Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà

Mãi một nỗi niềm "Sông cạn”

Chủ Nhật, 08/09/2013, 09:14
Trong quân đội có rất nhiều vị tướng yêu văn học và càng lớn tuổi càng bị niềm say mê chữ nghĩa cuốn hút. Ở tuổi cổ lai hy, họ bắt đầu nhọc nhằn với những con chữ để sáng tác hay viết hồi ký. Đó cũng là những việc làm hay. Tuy nhiên, những nhà văn mặc áo lính để được vinh thăng quân hàm tướng rất không nhiều, có lẽ đếm tên tuổi cũng chưa đầy một bàn tay. Trong số những tướng nhà văn đó có tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Sao Mai”, Thiếu tướng, cố Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội Dũng Hà. Ông cũng là tác giả của bộ tiểu thuyết mà theo nhiều người am hiểu, có thể sẽ trở thành tác phẩm lớn nhất của ông, “Sông cạn”.

Một phần tiểu thuyết này đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in và phát hành tháng 10/2005. Có điều xót xa là, cho tới khi lìa khỏi cõi trần ngày 1/3/2011 tại Hà Nội, nhà văn Dũng Hà vẫn đau đáu ước mơ về ngày đứa con tâm huyết của mình được tới tay bạn đọc một cách trọn vẹn.

1. Nhà văn Dũng Hà tên thật là Phạm Điệng, người huyện Vũ Thư, Thái Bình. Ông sinh ngày 15/8/1929. Như nhiều người cùng thế hệ, ông đã gia nhập quân đội từ năm 17 tuổi và trải qua rất nhiều chiến trường. Ông đã là chính trị viên tiểu đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh chiếm đồi A1. Rồi ông được phân công làm nhiệm vụ áp giải tù binh Pháp về Thanh Hóa. Tiếp theo, ông cùng đơn vị của mình tham gia công tác làm kinh tế. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giai đoạn cao trào, Dũng Hà được điều về Quân chủng Hải quân. Khi Binh chủng Đặc công được thành lập, người cán bộ chính trị Dũng Hà lại được chuyển về đây và dần dà trưởng thành tới chức vụ Chủ nhiệm chính trị Binh chủng...

Ngay từ khi còn trẻ, Dũng Hà đã mày mò viết văn. Và cũng ngay từ lúc trẻ, ông đã rất tỉnh táo khi nhìn vào công việc sáng tác của mình. Ông tự nhận mình là “không có tài bẩm sinh”. Ông không có tham vọng làm văn bằng mọi cách để tạo dấu ấn, mà trước hết là diễn tả những gì có thật trong cuộc đời mình để thực thi công vụ và phục vụ những lợi ích lành mạnh nhất của xã hội, sống rồi mới viết chứ không phải sống để viết. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, ông đã yên tâm làm tốt chức trách “sĩ quan chiến trường” của mình trong Binh chủng Đặc công. Biết bao nhiêu công việc mà ông đã phải trải qua trong một lực lượng “đầu sóng ngọn gió”, luôn giáp mặt với hy sinh nguy hiểm như thế. Thậm chí, ông đã từng bị dính đạn và hiện mang vết thương vĩnh viễn trong mình. Tuy nhiên, mơ ước dẫu thầm kín nhưng không bao giờ nguôi trong lòng là làm sao nói được những gì “tai nghe, mắt thấy, tim cảm” thành ngôn ngữ văn học thì không lúc nào buông tha cho ông. Càng đi vào hiện thực bề bộn và nguy hiểm của đời sống chiến sĩ chiến đấu, Dũng Hà càng cảm thấy đốm lửa văn chương cháy lên trong mình. Ông kể: “Năm 1974, sau khi được trực tiếp tham gia mấy chiến dịch của đặc công, tôi bỗng nảy ra ý định táo bạo: Mình là người trong cuộc, có vốn sống trực tiếp đặc công, sao lại không viết nhỉ?”. Chính trong tâm trạng ấy, Dũng Hà đã hoàn thành Sao Mai, bộ tiểu thuyết cho tới nay được đánh giá là hay nhất về Binh chủng Đặc công, trong vòng 60 ngày, dày 600 trang bản thảo. Nửa năm sau, vào cuối năm 1974, tác phẩm được in ra và được đón nhận nồng nhiệt... Nghiệp viết đã đưa ông về Tổng cục Chính trị và sau năm 1975, được phân công làm Trưởng Ban Ký sự lịch sử quân sự. Tới năm 1982, ông được phân công làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được phong quân hàm Thiếu tướng.

