Lấy vợ khi chưa biết mặt

Thứ Sáu, 01/02/2008, 15:00
Đừng trách anh có nỗi buồn
Mỗi sáng mùa hè nhìn mưa tuôn
Em bảo hôm nay chợ có cá
Nhưng em không tiền em về luôn
Chao ôi anh lại đi uống rượu
Anh làm em khổ khổ vì anh
Anh đừng buồn lắm, buồn em chịu
  

Phố Ngô Quyền số 70 có một biệt thự cũ. Trong biệt thự cũ kỹ kia có một ô nhà nhỏ ở gác hai trông xuống phố. Chủ nhân là một cụ bà nay đã ở tuổi bát thập. Cụ bà người mảnh như một cây lau sậy, đôi mắt buồn sâu ẩn nhịn bao nỗi trầm luân. Bà cụ tứ thời mặc quần lụa đen, miệng ăn trầu, đi nhẹ, nói khẽ.

Cụ bà nói tiếng xứ Nghệ đặc sệt, nụ cười hiền như một người đàn bà nông dân suốt cả cuộc đời ở trên cánh đồng làng mà chưa một lần bước chân qua khỏi lũy tre, cho dù bà đã xa quê lên Hà Nội không biết mấy mươi năm rồi.

Bà là Hồ Thị Hoa, người con gái đẹp nhất làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu xưa ở xứ Nghệ, vợ duy nhất của nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Bà đặt chân đến 70 Ngô Quyền năm 1956, và ở đó cùng với người chồng thi sĩ và 5 đứa con cho đến nay. Cũng mấy mươi năm rồi, căn gác nhỏ của bà mà bạn bè thi nhân xưa yêu quý gọi là "Gác Phong Tao" thưa thớt bóng thi nhân, văn nhân hào hoa lãng tử ghé qua tao ngộ cùng với chủ nhân ly rượu và câu chuyện văn chương thế sự. Là vì chủ nhân của căn “Gác Phong Tao” - Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã rời bỏ trần gian đi xa.

Bạn hữu thân thiết tri âm tri kỷ của ông là Xuân Diệu, Dương Bích Liên, Chế Lan Viên, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến,Nguyễn Đình Thi, Lưu Trong Lư giờ cũng đã là người thiên cổ. Còn sót lại dăm ba người thơ bạn hữu là Tế Hanh, Hoàng Cầm, thì giờ cũng đã lặng thinh đâu đó trong kiếp sống mong manh.

Mười mấy năm rồi chỉ còn lại bà, người vợ của thi nhân khuất bóng hiện hữu và níu lại trong cõi sống như một cái bóng của ký ức. Chừng bấy nhiêu thời gian, bà với khoảng trống im lặng ngay trong căn nhà mình với chồng lớp những kỷ niệm của người xưa để lại.

Những ký ức như dòng phù sa, chảy chậm lại cùng với tuổi già của bà. Năm tháng với bà giờ đây có thể là một gánh nặng khủng khiếp. Kỷ niệm giờ đây với bà có thể là một nỗi giày vò khủng khiếp.

Bởi ai đã từng bị tình yêu thương, nỗi u hoài mong nhớ giày vò, sẽ thấy hạnh phúc đôi khi mang hình hài của đau khổ mà ta đang chuốc vào cuộc sống của mình, tâm hồn mình như chuốc một thứ men đắng, say chất ngất.

Bà mở cửa. Run rẩy trong cái dáng hao gầy, nụ cười cũng hao gầy và bàn tay chỉ còn những ngón xương run run bên tích nước. Tôi ngắm bà để tìm dấu tích xưa của người con gái đẹp và danh giá nhất ở làng Quỳnh Đôi.

Ông Hoàng Trung Thông ở làng trên, bà ở làng dưới, bà là cháu ngoại của quan thượng thư ở Huế, cha mẹ dạy công - dung - ngôn - hạnh từ rất sớm. Mười lăm tuổi bà đã được cha mẹ chấm cho một người chồng tương lai, đó là cậu tú Hoàng Trung Thông ở làng trên.

