Luật sư Phan Anh và những ngày tha phương lập chí

Thứ Ba, 29/06/2010, 15:49
Cách đây 20 năm, vào ngày 28/6/1990, luật sư Phan Anh, một nhân sĩ nổi tiếng, vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã qua đời tại Hà Nội.

Luật sư Phan Anh sinh ra trong một gia đình nhà nho thanh bạch ở đất Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trí tuệ xuất chúng cùng với những nỗ lực không ngừng đã giúp ông, cũng như người em trai Phan Mỹ của ông (về sau từng làm Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng), sớm trở thành những trí thức nổi bật dưới thời Pháp thuộc.

Ông sớm tham gia vào các hoạt động xã hội yêu nước và sau Cách mạng Tháng Tám, đã được mời vào tham gia Chính phủ Liên hiệp quốc gia trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Sau năm 1954, luật sư Phan Anh đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng trong các Bộ khác nhau và đã là Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… 

Luật sư Phan Anh có hai đời vợ. Người vợ đầu đã sinh cho ông ba con trai, đặt tên Long - Vân - Hội. Sau khi bà mất, ông tục huyền. Người vợ thứ hai, bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh, cũng sinh cho ông  ba con trai, đặt tên Tùng - Dương - Thạch. Bài viết sau đây được lấy từ bản thảo tập hồi ký của bà quả phụ Đỗ Thị Hồng Chỉnh.

Anh Phan (tức luật sư Phan Anh - BTV) kể: Cuộc sống của gia đình ở quê Tùng Ảnh rất túng quẫn, nên thầy (ông Phan Điện - BTV) lại "tha phương cầu thực". Đến khi anh lên 9, Phan Mỹ lên 6 tuổi, mẹ thấy phải cho các con học hành một cách nghiêm túc, nên đã đưa hai anh em ra Bắc tìm thầy ở làng Vân Đình. Nhà chủ, tức là nơi thầy ta đang làm gia sư có cho mượn một căn nhà bỏ trống, để vợ con thầy đồ ở. Nhiều người ghé tai mách bảo thầy đồ rằng: "Căn nhà đó có ma!". Thầy làm ngay một đôi câu đối và đem dán ngoài cửa:

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba Học.
Trên giời, dưới đất, ở giữa Ta.

Chẳng may, mấy tháng sau, mẹ mất tại làng Vân Đình, thọ 44 tuổi. Đó là ngày 8 tháng 6 âm lịch (1921)… Họa vô đơn chí, do không chịu chiều theo ý muốn vô lý của nhà chủ nên ba cha con thầy đồ đã bị đuổi đi…

Anh Phan kể rằng:

- Trước đó, việc nuôi con nhỏ chủ yếu dựa vào sự nỗ lực lao động hàng xay, hàng xáo của bà Phan Điện. Nay, mẹ mất đột ngột, gánh nặng nuôi con chuyển sang vai thầy đồ. Bị nhà chủ đuổi, ba cha con dắt díu nhau đi tìm chỗ ở mới. Anh nhớ rằng: đang đi trên đê, thuộc xã Đại Từ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, anh thì im lặng, Mỹ thì hỏi: "Tối nay, ta ăn cơm ở đâu, ngủ ở đâu, hở thầy?". Không trả lời được, ba cha con đang ủ rũ, thì gặp một bà chủ khác ở làng bên. Bà này lên tiếng hỏi một cách vô tâm: "Hai chú đi đâu mà thất thểu trông giống như kẻ ăn mày thế kia?". Từ đó, thầy lại cho ra bài thơ "Hai chú":

Luật sư Phan Anh và vợ.

Hai chú đi đâu giống kẻ mày.
Vì chưng dân nước gặp hồi Tây.
Mắt trần nào kẻ người không biết.
Óc trẻ còn mong học mọi hay,
Trời đất Năm Châu dầu sóng gió.
Anh em một bụng giữ tin ngay.
Ai ơi, chớ vội khinh hai chú.
Xoay xoả non sông cũng một tay.

Anh Phan kể rằng:

- Đến thị trấn phủ Ứng Hoà, thầy để anh ở tạm nhà bà Phán Chí, và tiếp tục dắt Phan Mỹ lên đường đi tìm chỗ dạy học. Bà Phán cho anh ở trọ tại một chái lợp gianh. Nhà đun rơm. Anh để lửa cháy to. Bà Phán sợ cháy nhà, nên anh bị mắng. Bị mắng, Anh liền bỏ ra đi tìm bố, mặc dầu không biết tìm ở đâu. May mắn đến, anh gặp được anh Xây, học trò của thầy và làm nghề kéo xe tay. Gặp con, thầy lại tiếp tục đưa anh ra Thanh Oai, vào ở nhà bà Thông Hiên để chăn trâu… Công việc hàng ngày của anh là vừa chăn trâu, vừa chuẩn bị rau lợn, vừa rửa những xảo bát đũa cơm thợ ở cầu ao. Đổi lại, anh được ăn, được ở, tối đến được học chữ quốc ngữ với phán Quế, là con bà chủ nhà.

