Luôn là đồng đội

Thứ Năm, 26/12/2013, 16:51
Một giờ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Theo kế hoạch, đúng 2 giờ chiều, nhóm làm phim chúng tôi có mặt tại Phòng tiếp khách quốc tế - Bộ Quốc phòng. Mọi người trong đoàn đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang bị kĩ thuật. Một số thành viên chưa vào Phủ đầu rồng bao giờ tỏ ra bồn chồn. Chúng tôi đang thực hiện bộ phim tài liệu Dưới cờ Quyết thắng qua đó làm nổi bật truyền thống 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Binh đoàn Quyết thắng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sớm có mặt từ những ngày chiến đấu rất ác liệt tại chiến dịch Đường Chín - Nam Lào trong đội hình Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Chính sau trận đánh đồi Không Tên cực kì ác liệt, ông đã được phong Anh hùng (ngày 20/9/1971). Năm đó ông mới 22 tuổi. Sau này, có thời gian ông công tác ở Binh đoàn Quyết thắng.

Thư kí riêng của Bộ trưởng xuất hiện hỏi: “Đồng chí nào chuẩn bị nội dung hỏi Bộ trưởng?”. Tôi đứng nghiêm nói tôi là người thực hiện nhiệm vụ đó. Theo phân công, tôi là tác giả kịch bản đồng thời sẽ thể hiện lời bình bộ phim tài liệu trên. Với mỗi đoạn phỏng vấn trong phim, tôi đều trực tiếp thực hiện. Người viết lời bình phim có thuận lợi nếu trực tiếp thực hiện phỏng vấn. Thực tế sẽ gợi ra những điều mới mẻ, tránh trùng lặp khi thể hiện lời bình. Đối với phim tài liệu, lời bình phải giàu chất văn học. Nếu lời bình chỉ là những lời lẽ minh họa cho hình ảnh thì bộ phim đó chắc chắn sẽ giảm chất lượng.

Đồng chí thư kí sau khi trao đổi vắn tắt đưa cho tôi văn bản mà Bộ trưởng sẽ nói theo yêu cầu kịch bản. Tôi đọc kĩ văn bản, thoáng có chút phân vân. Nội dung câu hỏi và những gì đã được chuẩn bị trước đó gửi qua đường e-mail có sự thay đổi. Câu hỏi được giữ nguyên, thực tế nó cũng chỉ là đề-pa cho người trả lời. Trong phim này, người hỏi không xuất hiện trên màn hình mà chỉ ngồi phía trước làm điểm nhìn cho người trả lời. Tôi phân vân ở chỗ, phần trả lời đã được thêm vào nhiều chi tiết cụ thể quá như: ngày, tháng, năm thành lập Binh đoàn Quyết thắng; Ngày, tháng, năm thành lập và phiên hiệu quân sự các đơn vị khi hội quân về Binh đoàn; một vài con số tiêu biểu trong các thời kì chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong chặng đường 40 năm…

Với kinh nghiệm 10 năm làm phóng viên truyền hình và sau này, khi chuyển sang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã tham gia thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn, đối thoại với các tướng lĩnh giữ trọng trách của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các tổng cục, các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, học viện, nhà trường toàn quân…, tôi quyết định khi trực tiếp gặp Bộ trưởng sẽ trình bày ý định của kíp làm phim trong phần trả lời mà không trao đổi lại với đồng chí thư kí nữa. Đây cũng là kinh nghiệm. Nếu trao đổi và sa vào câu chữ, con số, thêm bớt… sẽ dễ dẫn đến tranh luận. Thời giờ không còn cho phép nữa.

Kíp làm phim đề nghị được 5 phút triển khai máy móc, ánh sáng, đường âm.

Các anh trong văn phòng, tổ thư kí dẫn chúng tôi lên phòng làm việc của Bộ trưởng.

