Lý Chiêu Hoàng: Hồng nhan đọa kiếp

Thứ Sáu, 21/03/2014, 11:32

Trong lịch sử Việt Nam hình như chỉ có một người phụ nữ duy nhất được tôn lên làm vua. Và số phận truân chuyên của bà cho tới ngày hôm nay vẫn làm nhói lòng hậu thế. Đó là Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý, ngự ở trên ngôi được hai năm rồi nhường ngôi cho nhà Trần, chấm dứt hơn 200 năm tồn tại của một trong những triều đại luôn rất đáng tự hào của nước Việt.

Lý Chiêu Hoàng tên húy là Phật Kim, về sau được phong làm công chúa Chiêu Thánh, sinh tháng 9/1218. Cha bà là vua Lý Huệ Tông. Mẹ bà là Trần Thị Dung (tên thực là Trần Thị Ngừ), con gái của hào trưởng Trần Lý ở miền quê Hải Ấp. Trần Lý đã giúp cho thái tử Lý Sảm khi thái tử do biến sự ở kinh thành Thăng Long  vì loạn Quách Bốc phải cùng mẹ và hai em gái chạy về Hải Ấp (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nương náu tạm thời. Mối duyên giữa thái tử và con gái vị hào trưởng cũng nảy nở trong giai đoạn đó...

Vua cha Lý Cao Tông chạy về Tam Nông (Phú Thọ) nương nhờ nhà một thủ lĩnh người dân tộc thiểu sổ tại đó là Hà Vạn. Cũng phải nói rằng, nhà Lý bắt đầu suy vi là từ thời Lý Cao Tông tài hèn sức mọn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) nhận định về Lý Cao Tông: “Vua mê mải rong chơi, say đắm thanh sắc, ham tiền của, thích xây dựng, dạy tính lười tham cho các quan, gây lòng oán giận ở trăm họ, làm cho cơ đồ nhà Lý phải hao mòn, đến nỗi mất nước. Kinh Thi có câu: “Bên trong mê sắc đẹp, bên ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, nhà cao tường đẹp, người nào phạm một trong các điều ấy tất phải diệt vong”, mà vua thì phạm đủ các điều ấy, còn làm gì được…”.

Trần Lý cùng người em vợ là Tô Trung Từ  từ căn cứ địa Hải Ấp đã góp tay tập hợp lực lượng trong thiên hạ mang quân về kinh giúp thái tử Sảm dẹp loạn Quách Bốc... Tới cuối năm 1209, Quách Bốc và phe nhóm bị đánh bại nhưng Trần Lý cũng bị tử trận nên người em vợ Tô Trung Từ mới nhân cớ đó để thế chỗ trở thành đại thần sau khi đón vua Lý Cao Tông về kinh thành. Tô Trung Từ cũng nhân thể nắm lấy vị trí cận kề thái tử Sảm, mặc dù quyền binh trong đội quân họ Trần sau khi Trần Lý tử trận đã được bàn giao cho con trai thứ của ông là Trần Tự Khánh. Bất mãn vì bị cho ra chầu rìa nên khi thái tử Sảm ở tuổi 16, lên ngôi cuối năm 1210, hiệu Lý Huệ Tông, sai người mang thuyền rồng xuống đón Trần Thị Dung về triều, Trần Tự Khánh đã ngăn cản vì cho rằng “bấy giờ đang loạn lạc...”. Mãi tới đầu năm 1211, khi Lý Huệ Tông vì quá nhớ thương người vợ họ Trần thêm một lần nữa lại sai người đi đón Trần Thị Dung thì Trần Tự Khánh mới miễn cưỡng gật đầu và sai hai tỳ tướng là Phan Lân và Nguyễn Ngạnh mang quân theo hộ tống. Và bà Trần Thị Dung đã được phong làm hoàng hậu. Bà đã sinh hạ cho nhà vua hai người con gái.

Ảnh: H.T.Q.

Tuy nhiên, do những mâu thuẫn quyền lực giữa cậu và anh trai với một số thế lực trong triều Lý nên hoàng hậu Trần Thị Dung đã bị thái hậu Đàm Thị ghét bỏ. Thái hậu cứ khăng khăng cho rằng, Trần Tự Khánh, anh trai của Trần Thị Dung, là kẻ phản trắc và vì thế, Trần Thị Dung cũng là bè đảng của lũ phản trắc nên không thể ngồi ở ngôi cao... Tuy nhiên, vì quá nể thái hậu nên mặc dù lòng đau như cắt nhưng tháng 2/1213, Lý Huệ Tông nhân cớ Trần Tự Khánh mang quân đến phạm cửa khuyết xin đón xa giá, đã phế truất ngôi phi của Trần Thị Dung cho làm ngự nữ. Mặc dầu vậy, quan hệ tình cảm giữa hai người vẫn rất nồng thắm. Nhà vua đi đâu cũng mang ngự nữ theo. Thái hậu vẫn không nguôi căm hận Trần Thị Dung và sai người thúc ép Trần Thị Dung phải tự sát, may nhờ Lý Huệ Tông kịp thời hay biết nên ngăn lại. Thái hậu cũng từng cho bỏ thuốc độc vào đồ ăn dành cho Trần Thị Dung, khiến Lý Huệ Tông phải đưa bà vào ăn cùng với mình, mỗi bữa ăn chia cho một nửa khẩu phần và không lúc nào cho rời khỏi cạnh... Và rốt cuộc là Lý Huệ Tông đã mang Trần Thị Dung đi tìm tới chỗ quân của Trần Tự Khánh. Và công chúa Thuận Thiên, Lý Ngọc Oanh, đã được sinh ra ở bãi Cửu Liên vào tháng 6 âm lịch năm 1216...

