Luật sư Phan Anh: “Nhân nhượng hưng quốc gia”

Thứ Hai, 06/08/2007, 10:00

Đó là một vế của câu đối mà cụ Phan Điện, một nhà nho yêu nước, nhưng rất lận đận trên đường khoa cử, một nhà thơ trào phúng có tiếng hồi đầu thế kỷ XX tặng cho hai người con trai là luật sư Phan Anh và luật sư Phan Mỹ (sau này là nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng).

Toàn văn câu đối đó như sau: "Trung tín hành man mạch, Nhân nhượng hưng quốc gia" (tạm dịch là: Đối với người nước ngoài thì giữ chữ trung tín, Phải yêu thương nhường nhịn thì quốc gia mới hưng thịnh). Luật sư Phan Anh về sau đã xin sửa lại hai chữ cuối của vế đối đầu "man mạch" thành "thiên hạ" cho hợp với tâm thế thời đại mới. Cho tới phút cuối cùng của đời mình, luật sư Phan Anh đã giữ nguyên ham muốn phụng sự quốc gia và dân tộc. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 28-6-1990.

Nhân tài làng Tùng Ảnh

Ông Phan Anh sinh năm 1911 tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê có tiếng là địa linh nhân kiệt và rất giàu truyền thống trung quân ái quốc. Chính Đức Thọ từng là một trong những nơi phong trào Cần Vương phát triển mạnh mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Cụ Phan Đình Phùng. Cũng vì thế nên người dân ở đây liên tục khốn đốn vì sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân, phong kiến. Thành ra cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Chưa đầy 10 tuổi (năm 1921), hai anh em Phan Anh và Phan Mỹ đã mồ côi mẹ, phải theo người cha tài cao học rộng nhưng luôn u uất nỗi đau vong quốc và lạc thời đi tha phương cầu thực bằng nghề bán chữ cho thiên hạ theo đúng nghĩa của từ này. Theo hồi ký sau này của chính luật sư Phan Anh, khi ấy, trong một lần ba cha con dắt díu nhau đi tìm nơi tá túc vì hết tiền thuê trọ, tới địa phận xã Đại Từ, huyện Thanh Oai, cậu em Phan Mỹ mếu máo hỏi cha, đêm nay sẽ ngủ ở đâu? Ăn gì? Người cha ngao ngán im lặng. Một người đàn bà thấy cảnh hai anh em đi trên đường, hỏi một câu thực vô tâm: “Sao đi đâu mà cứ thất thểu như ăn mày thế?”. Người cha bỗng cảm hứng xuất khẩu thành thơ:

Hai chú đi đâu giống kẻ mày,
Vì chưng dân nước gặp hồi Tây.
Mắt trần nào kẻ người không biết,
Óc trẻ còn mong học mọi hay.
Trời đất năm châu dầu sóng gió,
Anh em một bụng giữ tin ngay.
Ai ơi chớ vội khinh hai chú,
Xoay xỏa non sông cũng một tay…

Khẩu khí người cha như thế, hai người con trai có lẽ sẽ chẳng bao giờ nguôi đau đáu quyết tâm vươn lên trên đường đời. Trải qua mọi vất vả vật chất đời thường, lang bạt khắp nơi chỉ để tìm những chỗ trau dồi được nhiều tri thức, cả Phan Anh và Phan Mỹ đều rất cố gắng học tập.

Tới năm 1926, chàng thiếu niên dĩnh ngộ Phan Anh thi đỗ vào Trường Bưởi với suất học bổng nội trú dành riêng cho những trí tuệ sáng láng nhất trong giới học sinh. Và chẳng bao lâu sau, cậu học trò Phan Anh đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ về tài dùi mài kinh sử, mặc dầu là con nhà nghèo nên lúc nào cũng phải lo tới chuyện đi dạy tư trong các kỳ nghỉ để có thêm phương tiện sinh nhai.

Năm 1937, Phan Anh tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Đại học Đông Dương với vị trí thứ hai, chỉ sau một người Pháp, không phải vì kém tài học mà chỉ vì đơn giản ông là dân bản xứ! Năm 1938, luật sư Phan Anh sang Pháp du học nhưng do Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), ông đã không kịp bảo vệ học vị Tiến sĩ Luật học. Tuy nhiên, ông cũng không ở lại Pháp để hành nghề như nhiều người bạn Pháp khuyên mà đã trở về Việt Nam với ý thức phụng sự xã hội một cách đúng đắn và đường hoàng theo tinh thần kẻ sĩ truyền thống.

Kẻ sĩ thức thời

Trở về nước, ông đã không cam chịu hành nghề chỉ để làm giàu mà ông đã công khai bộc lộ quan điểm ái quốc thương nòi, cố gắng làm mọi việc có thể làm được để góp phần vào cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Chính ông đã cùng ông Vũ Đình Hoè và ông Vũ Văn Hiền lập ra Tạp chí Thanh Nghị năm 1941, thoạt đầu ra hằng tháng rồi ra hằng tuần, để bộc bạch tâm nguyện kẻ sĩ chân chính của đất Việt: "Người ấy phải vì lợi ích dân chúng, là người quan sát không thiên vị và phải thường xuyên có liên hệ với nhân dân.

