Liệt sỹ Công an Trương Văn Đông: Cuộc đời là bản hùng ca lặng lẽ

Thứ Ba, 13/09/2005, 15:33

Ngày 9/8/2005, sau 54 năm hy sinh, Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Trương Văn Đông. Nhưng trong lòng đồng đội và trong những câu chuyện truyền miệng, chiến sĩ công an Trương Văn Đông đã là người anh hùng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ít ai biết rằng, trong thời kỳ hoạt động bí mật, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đã được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành một cơ sở quan trọng của Khu an toàn và Đông Anh làm trung tâm của Khu an toàn số 1 vì nó giáp Hà Nội, đường giao thông thủy, bộ thuận tiện, phong trào quần chúng lên cao. Cổ Loa gần Hà Nội nhưng lúc đó lại thuộc tỉnh Phúc Yên, là khu vực giáp ranh nên địch dễ sơ hở, lại gần các căn cứ cách mạng khác quanh Hà Nội như Vạn Phúc, La Dương, Đình Bảng... Và cũng ít ai biết rằng, ngày 17/8/1945, nhân dân xã Cổ Loa đã tụ tập hàng nghìn người khởi nghĩa giành chính quyền, trước ngày tổng khởi nghĩa trên toàn quốc hai ngày.

Được sống tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lại được sinh ra trong gia đình là cơ sở cách mạng, người thanh niên Trương Văn Đông sớm giác ngộ lý tưởng đấu tranh. Ông Trương Văn Dục, người cha của Trương Văn Đông làm phu trạm, một nghề như nhân viên bưu điện huyện bây giờ nên ông Dục có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với báo chí, sách vở, thông thạo chữ quốc ngữ. Ông Dục đã cho các con của mình mở mang tri thức bằng những chồng sách, báo mang về nhà. Nhưng có lẽ, điều bất ngờ và may mắn nhất của Trương Văn Đông là được sống cùng nhà và được các đồng chí Trần Đăng Ninh, Lê Đình Thiệp giác ngộ.

Đầu năm 1943, trong không khí vẫn còn se lạnh của mùa xuân, gia đình Trương Văn Đông được tiếp đón một vị khách đặc biệt. Đồng chí Trần Đăng Ninh sau khi vượt ngục đã nhận lệnh của Xứ ủy Bắc kỳ về Cổ Loa dưỡng bệnh và xây dựng phong trào cách mạng của địa phương. Được giới thiệu về ở trong gia đình ông Trương Văn Dục, lúc này, đồng chí Ninh lấy tên là Thuần. Nhà ông Dục thường xuyên có khách qua lại, phần lớn là những người hoạt động cách mạng đóng vai khách qua đường hoặc những người đến lấy sách, báo. Vì vậy, khi đồng chí Ninh về ở, ông Dục đã thu xếp cho đồng chí nằm nghỉ trong căn buồng kín đáo nhất.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi thân mật liệt sỹ Trương Văn Đông và một số gia đình có công với cách mạng ở xóm Chùa, xã Cổ Loa, ngày 3-2-1987.
Ông Trương Văn Hợp, em trai của anh hùng Trương Văn Đông kể lại, lúc mới về ở với gia đình, đồng chí Trần Đăng Ninh rất ốm yếu, trên người có đủ thứ bệnh ghẻ lở, sốt rụng tóc... Những lúc đồng chí Ninh lên cơn mê sảng, anh em Trương Văn Đông lại quanh quẩn trong buồng nơi đồng chí Trần Đăng Ninh nằm. Mỗi khi có khách đến chơi, mấy anh em Đông lại giả vờ nô đùa át tiếng rên la. Có những lúc, đồng chí Trần Đăng Ninh ốm nặng tưởng không qua khỏi, gia đình cụ Dục đã bàn tính, nếu đồng chí Ninh qua đời, gia đình sẽ chôn đồng chí trong một chiếc vại sành sau vườn rồi phủ dây khoai lang lên vì nếu đi mua quan tài sẽ bị lộ.

