Lê Trí Dũng: Người về từ Quảng Trị

Thứ Sáu, 10/05/2013, 15:36

Lê Trí Dũng vừa từ Quảng Trị về sau chặng dài triển lãm tranh cho đồng đội đã khuất trước ngày 30/4 rồi rong ruổi dọc miền Trung vì công việc của Hội Mỹ thuật. Quảng Trị, từ 40 năm nay, với anh là miền đất nợ nần. Nhưng có lần tôi bảo với anh rằng, tôi là người Quảng Trị, đất ấy nợ các anh chứ!  Họa sĩ không chịu: “Không! Chúng ta nợ đất ấy, nợ những người nằm xuống cho hôm nay chúng ta được sống, được hưởng hòa bình…”.

Dũng khóc bên ly café đen luễnh loãng Hà Nội sáng nay. Khuôn mặt “hầm hố” rất nghệ của anh hình như đẹp hơn. Anh khóc cho những người bạn mình đã không về sau cuộc chiến. Nước mắt anh không bi thương mà ấm nồng, mà tự hào kiêu hãnh… Hai mươi năm trước, sau chuyến triển lãm tranh từ Mỹ về anh đã kể tôi nghe chuyện mình đã khóc cùng một cựu binh Mỹ ở Main khi sang Hoa Kỳ tổ chức triển lãm cùng những người lính hai chiến tuyến một thời.

Giọng Dũng trầm xuống: “Khi tôi lấy chiếc vòng  lưu niệm bằng xương động vật có gắn một hoa hồng ra quàng vào cổ Michen Kewill, bỗng dưng anh ta quỳ xuống chân tôi run rẩy: Thế là tôi thanh thản và tôi đã khỏi bệnh. Tôi đã được một VC (Việt cộng) tha thứ bằng một đóa hồng!...”. Không hiểu sao tôi lại khóc, các cựu binh Mỹ có mặt lúc ấy cũng khóc…”.

Dũng đã may mắn trở về và may mắn thành họa sĩ tài danh… Nhưng anh đã không sa vào vòng danh lợi mà lại dành phần lớn cuộc đời sáng tạo của mình để vẽ về chiến tranh. Chiến tranh, như một ám ảnh, như một vết chàm trên gương mặt nhân loại. Anh vẽ người lính không thấy người. Chỉ còn lại chiếc ba lô, cái mũ tai bèo, cái bi đông nước và trên đó là khẩu AK 47 nòng ghếch cao lên…

Nhà anh hãy còn cái ca Mỹ của người chỉ huy đã cho anh như một lá bùa hộ mệnh. Nhờ cái ca hợp kim ấy cất sau đáy cóc ba lô mà mảnh đạn đã không xuyên qua người anh mấy lần… Người chỉ huy đơn vị tên Bình đã là ân nhân cứu mạng anh bao lần bởi đã tặng người lính - họa sĩ của mình cái ca Mỹ và dặn nhét vào cóc ba lô. Dũng đã sống nhờ cái ca Mỹ ấy, còn người chỉ huy thì nằm lại…

Anh trở về để tri ân tất cả. Tri ân đồng đội. Tri ân mảnh đất Quảng Trị đã cho anh bản lĩnh làm người… Còn đây, cái ca Mỹ của chiến sĩ - họa sĩ Hoàng Thượng Lân còn đó trên bàn viết của Dũng. Ám ảnh và đớn đau vì chiến tranh, dẫu cuộc chiến khốc liệt ấy đã đi qua hơn nửa phần đời…Vẽ về nỗi ám ảnh của chiến tranh chính là cách anh thể hiện khát vọng hòa bình.

Anh thành danh với hội họa, nhưng tôi hơi bất ngờ  với một Lê Trí Dũng viết. Ba tập tản văn tùy bút  của anh ám ảnh  lạ lùng. Ám ảnh bởi anh viết xúc động quá. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã có cùng cảm xúc ấy khi khi ông viết: “Tiểu thuyết về chiến tranh thì Bảo Ninh là tác giả được Lê Trí Dũng mến mộ nhất. Còn tản văn (hoặc tạp văn) về chiến tranh, tôi vẫn cho rằng Lê Trí Dũng là hơn cả. Đọc hai tập hồi ký - tản văn của tác giả, tôi nhặt được một hình ảnh lẫm liệt anh bộ đội giải phóng, một cách nhìn phương Đông và dăm ba nụ cười u-mua...”.

Vâng nụ cười có vẻ u mua, nhưng chữ trong những tản văn tùy bút về đời, về chiến tranh - hòa bình thì anh chắt ra từ trái tim. Trái tim người nghệ sĩ dễ rung động. Nước mắt tôi chảy theo những trang anh viết về chiến tranh và đồng đội. Anh đã viết với ngổn ngang tâm thế. Người lính giải phóng quân ấy trở về đời thường và anh đâu có hình dung nổi thế sự đa đoan, bể dâu nổi chìm như vậy. Nói như nhà phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Anh đã chạm được vào cửa ngõ của những tâm trạng xã hội”.