Ngoài Sao Mai, những tác phẩm có ấn tượng của nhà văn Dũng Hà là các tiểu thuyết Mảnh đất yêu thương (1978), Đường dài (1987), Quãng đường xưa in bóng (1989) cũng như những tập truyện ngắn Gió bấc (1963), Cây số 42 (1996)...

Không phải nhà văn nào cũng vượt qua được “dấu son” của thời sung sức. Và không ít người cũng nghĩ như thế về Sao Mai và nhà văn Dũng Hà. Vành nguyệt quế, dù mới chỉ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ văn chương,  của Sao Mai có lẽ đã phủ xuống che đi nhiều bộ sách sau của ông... Dường như cho tới khi ông về hưu, không ai hy vọng gì vào ông thêm nữa, dẫu sao đã có được Sao Mai là quá tốt cho một cựu chính ủy Binh chủng.

Riêng bản thân Dũng Hà không an phận. Những thăng trầm và dâu bể của cá nhân cũng như những người thân trong dòng họ (từng tham gia cách mạng từ sớm, có nhiều thành tích nhưng vì quá chân thành và bộc trực nên đã phải gánh chịu không ít những thử thách khốc liệt, may mà cuối cùng đều tai qua nạn khỏi) cứ ám ảnh ông và thúc giục ông cầm bút. Và ông đã sống như con thiên nga tích cóp những giai điệu máu thịt thăng hoa nhất để tới giờ tới khắc, sẽ cất lên tiếng hát cuối cùng lưu danh mai hậu.

Năm 1993, Dũng Hà về hưu và ở lại trong ngôi nhà nhỏ ba tầng ở ngõ số 8 phố Lý Nam Đế. Từ đó ông ít xuất hiện trên báo chí, ít giao du hội hè và khác một số người, thực sự không có tham vọng gì để chứng tỏ vai trò từng nổi bật của mình trong các hoạt động ngoài trang viết. Và năm 1996, ông đã âm thầm hoàn thành lần đầu tập bản thảo tiểu thuyết Sông cạn. Nhiều đồng nghiệp đón nhận bản thảo này một cách trân trọng, coi đó là “sách để đời” của nhà văn Dũng Hà. Còn nhớ, tôi đã rất xúc động khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết còn thơm mùi mực Sông cạn mà ông tặng với lời  đề tựa mà quả thực là tôi đã đỏ mặt đọc vì xúc động và cảm thấy mình quá được ưu ái: “Thân yêu tặng người đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, người bạn vong niên, người trí thức cách mạng...”. Tuy nhiên, Sông cạn chỉ được in ra ở dạng rút gọn và đây là một lý do khiến cho nhà văn Dũng Hà dường như mãi còn trăn trở...

Ai đó đã nói rằng, để sống cùng hậu thế, phải đi trước ngày hôm nay. Có cảm giác như nhà văn Dũng Hà đã tạo ra được một đứa con tinh thần giúp văn nghiệp của ông sống lâu hơn kiếp đời trần thế của tác giả. Với một nhà văn, đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc và may mắn đích thực hay sao, dù rằng, cần phải có thêm thời gian để xã hội “chín” tới lúc có thể cân bằng tâm trí đón nhận nó.

Nhà văn Dũng Hà (phải) và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Ảnh trong bài: Minh Trí.

2. Tôi có may mắn được tiếp xúc với nhà văn Dũng Hà khá gần gụi những năm cuối đời của ông vì tôi khá thân với trưởng nam của ông (Thật buồn là người bạn quý mến này đã sớm qua đời vì bạo bệnh, trong khi “lá vàng còn ở trên cây” thì bạn tôi đã mất, nhà văn đã rất đau đớn...). Và tôi đã thực hiện được một cuộc trò chuyện khá công phu với ông. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày sinh của nhà văn Dũng Hà, tôi muốn chia sẻ lại cùng bạn đọc một phần nội dung của cuộc trò chuyện đó, để ta thêm hiểu về một vị tướng nhà văn từ tâm và khả kính.

