Lộc vàng chuyển quán

Thứ Tư, 16/11/2016, 13:36
Khách cứ đến hẹn lại đến với Lộc Vàng để thẩm thêm, nghe lại những luyến láy mượt mà giai điệu thời tiền chiến. Rồi lọc trong âm thanh ấy những trích đoạn, những dạng như thứ lý lịch trích ngang một thời nhọc nhằn thương khó của Lộc Vàng.

Đụng PGS Hà Đình Đức trong một đám cưới. Dân Hà thành lâu nay quen gọi cái xước hiệu "Đức Rùa". Nước Nam mình có lẽ hơi bị hiếm nhà khoa học chi dùng quỹ thời gian của đời mình những hơn 30 năm để nghiên cứu, săm soi "cụ" rùa hồ Gươm như cụ Đức đây? Ông gây tiếp ngạc nhiên khi rủ tôi đến quán Lộc Vàng. 

Hóa ra ông PGS tưởng mê rùa còn là người mê hát? Mà mê nhạc vàng tức mê những bài tiền chiến. Một dạo đã rộ lên những CD album tiền chiến, nổi trội có Anh Thơ mười ca khúc của những Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong... Nhưng người ta vẫn tìm đến quán Lộc Vàng để nghe trực tiếp Lộc Vàng ca những bài ấy.

Quán Lộc Vàng? Dân Hà thành dễ hơn chục năm nay, không ít người đã quá quen với cái quán cà phê có tên Thủy Tiên Quán ở vòng cung đường Trích Sài (Tây Hồ), cụ thể ở 17A đường Ven Hồ. “Lại Trích Sài?”. PGS lắc đầu quầy quậy: “Đổi rồi, thay quán mới rồi...”. Một vòng cua taxi rõ dài quanh hồ đưa tôi đến cái ngách của phố Đặng Thai Mai. “Bữa nay Lộc Vàng khai trương quán mới”, PGS vắn tắt thêm.

Từ xa đã thấy nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, bạn ruột của Lộc Vàng. Mấy lần ghé Thủy Tiên Quán đều gặp Nguyễn Đình Toán khi thư thả, khi tất bật tay máy. Lộc Vàng bảnh bao trong bộ đồ màu trắng, cà vạt màu ấm đứng đón khách từ cổng. Tuổi 71, gọi thế nào nhỉ? Nhõn Lộc Vàng thì vẻ thất thố? Mà ông Lộc Vàng, lại cứ hơi chuế thế nào?

Quán mới, rộng thì có hơn Thủy Tiên - Trích Sài nhưng thiếu đứt một khoảng hồ. Chủ quán nối theo cái xuýt xoa tiếc của khách, vắn tắt rằng chỗ Trích Sài người ta không cho thuê nữa, sẽ phá đi để xây dinh cơ mới. Bươn bả đúng một tuần mới kiếm được địa điểm này. Cũng với giá thuê 12 triệu/tháng như Thủy Tiên Quán. Hơi khuất nẻo. Thích thì ghé Đặng Thai Mai/ Lộc Vàng hơi tiếc những ai hững hờ... Chủ quán cười tươi bật ra cái câu hơi hướng Bút Tre.

Lộc Vàng? Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, lật tờ Hà Nội Mới thời điểm áp tết năm 1971, tôi đã tìm thấy những dòng thế này.

Chúng đã tụ tập thành một ban nhạc nghiệp dư chơi nhạc vàng. Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. 

Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài Gòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá lôi kéo thanh niên..." (trích bài báo Phan Thắng Toán và đồng bọn đã bị xét xử - Báo Hà Nội Mới, ngày 12/1/1971).

Trường phổ thông cấp 3 (THPT bây giờ) Quang Trung (Hà Nội) có đôi bạn thân. Toán và Lộc. Sau này là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. Còn Lộc, Nguyễn Văn Lộc có biệt hiệu “Lộc Vàng”. Số là Lộc mê hát nhạc vàng, bây giờ gọi là nhạc tiền chiến.

Hát với Hồng Hải (bài Phút cuối)

Toán mê nhưng không biết hát nhạc vàng nên chẳng được nhập vào nhóm bạn tam ca hát nhạc vàng là Phan Thắng Toán xước hiệu là Toán "xồm" và Văn Thành. Toán "xồm"  lớn tuổi, không cùng trường Quang Trung, người dong dỏng, kẻng trai hao hao dân Tây. Toán "xồm" để tóc dài bù xù, sau này có thêm bộ râu quai nón nên càng hoàn chỉnh xước hiệu Toán "xồm".  

