ năm 1981, do khối lượng công việc kiêm nhiệm trở nên quá tải nên Martti Ahtisaari chỉ giữ chức đại diện đặc biệt của TTK LHQ...

Năm 1984, Martti Ahtisaari trở về với Bộ Ngoại giao Phần Lan và được cử làm trợ lý Bộ trưởng về trợ giúp các nước đang phát triển và Vụ trưởng Vụ Trợ giúp các nước đang phát triển. Đồng thời, ông vẫn giữ chức đại diện đặc biệt của TTK LHQ tại Namibia...

Namibia là vùng đất gắn bó chặt chẽ với Martti Ahtisaari đến mức, năm 1987, ngay cả khi đã trở thành Phó TTK LHQ phụ trách về các vấn đề hậu cần và hành chính, ông vẫn giữ nguyên chức vụ đại diện đặc biệt của TTK LHQ tại Namibia.

Trong giai đoạn 1989-1990, ông còn chỉ huy lực lượng mũ xanh UNTAG (United Nations Transition Assistance Group) đông tới 8 nghìn người, cả quân nhân lẫn các nhân viên dân sự, của LHQ ở Namibia. Tháng 3/1989, tại đó đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng các chiến binh SWAPO đã lọt được vào lãnh thổ Namibia từ lãnh thổ Angola để củng cố thêm vị trí của mình trước khi diễn ra bầu cử.

Trong tình cảnh bó buộc này, Martti Ahtisaari nhân danh LHQ đã ủy quyền cho quân đội Nam Phi có những biện pháp đáp trả để có thể tiến hành bầu cử một cách dân chủ. Tuy nhiên, vụ việc có vẻ như căng thẳng này đã không dẫn tới những hậu quả xấu và tháng 11/1989, trong cuộc bầu cử và cơ quan lập pháp của Namibia, SWAPO vẫn nhận được 57% số phiếu và 41 trong 72 ghế trong quốc hội.

Tháng 8/1990, thủ lĩnh SWAPO Sam Nuyoma đã được bầu làm Tổng thống Namibia (về sau, ông này còn được hai lần tái đắc cử, vào năm 1994 và năm 1999). Qua sông không rút ván, chính quyền mới ở Namibia năm 1992 đã trao tặng danh hiệu công dân danh dự của Namibia cho vợ chồng ông Martti Ahtisaari...

Những công việc mà Martti Ahtisaari làm được ở Namibia đã củng cố thêm danh tiếng của ông như một chuyên gia thượng hạng về hòa giải nhưng không phải ở đâu ông cũng đạt được kết quả như những gì ông từng đạt được ở miền Nam châu Phi. Tháng 3/1991, ông sang thăm Iraq và Kuweit. Ông được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban đặc biệt của LHQ, có nhiệm vụ soạn thảo bản báo cáo về hậu quả của chiến dịch "Bão táp sa mạc" mà quân đội Mỹ đã tiến hành tại Vùng Vịnh, hủy hoại nghiêm trọng nền kinh tế của hai quốc gia vùng Trung Cận Đông này.

Theo một số nguồn tin, do không chịu nhận định về vấn đề Iraq như Washington mong muốn nên Martti Ahtisaari đã bị mất sự hỗ trợ của Mỹ nên bỏ lỡ cơ hội rất hiện thực là trở thành TTK LHQ mới và phải nhường vị trí này cho nhà ngoại giao Ai Cập Boutros Boutros-Ghali... Tuy nhiên, với một người như Martti Ahtisaari thì không bao giờ phải lo thất nghiệp.

Ngày 30/6/1991, khi hết thời hạn làm đại diện đặc biệt của TTK LHQ tại Namibia, chỉ một ngày sau đó là Martti Ahtisaari đã nhận được quyết định lãnh đạo Bộ Ngoại giao Phần Lan. Từ tháng 9/1992 tới tháng 4/1993, ông còn nhận được lời mời đặc biệt làm Chủ tịch Nhóm công tác về Bosnia-Herzegovina tại Hội nghị Quốc tế của LHQ về Nam Tư cũ ở Geneva. Từ tháng 7 tới tháng 10/1993, tại Hội nghị này ông đã đăng đàn diễn thuyết với cương vị cố vấn đặc biệt và là đại diện đặc biệt của TTK LHQ về Nam Tư cũ.

