Lưu Đình Triều: Một hành trình một số phận

Chủ Nhật, 07/09/2014, 08:00

1. Có lẽ khi đã “ngũ thập”, xa lánh với những thị phi, những ganh ghét vặt vãnh đời thường, tịnh tâm hơn thì con người ta lại càng thấm thía với suy tư: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không”. Câu thơ của thiền sư Vạn Hạnh từ đời nhà Lý đã mở ra một triết lý thăm thẳm trong lẽ tuần hoàn của trời đất. Thật vậy, có những số phận, ta cứ nghĩ họ sẽ thế này, sẽ thế kia. Nhưng không. Bước ngoặt cuộc đời của họ lại khác. Có người mãi mãi đứng chông chênh trên sợi dây của số phận. Có người tìm cách quay về một hướng khác.

Lưu Đình Triều, nhà báo, đã trải qua những tháng ngày “lột xác” vật vã để tìm về chính mình.

Ngày anh cất tiếng khóc chào đời, ngẫu nhiên trùng với ngày Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết: 27/7/1953. Từ sự kiện này, bố anh, nhà báo Lưu Quý Kỳ đã đặt tên Đình Triều là vậy. Lại thêm một trùng hợp khác, đây cũng là Ngày Thương binh - Liệt sĩ của nước ta. Lúc bấy giờ, cũng như nhiều gia đình khác, hoàn cảnh cha con  anh cũng có sự chia cắt. Theo tinh thần của Hiệp định Genevè, nhà báo Lưu Quý Kỳ nhận lệnh tập kết ra Bắc: “Thật khó xử. Mang hai con theo chúng tôi tập kết ra Bắc thì má vợ tôi buồn. Mà để lại chúng trong Nam thì lòng chúng tôi đau như cắt”. Thế là, ông Kỳ nhắn tin mời mẹ vợ xuống Cà Mau gấp, nơi ông đang công tác. Cuối tháng 9/1954, họ gặp nhau, bên dòng kênh Phó Sinh (huyện Sử) để bàn chuyện đi ở thế nào cho ổn thỏa tình cảm mẹ con. Cuối cùng, bà ngoại anh Triều bồng anh và chị cả trở về Biên Hòa.

Trong hồi ký, ông Kỳ nhớ lại: “Cùng với các bạn chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, bước lên xuồng để ra Sóc Trăng, tôi nhìn lên bờ kênh Phó Sinh qua làn nước mắt. Không phải là thứ nước mắt “sinh ly tử biệt” thường tình. Nó là sự pha trộn bao nhiêu thứ tình cảm lớn, nhỏ, vui, buồn, bực, giận. Đó là nước mắt của tình đồng bào, đồng chí, bạn chiến đấu. Trên bờ bao nhiêu người nhìn theo đưa cao 2 ngón tay, hẹn 2 năm sau”. Vâng, lúc ấy, ai cũng nghĩ thế, chỉ sau 2 năm là Tổng tuyển cử, Nam Bắc lại một nhà, sự phân ly người đi kẻ ở không dài ngày…

Nhưng rồi sự việc lại diễn ra khác hẳn.

2. Chiến tranh như một vết dầu loang. Nhiều thế hệ thanh niên miền Nam phải ra chiến trường. Lưu Đình Triều không thể đứng ngoài vòng xoáy của thời cuộc. Tập kết ra Bắc, bố anh giữ trọng trách Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, còn anh là sĩ quan của chế độ Sài Gòn. Từ đó, cha con anh đã đứng ở hai chiến tuyến khác nhau.

Thế thì, cuộc hội ngộ sau hơn 7.600 ngày xa cách cha con sẽ như thế nào?

Anh Triều kể lại, ít lâu sau: “Tôi nhận được lệnh tập trung đi học cải tạo, mang theo 15 ngày lương thực. Cùng lúc, ba tôi trở vào Sài Gòn lần hai. Tuy nhiên, lạ là lần này ông không xuống Biên Hòa mà nhờ người chuyển  cho chị em tôi một cái thư có kèm 40 đồng tiền Bắc. Thư xin lỗi ngoại là do bận công tác, chưa thể về thăm ngoại liền được. Ba  bảo chị Hà xuống ở với ba cho vui. “Riêng Triều thì cứ ở Biên Hòa lo chuẩn bị cho việc đi học tập cải tạo nghe con. Khi con về, cả nhà ta sẽ có một cuộc sum họp toàn vẹn, ý nghĩa hơn...”. Chưa hết, “Sau này khi tôi đang học cải tạo, ba tôi vào Sài Gòn công tác, được trưởng trại mời lên  bàn chuyện bảo lãnh. Ông từ chối và muốn rằng tôi có thời gian học tập, rèn luyện như những người khác. Ông cũng từ chối sự ưu ái được thăm con không theo quy định mà chỉ viết một lá thư nhờ chuyển. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in là mình đã cầm lá thư, chạy ra vườn rau, lặng lẽ vừa đọc thư, vừa khóc. Tôi giận, thầm  trách ba tôi đã không thương tôi, lại bỏ tôi “bơ vơ” như thuở nào… Tôi đã xé lá thư ấy để rồi mãi sau này mới cảm nhận ra rằng đó là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi”.