- Hồng Thanh Quang: Hồi ông từ Binh chủng Đặc công về Tạp chí Văn nghệ Quân đội là năm nào? Ta ôn cố tri tân một chút...

- Nhà văn Dũng Hà: Tôi về làm Tổng biên tập bổ nhiệm tháng chạp năm 1982.

- Người tiền nhiệm của ông là ai lúc ấy?

- Tiền nhiệm của tôi là ông Nguyễn Trọng Oánh, quyền Tổng biên tập.

- Ra thế, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh mới chỉ là quyền Tổng biên tập. Bác Oánh viết tiểu thuyết “Đất trắng” rất giá trị nhưng thơ của ông cũng hay lắm, đầy nỗi niềm tình cảm... Trước khi về Văn nghệ Quân đội, ở Binh chủng Đặc công, ông đã giữ cương vị gì? Chính ủy?

- Không, tôi chỉ là Chủ nhiệm chính trị Binh chủng thôi.

- Lúc ấy, ông đã viết những tác phẩm nào rồi?

- Tôi đã viết Sao Mai, một số truyện ngắn và tiểu thuyết Mảnh đất yêu thương xuất bản năm 1978.

- Hồi nhỏ tôi cũng có đọc “Sao Mai” và thấy thích lắm. Sau này sang học ở Liên Xô, tôi cũng có nhìn thấy bản dịch ra tiếng Nga của tiểu thuyết này. Tôi nghĩ, đấy cũng là một trong những ấn tượng lớn trong nền văn học Quân đội nhân dân của mình...

- Sao Mai là cuốn sách mình viết khi còn ở đơn vị, còn trực tiếp đưa bộ đội đi đánh giặc. Cho tới năm 1972, tôi vẫn còn trực tiếp chỉ đạo đánh chiến thuật cơ. Lúc ấy, những nhà văn quân đội ở nhà như các ông Hồ Phương, ông Hữu Mai... đã viết nhiều tiểu thuyết, ví dụ như Những tầm cao, Những người cùng tuyến, rồi Vùng trời… về đủ các quân, binh chủng.

Nhưng về Đặc công thì chưa có tiểu thuyết nào, nên mình mới nói với Nguyễn Minh Châu rằng, mời các anh ở Văn nghệ Quân đội xuống cùng với Binh chủng Đặc công và viết về chúng tôi với. Nhưng anh Châu không xuống, lại còn nói, có “thằng” Dũng Hà ngồi đấy thì tôi xuống làm gì, có bao nhiêu tư liệu “nó” nắm hết rồi! (cười). Cũng vì không thấy anh Châu xuống nên tôi mới nói với Bộ Tư lệnh Đặc công rằng, thôi, họ không xuống được thì tôi viết, các anh cứ cho tôi mấy tháng để viết.

Cho tới lúc ngồi vào viết Sao Mai, trước đó, tôi cũng đã từng đi mấy chiến dịch với anh em, trực tiếp chỉ đạo bộ đội tác chiến, rồi làm Phó chủ nhiệm Chính trị, tham gia Đảng ủy Binh chủng... Các anh ở Bộ Tư lệnh đồng ý, thế là tôi ngồi vào viết. Viết mới được 100 trang thì máy bay Mỹ đánh tới ga Hàng Cỏ, Bộ Tư lệnh Binh chủng phải sơ tán lên Bất Bạt. Tôi kê vali ngoài sân nhà dân ngồi viết. Viết trong 3 tháng, nhưng tổng số ngày ngồi viết thì chỉ khoảng 60 ngày, được 600 trang. Viết xong, tôi cho người đưa sang nhà xuất bản.

Chuyện này tôi muốn kể với Hồng Thanh Quang: Tôi đưa sang Nhà xuất bản Quân đội, được anh Ngọc Tự biên tập. Ngọc Tự hoan nghênh lắm, bảo với tôi, ông là thủ trưởng chính trị của Binh chủng mà ông viết được thế này là tốt lắm rồi.