Trong khu nhà làm việc của Bộ trưởng có nhiều phòng với các chức năng khác nhau: Làm việc; tiếp khách gọn nhẹ; nghe báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất; triển khai công việc liên quan; họp tổ thư kí… Khi các anh dẫn vào căn phòng dự kiến, kíp làm phim khá phân vân vì bố cục của phòng không hợp lắm với nội dung ghi hình phỏng vấn. Mọi người nhìn nhau. Có ai đó nói: “Không biết có phòng khác không?”. Im lặng giây lát, đồng chí thư kí của Bộ trưởng như cũng rất quen với các tình huống của phóng viên nhỏ nhẹ nói: “Còn căn phòng bên cạnh là phòng làm việc hằng ngày của Bộ trưởng nhưng rất ít khi các phóng viên được vào. Để tôi sang báo cáo xin ý kiến”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm các chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Mọi người tươi tỉnh hẳn lên khi thấy đồng chí thư ký mời sang phòng làm việc. Căn phòng rất đẹp được bài trí đơn sơ, giản dị. Các tủ sách tài liệu, công văn ngăn nắp, sạch bóng. Tôi liếc nhìn từng khoang tài liệu Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị… dàn dạt trên giá mà thầm cảm phục sức làm việc của Bộ trưởng. Bây giờ tôi mới thấy câu nói của các anh văn phòng rằng thủ trưởng Bộ không bao giờ có thứ bảy, chủ nhật sao mà đúng thế.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tươi cười bắt tay từng người. Ông nhanh nhẹn ngồi xuống bàn làm việc. Tôi nhìn thấy ngay văn bản phần Bộ trưởng đã chuẩn bị trả lời được đặt trên bàn. Bộ trưởng cầm lên và đọc. Tôi chăm chú quan sát trong khi anh em kĩ thuật khẩn trương bắt tay dựng máy móc, chuẩn bị ánh sáng, âm thanh. Kíp làm là những phóng viên có tiếng và rất giàu kinh nghiệm nên ai nấy khá kĩ lưỡng trong công việc.

Bất ngờ, Bộ trưởng nhìn mọi người hỏi: “Phần trả lời của tôi nên lược bớt đi những con số, ngày tháng được không các đồng chí?”. Tôi lập tức đứng nghiêm nhưng hết sức tươi tắn báo cáo Bộ trưởng: “Báo cáo chú! (Không hiểu sao lúc đó tôi lại xưng hô như thế với Bộ trưởng, ăn nói rất tự nhiên trước sự ngạc nhiên của nhiều người). Phần chuẩn bị mà chú vừa đọc nên gọn lại sẽ tốt hơn. Những con số như ngày tháng thành lập, phiên hiệu quân sự các đơn vị, đoàn làm phim sẽ thể hiện trong lời bình”.

Bộ trưởng nhìn tôi bằng cái nhìn rất ấm áp. Khuôn mặt ông rất tươi như có vẻ ngạc nhiên khi thấy một sĩ quan cấp úy trẻ trung trong đoàn các anh quân hàm đại tá. Ông mỉm cười bảo: “Cứ thế nhé! Tớ sẽ trả lời theo ý các cậu. Nếu chưa được, ta làm lại. Các cậu đừng ngại”.

Mọi thứ chuẩn bị xong. Tôi ngồi phía trước Bộ trưởng. Bộ trưởng nhìn thẳng vào tôi. Người lính chiến một thời giờ là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng ngồi trước mặt tôi uy nghiêm sao vẫn rất gần gũi. Tôi bỗng nhớ cách đây 15 năm về trước, khi mới là chuẩn úy chuyên nghiệp vừa ở đơn vị lên đã vinh dự được tham dự phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần ấy, không hiểu sao tôi cũng rất tự tin và luôn cảm thấy nhẹ nhàng, ấm cúng chứ không hề căng thẳng. Có lẽ chính từ sự giản dị, gần gũi của Đại tướng đã truyền sang chúng tôi bản lĩnh của người lính dù làm bất cứ việc gì. Hôm nay cũng vậy. Tôi đĩnh đạc kính thưa đồng chí Bộ trưởng đồng thời thể hiện một cách bình tĩnh, lưu loát, tự tin phần câu hỏi.

Dứt câu hỏi, căn phòng im phăng phắc. Tiếng nói Bộ trưởng trầm trầm nhưng rất mạch lạc cất lên.

Tôi ngồi nghiêm, nhìn thẳng vào người đối diện, tập trung cao nghe từng lời, từng ý. Đây cũng là kinh nghiệm. Mình càng chăm chú lắng nghe bao nhiêu thì người đối thoại càng tập trung thể hiện tốt những điều muốn nói bấy nhiêu. Đó là sự trọng thị cần có của bất kì cuộc phỏng vấn, đối thoại nào. Hôm nay, còn hơn như thế. Tôi hôm nay là thế hệ đi sau đang lắng nghe cha anh mình nói những điều gan ruột về sự hy sinh, về những chặng đường vẻ vang nhưng thấm đẫm máu xương dưới cờ quyết thắng của người chiến sĩ, của quân đội anh hùng.