Đó là chuyện sau này, còn trong thời điểm đó, ai đã tác động cho sự thay đổi đó?

Chính là anh cán bộ quản giáo, tên Lợi. Ngày nọ, cô em gái út từ Hà Nội vào thăm người anh chưa hề biết mặt. Nhưng đã hết giờ thăm nuôi nên nên hai anh em chỉ nhìn nhau qua hàng rào kẽm. Anh Triều kể lại: “Bất ngờ anh Lợi xuất hiện bảo tôi theo anh ra cổng. Sau một lúc lời qua tiếng lại, có khi hơi lớn giọng mà tôi nghe loáng thoáng “có gì tôi chịu trách nhiệm”, anh đưa tôi ra khỏi cổng. Em gái tôi ào tới ôm tôi, kêu hai tiếng “anh Hai” rồi khóc òa. Chị tôi lặng lẽ lấy khăn ra chấm nước mắt. Tôi cũng rưng rưng. Chuyện trò đâu chừng 10 phút, anh Lợi chào chị và bảo tôi đi vào. Bấy giờ không hiểu nghĩ sao em gái tôi níu chặt tay anh Lợi, giọng van lơn, lặp đi lặp lại: “Chú đừng phạt anh Hai cháu nhé”. Anh Lợi mím môi, gật đầu, quay mặt đi, nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy mắt anh đỏ hoe”.

Lòng nhân ái của anh quản giáo đã thay đổi cái nhìn của anh Triều về phía “bên kia”.

3. Ra khỏi trại cải tạo, thời đó, một con người như anh chắc chắn khó có thể theo nghề báo. Thế rồi, anh đã “tự thân vận động” từ những tin bài, từ những chuyến tác nghiệp ở biên giới phía Bắc, vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đến nay, có lẽ anh là một trong số ít nhà báo đã đặt chân lên khắp mọi miền đất nước.

Những chuyến đi đó. Lưu Đình Triều viết chủ đề gì xuyên suốt trong ròng rã hơn 30 năm theo nghề?

Thưa, anh nhẫn nại, hòa đồng với lớp người lao động bình dị trong xã hội để tìm ra những đốm sáng của lòng nhân ái, “người tốt việc tốt” và thể hiện lên mặt báo như thắp lên ngọn lửa ấm của tình người. Tập sách đầu tay của anh Bật một que diêm (Nhà xuất bản Trẻ) gây chú ý dư luận chính là những trang viết chắt chiu ấy. Viết về người, cũng là lúc tự mình ý thức số phận của mình. Có lẽ, ít nhà báo nào sống trong tâm cảnh ấy bằng Lưu Đình Triều, bởi số phận của anh không hề suôn sẻ như các đồng nghiệp.

Đôi khi, chúng ta lẩn thẩn và tự hỏi những câu vô cùng ngớ ngẩn: “Viết báo để làm gì? Có phải để kiếm sống? Để tạo mối quan hệ? Để có thể nghếch mặt lên trời khi đi trong dòng đời?”. Lưu Đình Triều không trả lời câu hỏi này, bằng các bài báo đã in ròng rã trên Tuổi trẻ, anh chỉ đau đáu tâm niệm với câu danh ngôn: “Thà bật lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Thật cảm động, khi ra mắt tập Bật một que diêm đã có những nhân vật của anh đến chung vui và họ bày tỏ lòng cảm ơn bởi biết rằng những con chữ trên báo có thể thay đổi số phận một con người.