- Oách lắm rồi (cười).

- (Cũng cười): Quý lắm. Nhưng bây giờ nói riêng cho Hồng Thanh Quang nghe nhé, trên ông Ngọc Tự lại có một cán bộ cấp phòng, ông này cứ thấy sách của cán bộ chính trị viết, lại dày những 600 trang thì nói luôn: “Thủ trưởng quân chính gì mà viết tiểu thuyết dày thế, cắt còn một nửa thôi”...

- Ông ấy đã đọc bản thảo của ông chưa?

- Lúc nói câu đó, ông ấy làm ra vẻ là đã đọc rồi nhưng về sau, Ngọc Tự nói với tôi là, thực ra, ông ấy có đọc chữ nào đâu, chỉ vì định kiến mà “phán” đại như thế thôi.

- Tức là do định kiến. Lúc đấy không ít người có định kiến với những cán bộ chính trị lại ham mê sáng tác văn chương đấy.

- Thì cũng có một số người cứ định kiến rằng, cán bộ quân chính thì không biết viết văn. Tuy nhiên, ông Ngọc Tự không đồng tình với thái độ của anh cán bộ kia nên mang bản thảo lên gặp ông Mặc Ninh, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội. Ông Mặc Ninh bảo, đưa tôi đọc!

Mà ông ấy đọc thật, đọc trực tiếp. Đọc xong, ông ấy cũng khen lắm. Ông ấy bảo, Dũng Hà ở đơn vị chiến đấu mà viết thế này thì giỏi quá, gọi tác giả lên đây. Cuộc gặp hôm ấy có bốn người: ông Mặc Ninh, Giám đốc; ông Ngọc Tự, biên tập viên; cái ông là trưởng phòng biên tập, cấp trên trực tiếp của ông Ngọc Tự và tôi. Đến lúc ấy mà cái ông trưởng phòng đó vẫn chưa đọc dòng nào trong bản thảo của tôi...

- Tức là ông ấy bị định kiến đến mức, hễ cứ nhìn thấy cán bộ chính trị là bắt đầu bảo ngay là không viết được...

- Chê ngay, không cần đọc! Thế nhưng, trong cuộc gặp hôm ấy, anh Mặc Ninh bảo với tôi, cậu là thủ trưởng quân chính, đi đánh giặc với bộ đội mà viết được thế này thì phải nói là rất giỏi, rất hoan nghênh. Ông ấy khen lắm, ông ấy bảo viết được lắm. Tất nhiên, bản thảo thì có thừa có thiếu, có khen thì có chê, cho nên anh ấy bảo mình nên bớt chỗ này, thêm chỗ kia. Tôi về làm theo những lời khuyên của anh Mặc Ninh và tựu trung là dung lượng vẫn thế, vẫn còn hơn 600 trang (cười).

Thế rồi, tôi đưa bản thảo lên, ông Mặc Ninh hỏi ý kiến anh trưởng phòng: “Tôi thấy tốt, anh thấy thế nào?”. Anh trưởng phòng lúc ấy nói ngay: “Tôi nhất trí với ý kiến của anh” (cười). Về sau, Ngọc Tự vẫn nói với tôi là, anh trưởng phòng ấy có đọc trang nào đâu...

- Thế lần in đầu của tiểu thuyết “Sao Mai” là bao nhiêu bản ạ?

- 27 nghìn cuốn. In nhanh lắm. Tới tháng chạp năm 1974 đã có sách in xong rồi.

- 27 nghìn là oách đấy. Bây giờ nằm mơ cũng khó có cuốn tiểu thuyết nào được in với số lượng như vậy.

- Khi sách được in ra thì tôi lại vẫn tiếp tục cùng bộ đội vào Nam chiến đấu. Ra nhận sách, gặp Nguyễn Khải, anh ấy bảo rằng, ông là người giữ kỷ lục về tốc độ in tiểu thuyết, chúng tôi phải chờ cả năm, còn ông mới viết xong có 6 tháng đã có sách in rồi thì giỏi quá đấy! Sách ra, bìa còn ướt, anh em bộ đội đã bảo, xin cho mỗi chiến sĩ một quyển Sao Mai.