Trong khi đó, thầy vẫn tìm chỗ học ổn định hơn cho Anh. Cuối cùng, thầy chọn nhà ông Mười ở thị xã Hà Đông. Đến nơi ở mới này, anh có nhiệm vụ thực hiện những lời sai vặt của nhà chủ và phục vụ trực tiếp gia sư của chủ nhà là ông giáo Viễn. Đổi lại, anh được học với ông giáo Viễn, học cùng con cháu ông Mười và được ngủ ở nhà ông Mười, mùa hè thì nằm trên ghế băng học trò, mùa đông thì nằm trên giường và đắp chiếu. Công việc nặng nhọc nhất lúc đó là việc giặt quần áo cho thầy, vì đôi tay còn bé, mà mớ quần áo của thầy lại quá lớn. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng để giặt cho sạch…

Hỏi:

- Anh học và ngủ ở nhà ông Mười. Nhưng anh ăn ở đâu?

Anh Phan đáp:

- Anh và thầy ăn ở nhà bà Cả Vàng làm nghề bán hàng cơm. Có lẽ thấy Anh nghèo, nhưng chững chạc, cô gái út của bà Cả Vàng tên là Đường, người bé nhỏ lại dịu dàng, hai người lại học cùng lớp ba, một ở trường nam, một ở trường nữ, và bà Cả Vàng và ông Phan Điện thường nói đến chuyện "ghép đôi". Sau này, khi anh làm luật sư, thì cô Đường dạy học. Nhà cô có cửa hàng gỗ ở phố Lò Sũ, anh thường đưa cô Thao (về sau trở thành người vợ đầu tiên của ông Phan Anh - BTV) đến để mua sắm. Toàn quốc kháng chiến, bà Cả và cô Đường ở lại Hà Nội.

- Anh được vào trường học như thế nào?

Anh Phan đáp:

- Tối đi học tư, may được gặp ông giáo Cán dạy lớp ba trường thị xã Hà Đông. Ông giáo Cán thấy anh thông minh lại ham học, nên đã cho anh vào học ở lớp chính mình đang phụ trách. Sau này, khi anh đã trở thành luật sư, ông giáo Cán đã nhờ anh làm luật sư bào chữa cho mình - bị can về tội bán Ganédan lậu. Công việc kiện tụng này ngẫu nhiên được chấm dứt, do có đảo chính Nhật.

Hỏi:

- Kể em nghe về việc anh chuyển sang Kiến An học.

Anh Phan đáp:

- Vấn đề là thầy vẫn chưa thấy ổn trong việc ăn ở, học hành của anh, và vẫn tiếp tục tìm cho anh chỗ ở mới, thì may mắn lại đến. Trên một chuyến sà lúp, từ Hải Phòng về Kiến An trong đó không chỉ có Sư Tổ mà còn có Sư Thầy. Sư tổ đưa Sư thầy về trụ trì tại chùa Lũng Tiên. Với cơ sở đó, năm học 1923 - 1924 và 1924 - 1925 anh được ổn định để theo học lớp Nhì và lớp Nhất tại Trường Tiểu học ở thị xã Kiến An… - Kỳ thi hết cấp tiểu học năm 1924 - 1925 ở Hải Phòng, riêng thị xã Kiến An có 43 người dự thi, thì chỉ có ba người đậu, trong đó có anh…

Anh Phan kể tiếp:

- Năm 1925, đánh dấu một bước tiến mới của anh. Nhận bằng certificat ở Hải Phòng, anh lại được thầy ta đưa về Hà Đông để thi vào Trường Sư phạm Hà Nội. Trường Sư phạm được học bổng toàn phần, nên thi rất khó. Anh không trúng tuyển, nên đã phải học tư một năm ở Trường Trí - Tri, để chờ đến tháng 9 năm 1926, thi vào Trường Bưởi.