Những trang viết của anh khiến bạn đọc cảm thấy mình phải sống tốt hơn, sống đẹp hơn bởi vẫn còn nhiều người dám xả thân vì sự an vui của cộng đồng. Anh đã viết về trung úy Nguyễn Văn Ngữ - đội cảnh sát giao thông số 1 (Hà Nội) hy sinh khi làm nhiệm vụ chống lại hơn chục tên côn đồ lúc chúng cầm dao chém ông xích lô cùng một khách qua đường. Anh Ngữ ngã xuống trong lúc mọi người đang sum họp, vui chơi, ăn uống trong ngày tết. Trước anh Ngữ, tháng 9/1995 anh Nguyễn Thái Thanh Hải - phường đội phó phường 13, quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã hi sinh khi can thiệp vụ côn đồ cầm lựu đạn đe dọa người lương thiện. Trước nữa, cuối năm 1994, đại úy Đỗ Kim Thành - công an tỉnh Vĩnh Phú đã đắm mình giữa dòng nước mùa đông giá buốt bơi đuổi theo thuyền bọn xấu và bị chúng dùng bình ac-qui kích điện, thả xuống nước giết anh…

Những tấm gương sáng ấy cũng đã góp phần thay đổi nhận thức của chính anh lúc tác nghiệp. Anh tâm sự: “Tôn vinh không chỉ là sự bù đắp cho bản thân và gia đình của những người dám xả thân, mà còn mang tác động dẫn truyền, tiếp thêm sức sống cho bao người đang thầm lặng muốn sống đẹp đời mình”.

Cũng chính vì lẽ đó, Lưu Đình Triều còn là một trong số các nhà báo chịu đi, chịu lăn xả vào thời sự hằng ngày. Vì thế anh cũng là nhà  báo đã “bám biển” nhiều năm. Sau Bật một que diêm, anh đã có tập sách cũng gây tiếng vang Tổ quốc không có nơi xa là các trang bút ký viết về các chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ hải đảo Trường Sa là máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

Tất cả những trang viết ấy đã làm nên vị trí của anh - một người từng giữ chức Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ mà đã có lần tôi phát biểu: “Có những con người ngay từ khi sinh ra, nghề đã chọn lấy họ. Nếu là nghề báo - ở một đứa trẻ sơ sinh, tôi ngờ rằng xem xét kỹ dưới lòng bàn chân, trong lòng bàn tay ắt sẽ thấy nhiều dấu vết chằng chịt. Như mạng nhện. Như bàn cờ. Nó báo hiệu đường đi những chuyến viễn du của tương lai. Lưu Đình Triều là một nhà báo”.

4. Thế nhưng, trong đời thường, nhà báo Lưu Đình Triều rất… nhát gan! Tôi nói thật đấy.

Giữa lúc ồn ào vui vẻ, nếu có bóng hồng nào ngồi cạnh, tất nhiên anh cũng buông những lời lả lơi như mọi đấng mày râu khác. Có điều, chỉ dừng lại đó. Nếu “đối phương” bày tỏ sự thân mật hơn chút nữa là anh luôn tìm cách né ngay. Khác với nhiều người (như tôi đây) khi vợ đi công tác xa là “mở cờ trong bụng” phơi phới hẹn hò nhưng anh lại tự nhủ: “Đêm qua/ Con khóc/ Anh lấy áo em/ Hương quen là võng/ Ru đêm ngắn dần”. Nhớ vợ, lấy áo vợ để tìm lại hương quen là một tứ thơ hay đấy chứ? 

Khi gặp người yêu cũ, tâm trạng của mỗi người thế nào? Thì hãy đọc tâm sự do chính anh bày tỏ: “Trời ơi! Sao giọng người xưa / Đôi mắt như cứ mang mưa xuống trần/ Trời ơi! Xa mà lại gần/ Hai mươi năm ấy chỉ bằng một giây/ Chào nhé lặng lẽ đi đây/ Nhanh hơn nữa kẻo ngô ngây thuở nào.../ Như cơn mưa đến ào ào/ Hồn tôi lại đẫm ngọt ngào hương xưa”. Hỡi ôi, có lẽ do sợ “tình cũ không rủ cũng đến” nên anh mới vội vội vàng vàng: “Chào nhé lặng lẽ đi đây”.

Thế không “nhát gan” là gì?

Đùa thêm một chút cho câu chuyện nhẹ nhàng hơn.

Mà cuộc đời nhà báo Lưu Đình Triều đã trải qua nhiều chật vật, gian nan từ thời mới vào nghề, nay cần sự nhẹ nhàng cũng là lẽ tất nhiên. Bây giờ, anh đã có thể nhẹ nhàng cất lên tiếng ca hào sảng theo ca khúc của Y Vân: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”. Vậy mà anh vẫn còn tiếp tục viết. Một nhà báo chuyên nghiệp, tôi quả quyết trong lý lịch họ không bao giờ có ghi thêm hai chữ “Nghỉ hưu”. Thôi thúc viết từng ngày, viết có trách nhiệm đau đáu với đời luôn là nguồn năng lượng sống của nhà báo. Phải không anh Triều?

Lê Minh Quốc
.
.