Lãnh tụ Xô viết Iosif Stalin: Xa lạ với đồng tiền

Thứ Hai, 19/09/2011, 16:14
Theo tư liệu của báo Nga Komsomolskaya Pravda, "lãnh tụ của các dân tộc" Iosif Stalin không bao giờ mang tiền trong túi, cả khi đi nghỉ phép lẫn trong các cuộc gặp gỡ trực tiếp với quần chúng. Nhiều người trong số các chủ nhân của Điện Kremli do hoàn cảnh sống và làm việc của mình lắm khi không biết tới giá trị thực của đồng tiền trong sinh hoạt hàng ngày.

Thanh toán bằng… rượu vodka

Trong từng giai đoạn khác nhau, Stalin có cách ứng xử khác nhau với đồng tiền. Dưới thời Sa hoàng, người chiến sĩ cách mạng trẻ trung Ioseb Szhugashvili (tên họ thật của Stalin) đôi khi cũng tham gia vào những hành động phản kháng "lấy của người giàu chia cho người nghèo".

Ở thời điểm đó, ông biết giá trị thực của đồng tiền trong đời sống. Trong các câu chuyện kể về quá khứ, Stalin đã nói rằng khi bị đi đày, ông đã sống tương đối thoải mái với 3 rúp trợ cấp của chính quyền cộng với "sự giúp đỡ của Đảng".

Thế nhưng, mỗi khi ông quyết định trốn khỏi nơi đi đày (trong cuộc đời hoạt động của mình, Stalin đã bốn lần trốn khỏi nơi đi đày), thì ông lại bị rơi vào tình cảnh nhẵn túi. Một lần, ông đã kể với nhà  thiết kế máy bay nổi tiếng Aleksandr Yakovlev về lần ông đã chạy trốn khỏi nơi đi đày trong thời tiết âm 40 độ C:

- Chúng tôi đã thỏa thuận với Yamsik (người đánh xe ngựa - HP) để ông ta bí mật đưa tôi trong đêm giá băng nhất tới tận Krasnoyarsk. Chỉ đi khi trời tối. Và tôi đã thanh toán cho ông ta không phải bằng tiền mà bằng rượu vodka.

 

Khi Yakolev hỏi, bao nhiêu rượu vodka đã phải trả cho Yamsik, thì Stalin nói:

- 1 arshin rưỡi cho một đoạn đường…

Hóa ra là, hai bên đã thỏa thuận với nhau rằng, cứ từ nhà trọ này tới nhà trọ khác thì vị khách trốn đi đày phải đặt lên bàn một lượng rượu vodka dài bằng 1 arshin rưỡi (1 arshin bằng 0,71 m). Và cứ thế hai người đã tới được nơi cần tới…

Nói chung, sinh thời, Stalin rất hay kể về giai đoạn bị đi đày và tình hình tài chính lúc đó. Ngay cả khi ông hiểu rất rõ là những lời kể của ông có thể bị xuyên tạc theo những cách hiểu thiếu thiện chí. Nói cho cùng, ông ít quan tâm tới việc này nhất. Nikita Khrusov (Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn từ tháng 9/1953 tới tháng 10/1964 - HP), vốn rất hay tiếp xúc gần với  Stalin trước và  cả sau cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, kể trong hồi ký:

“Tôi rất nhớ cách mà Stalin kể về một lần bị đi đày của mình. Tôi bây giờ không nhớ là chuyện xảy ra chính xác vào năm nào. Khi ấy ông đã bị đày xuống tỉnh Vologda. Đã có rất nhiều tù chính trị bị đày xuống đó, nhưng cũng có cả những tù hình sự. Ông đã mấy lần kể đi kể lại cho chúng tôi nghe chuyện này.

Ông bảo: "Trong đám tù hình sự bị đày xuống tỉnh Vologda cũng có nhiều anh em tốt tính lắm! Tôi khi đó kết thân với khá nhiều tù hình sự. Đó là những anh bạn rất hay. Chúng tôi khi đó cũng hay đi vào quán rượu và cùng lục túi xem ai còn đồng rúp nào không. Rồi chúng tôi dán những đồng rúp ấy lên kính cửa sổ và ngồi vào bàn uống cho đến đồng côpếch cuối cùng.

Hôm nay thì tôi trả, còn mai thì ai đó khác, cứ lần lượt như thế. Những anh bạn hình sự khá quân tử, còn những anh bạn gọi là "chính trị phạm" thì lại có một số người xấu bụng. Chính những người xấu bụng này đã tổ chức phiên tòa đồng chí để lên án việc tôi hay uống rượu cùng với tù hình sự”...

Xét theo mọi sự, trong giai đoạn bị đi đày ở Vologda, Stalin đã không bị thiếu thốn lắm. Ở thời điểm năm 1913, một rúp cũng là khoản tiền đáng kể. Với 1 rúp, có thể ăn uống no đủ trong 10 ngày.