Vì vậy, kẻ sĩ có thể ảnh hưởng đến nhân dân và góp phần làm biến đổi xã hội". Tạp chí Thanh Nghị tồn tại cho tới năm 1945, tập trung nhiều cây bút trí thức tâm huyết với dân, với nước lừng lẫy một thời.

Luật sư Phan Anh cũng từng tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng, không may bị sa vào tay chính quyền thực dân phong kiến. Tất nhiên, do cơ chế thời thuộc địa nên những nỗ lực và thiện ý của luật sư Phan Anh không thể mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít ra thì ông cũng đã bộc bạch được lòng dũng cảm và trượng nghĩa của mình.

Uy tín đạo đức và chuyên môn cao của luật sư Phan Anh đã khiến học giả Lê thần Trần Trọng Kim tháng 4/1945 mời ông vào Huế làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên khi đứng ra lập nội các sau khi Nhật - Pháp bắn nhau và quân Pháp bị thất thế, đành để cho quân Nhật nắm lấy vai trò điều khiển vua Bảo Đại.--PageBreak--

GS-NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong bài viết "Nội các Trần Trọng Kim với Trường Thanh niên tiền tuyến tại Huế năm 1945" (đăng trên Tạp chí "Huế: Xưa và Nay" số tháng 7-8 năm 2005) đã nhận định rằng, "nội các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức có tên tuổi - trong số đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh… Họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo, chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc nên được nhiều người ngưỡng mộ…".

Trong hồi ký của mình, Lê thần Trần Trọng Kim cũng nhớ lại rằng, khi biết được danh sách nội các mới, chính đại diện của Nhật cũng phải thốt lên: "Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn"…

Không phải luật sư Phan Anh không suy tư trước khi nhận lời tham gia vào nội các mà trong con mắt của đa số người dân Việt Nam lúc ấy, không thể nào không bị mang tiếng là thân Nhật. Cũng theo bài viết của GS Đinh Xuân Lâm, "những người tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim hồi đó, dù cho nhận thức về thời cuộc có thể chưa thật giống nhau, nhưng đều là những người có tinh thần yêu nước, muốn tranh thủ một thời cơ mà họ cho là thuận lợi để làm một việc gì lợi cho đất nước, cho dân tộc".

Bản thân luật sư Phan Anh sau này cũng bộc bạch, rằng những thành viên nội các Trần Trọng Kim như ông "tuyệt đối không ai có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia Chính phủ là để phụng sự…".

Việc làm trước hết của Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh là quyết định lập ra Trường Thanh niên tiền tuyến, về sau đã được các cơ sở Việt Minh ở Huế, như sách lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế nhận định, "hướng thanh niên theo Mặt trận Việt Minh". Không ít học viên của cơ sở này về sau đã trở thành những cán bộ cao cấp của Quân đội và Nhà nước ta…

Thực tế cho thấy, trong mọi hoạt động của mình, thái độ nhập thế của luật sư Phan Anh luôn chỉ thể hiện ham muốn phụng sự dân tộc và đất nước. Ông thức thời chứ không bao giờ xu thời, không bao giờ nhằm vào mục đích vinh thân phì gia. Chính vì thế nên sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, luật sư Phan Anh đã rất nhẹ nhàng từ chức cùng nội các Trần Trọng Kim và đã rất vui vẻ nhận nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho là thành lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng kiến thiết quốc gia tập hợp hầu hết các trí thức tiến bộ ở Hà Nội thời ấy.

Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, luật sư Phan Anh đã được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thành phần Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (thành lập ngày 2/3/1946). Tới ngày 3/11/1946, khi Chính phủ mới được thành lập, vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp…

Với Bộ trưởng Phan Anh, lực lượng vũ trang ta thời bình minh cách mạng đã lựa chọn được nhiều trí thức yêu nước, tuổi trẻ tài cao vào các vị trí quan trọng: Hoàng Đạo Thuý - Chính trị Cục trưởng; Phan Tử Lăng - Quân chính Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn - Quân y Cục trưởng; Vũ Anh - Chế tạo Cục trưởng; Phan Văn Phúc - Quân huấn Cục trưởng; Lê Văn Chất - Quân pháp Cục trưởng… Tất cả những nhân vật này khi mới gia nhập quân đội đều chưa là đảng viên nhưng đã mang sẵn trong mình bầu máu nóng phụng sự chính nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc…

Trọn đời vì dân

Trong kháng chiến chống Pháp cũng như sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, cho tới lúc qua đời ở tuổi ngót 80, trên bất cứ cương vị nào, luật sư Phan Anh cũng luôn được mọi người kính trọng, quý mến không chỉ vì trí lự xuất chúng mà còn vì nếp sống chân thành, liêm khiết của một người trí thức đích thực.

Ông đối xử với mọi người theo đúng tinh thần mà thân phụ mình đã dạy: "Nhân nhượng hưng quốc gia". Quen biết với những người con và cháu ruột của ông hiện nay, tôi có thể nói rằng, tinh thần ấy cũng đang được những thế hệ sau của dòng họ Phan làng Tùng Ảnh cố gắng nối tiếp, dẫu những điều kiện sống hiện nay đã khác trước rất nhiều

Nguyễn Sơn Dương
.
.