Lãnh tụ Xô Viết Vladimir Iliych Lênin: Những chấm phá cuộc đời

Thứ Năm, 16/01/2014, 11:11
Những nguyên tắc chính trong phong cách làm việc của Lênin là cách tiếp cận khoa học, cụ thể, cực kỳ chuẩn xác, nói đi đôi với làm, có mục đích rõ rệt, năng lực làm việc cao.

Có thật là Lênin từng được đề cử vào giải Nobel Hòa bình không?

Tháng 11/1917, Đảng Xã hội - Dân chủ Na Uy đã gửi tới Ủy ban Nobel đề nghị trao giải Nobel về hòa bình cho Chủ tịch Hội đồng Dân ủy của nước Cộng hòa Xôviết, Lênin. Trong văn bản đề nghị này lập luận: “Cho tới hiện nay làm được nhiều nhất để ý tưởng hòa bình chiến thắng chính là Lênin, người không chỉ bằng mọi lời lẽ tuyên truyền cho hòa bình mà còn đưa ra những biện pháp cụ thể để đạt được hòa bình...”.

Ủy ban Nobel khi đó đã bác bỏ đề nghị này với lý do là nó được gửi tới muộn (Ủy ban chỉ xem xét những đề nghị được gửi tới trước ngày1/2/1917) và đưa ra kết luận: “Nếu chính phủ đang tồn tại ở Nga thiết lập lại được hòa bình và ổn định trong nước thì Ủy ban không có ý kiến gì chống lại việc trao giải Nobel về hòa bình năm tới cho Lênin...”.

Ngày 16/5/1918, báo Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Dunya (Thế giới mới) đăng tin về việc các giáo sư và sinh viên ở Trường Đại học Tổng hợp Konstantinopol (nay là Stambul) trong lễ kỷ niệm 6 năm ngày thành lập trường, đã đề cử nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Nhà nước Xôviết V.I. Ulyanov (Lênin) làm ứng cử viên cho giải Nobel về hòa bình. Ngoài tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ trên, tin này  còn được đăng trên các báo Pravda (số 107, năm 1918), Tin tức Ủy ban Chấp hành Trung ương Toàn Nga của các đại biểu công nhân, nông dân và binh lính (số 109, năm 1918), Vedomosti mới. Bản phát hành tối (ra ngày 21/5 theo lịch Nga cũ, tức là ngày 3/6 theo lịch mới, năm 1918).

Lý do dẫn tới quyết định trên của tập thể Trường Đại học Konstantinopol là những bước đi đầu tiên của chính quyền Xôviết trong năm 1917 và đầu năm 1918, liên quan không chỉ tới thế giới nói chung mà cả số phận của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng. Trong lời kêu gọi Gửi tới tất cả những người lao động theo Hồi giáo ở nước Nga và phương Đông ngày 20/11 (lịch mới: 3/12) năm 1917, Hội đồng Dân ủy đã tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước bí mật mà nước Nga Sa hoàng đã ký kết. Trong số này có các thỏa thuận ký năm 1916 giữa Anh, Pháp và Nga về phân chia quyền lợi ở nước Thổ Á châu.

Thêm vào đó ngày 29/12/1917 (lịch mới: 11/1/1918), Hội đồng Dân ủy còn thông qua sắc lệnh Về xứ Armenia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Trong văn bản này ghi rõ, người dân ở xứ Armenia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, vùng lãnh thổ mà do kết quả chiến sự diễn ra trong những năm 1915-1917 ở Kavkaz đã bị quân đội Nga chiếm giữ, có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Chẳng bao lâu sau đó toàn bộ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vùng lãnh thổ của Iran nằm tiếp giáp nó, đã được giải phóng khỏi quân đội Nga.

Tất cả những sự việc trên, cộng thêm với các hoạt động đối ngoại của chính quyền Xôviết trong giai đoạn đó, đã dẫn tới việc các giáo sư và sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Konstantinopol đề cử Lênin vào giải Nobel về hòa bình. Tuy nhiên, năm 1918, giải Nobel về hòa bình đã không được xét trao cho ai cả.

Lênin với tư cách nhà lãnh đạo quốc gia Xôviết chuyển về Moskva từ khi nào?

Trong thông báo của Chính phủ ngày 12/3/1918 có ghi: “Paris. London. Sophia. Berlin. New York. Vienna. Roma. Konstantinopol. Christiania. Stockholm. Hensingfors. Copenhaghen. Amsterdam. Geneva. Zurich.Tokyo. Bắc Kinh. Madrid. Lisboa. Brusells. Beograd. Tới tất cả các cơ quan ngoại giao Xôviết. Tất cả, tất cả, tất cả. Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Xôviết, Hội đồng Dân ủy và cơ quan chính quyền tối cao trong nước; Ủy ban Chấp hành Trung ương Xôviết Công dân, Nông dân và các đại biểu Kadắc đã tới Moskva”.Việc chuyển các cơ quan tối cao của chính quyền Xôviết được tiến hành đêm mùng 10 rạng ngày 11/3/1918. Liên quan tới sự kiện này, Nadezhda Krupskaya đã ghi lại: “Cuộc tấn công của quân Đức và việc chúng chiếm lấy Pskov cho thấy rõ nguy cơ mà chính phủ phải đối mặt nếu ở lại Piter (tức Petrograd). Tại Phần Lan đã bùng nổ nội chiến. Phải quyết định sơ tán về Moskva. Việc này rất cần thiết kể cả nhìn từ góc độ công tác tổ chức. Cần phải làm việc ở vùng trung tâm đời sống kinh tế và chính trị của đất nước”.