Cho nhiều cũng kêu

Nước Nga từ lâu đã có truyền thống bố thí cho những người ăn xin. Ngay cả Sa hoàng cũng có lệ thỉnh thoảng lại mang tiền đi phát cho những ai nghèo khốn.

Trong thời Xôviết, nhất là ở giai đoạn đầu, dù đã có những tiến bộ rõ nét nhưng vẫn còn người ăn xin trên phố. Theo lời kể của Vyacheslav Molotov, Chủ tịch Hội đồng Dân ủy từ tháng 12/1930 tới tháng 5/1941 cho nhà văn Feliks Chyev, đã xảy ra một tình huống như sau:

“Trong những năm đầu (sau Cách mạng Tháng Mười - HP) thì theo tôi nhớ, hình như chưa có cận vệ. Khi ấy tất cả chúng tôi đều đi bộ. Cả Stalin cũng thế… Tôi nhớ, có một hôm trời bão tuyết, dày đặc, tôi cùng Stalin đi dọc theo quảng trường Manhezh. Khi ấy còn chưa có đội cận vệ đi theo. Stalin mặc tấm cáo lông dày, đi giày lông, mũ trùm kín tai.

Không ai nhận ra ông cả. Bỗng nhiên có một người ăn mày bám theo chúng tôi: "Các ngài tốt bụng ơi, bố thí cho tôi với!". Stalin thò tay vào túi lấy ra tờ 10 rúp rồi đưa cho anh ta, rồi chúng tôi lại đi tiếp. Thế là người ăn xin mới nói vọng theo: "Ái chà, bọn tư sản khốn khiếp!" Stalin sau đó bật cười: "Dân mình đúng là không thể hiểu nổi! Cho ít thì mắng, nhưng cho nhiều thì cũng vẫn mắng!".

Không để ý tới lương

Trong hồi ký của Svetlana Alliluyeva, con gái của Stalin, có một số đoạn có thể giúp hiểu rõ hơn cách nghĩ của Stalin về tiền trong sinh hoạt hàng ngày. Hóa ra là ông không hề hiểu giá của các loại hàng hóa đời thường.

“Khi tôi ra về, cha lại gọi tôi sang một bên và cho tôi tiền. Ông đã làm như thế trong giai đoạn cuối đời sau cải cách năm 1947, bãi bỏ chế độ nuôi miễn phí các thành viên gia đình các Ủy viên Bộ Chính trị. Trước  đó thì nói chung tôi đã sống hoàn toàn không một xu dính túi nếu không kể tới học bổng ở trường đại học và tôi đã phải luôn luôn vay của những nhũ mẫu "giàu có" vì được hưởng chế độ lương bổng khá cao. 

Sau năm 1947, cha đôi khi hỏi trong những lần gặp gỡ hiếm hoi: "Con có cần tiền không?" và tôi đã luôn đáp là không. "Con nói dối, - ông bảo. - Con cần bao nhiêu?". Tôi quả thực là không còn biết nói gì nữa.

Nói chung ông không biết giá trị thực của đồng tiền hiện nay và không biết đồ vật gì có giá bao nhiêu, ông vẫn sống với cách hiểu từ thời trước Cách mạng rằng, 100 rúp, đó là món tiền khổng lồ… Và khi ông cho tôi hai ba nghìn rúp - không rõ là để tiêu trong một tháng, hay một năm, hay chỉ một hai tuần - thì ông nghĩ rằng ông đã biến tôi thành triệu phú… Tôi không rõ là ông có sổ tiết kiệm hay không - mà có lẽ là không.

Ông đã không phải tiêu gì đến tiền, ông  chẳng phải mua gì cả. Tất cả sinh hoạt, nhà cửa, người phục vụ, đồ ăn thức uống của ông đều do nhà nước thanh toán. Để làm việc này có cả một cơ quan đặc biệt, nằm trong hệ thống Bộ An ninh Quốc gia, tại đó có kế toán tài chính của riêng mình mà không ai biết đã tiêu bao nhiêu tiền… Ông cũng không biết điều này”.

Khi Svetlana, trái theo ý muốn của cha, li dị người chồng thứ hai (là con trai của Zhadanov, một nhà cách mạng lão thành, bạn của Stalin từ thời trai trẻ), Stalin đã hạn chế bớt "tiền chùa" đối với con gái. Trong cuốn sách 20 lá thư cho một người bạn, Svetlana kể: "Ông hiểu rằng kiểu gì thì tôi cũng phải cần tiền. Trong giai đoạn đó tôi đang chuẩn bị luận văn tại Học viện Khoa học Xã hội, nơi có học bổng cao nên nói chung, tôi được chu cấp tương đối tốt.