Xước hiệu Lộc Vàng có lẽ chỉ xuất hiện khi cả nhóm bị bắt, bị tù. Thứ nhạc vàng khi ấy mà nhóm Lộc Vàng mê tít là mấy ca khúc của  Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Đặng Thế Phong... bây giờ vẫn gọi là nhạc tiền chiến. Nhưng thời ấy là của cấm. 

Ba thằng mỗi khi lên cơn hát là phải đóng cửa kín mít vì sợ hàng xóm nghe được. Thứ để đưa, để trợ giúp cho cơn nghiền là góp tiền mua một túm chè vừa đủ ba lần pha và một, hai "bó củi" (10 điếu thuốc lá cuộn theo bó), ngồi hát say sưa đến suốt sáng.

Không biết giọng hát tiếng đàn "bi quan sầu thảm để lôi kéo thanh niên" -  lời cáo trạng - của nhóm Toán "xồm" đến mức nào, đã lôi kéo được bao nhiêu thanh niên Hà thành khi ấy nhưng kết thúc các đợt vây quét chỉ có 7 anh chàng choai choai năm 1968 bị tống thẳng vào tù. Năm 1971 mới xử. Toán "xồm" nặng nhất, 15 năm tù cộng 5 năm mất quyền công dân. Nhì là Lộc Vàng, 10 năm tù, 4 năm mất quyền công dân. Nhẹ hơn là Văn Thành, 5 năm tù và 3 năm truất quyền công dân.

Thời ấy kín mít là thế nhưng ở nước ngoài thiên hạ cũng biết có cái án hát nhạc vàng nổi tiếng ấy. Có hẳn bài báo Capitalist Music Brings Jail: Love Songs in Ha Noi During Viet Nam's American War (Nhạc tư bản gây ra tù tội: Bản tình ca ở Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ).

Rồi cũng đến cái ngày được tha. Cứ tưởng vóc dáng hình hài kẻng trai Toán "xồm" trùng khó đục nhưng Toán "xồm" nhanh xuống sức nhất chỉ còn da bọc xương và đeo lắm chứng bệnh. Ra tù, Toán "xồm" mất sạch nhà cửa, người thân xa lánh, không nghề nghiệp chỗ ở, phải đầu đường xó chợ và tá túc nhờ Lộc Vàng.

...Âm thanh ghi-ta đã lại bập bùng. Lộc Vàng micro chất giọng ma mị trầm ấm như mọi bận ở vòng cung Trích Sài. Và kìa, mắt lão khép hay nhắm thế kia?

Hình như trong kỹ nghệ thanh nhạc người ta có dạy ca sĩ cái khoản nhắm mắt thì phải? Đại để, trường hợp nào thì phải lim dim và phải nhắm mắt với thời lượng nào đấy tùy cung bậc, hoàn cảnh ca khúc cốt gây hiệu ứng gì đấy cho người nghe? Lộc Vàng không trường chẳng lớp, chưa một ngày được học thanh nhạc. 

Nhưng mấy lần để ý cái kiểu nhắm mắt của Lộc Vàng thấy hơi bị có lý. Nói thế nào nhỉ? Nó không điệu đà kiểu cách và khá là hạp! Hạp? Bảo như một dạng minh họa cho ca từ là một cách nói. Nhưng tôi dám chắc hầu hết những thính giả của Lộc Vàng không nhiều thì ít bởi ai cũng tường, cũng biết những khốn khó gian truân của Lộc Vàng. 

Cái nhắm mắt của ông chủ quán cứ như một hành trạng của thiền? Thiền là để thoát xác. Để tưởng tượng hình dung. Và tưởng nhớ. Nhớ quay quắt cái thời có ca sĩ tên Mai yêu Lộc Vàng đợi chờ người yêu mãn cái hạn tù dằng dặc đến tận năm 1982 mới được cưới. Mai sinh cho Lộc Vàng một trai một gái trong đói rách rồi ra đi vì bạo bệnh. May mà cả hai giời thương qua được đận khó, nay tạm phương trưởng theo được nghề cầm ca của bố. 

Nhớ bao nhiêu cái thời thương khó cái ảnh đen trắng Nguyễn Đình Toán chụp Toán "xồm" quắt queo trên vỉa hè, chỉ ít ngày sau thì chết vẫn đương treo trên vách quán. Nhớ và thương thêm anh bạn Văn Thành khi ra tù mắc chứng bệnh sợ đàn, sợ nghe nhạc. Hễ cứ nghe tiếng ghi-ta là Thành sợ nhũn người nói chi đến hát vì sợ đi tù lần nữa. 