- Anh em Đặc công?

- Anh em Đặc công. Họ yêu cầu cho mỗi chiến sĩ hai quyển Sao Mai, một để đọc, còn cuốn thứ hai là gửi cho người yêu làm kỷ niệm.

- Lần đầu tiên mới có…

- Mới có quyển viết về Đặc công đấy. Và rồi ngay sau đó thì giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng Sài Gòn, lại in nối bản hai vạn bảy nữa.

- Tức là năm vạn tư?

- Năm vạn tư! Rồi trên tờ nhật báo Sài Gòn giải phóng lại in liền mấy tháng Sao Mai.

- Đấy là thời huy hoàng nhất của ông, có đúng vậy không ạ?

- Đúng thế.

- Chúng ta vừa nhắc đến chuyện mà có lẽ ngay bây giờ vẫn là vấn đề trầm kha trong ấn tượng của một số người làm văn học nghệ thuật chuyên nghiệp đối với những cán bộ làm công tác chính trị nhưng lại có năng khiếu văn chương và muốn viết văn. Đó là một vấn đề có thật. Và ông đã phải đối mặt với vấn đề đó khi viết xong tiểu thuyết “Sao Mai”. Vậy khi một cán bộ chính trị cấp Binh chủng như ông về ngồi vào cái ghế lãnh đạo bậc nhất ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi tập trung những tên tuổi văn học danh giá nhất mặc áo lính, với những tên tuổi rất “ghê gớm” hồi ấy như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Thiều... thì cảm giác của ông như thế nào?

- Tôi cứ nói nhé, còn sử dụng thế nào thì tùy Hồng Thanh Quang...

- Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói tới mọi chuyện một cách chân thực, chân thành, quan trọng là nói như thế nào và nhận định như thế nào cho đúng.

- Chuyện là thế này. Khi ấy tôi đã ở Ban Ký sự lịch sử quân sự, Tổng cục Chính trị…

- Tức là ông rời khỏi Đặc công rồi đấy...

- Tôi đã rời khỏi Đặc công, đeo quân hàm Thượng tá, làm Trưởng ban Ký sự lịch sử quân sự. Đó cũng chỉ là một cái ban lâm thời thôi, để viết về trận đánh 30 năm, tôi được phân công chủ trì việc ấy. Đang viết dở dang, mới xong tập 1 thì một hôm ông Nam Khánh...

- Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị...

- Ông Nam Khánh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông ấy bảo là Văn nghệ Quân đội đang cần một người cầm trịch, bây giờ Tổng cục quyết định điều anh về làm Tổng biên tập. Mình giật nảy lên, chết chết tôi làm thế nào được. Ông ấy bảo, cậu cứ về đó, chúng tôi đã cân nhắc rồi...

Lúc đó chúng ta sáp nhập ba tạp chí văn học nghệ thuật trong lực lượng vũ trang lại với nhau: Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng ở miền Nam vốn do anh Nguyễn Trọng Oánh phụ trách; một tạp chí của Văn nghệ khu V do anh Nguyễn Chí Trung chủ trì và Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở ngoài này do nhà thơ Vũ Cao và nhà thơ Thanh Tịnh phụ trách. Khi sáp nhập rồi, nhà thơ Thanh Tịnh rút ra, nhà thơ Vũ Cao chuyển ra ngoài làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Trên đưa anh Oánh lên phụ trách... Rồi trên quyết định đưa tôi ra làm Tổng biên tập.

- Một người nguyên là cán bộ Quân chính Đặc công về phụ trách các nhà văn, nhà thơ (cười).

- (Cũng cười): Đấy, lúc đó Lê Lựu cũng đã nói đùa một câu tương tự như thế... Và trên quyết định bổ nhiệm anh Hồ Phương làm Phó tổng biên tập... Ông Nam Khánh gọi tôi lên tới hai lần để thuyết phục. Tôi cứ xin rút mãi, tôi bảo, úi trời ơi, tôi xin báo cáo với anh, tôi là anh thủ trưởng quân chính, viết văn nghiệp dư, bây giờ tôi đang viết bộ sách ký sự chính trị đây này, tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội thế nào được, tôi không về đâu. Tôi còn bảo, tôi về có khi bị “đánh” đấy chứ (cười).