Năm 1993, Martti Ahtisaari đã tham gia vào cuộc vận động tranh cử Tổng thống ở Phần Lan. Cơ chế bầu cử ở Phần Lan lúc đó cũng được cách tân; thay vào các đại cử tri là cuộc bầu cử trực tiếp diễn ra theo hai vòng. Đương kim Tổng thống lúc đó là ông Mauno Koivisto, thành viên đảng Xã hội - Dân chủ Phần Lan đã quyết định không tái cử thêm nhiệm kỳ thứ ba nữa.

Vì thế nên ngày 16/5/1993, các đảng viên Xã hội - Dân chủ đã tổ chức bầu cử thăm dò nội bộ mà trong đó, ông Ahtisaari đã tranh thủ được cả những cử tri không nằm trong đảng này và vượt lên trên bốn đối thủ cùng đảng.

Ngày 16/1/1994, Martti Ahtisaari đã giành được vị trí thứ nhất ngay trong vòng bầu cử đầu tiên với 26% số phiếu ủng hộ. Đứng thứ hai trong vòng bầu cử này là bà Bộ trưởng Quốc phòng Elisabeth Rehn với 22% số phiếu. Ngày 6/2/1994, trong vòng bầu cử thứ hai, Martti Ahtisaari đã giành được 53% số phiếu và trở thành Tổng thống Phần Lan.

Ngày 1/3/1994 đã bắt đầu nhiệm kỳ 6 năm làm Tổng thống của ông Ahtisaari. Tới tháng 10/1994, 57% dân chúng Phần Lan ủng hộ ông Ahtisaari về việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Và đầu năm 1995, Phần Lan trở thành thành viên EU. Quan điểm đối ngoại chủ đạo của ông Ahtisaari là hợp tác với các nước Bắc Âu và hỗ trợ cho hệ thống an ninh tập thể của châu Âu cũng như chính sách an ninh không cần tham gia NATO...

Mùa xuân năm 1999, ông Ahtisaari và Thủ tướng Nga lúc đó là ông Victor Chernomyrdin đứng ra làm trung gian hòa giải trong chiến tranh ở Nam Tư, bắt đầu từ tháng 3/1999 với những trận không kích của NATO vào lãnh thổ Nam Tư nhằm buộc Belgrad phải rút quân ra khỏi Kosovo. Ông Ahtisaari và ông Chernomyrdin đã đưa ra một kế hoạch dàn xếp hòa bình nhằm giải quyết vấn đề Kosovo mà tới ngày 3/6/1999, Tổng thống Nam Tư lúc đó là ông Slobodan Milosevich đã ký...

Năm 2000, sau khi hết nhiệm kỳ làm Tổng thống Phần Lan (với những kết quả, nói một cách công bằng, không khiến người dân Phần Lan cảm thấy phấn chấn), ông Ahtisaari lại quay về lĩnh vực hoạt động mà ông vốn quen thuộc: Ngoại giao quốc tế. Ông lập ra tổ chức phi chính phủ "Sáng kiến vượt qua các cuộc khủng hoảng" (Crisis Management Iniatiative, CMI).

Cũng từ năm 2000, ông bắt đầu làm việc trong "Ủy ban ba nhà minh triết" mà với sự nỗ lực của nó, nước Áo đã thoát khỏi cảnh cô lập về ngoại giao từ phía các quốc gia thành viên khác của EU. Trong hai năm 2000-2001, ông Ahtisaari thực hiện nhiệm vụ thanh sát các kho vũ khí của tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA).

Năm 2005, với sự môi giới của ông Ahtisaari và CMI đã ký được thỏa thuận hòa bình chấm dứt sự đối đầu kéo dài ngót ba mươi năm giữa Indonesia với phong trào li khai ở tỉnh Acheh. Cũng trong năm 2005, ông Ahtisaari đã được cử làm đại diện đặc biệt của TTK LHQ về tương lai của Kosovo.

Năm 2007, ông đã đưa ra kế hoạch giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Kosovo nhưng nó đã không được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua vì thái độ phản đối của Nga và Trung Quốc... Cũng chính vì thế nên việc  trao cho ông Ahtisaari giải Nobel về hòa bình năm nay không phải ở đâu cũng gặp được sự đón nhận hào hứng...

Phương Hà Thủy
.
.