Hay lui tới gia đình thăm đồng chí Ninh là đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Mỗi lần đến chơi, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường tiêm cho đồng chí Trần Đăng Ninh. Trong làng có một ông lang là người có cảm tình với cách mạng cũng thường đến bốc thuốc, khám bệnh cho đồng chí Ninh. Khi sức khỏe đã hồi phục, đồng chí Trần Đăng Ninh thường trò chuyện với Trương Văn Đông. Qua những câu chuyện  của “anh Thuần”, Trương Văn Đông đã thực sự trưởng thành về tư tưởng, là người được đồng chí Trần Đăng Ninh và Lê Đình Thiệp tín nhiệm. Nhiệm vụ cách mạng đầu tiên của Trương Văn Đông là đứng gác ngoài vườn trầu đầu nhà để đồng chí Trần Đăng Ninh tiếp khách. Lúc ấy, khách của đồng chí Ninh là ông Lưu “khiễng” (đồng chí Hoàng Quốc Việt), chân đi tập tễnh, đầu đội cái khăn xếp đã sờn cũ, tay cầm chiếc ô rách. Thỉnh thoảng, Trương Văn Đông lại thấy có anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng), anh Hóa (đồng chí Văn Tiến Dũng)... Về sau, chàng thanh niên thông minh, gan dạ Trương Văn Đông thường được giao nhiệm vụ đi tìm cơ sở ăn, nghỉ cho các đồng chí Trung ương về hoạt động, tìm cơ sở in ấn báo chí, đặt trạm và làm liên lạc cho lãnh đạo Đảng đóng ở Cổ Loa. Trương Văn Đông vừa giúp bố làm phu trạm, vừa làm liên lạc cho đồng chí Lê Đình Thiệp. Càng tiếp xúc, giao nhiệm vụ cho Trương Văn Đông, các đồng chí lãnh đạo Đảng càng nhận thấy trong người thanh niên trẻ tuổi này ngọn lửa nhiệt huyết với cách mạng đang bùng cháy mãnh liệt.

Sau lớp huấn luyện chính trị 7 ngày cho 10 thanh niên ưu tú của xã Cổ Loa (tháng 5/1945), Trương Văn Đông và hai người đồng chí Đào Duy Tùng, Trương Quốc Thái đã trở thành những cán bộ nòng cốt trong phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.  Một lần, Trương Văn Đông trở về nhà với chiếc mũ nồi vẫn đội trên đầu bị thủng một lỗ, một mảng da đầu bị sượt da rớm máu. Mãi sau, cả nhà mới biết Đông cùng tự vệ chiến đấu ở xã bắn nhau với quân Nhật ở Đông Anh.

Sự gan dạ, dũng cảm của Trương Văn Đông còn thể hiện trong câu chuyện vẫn lưu truyền của nhiều người dân Đông Anh. Viên tri huyện Đông Anh lúc ấy là Vũ Văn Mẫu thường sai tay chân đi bắt bớ, phá vỡ nhiều cơ sở cách mạng của ta, tra tấn, giết hại nhiều cán bộ Việt Minh. Tổng bộ Việt Minh đã quyết định đưa tài liệu tố cáo tội ác và thư cảnh cáo đến tay tên tri huyện này. Và Trương Văn Đông đã được tin cậy giao nhiệm vụ nguy hiểm này. Trong vai người phu trạm, anh đã nhiều lần đưa thư cảnh cáo vào tận sào huyệt của Vũ Văn Mẫu. Những bức thư cảnh cáo đã làm tên tri huyện lo lắng, “mất ăn, mất ngủ”. Sau khi tên Lý Khanh, một tay chân thân tín của Mẫu bị Đội Danh dự Việt Minh xử tử thì hắn vội vàng tìm đường tẩu thoát. Vũ Văn Mẫu đã trốn vào Nam, về sau leo lên chức thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn. Nhưng mỗi khi nhớ về những bức thư cảnh cáo ở Đông Anh, hắn vẫn sợ toát mồ hôi hột. --PageBreak--

Nhờ sự giới thiệu của đồng chí Trần Đăng Ninh, Trương Văn Đông được Huyện ủy Đông Anh giao trọng trách làm Đội trưởng Đội Công an danh dự năm 1949. Tôi đã may mắn được gặp ông Nguyễn Hòa Bình, nguyên Trưởng ty Công an tỉnh Phúc Yên, lãnh đạo trực tiếp của anh hùng liệt sĩ Trương Văn Đông. 83 tuổi, ông vẫn lặn lội từ Vũng Tàu ra Hà Nội để thăm gia đình anh hùng Trương Văn Đông.

Ông kể: “Nếu còn sống, anh Đông cũng bằng tuổi tôi bây giờ. Lần đầu tiên tôi gặp anh Đông khi chúng tôi đều ở tuổi 28. Dù là cấp dưới nhưng so với tôi, trông anh Đông già dặn, chín chắn hơn nhiều. Anh Đông là người nói là làm, không sợ nguy hiểm. Khi tôi đề xuất ý kiến cử Trương Văn Đông là tổ trưởng tổ phản gián, anh đã trả lời: Bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao, tôi cũng sẵn sàng hoàn thành”.