- (Cười):...

- Ông Nam Khánh bảo, được rồi. Nhưng sau đó, khi anh em ở Văn nghệ Quân đội thảo luận tìm tổng biên tập công khai, tới ba tháng, chỉ thống nhất được ba phương án. Thứ nhất, đưa anh Cục phó Cục Tuyên huấn về kiêm Tổng biên tập; thứ hai, đưa nhà văn Hữu Mai lên. Và thứ ba, đưa Dũng Hà về. Tôi chỉ là phương án thứ ba thôi. Thế rồi trên Tổng cục nói là, thôi, thảo luận thế đủ rồi. Và các anh ấy quyết định đưa tôi về. Và gọi tôi lên giao nhiệm vụ.

- Tôi muốn biết cảm giác của ông lúc đó như thế nào?

- Thực tình là mình lúc ấy vẫn không muốn về. Mình gặp Hữu Mai ở hồ Thiền Quang. Hữu Mai bảo, “mày” (tôi với anh ấy vẫn hay xưng hô với nhau là mày - tao) về làm Tổng biên tập cũng được chứ sao. Hữu Mai còn bảo, “mày” về “mày” chỉ làm “Thái thượng hoàng” thôi, còn về lĩnh vực báo chí bây giờ thì bảo Hồ Phương làm giúp “mày”!. Hữu Mai nói với tôi thế. Lúc ấy tôi bảo với Hữu Mai, “tao” về “tao” biết làm cái gì, mình làm văn nghiệp dư mà, “chúng nó” toàn nhà văn có sừng có mỏ cả, “tao” về thế nào được, “tao” không về đâu. Hữu Mai cứ động viên. Và trên cũng đã giao nhiệm vụ.

Lúc đó, tôi còn ở nhờ nhà vợ ở phố Phùng Hưng. Anh em trong tòa soạn tới chơi. Với Hồ Phương thì trước tôi đã quen rồi, quen từ hồi anh ấy lên Tây Bắc, thủ trưởng đơn vị của tôi ngưỡng mộ anh nhà văn nên mời Hồ Phương đến chơi và ở đó mình đã làm quen với Hồ Phương. Ở Hà Nội thì Hồ Phương đến nhà mình chơi, cùng với Xuân Thiều...

- Hai nhà văn ấy hay đi với nhau lắm. Lúc làm việc cũng như lúc đi uống bia mỗi chiều ở Câu lạc bộ Quân đội trên đường Hoàng Diệu... Tôi biết chuyện này vì khi ấy cha tôi,  cũng là một sĩ quan quân đội, hay cùng hai nhà văn này ngồi sau giờ làm việc ở đó...

- Hai cậu ấy bảo với tôi, cậu cứ về, đừng ngại, chúng tớ ủng hộ. Thực ra, khi tôi còn ở đơn vị thì anh em ở tạp chí cũng đã rủ tôi về làm biên tập viên sau khi tôi được in mấy truyện ngắn. Khi đó, Hữu Mai bảo với tôi, “mày” về làm biên tập với chúng tao. Mình bảo, thôi, chả về, “tao” sợ bị bắt nạt lắm. Hữu Mai bảo, “tao” thấy “mày” viết được đấy, truyện ngắn Đứng giữa của “mày”, “tao” không phải biên tập chữ nào.

- Đó là năm nào?

- Khoảng những năm 62-63

- Khi ấy tôi mới sinh ra...

- Hữu Mai bảo, “mày” về có anh em giúp đỡ lẫn nhau, biên tập thì tay nghề lên. Mình bảo, thôi, “tao” xác định “tao” viết tay trái thôi. Thấy vậy, Hữu Mai mới nói kháy: “Thôi, anh thích làm quan thì anh cứ yên vị, tùy anh”... Vậy mà hai chục năm sau, năm 1982, đùng một cái tôi lại về Văn nghệ Quân đội.