Hoàng Trung Thông là một trong hai người duy nhất của làng Quỳnh Đôi đỗ Quốc học được lên thành Vinh để theo học. Mối nhân duyên do cha mẹ hai bên tìm hiểu và ưng thuận rồi định đoạt.

Hoàng Trung Thông là quý tử duy nhất trong một gia đình có 4 chị gái, cha mất khi ông mới lên 8. 18 tuổi gia đình đã kiên quyết bắt phải lấy vợ để duy trì nòi giống và dòng họ. Hoàng Trung Thông hơn bà Hoa 3 tuổi, cha mẹ hai bên làm đám cưới năm 1945 cho họ khi bà mới 15.

Đám cưới chỉ có hai họ, cha mẹ hai bên nói chuyện và làm lễ với nhau, chú rể đang bận đi học xa, cô dâu trẻ con đang mải thêu thùa, dệt vải. Cưới nhau một năm, đợi cô dâu lớn thêm chút nữa cho đủ 16 tuổi, chú rể tốt nghiệp Quốc học, về huyện làm việc, nhà trai lúc này mới tổ chức rước dâu về cho vợ chồng chính thức nên duyên.

Bà Hoa kể rằng: Hai gia đình tổ chức cưới rồi nhưng chú rể và cô dâu vẫn chưa biết mặt nhau. Sau khi cưới 1 năm, đón dâu về, đêm đầu tiên cha mẹ bắt chúng tôi ở với nhau một buồng, tôi thẹn lắm, cứ trốn mãi trong góc nhà không chịu quay mặt ra.

Ông Thông hỏi tôi: Đằng nớ bao nhiêu tuổi. Tôi đáp: Em tròn 16. Ông Thông òa lên một tiếng rồi bảo: Tui cứ tưởng đằng nớ phải nhiều tuổi lắm, vì lúc trước, cha mẹ toàn dạm cho tôi các đám hơn tôi vài ba tuổi hết để về lo việc nhà. Tôi lặng thinh không nói gì cả vì thẹn.

Cưới nhau trong 10 năm đầu hầu như ông bà ở xa nhau. Ông đi công tác liên miên vùng kháng chiến ở Quảng Bình, bà ở nhà nuôi con, hoạt động ở xã, kết nạp Đảng từ năm 20 tuổi.

Năm 1952, ông ra Việt Bắc công tác. Đến năm 1956, ông Thông trở về Hà Nội lúc này mới đón bà Hoa và các con ra Hà Nội trong căn phòng vỏn vẹn 6 mét vuông.

Mãi sau này con gái lớn Hoàng Bích Hồng lấy chồng là anh tiến sỹ hàng xóm, đã thương cảnh gia đình nhà vợ chật chội nên đập tường nhường luôn căn buồng thêm vài chục mét vuông nữa cho cả đại gia đình quây quần: Tôi mường tượng khung cảnh đại gia đình ông hồi ấy qua những câu thơ say ông viết: "Những ngọn đèn xanh thắp trắng đêm/ Cả nhà đoàn tụ lại vui thêm/ Chao ôi, nghèo khổ càng tụ lại/ Dẫu khó dẫu nghèo vẫn tiến lên".

Ngôi nhà 70 Ngô Quyền là nơi chứa đựng cuộc đời lặng lẽ của một thi sỹ tài hoa học thức uyên thâm nhưng lại nghèo kiết xác. Về cái nghèo, ông đã có những câu thơ đọc mà ứa nước mắt: "Bữa nay tôi lượn chợ/ Chẳng mua được gì/ Túi quần đã rách/ Mà món hàng nào cũng đắt ghê/ Này su hào bắp cải/ Này cá chép cá trê/ Này cua đồng cua bể/ Ê hề cười ê hề/ Nhưng túi tiền rỗng tuếch/ Đành về/ Sướng con mắt, sướng cái lòng mải mê/ Được nhìn là được hưởng". --PageBreak--