 Nhớ lần trước, lần tôi gọi cho Lê Trí Dũng, định rủ anh đi Quảng Trị, đầu dây bên kia: “Mình với Lê Việt Khánh, cậu con trai mình đang ở Quảng Trị để được “sống” với bạn bè nằm lại nơi này ông ạ! Nhưng khi vừa ra Hà Nội anh điện rủ đi café… Lời đầu tiên xin lỗi Tân Linh vì đi Quảng Trị lần này là đi theo “ông con trai”.

Lạ không? Ông con trai  mình sinh năm 1978, nghĩa là muộn nửa con giáp sau ngày Quảng Trị giải phóng. Vậy mà cu cậu chủ động tổ chức chuyến đi với lời mời rất chi là…người lớn: “Con mời bố đi với con một chuyến về Quảng Trị”. “Có dự án nào trong ấy à?”. “Không! Đi hành hương về chiến trường xưa của bố thôi”. Lần này gia đình nhà báo Hoàng Nguyên Kỳ vào xin đưa hài cốt Lân về nghĩa trang liệt sĩ tại  Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đoàn vào Đông Hà.  Cả nhà Lê Văn Hiến đón tiếp chu đáo. Sáng ấy Hiến làm hịt con gà, chuẩn bị sửa cái lễ để ra nghĩa trang Trường Sơn nơi Lân nằm, để thắp hương trước khi di dời. Tự tay Hiến cắt tiết con gà nhưng anh bỗng giật mình khi làm hết mọi cách mà vẫn không chảy  ra một chút tiết nào. Phải chăng đây là điểm báo chẳng lành? Hiến không nói nhưng ai cũng linh cảm điều gì đó…

Cả nhà im lặng lên đường đến Nghĩa trang Trường Sơn. Điều tiên đoán ấy đã xảy ra: mộ của Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân đã bị ai đó bốc nhầm…Người quản trang chỉ nhớ rằng: “Hôm trước có gia đình ở xã Cẩm gì đó ngoài Hà Tĩnh vào bốc mộ liệt sĩ đưa về quê chắc đã nhầm tên”. Cẩm gì? Thôi chết rồi. Phải về Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Phòng Lao động Thương binh xã hôi cho biết có gia đình ở xã bên vào bốc mộ liệt sĩ  Hoàng… về nghĩa trang liệt sĩ huyện… Mọi chuyện đã rõ. Vậy là lại tìm được di cốt Hoàng Thượng Lân.

 Hai cha con về Cửa Việt. Người con chụp lại những bức ảnh cái bãi xe tăng mà trong tản văn Lê Trí Dũng đã viết về nó như là một ám ảnh. Dũng bảo: “Bốn mươi năm, sau cuộc đọ sức quyết liệt ấy, những người lính trở về, nay có người thành quan to, có đứa giàu sụ lại có kẻ vẫn khốn khó giữa đời. Nhưng thương nhất là những đứa nằm lại. Lớp ấy có nhiều tay tài hoa ra trận”.

Tôi không hiểu sao thế hệ sinh khoảng từ 1945 đến 1950 thật là một “thế hệ vàng” trong lịch sử đất nước. Nhưng rồi vì tiếng gọi vệ quốc thiêng liêng đến nỗi bao người gác lại chuyện học hành tu nghiệp để lên đường chiến đấu.  Hoàng Thượng Lân nếu trở về sẽ là một họa sĩ tên tuổi. Nguyễn Văn Thạc sẽ là một nhà văn, rồi Nguyễn Văn Giá, Đặng Thùy Trâm…

Đất nước đau thương tiễn một thế hệ tài hoa ra trận. Lịch sử đôi khi cần như vậy. Dũng kể năm 1969 trong lúc nằm hầm ở Quảng Trị, Hoàng Thượng Lân bảo: “Tao chỉ mong hòa bình, dựng được một cái tranh bằng một góc bức Brodino cho nó sướng, các nhân vật trong trận đánh, tao sẽ đưa tất cả các bạn của tao vào.

Đi Quảng Trị nghĩa là “về” Quảng Trị - Dũng bảo với tôi thế. Những chuyến hành hương về lại Quảng Trị của Lê Trí Dũng và những người lính cũ làm bừng tỉnh trong tôi một giả thiết về “hội chứng tri ân”. Họ trở về tri ân mảnh đất này đã cưu mang đã chở che…“Tôi không tin là làm sao mình còn sống! Vâng! Đôi khi thấy việc mình còn sống trở về như một điều vô lý”.