Ông Nam Khánh động viên tôi về và nói thế này: Chúng tôi không yêu cầu anh viết, anh về anh làm quản lý, anh duy trì nội bộ cho nó ổn định tờ tạp chí cho tôi. Hữu Mai cũng “dỗ” tôi về; Xuân Thiều, Hồ Phương đều “dỗ” tôi về... Tôi về rồi mọi sự cũng yên ổn. Và tôi đã làm Tổng biên tập ở đó 12 năm

- Cũng hoành tráng đấy chứ!

- Cũng “ghê”, 12 năm! Nói thật ra mình vừa làm vừa học và đúng là bài vở thì Hồ Phương làm tất, làm xong thì mới đưa đến tôi là người đọc sau cùng.

- Nhà văn Hồ Phương cũng là người hay, khi biết vị trí của mình rồi thì đó cũng là một người hay. Chúng ta chỉ không được hay khi có ảo tưởng khác về bản thân mình thôi...

- Khi tôi về làm Tổng biên tập, vị trí Văn nghệ Quân đội chỉ như một phòng nằm trong Cục Tuyên huấn thôi và trực tiếp quản lý bài vở của Văn nghệ Quân đội lại là Phòng Quản lý văn hóa văn nghệ quần chúng. Bài vở Văn nghệ Quân đội làm xong là phải đưa qua đấy, họ đọc xong ừ hay không ừ thì mới đưa vào Cục phó Cục Tuyên huấn duyệt ký và lúc đó mới được in.

Có một lần tôi phản ứng vì thế này: Tạp chí định in truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Nguyễn Minh Châu là nhà văn sừng sỏ của mình đấy chứ và truyện ngắn đó là Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, là truyện lớn, truyện giá trị chứ. Tôi quyết định cho in, nhưng đưa lên thì đồng chí Cục phó bắt bóc. Tôi mới vào gặp Phó chủ nhiệm Tổng cục Nguyễn Nam Khánh và bảo, thưa anh, tôi thấy thế này là không được, tôi cũng từng là Chủ nhiệm Chính trị ở Binh chủng về, tôi cũng có ý thức chứ... Mình là người lính dưới đơn vị lên, mình quen nói thẳng. Thế là các anh lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã bàn với nhau và cho tạp chí được tách ra khỏi Cục Tuyên huấn và làm việc trực tiếp với Tổng cục. Như vậy là coi như mình tương đương cấp Cục, là một trong sáu đầu mối trực thuộc Tổng cục. Có tương đương cấp Cục thì anh Tổng Biên tập mới lên Đại tá được...

- Và sau đó mới lên Thiếu tướng được (cười).

- (Cũng cười): Giải quyết được cái quy chế là anh em nhà văn mừng lắm...

- Tôi muốn hỏi điều này. Danh chính ngôn thuận ông từng là chỉ huy một thuở của một loạt nhà văn quân đội và hiện nay đã thành những tên tuổi, những thần tượng, những cây đa cây đề trong làng văn Việt Nam. Tôi rất muốn được nghe ông nhận xét, ngắn gọn thôi, về những đồng nghiệp thân thiết của ông trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi mà cá nhân tôi luôn coi là một “ngôi đền” văn học của những người lính. Trước hết, về nhà văn Hồ Phương?

- Tôi phải nói thẳng thế này, anh Hồ Phương là nhà văn quân đội có bề dày, xứng đáng làm Tổng biên tập lắm chứ. Nhưng anh ấy cũng là một cán bộ rất có ý thức tổ chức. Khi tôi làm Tổng biên tập, anh ấy làm Phó tổng biên tập, anh ấy tôn trọng tôi trong việc duyệt bài vở lắm, chấp hành nghiêm chỉnh những ý kiến của Tổng biên tập về việc bài nào đưa, bài nào không đưa...

- Nhà văn Nguyễn Minh Châu là người như thế nào?

- Nguyễn Minh Châu là người hay đấy. Nguyễn Minh Châu không ham công danh, không kèn cựa cái gì. Anh ấy đối với mình là quan hệ theo kiểu tổ chức thôi, không phải thân nhưng mình có đến nhà anh ấy chơi mấy lần, nói chuyện, tâm sự một số điều. Và tuyệt nhiên anh ấy không bao giờ làm việc gì không hay với mình. Nguyễn Minh Châu là một người vô tư, không ham công danh, không màng danh lợi. Anh ấy chỉ yêu cầu là tạo điều kiện yên ổn để anh ấy viết, đừng có động đến anh ấy. Cho nên tôi rất trân trọng anh ấy, tôi quý anh ấy lắm...