Chiến dịch Bát-tin của Pháp diễn ra từ giữa tháng 7/1949, tiếp đó là chiến dịch Ca-ni-gu ác liệt kéo dài đến cuối năm 1949, địa bàn Đông Anh do đồng chí Đông phụ trách thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chống địch, là một trong những tấm gương tiêu biểu của Công an Phúc Yên.

 Năm 1950, tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên hợp nhất thành một tỉnh Vĩnh Phúc, toàn bộ 9 huyện đều bị địch tạm chiếm. Cùng với việc tăng cường tổ chức công an chuyên sâu phản gián, mạng lưới công an nhân dân phòng gian bảo mật được mở rộng, công an xã, công an huyện được thành lập. Đồng chí Trương Văn Đông được cử làm phó trưởng Công an huyện Đông Anh. Là một tỉnh bị địch tạm chiếm, công tác bảo vệ cơ sở diệt tề, trừ gian rất quyết liệt. Đông Anh tuy là địa bàn sâu, bị địch kìm kẹp chiếm đóng dày đặc đồn bốt, nhưng công tác xây dựng và bảo vệ cơ sở chống gián điệp, diệt tề trừ gian do Trương Văn Đông trực tiếp chỉ đạo đã đạt được nhiều thành tích trong chiến dịch tổng phá tề. Do đó, Đông Anh đã góp phần tích cực tạo cơ sở phối hợp chiến trường phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo - một chiến dịch lớn của quân chủ lực triển khai thắng lợi từ cuối năm 1950 đến giữa tháng 1-1951 tại Vĩnh Phúc. Tổng kết chiến dịch này, Ty Công an Vĩnh Phúc được Nha Công an khen thưởng, tuyên dương trong toàn ngành. Vinh dự đó có sự đóng góp tích cực của đồng chí Trương Văn Đông.

Tìm đến nhà người em trai liệt sĩ Trương Văn Đông, gặp ông Trương Văn Hợp (Nguyễn Thanh), chúng tôi đã được nghe kể về sự hy sinh anh hùng của anh. Trong một buổi chiều mưa bão, ông Nguyễn Thanh bồi hồi lần giở những trang ký ức về một ngày đau thương năm 1951. Trong khi thực hiện chiến dịch xung kích bám đất, bám dân, xây dựng và củng cố cơ sở địch hậu, trên đường vào xã Nam Hồng, người anh trai, người đồng đội kiên trung của ông đã rơi vào bẫy phục kích của giặc.

Biết Trương Văn Đông là một cán bộ công an, bọn giặc đã giở những ngón đòn tra tấn dã man. Đánh đập, tra điện cũng không khai thác được gì, chúng đã khoét gan bàn chân đồng chí Đông, đổ xăng, tẩm bông đốt. Nhưng tất cả thủ đoạn tra tấn dã man ấy đều  bất lực trước tinh thần kiên cường, dũng cảm, bất khuất của người đảng viên ưu tú, người chiến sĩ công an Trương Văn Đông. Biết không thể khuất phục được, bọn địch đã đem Trương Văn Đông đi thủ tiêu.

Hy sinh khi vừa tròn 30 tuổi, tấm gương kiên cường của người chiến sĩ công an đã dấy lên một phong trào học tập tấm gương Trương Văn Đông trong toàn Ty Công an Vĩnh Phúc. Đến cuối năm 1950, tại Vĩnh Phúc, ta đã phá được 150 ban tề, khám phá 43 ổ gián điệp, bắt 65 tên chỉ điểm, diệt 161 tên tề phản động.          

54 năm đã trôi qua, dẫu muộn màng nhưng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng đã thoả ước nguyện của người thân, đồng đội liệt sĩ Trương Văn Đông. Dẫu người cha yêu nước Trương Văn Dục không còn nữa, dẫu ngôi nhà lịch sử đã từng nuôi dưỡng người anh hùng và đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng bị giặc đốt cháy, nhưng còn mãi trong tâm tưởng mọi người là hình ảnh người chiến sĩ công an kiên trung. Bản anh hùng ca lặng lẽ sau hơn nửa thế kỷ lại vang lên trong trái tim mỗi người

Ngọc Yến
.
.