Bà Hồ Thị Hoa là người vợ đảm. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn viết về bà: "Còn nhớ những năm chưa đi B, Đoàn Giỏi và tôi thường đến anh chơi. Chị Thông - người đàn bà xứ Nghệ chiều chồng mến khách thường hỏi: "Muốn ăn gì? Đoàn Giỏi bao giờ cũng thích món tiết canh, bà chị đánh tiết canh vịt rất tài. Thế là ba anh em có khi mời thêm Mai Văn Hiến hoặc Nguyễn Sáng, Trang Nghị đến".

Nhà thơ Hoàng Cát viết: "Nhà thơ Hoàng Trung Thông là người sống rất thanh đạm, cùng với cả gia đình thanh bạch vô cùng. Hồi ấy đã nhiều lần tự bản thân nhà thơ đạp xe đến xin củi đun của nhà thơ Xuân Diệu - bạn chí thân trong làng văn và trong cuộc sống thường nhật.

Vợ của Hoàng Trung Thông người cùng quê với chồng. Bà rất giản dị, tháo vát và đảm lược trong kế mưu sinh hằng ngày để chăm sóc chồng và nuôi dưỡng cả đàn con khôn lớn. Bà cũng làm thêm đủ thứ nghề lặt vặt tại nhà như gỡ tơ rối, đan len… Tuy nhiên, những sự lặng lẽ tảo tần ấy của bà cũng chỉ thêm thắt phần nào cho cuộc sống đỡ đi cái nỗi quá ư eo hẹp thôi".

Trần Chí Thắng kể rằng: "Ông có một gia đình nền nếp, suôn sẻ. Đặc biệt bà Hoa vợ ông. Một phụ nữ thuộc thế hệ xưa cũ. Không phải ai xưa cũ đều được như bà. Gầy, cặp mắt sâu luôn ẩn chứa nhiều lo toan đời thường. Cứ thấy ông đi lâu, bà lại sang Trúc Viên quán nơi ông thường hay lui tới tìm bạn rượu và khẽ khàng, rất khẽ khàng: "Ông ơi, về nhà ăn cơm...".

Ở nhà bà lo cho ông không thiếu gì các loại rượu ngon. Nhưng ông cứ muốn ra khỏi nhà để tìm rượu, tìm bạn. Ông Thông càng về cuối đời, sức khỏe càng yếu, chỉ vài ba ly đã say, khổ cho bà Hoa nhà cứ phải trữ sẵn bột sắn dây, đậu xanh để nấu cháo giã rượu cho chồng". Nhà Thơ Thanh Đạm cũng từng kể rằng. Mỗi lần ông đến, ông Thông lại gọi vợ: "Bà ơi, Thanh Đạm đã đến đây với chúng ta, lẽ nào bà không chiêu đãi anh em tôi một chén".

Ông rất yêu vợ và biết ơn người vợ hiền, đảm đang, tần tảo, yêu chồng bằng một tình yêu chịu đựng, hy sinh và thờ phụng chồng. Ngay cả sau này, những năm tháng ông đắm chìm trong rượu, trong những cơn say và trong cả căn bệnh hoang tưởng do rượu mang lại, bà vẫn yêu ông, thương ông và thờ phụng ông, nuông chiều cả những thói hư tật xấu của ông.

Sinh ra làm phận gái, bà đã được dạy yêu chồng bằng một tình yêu hy sinh và thờ phụng. Với lại người phụ nữ "hiền nhất nước" như bà, còn có thể làm gì hơn ngoài bể lớn yêu thương và dâng hiến.

Bà nuôi con và chăm chồng, ông chẳng đỡ đần cho bà được việc nhà, ngay cả khi ông đang còn đương chức thì bà phải tiếp rượu, lo món nhắm cho bạn bè ông. Khi ông về hưu thì lo tìm ông trong những quán rượu để dắt về.