- Tôi hiểu rồi. Còn nhà văn Xuân Thiều?

- Nhà văn Xuân Thiều bản chất cũng là một người tốt, có chất của người lính. Anh ấy bao giờ cũng bỏ phiếu cho tôi... Đó là một người trung hậu...

- Trung hậu và cũng giản dị lắm...

- Trung hậu, giản dị... Khi tôi viết quyển Sông cạn, anh ấy bảo đưa cho anh ấy đọc giám định. Anh ấy nói: “Tôi đọc đến chương thứ 7, thứ 8, tôi sướng quá, tôi định gọi điện động viên ông, tôi bảo ông xuất thần viết mấy chương này cực hay”...

- Tôi cảm nhận về nhà văn Xuân Thiều là con người đã có giai đoạn chìm trong một sự mâu thuẫn, một mặt rất muốn phát huy cái tinh túy văn chương của mình, mặt khác rất muốn ngoan ngoãn để chấp nhận tất cả những yếu tố đời thường. Tức là rất muốn là một công chức ngoan nhưng tâm hồn thì cũng náo động theo những ham muốn văn chương. Cảm nhận của tôi liệu có đúng không?

- Tôi thấy nếu trên bổ nhiệm anh ấy làm Tổng biên tập thì cũng được đấy...

- Tôi nghĩ chuyện văn chương mới quan trọng với nhà văn, chứ cái chức Tổng biên tập thì nói thật, nó cũng nhỏ thôi. Mà ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc đó có mỗi cái ghế Tổng biên tập thì ông đã ngồi rồi (cười).

- (Cũng cười):...

- Ông có thấy nhà văn Xuân Thiều đã bị giằng co ở mâu thuẫn, một mặt rất muốn làm một sĩ quan quy củ, nghiêm ngắn, nhưng mặt khác có những khát vọng văn chương lớn hơn tất cả những khuôn khổ của đời thường thời bấy giờ?

- Anh ấy là một người tốt và cũng muốn làm cái gì lớn hơn ở ngoài Hội Nhà văn. Khi không được thì anh ấy cũng buồn...

- Tôi đã đọc quyển “Sông cạn” của ông và nói thực là, tôi đã khóc trên rất nhiều trang. Tôi nghĩ, suy cho cùng, thái độ của văn học vẫn phải là thái độ nhân ái. Chúng ta đã trải qua đủ mọi thứ rồi nhưng nhìn lại quá khứ thì còn lại vẫn là sự tử tế với nhau chứ không phải chúng ta viết văn để mà thanh toán những ân oán giang hồ, những sự bồng bột, bột phát và giận dữ nhau. Trong “Sông cạn” của ông, tôi cảm nhận rất nhiều sự nhân ái, tức là đời sống của một sĩ quan đau đớn như thế, nó bị đoạn trường, hệ lụy như thế mà cuối cùng vẫn là tình cảm, nhất là chương cuối ông viết. Đấy là cảm nhận của tôi, nhưng với ông thì khi ông viết “Sông cạn”, mục đích bắt đầu là gì?

- Tôi cũng viết như thế đấy…

- Không phải để trách cứ ai cả, mà để ôn lại đời chúng ta để yêu hơn cuộc đời này ngay cả trong những tình huống đau đớn nhất.

- Tôi nói Quang nghe nhé, Hữu Mai trước khi chết có gặp tôi, cũng khen tôi như Quang vừa nói. Hữu Mai bảo, rồi đây, những chi tiết gì ở trong quyển sách người ta sẽ quên hết, nhưng cái người ta còn nhớ là thái độ của tác giả với vấn đề đặt ra như thế nào thì “cái chỗ thái độ của mày rất được”! Đúng như Quang vừa nói đấy...

- Xin cảm ơn nhà văn Dũng Hà!

H.T.Q
.
.