Nhân kỷ niệm 97 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (2/7/1915-27/4/1998)

Lửa sáng tạo, ta nhảy vào không sợ

Thứ Năm, 12/07/2012, 15:10
Ngày 25/5/1987, một chuyên mục mới xuất hiện trên trang nhất Báo Nhân Dân dưới dòng tít dẫn “Những việc cần làm ngay”. Tên tác giả ký dưới bài viết chỉ vẻn vẹn trên dưới 400 chữ ngắn gọn là N.V..L nhưng những điều đề cập tới trong chuyên mục đặc biệt này dẫu không phải là “thánh chỉ ban ra” nhưng vì hợp ý Đảng lòng dân nên đã tạo ra được một làn sóng hưởng ứng sâu rộng, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, trì trệ, bảo thủ trong xã hội.

Không cao đàm, khoát luận, tác giả N.V.L. đã trình bày trực diện những vụ việc vô duyên, vô lý hay vô tình cụ thể và đề nghị các cơ quan hữu trách cũng như dư luận xã hội cần phải có những biện pháp khẩn cấp xoá bỏ “những điều trong thấy mà đau đớn lòng” đó. Có cảm giác như tác giả của các bài viết này vừa là người “trăm tay nghìn mắt” nên mới biết tận tường lắm chuyện tưởng như nhỏ nhặt như thế, vừa phải là một nhân vật hoặc rất can đảm hoặc rất tự tin vào vị trí của mình nên mới dám nhìn thẳng vào sự thật đến vậy. Ngay cả trong đội ngũ cán bộ hồi ấy có phải ai cũng đồng tình với việc báo Đảng cứ “vạch áo cho người xem lưng” như thế, vì “lỡ đâu kẻ xấu lợi dụng”(!). Thói quen “đóng cửa bảo nhau” đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ chúng ta tới mức lắm khi câu tục ngữ đó đã bị lợi dụng để che giấu tình trạng trì trệ hay xuê xoa những sai lầm, tội lỗi... Chỉ riêng N.V.L. là cứ thẳng thắn thông qua muôn vàn tình huống đời thường chỉ ra những căn bệnh trọng và rung lên hồi chuông báo động cho không chỉ các cơ quan công quyền mà toàn xã hội.

Dư luận quần chúng cứ đoán già đoán non xem “ông Công lý” nào đang ẩn danh dưới ba chữ N.V.L. Rồi có người luận nghĩa theo phong cách dân gian rằng N.V.L. là Nói và Làm. Cũng có người bảo đó là Nhảy vào lửa. Rồi khi biết đấy là những bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì sự tin tưởng của người dân vào Đảng đã tăng lên gấp bội. Một khi người đứng ở trên thượng tầng kiến trúc nền chính trị nước nhà thấu hiểu và dám quả quyết tuyên chiến với các tệ nạn và yếu kém như thế thì xã hội không thể nào không trở nên lành mạnh và vững mạnh hơn.

Có nhiều cách lý giải thành công của chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân hồi ấy. Trước hết, đó là quan điểm đúng đắn “mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi” (chữ của Goethe), tức là nhìn vào thực tế, vào tâm tư bức xúc và nguyện vọng hướng thiện của người dân mà phát hiện vấn đề. Thứ hai, đó còn là nhờ dũng khí của người cán bộ lãnh đạo cách mạng quả quyết, kiên định lý tưởng và kiên trì chân lý, “có gan làm, có gan chịu”, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét.

Nhảy vào ngọn lửa mang tính sáng tạo, kiến tạo, xây dựng thì không bao giờ sợ bị cháy thanh danh và sự nghiệp. Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” thành công còn là nhờ cái tâm trong sáng, cao cả và tỉnh táo của người viết mà sau này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tự bộc bạch, cũng trên Báo Nhân Dân: “Chúng ta chống tiêu cực, chống thói quan liêu vô trách nhiệm hoàn toàn không phải để nâng cao hay hạ thấp uy tín của một vài cá nhân nào đó (theo cách hiểu lắt léo của một số người) mà vì một mục tiêu tốt đẹp hơn nhiều: lập lại trật tự công bằng xã hội, xoá bớt những vật cản nặng nề trên con đường phát triển của đất nước. Đó cũng là yêu cầu khẩn thiết của toàn Đảng, toàn dân...”.