Nhưng cha tôi vẫn thỉnh thoảng lại cho tôi tiền và nói: "Đấy là cho cháu ngoại…" Mùa đông năm đó, ông đã giúp tôi rất nhiều. Khi đó, tôi đã li dị người chồng thứ hai và rời khỏi gia đình Zhdanov. Cha tôi cho phép tôi sống trong thành phố nhưng không cho vào ở cùng trong Điện Kremli. Tôi được cấp một căn hộ, nơi tôi sống cùng các con tôi cho tới bây giờ.

Nhưng ông cũng đưa ra cách lý giải khác đối với cái quyền này của tôi: "Được rồi, con muốn sống tự lập thì từ nay con sẽ không được sử dụng xe công nữa, không được ở nhà nghỉ dưỡng công nữa. Đây là tiền cho con mua xe hơi, con tự lái mà đi,  nhưng con phải đưa cho cha nhìn thấy giấy phép lái xe của con!".

Tôi rất vừa ý với cách đặt vấn đề như thế. Cái đó cho phép tôi có được sự tự do nhất định và cơ hội tiếp xúc một cách bình thường với  mọi người mà nếu sống trong Điện Kremli ở căn hộ cũ của gia đình chúng tôi thì không thể được như thế. Cha tôi đã không phản đối khi tôi nói rằng tôi rời khỏi nhà Zhdanov. "Con hãy làm những gì con muốn!".

Nhưng ông không hài lòng với chuyện li hôn, ông không thích những việc như thế… "Con muốn sống chỉ bằng tiền chùa thôi ư?" - có lần ông đã hỏi với vẻ cáu giận. Nhưng khi ông biết rằng tôi tự thanh toán tiền cho những bữa ăn của mình ở nhà ăn thì ông trở nên yên lòng chút ít. Và khi tôi chuyển vào căn hộ của mình trong thành phố, rời khỏi Điện Kremli thì ông rất hài lòng…

Stalin không bao giờ mang tiền theo mình dù lương và nhuận bút của ông rất cao. Nhưng phong bì đựng đầy tiền của ông để ở khắp mọi nơi: trên bàn, trong tủ chè, thậm chí cả trong tủ quần áo… Nhưng cũng chính từ Stalin đã xuất hiện thói quen của các nhà lãnh đạo Xôviết mượn tiền của các vệ sĩ. Aleksey Rybin, vệ sĩ của ông, kể:

- Khi chúng tôi đi nghỉ ở Bozhomi, có một người đàn ông và một người phụ nữ, bạn chiến đấu từ thời hoạt động bí mật của ông, đã tới chỗ ông. Lúc ấy hai người Gruzia ấy bị hết tiền. Stalin không bao giờ mang tiền theo mình. Ông đã hỏi vay chúng tôi. Chúng tôi ngả mũ ra và đưa đi vòng quanh thu được 300 rúp. Stalin chia đều vào hai phong bì và đưa cho hai người đồng hương. Rồi chúng tôi đi xe hơi về Sochi. Tới gần Riviera, Stalin ra khỏi xe. Ngay lập tức những khách đi nghỉ với rất đông trẻ con đã quây xung quanh ông. Stalin bảo Vlasik (tướng chỉ huy đội cận bệ - HP) đãi các trẻ nhỏ bằng món kẹo mà một người Gruzia đang bán ở kiốt gần đó. Trong nháy mắt hai thùng kẹo đã được phân phát hết. Tối về, Stalin hỏi tướng Vlasik:

- Các anh đã thanh toán tiền kẹo chưa?

- Dạ, chưa, chưa kịp ạ.

- Anh hãy tới ngay đó và trả tiền cho người bán quán.

Vlasik tức tốc đi ngay. Người bán quán hiển nhiên là mắt tròn mắt dẹt khi nhận được bao nhiêu là tiền như thế. Ông ấy cứ cúi đầu lia lịa theo cỗ xe đang chở tướng Vlasik ra về, tay cứ áp vào trái tim theo đúng tục lệ phương Đông. Thêm vào đó, ông ấy còn rất tự hào vì chính lãnh tụ Stalin đã mua kẹo của ông ấy.

Việc không biết giá hàng hóa thông thường đã không ngăn cản được Stalin xử lý đúng các vấn đề tài chính quốc gia…

Không ai rõ mỗi tháng Stalin nhận bao nhiêu tiền trong phong bì. Nhưng có thông tin về số tiền đảng phí mà tháng nào ông cũng nộp rất đầy đủ. Trong cuốn sách Trại nghỉ gần của Stalin có những trang ghi tiền đảng phí của ông. Theo đó, tháng 2 và tháng 3/1953, ông đã nộp đảng phí hàng tháng từ số tiền lương 10 nghìn rúp…

Hà Phong
.
.