"Đừng trách anh có nỗi buồn/ Mỗi sang mùa hè nhìn mưa tuôn/ Em bảo hôm nay chợ có cá/ Nhưng em không tiền em về luôn/ Chao ôi anh lại đi uống rượu/ Anh làm em khổ khổ vì anh/ Anh đừng buồn lắm, buồn em chịu/ Anh đứng gốc chanh em gội chanh/ Đầu anh em gội quả chanh thơm/ Gội đi gội lại thơm đầu sạch/ Áo rách dần lành mà đẹp hơn/ Nhưng anh chưa hề mặc áo rách".

Hầu như ông chỉ uống rượu, say và trò chuyện một mình cả khi không có người đối diện. Ôi cái thứ men say chết người, có thể giúp người đàn ông vơi đi niềm đau, nỗi buồn, giúp người đàn ông bản lĩnh và vững chãi lên nhưng cũng có thể nhấn chìm anh ta cho đến khi cái chết như một sự giải thoát.

Trong thi phẩm của mình, Hoàng Trung Thông có nhiều bài thơ mà bóng dáng của người vợ hiền, hoa hậu xứ Quỳnh Lưu hiện lên rất rõ.

Nhưng có duy nhất bài thơ ông đề tặng vợ: "Anh yêu em quá hỡi em/ Cái tuổi đôi ta sắp trọn rồi/ Nuôi đủ 5 con, chồng nữa chứ/ "Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi"/ Nhưng đã xong đâu, vẫn nợ đời/ Em thì vẫn chạy chẳng ngồi chơi/ Còn anh thơ rượu, em xuôi ngược/ Lo lắng ngày đêm không nghỉ ngơi/ Cả một đời anh chỉ một người/ Yêu anh rất mực, giận rồi cười/ Bạn bè, con cái em săn sóc/ Chỉ nói thương em dạ chẳng rời/ Anh yêu em quá, cánh hoa tươi/ Rồi cũng trăm năm trăm tuổi thôi/ Hoa chẳng bao giờ tàn héo được/ Hoa là hoa mãi mãi hồng tươi".

Rồi như day dứt trước người vợ nhất mực thủy chung tận tụy với chồng, những ngày cuối đời ông đã viết: "Có một lần em hỏi/ Sao anh uống rượu hoài/ Có phải anh buồn, sao anh không nói/ Em ơi/ Buồn hôm nay vui với ngày mai/ Anh uống đôi tý rượu/ Đừng trách anh/ Anh làm việc cật lực/ Dưới ngọn đèn xanh/ Anh yêu em/ Sao khuya rồi anh vẫn thức/ Anh yêu em khi anh trên giường bệnh/ Em biết chăng những giọt lệ long lanh/ Gió xô cửa vào nhà/ Em đứng cạnh/ Mắt đượm buồn nhìn sắc mặt của anh".

Sau này trong thời gian cuối đời, ông nhờ một nhân viên cũ sang nhà giúp ông ghi chép lại cuốn hồi ký cuộc đời. Ông đã bộc bạch với cô thư ký rằng: "Trong đời bác có thể bỏ được rất nhiều thứ, nhưng có những thứ không bao giờ bác bỏ đó là: Tổ quốc, thơ, vợ và rượu".

Lúc còn sống, Hoàng Trung Thông chỉ có một mơ ước: "Hồi Hội Nhà văn tổ chức Hội nghị các nhà văn Á - Phi tại miền Nam, anh ao ước, giá tiện xe của Ban tổ chức, Hội cho vợ mình đi theo một chuyến để bà ấy được trông thấy miền Nam giải phóng thì hay quá". Điều mong muốn đơn giản ấy đến khi nhắm mắt về cõi vĩnh hằng, nhà thơ lớn của chúng ta vẫn chưa thực hiện được

"Thi sỹ mời trăng" Hoàng Trung Thông:
.
.