Việc tuyển sinh của Trường Bưởi không gay gắt bằng Trường Sư phạm vì chỉ tiêu tuyển chọn là 160 trên 800 thí sinh. Đến ngày công bố kết quả, không chỉ có thí sinh, mà nhiều ông cha, bà mẹ cũng tới cổng trường ngóng đợi tin con mình. Anh còn nhớ thái độ bình tĩnh của thầy: Đứng ở cổng trường ngóng đợi tin con, thầy gặp một bà vợ goá của một ông cử cũng ngóng đợi tin con mình là Đào Xuân Bích. Khi thấy đám thí sinh ra khỏi cổng trường mà không có con mình, bà bộc lộ nỗi lo lắng. Thầy an ủi: "Con tôi cũng chưa thấy ra, như thế có lẽ là may đấy bà ạ". Đúng vậy, việc vào học Trường Bưởi đã mở đầu cho Anh một bước tiến mới, vì với học bổng được cấp, Anh đã vào sống nội trú, ở luôn bốn năm trong trường…

Hỏi về phong trào yêu nước trong thời gian anh học ở Trường Bưởi.

Anh kể:

- Bốn năm sống trong nội trú là bốn năm sống trong kỷ luật sắt. Đặc biệt là khi có Tổng giám thị người Pháp, ông Tôma, "Tôma hắc búa" thì kỷ luật nội trú lúc đó lại càng khắt khe hơn. Do đó, không khí trường học luôn luôn căng thẳng.

Trong những năm học, từ 1926 - 1930, tinh thần chống thực dân Pháp lên rất cao. Và, cuộc sống kỷ luật sắt trong nhà trường lại càng nung nấu tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tên nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc được học sinh thầm thì nhắc đến. Khoảng đầu năm 1930, anh đã  là một học sinh nội trú năm thứ tư ở Trường Bưởi, Trường Trung học bảo hộ. Báo chí, cố nhiên là không có để cho học sinh lưu trú đọc; còn sách, thì học sinh chỉ được mượn đọc những sách của thư viện nhà trường. Nghĩa là, thứ sách đã lọc qua nhiều lớp kiểm duyệt, kiểm duyệt của Sở Kiểm duyệt sách báo Đông Dương, kiểm duyệt của Nha Học chính, kiểm duyệt của nhà trường.

Ngoài những sách đó, nếu học sinh đọc một cuốn nào khác thì sẽ bị phạt, nhẹ hay nặng tuỳ từng cuốn, nếu là sách chính trị thì người cầm cuốn sách đó có thể bị đuổi ra khỏi trường. Giờ đọc sách, cũng nhất định, chỉ được đọc trong các phòng học, không được đọc ở ngoài sân trong giờ chơi và tuyệt đối cấm mang sách lên buồng ngủ. Nhưng, không khí chính trị lúc đó rất sôi nổi, kỷ luật sắt của nhà trường không cản nổi làn sóng tư tưởng yêu nước tràn vào đầu óc của học sinh. Có một cuốn sách mà ai cũng biết tên, nhưng ít người đã được đọc, một cuốn sách cấm đã lọt vào trong trường, đó là cuốn "Bản án chế độ thực dân Pháp". Mọi người đều trông đợi, nhưng rồi cũng đến lượt Anh.

Với kỷ luật nhà trường, muốn được đọc, phải vào giường trùm chăn giả ngủ, chỉ để hở vừa đủ ánh đèn ngoài rọi vào trang sách. Anh còn nhớ đêm đó "Tôma hắc búa" khát "công xi" (consigne là lối bắt phạt học sinh phải làm việc cả những ngày nghỉ, không cho ra khỏi lớp học) đi tuần khuya, mãi đến gần sáng, Anh mới tranh thủ đọc được mấy trang ở chương cuối cùng nói về Cách mạng Nga với các dân tộc thuộc địa. Sáng hôm sau đã phải trả sách. Anh bạn hẹn sẽ cho mượn lại.

Sau đó ít lâu, một đêm rét, Anh đã vào giường nằm ngủ, chắc lại có anh bạn nào đó đang trùm chăn đọc cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc, thì bỗng nghe một loạt đại bác nổ trong thành. Tiếp ngay đó, nghe tiếng xe ôtô của Hiệu trưởng, Tổng giám thị, Quản trị trưởng. Nghĩa là, tất cả các nhân viên, công chức người Pháp cùng gia đình họ hấp tấp đưa nhau đi đâu không biết. Sáng ra mới biết, tiếng súng đó là tiếng súng báo động tập trung người Pháp vào thành trong tình hình khẩn trương do cuộc khởi nghĩa Yên Bái và cuộc đánh bom ở Hà Nội gây ra.

Từ đó, kỷ luật nhà trường đã nghiêm khắc lại càng thêm nghiêm khắc hơn. Và, chế độ thực dân ở Việt Nam đã hà khắc lại càng thêm hà khắc. Anh không còn hy vọng được mượn lại cuốn sách cấm kia nữa, nhưng cuốn sách cũng đã để lại cho anh một ấn tượng rất sâu sắc và cả một niềm hy vọng…

Đỗ Thị Hồng Chỉnh (Bà quả phụ luật sư Phan Anh)
.
.