Phải nói rằng Bộ trưởng đã thể hiện phần trả lời rất sâu sắc. Điều này với tôi như một món quà. Bộ trưởng không một lần nhìn xuống văn bản. Ông nói thoải mái tự nhiên nhưng rất biểu cảm về những gì kịch bản phim yêu cầu. Còn hơn cả thế. Tôi có cảm giác ông thuộc sự trưởng thành, ý nghĩa sâu sắc, niềm tin và kinh nghiệm, lòng tự trọng, chất thành đồng vách sắt của Binh đoàn Quyết thắng một cách nhuần nhụy, chân tơ kẽ tóc. Từng chiến đấu ở đó. Từng đổ máu ở chiến trường, vị Đại tướng hơn ai hết thấu hiểu giá trị của mỗi sự hy sinh. Ông như thay lời hàng vạn, chục vạn cán bộ chiến sĩ hôm qua và hôm nay nói lên những tâm tư ngẫm ngợi của mình.

Khi Đại tướng dứt lời, căn phòng im phăng phắc. Cuộc ghi hình phỏng vấn Đại tướng thành công ngoài mong đợi.

Khi mọi người tươi cười phấn khởi trước công việc được hoàn thành. Tôi tranh thủ báo cáo Bộ trưởng theo sự chuẩn bị từ trước của mình: “Thưa chú, cháu thay mặt các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội gửi biếu chú 10 cuốn sách của nhà văn Mai Ngữ viết về chú cách đây trên 40 năm…”. Mọi người bất ngờ trước hành động của tôi. Và càng bất ngờ hơn khi thấy Bộ trưởng gần như lập tức vừa đón tập sách vừa xúc động hỏi: “Có phải anh Mai Ngữ  vừa mất rồi đúng không?”. Thưa chú! Tôi bình tĩnh nói: nhà văn Mai Ngữ mất trước khi được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt vừa qua. Khi cơ quan làm lý lịch văn học cho nhà văn đã tìm thấy bản in truyện vừa Xốc tới viết về chú trong kho thư viện. Anh em Tạp chí đã tổ chức in lại tác phẩm này. Cháu và nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Tổng biên tập đã đem sách tới thắp hương tại gia đình nhà văn Mai Ngữ.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chậm rãi nói: “Mình có lỗi quá. Lẽ ra mình phải dành thời gian tới thăm gia đình, thắp hương cho anh Mai Ngữ. Thôi để hôm nào Khai đến cùng với chú”.

Mọi người lặng đi trước câu chuyện đời thường, những suy nghĩ, xử lý tức thì của Đại tướng. Ông còn hỏi tôi khá cặn kẽ về gia đình nhà văn Mai Ngữ. Kể cũng lạ, suốt bao năm cơ quan không thấy Mai Ngữ nhắc gì đến cuốn truyện vừa Xốc tới. Khi làm thủ tục giải thưởng Nhà nước cho ông, nhà văn Ngô Vĩnh Bình đưa tập bản thảo cho tôi. Tôi bàn với nhà văn Ngô Vĩnh Bình và tái bản cuốn sách nhỏ. Cuốn sách bằng bàn tay thuở nào giờ in ra chỉ ngót trăm trang nhưng gói ghém trong đó biết bao tình nghĩa, biết bao máu xương đồng đội. Tôi lần nữa lại thấy sự giản dị đến thắt lòng của Đại tướng Bộ trưởng với những gì đang diễn ra. Thật bất ngờ, trước đông đảo mọi người, Đại tướng chậm rãi nói: “Khai ghi cho chú số điện thoại của Khai vào trong bìa sách, đồng thời ghi lại số điện thoại của chú để tiện liên lạc”.

Tôi tiến đến thực hiện các yêu cầu của Đại tướng. Mọi người lần lượt bắt tay ông. Mười phút nữa Đại tướng phải tiếp một đoàn khách khác. Tôi bắt tay Đại tướng sau cùng. Hai tay tôi nắm chắc bàn tay Đại tướng. Bàn tay vị tướng, người lính trận thuở nào vững chãi, ấm nóng trong bàn tay tôi.

Vừa về đến cơ quan, chưa kịp thay quân phục, thật bất ngờ, Đại tướng Phùng Quang Thanh gọi điện cho tôi.

Tôi báo cáo nghe rõ. Trong lòng lo lắng hay là có sơ suất gì. Đại tướng chậm rãi nói qua điện thoại: “Chú kiểm tra số điện thoại của Khai cho chính xác. Khi nào có thời gian ta đi thăm gia đình bác Mai Ngữ”.

Tôi một lần nữa lặng người xúc động trước sự giản dị, chân thành nhưng hết sức tự nhiên của ông, một Đại tướng Bộ trưởng đang bộn bề việc quân, việc nước

Phùng Văn Khai
.
.