Những gì xuất phát từ trái tim sẽ tới được trái tim. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh, có thể thấy rõ chính trái tim trung thực và luôn luôn hướng thiện đã là ngọn đèn dẫn lối cho người con của đất Hưng Yên nhiều tầng văn hóa này đi trên con đường cách mạng một cách đầy tự tin ở khắp mọi miền đất nước, thực hiện việc gì cũng lấy mục tiêu chung của dân tộc, của người dân cần lao làm đích, khi thắng lợi không kiêu căng, khi thất bại tạm thời không nhụt chí. Không chỉ dựa vào những luật lệ đã có hay chỉ nhìn mồm cấp trên mà nói theo, mà phải liên tục bám sát đời sống, từ đời sống phát hiện ra những vấn đề mới để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc vừa nảy sinh, cải tiến lề thói cũ - đó chính là phương châm chính yếu trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Tới đâu, anh Mười Cúc (tên đồng chí, đồng bào thân mật gọi ông) cũng mau chóng hòa đồng với xung quanh và thu hút được cảm tình nhờ cách ứng xử chân tình, thật bụng. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho tới sau này còn nhắc lại kỷ niệm về tính bụng dạ sao thể hiện ra ngoài vậy của đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ trong những việc lớn mà cả trong những việc rất nhỏ. Số là, chỉ cần nhìn cặp lông mày rậm của anh Mười Cúc là có thể  biết ngay tâm trạng của anh như thế nào. Lúc trò chuyện vui vẻ, lông mày giương cao lên. Khi có chuyện không ưng ý, nhất là đang chơi tú lơ khơ trên chiến khu thấy ai đó có biểu hiện ăn gian nói dối là lập tức cặp lông mày anh “đột nhiên cụp xuống như một bụi le” (có lẽ vì thế nên đồng chí Nguyễn Văn Linh ở Nam Bộ từng có thêm biệt danh nữa là “anh Mười Le”).

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Thi đua Trung ương, một người đồng chí tự coi mình như một người em cách mạng của anh Mười Cúc, đã nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất chân thành. Anh thực với mình và thực với người”. Nói vậy không có nghĩa là nhà chính trị Nguyễn Văn Linh không sâu sắc. Bản lĩnh cao cường của một người hoạt động cách mạng chân chính là ở chỗ tạo được chiều sâu và tầm cao tư  tưởng của mình ở chính “trái tim để ngỏ”, luôn luôn công khai động cơ và mục đích trong mọi hoạt động với niềm tin rằng cái thiện không cần phải che đi bộ mặt thực của mình và “nói phải thì củ cải cũng nghe”. Anh Mười Cúc trong công việc và đời sống cũng rất biết cái gì nên bộc lộ thế nào và lúc nào, đồng chí rất quý và thương những đồng chí nào mà anh cho rằng là “thật thà quá”. Và anh rất không thích những kẻ nói vậy mà không phải vậy...

Tất cả những ai từng có dịp ít nhiều gần gũi đồng chí Nguyễn Văn Linh đều thống nhất với nhau ở một điểm: Là một nhà chính trị nhưng ông lại có tác phong luôn nói thẳng nói thật, nhất là khi đề cập tới những vấn đề mang tính nguyên tắc, ngay cả trong các cuộc tiếp xúc quốc tế. Theo hồi ức của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, sau khi Đại hội đại biểu nhân dân Xô viết lần thứ ba quyết định sửa đổi Điều 6 và 7 Hiến pháp Liên Xô, tức là gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Xô viết cao nhất hồi đó là Mikhail Gorbachev, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắn cảnh báo: “Với tư cách của một người cộng sản, tôi có thể chân thành nói với đồng chí, đây là một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường không chỉ đối với Liên Xô”.

Suốt một thời, các chủ nhân của Điện Kremli chỉ quen đưa ra những lời khuyên cho những người khác nên M. Gorbachev đã sững người ra trước câu nói không chút màu mè của người đại diện cho nước Việt Nam lúc đó vẫn phải trông cậy rất nhiều vào những nguồn viện trợ Xô viết. Lúng búng thanh minh đôi ba câu nhưng tự thấy mình không có lý lẽ gì đáng kể để thuyết phục đồng chí Nguyễn Văn Linh, M.Gorbachev đành cười xòa lảng chuyện... Thực tế diễn ra về sau ở Liên Xô đã chứng minh lời tiên đoán của đồng chí Nguyễn Văn Linh là đúng.

Không đồng tình với công cuộc cải tổ theo cách của M. Gorbachev nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn là người có xu hướng đổi mới cùng thời cuộc trên cơ sở bám lấy những tâm tư, nguyện vọng thiết thân, cấp bách nhất của quần chúng. Theo đồng chí, lo được, lo đúng cho dân là tiêu chí đánh giá cao nhất của mọi chủ trương, đường lối. Trong mọi việc đều cần lấy dân làm gốc. Đảng ta đã có con mắt xanh khi bầu đồng chí làm người tiếp nối ngọn cờ đổi mới mà cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi xướng.

Sinh ra ở  xứ Đông, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngay từ nhỏ đã sớm phải lận đận vì gia cảnh khó khăn, mẹ cha mất sớm. Hơn 14 tuổi đã phải lãnh án tù Côn Đảo, cả cuộc đời đồng chí là một trường tôi luyện phẩm chất và ý chí cách mạng chân chính: làm việc để giúp người chứ không phải để lo cho cá nhân mình. Sinh thời, đồng chí từng tâm niệm: “Sợ nhất là lòng tham. Kẻ có tham vọng không bao giờ nghe lẽ phải”. Theo đúng tinh thần của tiền nhân, ở cuối nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư của mình, khi nghe có người khuyên nên tiếp tục ở lại vị trí cũ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhắc ngay tới câu “tri chỉ bất họa” (biết dừng lại đúng lúc thì không gặp họa). Chao ôi, chân lý giản dị nhường ấy thế mà chúng ta, nhất là những người đã đạt tới những đỉnh cao của sự nghiệp đời mình, đâu phải ai cũng  hiểu và làm theo được!

Trần Thanh Tịnh
.
.