Nhớ thêm cái ngày nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lên Hà Nội sụp xuống lạy Lộc Vàng ba lạy để cảm cái ơn Lộc Vàng kiên quyết không khai ra mấy cái băng nhạc của mình dúi cho Lộc Vàng. Vì khai ra là Đoàn Chuẩn sẽ bị nhập kho tắp lự. Rồi nhớ thêm ba lần đôn đáo những vay nợ, những bị lừa mất sạch vốn liếng nhưng vẫn quyết tâm mở quán cà phê nhạc. Mãi lần thứ tư, Lộc Vàng mới được đứng trên sân khấu tạm bợ, được hát cho mọi người nghe những bài mà trước đây mình từng yêu mến.

Bao nhiêu là nhớ. Chất chồng bao nỗi niềm những ngày buồn thương ấy... v.v...

Đêm nay bất ngờ phát lộ ở nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán một điều lạ cứ như một thứ giải mã rằng tại sao ông thường xuyên có mặt ở quán Lộc Vàng. Khi những luyến láy rất có nghề của Lộc Vàng trong giai điệu lẫn ca từ Nỗi lòng người đi của NS Anh Bằng bỗng chốc cứ trôi tuột đi đâu vì tôi đang còn mải nghĩ đến cái làng Nga Điền của Nga Sơn xứ Thanh mà tôi từng qua. 

Nga Điền là một cái làng lạ? Làng ấy là nơi chôn nhau cắt rốn của những tay khét tiếng. Trùm mật vụ Trần Kim Tuyến truyền thông nói đã nhiều. Có Nguyễn Tiến Hưng (sinh 1935) tiến sĩ kinh tế, nguyên tổng trưởng kế hoạch kiêm cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu, hiện là giáo sư tại Đại học Howard, tác giả Hồ sơ mật dinh Độc Lập và Tâm tư tổng thống Thiệu. 

Làng ấy còn có Trần An Bường (5/5/1926 - 12/11/2015) sau lấy tên là Anh Bằng, cái người có liên quan đến chất giọng như là ma mị của Lộc Vàng đêm nay? Anh Bằng, nhạc sĩ với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc. Thiên hạ vẫn coi Anh Bằng là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng và nhạc hải ngoại.

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu/ Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều/ Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ/ Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước chơi như ngày xưa.

Cái hích tay của Nguyễn Đình Toán kèm chất giọng thì thầm rằng Lộc Vàng rất chủ động và sáng tạo khi thể hiện ca khúc. Rằng ai cũng hát "khua nước trong như ngày xưa...". Đến Anh Thơ cũng thế! Nhưng chỉ riêng Lộc Vàng thì "khua nước chơi như ngày xưa!".

Khua nước bằng chân là trò chơi đùa nghịch, trong trẻo hồn nhiên của lứa trai trèo me trèo sấu, chứ nước hồ Gươm mấy khi trong mà thường lờ lờ nếu không muốn nói là đục. Chả thế mà có tên hồ Lục Thủy đó thôi?

Nghe bộc bạch của ông Toán, kể ra cũng kẹt. Theo bản nào đây? Nhạc phẩm Nỗi lòng người đi của Anh Bằng, nguyên tác đầu tiên đâu? Biết hỏi ai được khi Anh Bằng đã về cõi? Nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán lắc đầu khăng khăng mà rằng, lần đầu nghe Lộc Vàng dùng ca từ "khua nước chơi" đã ngạc nhiên ngay nghĩ Lộc Vàng nhầm nhọt gì chăng? Nhưng vài lần rồi nhiều lần như vậy, mình thấy Lộc Vàng có lý, nhất là khi gạn hỏi...

Lịch diễn y xì hồi còn Thủy Tiên Quán. Quán mới Lộc Vàng cứ đêm Thứ 2, 5, 7 lại sáng đèn. Khách nghe hát cứ đến hẹn lại đến với Lộc Vàng để thẩm thêm, nghe lại những luyến láy mượt mà giai điệu thời tiền chiến. Rồi lọc trong âm thanh ấy những trích đoạn, những dạng như thứ lý lịch trích ngang một thời nhọc nhằn thương khó của Lộc Vàng.

Rồi nữa, thử theo cung cách của Lộc Vàng, khách hẵng khép nhẹ bờ mi để gẫm để thấm và nhấm nháp thêm cái giá trị của một tiến trình dân chủ của Đổi mới đã dựng tiếp cái quán cà phê ca nhạc mới của Lộc Vàng cùng việc phục sinh giọng ca của chàng thanh niên Hà thành thuở ấy.

Chót thu 2016

Xuân Ba
.
.