Những biến thiên chính trị rối rắm rốt cuộc cũng đưa được lực lượng của Trần Tự Khánh dần dà trở thành chính yếu trong thế cuộc. Tháng 12/1216, Lý Huệ Tông đã cương quyết  bỏ ngoài tai những lời gièm pha của thái hậu mà lập lại cho Trần Thị Dung làm Thuận Trinh phu nhân và cho anh của Trần Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội thị phán thủ... Và cũng từ đó, Trần Tự Khánh lại được trọng dụng trong triều, “Sắp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ” khiến “quân thế dần dần phấn chấn” (ĐVSKTT).

Cũng từ năm 1216, Lý Huệ Tông đã bị mắc bệnh trúng phong, thuốc chữa không khỏi. ĐVSKTT chép, tới năm 1217, “vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm tới chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu li bì đến hôm sau mới tỉnh...”. Trong bối cảnh đó, quyền hành trong nước dần dà chuyển về tay Trần Tự Khánh... Tới tháng 9/1218, công chúa Chiêu Thánh ra đời... Năm 1223, Trần Tự Khánh qua đời, Lý Huệ Tông vẫn triền miên bệnh hiểm nên quyền bính đều phải giao cho người ngoài là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ nắm giữ. Theo sách ĐVSKTT, tháng 10/1224, vua Lý Huệ Tông xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm hoàng thái tử để truyền ngôi lại cho rồi tự mình lui vào chùa Chân Giáo trong đại nội, lấy pháp danh là Huệ Quang Đại sư (có tư liệu cho rằng, chính Trần Thủ Độ đã ép nhà vua phải xuống tóc...). Khi nối ngôi, Lý Chiêu Hoàng mới ở tuổi lên 6... Bà là đời vua thứ chín của triều Lý...

Đền Rồng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi thờ “vua bà” Lý Chiêu Hoàng.

Và từ đó đã bắt đầu một âm mưu chính sự dưới vỏ bọc tình yêu li kỳ bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Tới năm 1225, họ Trần đã nắm giữ được binh quyền và các chức vụ quan trọng trong triều Lý. ĐVSKTT chép: “Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú bác  là Trần Bất Cập được làm Cận thị Thự lục cục Chi hậu. Trần Thiêm làm Chi ứng cục...”. Người chồng tương lai của Lý Chiêu Hoàng là Trần Cảnh, lúc đó mới 8 tuổi, con của Thái úy Trần Thừa, gọi Trần Thủ Độ là chú họ, thì được phân giữ chức Chính thủ. Chính Trần Thủ Độ đã biên soạn và biến thành hiện thực kịch bản soán ngôi nhà Lý, đưa Trần Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng. Hai đứa trẻ gần như đồng niên rất dễ dàng cảm thấy thích nhau.

ĐVSKTT chép: “...Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng.

Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ.

Thủ Độ nói: “Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?”.

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: “Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười và nói: “Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó”. Cảnh lại về nói với Thủ Độ.

Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng:

“Bệ hạ đã có chồng rồi”.

Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng...”.

Và Lý Chiêu Hoàng đã xuống chiếu: “Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh Thi có nói: “Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay”. Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết”...

Cũng theo ĐVSKTT, ngày mồng một tháng 12 Mậu Dần (?), Lý Chiêu Hoàng đã mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, hiệu Trần Thái Tông... Một triều đại mới đã được mở ra...

Rời khỏi ngôi báu, Lý Chiêu Hoàng đã được phong Chiêu Thánh hoàng hậu. Tuy nhiên, mười hai năm sống chung với Trần Thái Tông dù rất hương nồng lửa đượm nhưng vì sao đấy hai người vẫn không có được một người con nào, ngoài Thái tử Trần Trịnh mới sinh đã chết yểu. Chính vì thế nên Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là công chúa Thiên Cực (Trần Thị Dung, nguyên là hoàng hậu của Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh) đã ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy người vừa là chị dâu vừa là chị vợ (đó là vợ Trần Liễu, phụ thân của Trần Quốc Tuấn) khi công chúa Thuận Thiên đang có thai 3 tháng. Trần Cảnh lúc đầu phản đối, bỏ ngôi vua lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên. Trần Thủ Độ vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng Trần Cảnh cũng phải chịu nghe theo nhưng mang trong mình nỗi hận khôn nguôi. Vì chuyện này mà trong nội cung có xích mích âm thầm nhưng sâu sắc. Chiêu Thánh sau đó bị phế ngôi, còn Thuận Thiên được lập làm hoàng hậu.

Tới đây những trải nghiệm trần ai của Chiêu Thánh vẫn chưa chấm dứt. Năm 1258, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, Trần Thái Tông đã đem Chiêu Thánh gả cho một công thần thời chiến của mình là Lê Phụ Trần (vốn tên là Lê Tần). Bà sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê... Đầu năm 1278, bà về thăm quê Cổ Pháp, Bắc Ninh. Tháng 3 âm lịch năm đó, bà mất, thọ 61 tuổi. Dân gian kể lại, khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào...

Hiện nay đền thờ Lý Chiêu Hoàng ngự ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, gọi là Đền Rồng...

Lưu Hùng Văn
.
.