Chàng lính Quảng Trị năm xưa, cựu binh quân giải phóng Quảng Trị  Đào Chí Thành – đã phát biểu trên Truyền hình như vậy khi được hỏi cảm giác của anh ngày hôm nay trở lại Quảng Trị. Chiến tranh khốc liệt quá. Quảng Trị là nơi đối đầu lịch sử, sự khốc liệt càng lớn hơn và xương máu cho ngày hòa bình ở đất này vô cùng lớn. Dũng lại âm thầm lau mắt.  Ký ức của người lính vệ quốc sâu nặng lắm. Riêng điều ấy là một bí ẩn thuộc về tâm linh. Dũng và đồng đội ra trận khi vừa mười tám đôi mươi. Tuổi xuân phơi phới chưa kịp cầm tay cô người yêu trên đường hành quân qua Đò Lèn, Thanh Hóa…

Cứ tháng bảy về, rầm rập những đoàn cựu binh tìm về Thành cổ và những địa danh trên đất Quảng Trị như Lê Trí Dũng. “Trong lễ tưởng niệm những người con ngã xuống vì Tổ quốc, có người lính cũ bây giờ là Ủy viên Bộ Chính trị. Anh ngồi đó giữa nắng hè mà không cần người che ô. Tác phong ấy, cử chỉ ấy chỉ có lính về từ Thành cổ. Từ Thành cổ trở về có lẽ không có gì có thể làm người ta so bì, lựa chọn, đòi hỏi…”. Dũng kể mà mắt ánh lên chút tự hào.  

Tôi dám khẳng định rằng, người vẽ nhiều nhất, đẹp nhất (theo nhiều nghĩa) về trận mạc, về chiến tranh vệ quốc và cũng là người vẽ những bức tranh dữ dội nhất về điều đó, là Lê Trí Dũng. Anh vẽ tranh, vẽ minh họa cho sách báo, vẽ tặng cố hữu…hình như bức nào cũng dữ dội và bạo liệt. Dữ dội không chỉ ở mâu thuẫn từ bố cục, nội dung tư tưởng trong tranh anh, mà còn dữ dội trong từng nét vẽ. Tôi đã nhìn thấy nỗi ám ảnh và những giọt nước mắt anh chắt ra từ trái tim mình qua những nét vẽ ấy. 800 bức ký họa về chiến tranh của Lê Trí Dũng là tài sản vô giá. Những bức ký họa ấy như được chưng cất từ máu và nước mắt của đồng đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; về sự khốc liệt của chiến tranh và sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam qua đau thương đổ nát.

“Không (vẽ) trận mạc bất thành Lê Trí Dũng”. Tôi không tin một nhà phê bình mỹ thuật khi nói về Dũng như vậy. Tôi nói thêm, nếu không trận mạc, vẫn có một Lê Trí Dũng khác, tài hoa và tài năng. Bằng chứng là bộ tranh những con giáp của anh quá đẹp quá nhiều về hổ, về rắn, về ngựa... Chỉ tiếc nếu không có một Lê Trí Dũng của chiến trận thì trong những bộ sưu tập tranh trên thế gian thiếu những bức tranh ám ảnh về chiến tranh mà thực ra nó như một cách thể hiện khát vọng hòa bình. Bây giờ thì mọi chuyện đều nhỏ. Và việc lớn nhất đời anh là nỗi nhớ đồng đội, là tình thương với những người bạn đã nằm lại chiến trường.

Lê Trí Dũng bảo: Thời gian còn lại, anh sẽ dành để đi - về nơi này. Vậy là tôi đã không hiểu cái bí ẩn của những chuyến đi ngược về quá khứ đau thương oanh liệt của anh. Nhìn những bức vẽ của anh nét rắn rỏi lắm mà sao tôi cứ lặng đi, khi nước mắt chực rơi. Cái rắn rỏi ấy chứa cái phần tinh hoa nhất  bên trong, đó là nước mắt không chỉ để khóc cho người, cho mình hay cho cho thân phận…mà là cho nhân loại khi được hưởng những ngày tháng hòa bình.  Tôi tin lời người bạn của tôi khi nghe chuyện họa sĩ Lê Trí Dũng dành phần lớn lao nhất tâm hồn mình cho miền đất thiêng liêng ấy. Tôi tin vào những giọt nước mắt..

Nó đưa con người gần lại, với hòa giải, và hướng thiện. Bản thân giọt nước mắt đã là những giọt nước vĩ đại được chắt ra từ đáy con tim. Nước mắt mãi là bài học cho mỗi cuộc đời. Họ đâu chỉ có về đây để khóc cho đời mình, cho bạn bè mà là để nguyện cầu cho đất nước mãi mãi được sống trong hòa bình, trong nhân ái…

Đông Hà - Hà Nội, 2013

Tân Linh
.
.