Vĩ nhân nhưng luôn gần quần chúng.

Những nguyên tắc trong phong cách làm việc của Lênin

Những nguyên tắc chính trong phong cách làm việc của Lênin là cách tiếp cận khoa học, cụ thể, cực kỳ chuẩn xác, nói đi đôi với làm, có mục đích rõ rệt, năng lực làm việc cao.

Lênin coi nguyên tắc cao nhất trong lãnh đạo Đảng và Nhà nước là nguyên tắc lãnh đạo tập thể và nhất quán tuân thủ nguyên tắc này trong hoạt động chính trị của mình. Mặc dù có uy tín cực kỳ cao và những thẩm quyền rất rộng rãi  nhưng Người không bao giờ đưa ra những quyết định cá nhân đối với những vấn đề nằm trong thẩm quyền của tập thể ban lãnh đạo.  Vừa nhấn mạnh tới vai trò của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc đó như cơ quan lãnh đạo tập thể của Đảng đối với đất nước, Người vẫn cho rằng, những quyết định tập thể của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW),  được thông qua tại  Bộ Chính trị hay Hội nghị BCH TW phải được Bí thư BCH TW đưa vào cuộc sống, vì “khác đi BCH TW không thể đi đúng hướng”.

Lênin kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng dường như tất cả các vấn đề trong BCH TW đều do Người tự đưa ra giải pháp. Năm 1912, Người đã viết cho cán bộ ngoại giao A.A. Yoffe: “Đồng chí đã sai khi nhắc đi nhắc lại rằng, BCH TW, đó là tôi... Trong các vấn đề tổ chức và cá nhân đã có vô số lần tôi chỉ là thiểu số. Đồng chí từng chứng kiến nhiều lần như thế khi còn ở trong BCH TW...”. Trong lúc nêu cao vai trò của sự lãnh đạo tập thể, hợp đồng tác chiến đưa ra những quyết định quan trọng, Lênin cũng đề cao ý nghĩa của việc cá nhân chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những công việc cụ thể được giao: “Nguyên tắc chính yếu của lãnh đạo - cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm tiến hành công việc cụ thể...”.

Trường rèn luyện phong cách lãnh đạo quốc gia thực sự là các phiên họp của Hội đồng Dân ủy. Nhiều phiên họp do chính Lênin làm chủ tọa. Người yêu cầu tất cả những bài phát biểu phải thực người thực việc ở mức cao nhất. Không khí làm việc trong các phiên họp đó, mặc dù được tuân thủ nghiêm ngặt theo kế hoạch nhưng lại không bị cứng nhắc, mà rất cởi mở, dân chủ và tràn đầy tinh thần đồng chí. Đó thực sự là những hoạt động tập thể. Nhiều lúc trong các phiên họp vang lên những tiếng cười rộn rã vì Lênin là một người rất có khiếu hài hước.  Nhưng ngay sau khi cười xả hơi lại là một không khí làm việc nghiêm túc.

Lênin coi việc đưa ra những quyết định đúng đắn mới chỉ là sự khởi đầu. Người thường nhắc đi nhắc lại: “Kế hoạch dù tốt nhất nào cũng có thể bị hỏng bởi cách làm được chăng hay chớ và kém hiểu biết...”.

Những nguyên tắc chính trong lựa chọn cán bộ

Theo quan điểm của Lênin, việc lựa chọn đúng đắn đội ngũ cán bộ, sắp xếp đúng vị trí là yếu tố chính trong hoạt động của Đảng và Nhà nước. Lênin viết: “Tìm hiểu cán bộ, tìm ra những cán bộ thạo việc, đó chính là bản chất của công việc hiện nay. Không có việc này thì mọi mệnh lệnh hay chỉ thị chỉ là mớ giấy lộn...”. Lênin yêu cầu phải xác lập được sự kiểm tra  có hiệu quả đối với việc thực hiện các quyết định, kiểm tra “những gì đã làm được”: “Kiểm tra cán bộ và kiểm tra quá trình thực hiện công việc - chỉ ở trong đó và thêm một lần ở trong đó là cốt lõi của toàn bộ công tác và toàn bộ chính sách...”. Lênin đánh giá cao những phẩm chất chuyên môn của cán bộ, sự tận tụy, hiểu biết nhiệm vụ được giao, khả năng tổ chức công việc, năng lực giao tiếp với tập thể.

Những điều khiến Lênin quan tâm khi lựa chọn nhân sự vào vị trí Dân ủy về nông nghiệp: “Tuổi? Kinh nghiệm? Thái độ đối với nông dân? Hiểu biết về nông nghiệp? Bản lĩnh? Trí tuệ? Lòng trung thành với chính quyền Xôviết?”. Lênin rất tôn trọng những cán bộ giàu sáng kiến và đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan phải lắng nghe ý kiến và đề nghị của cấp dưới. Khi hay tin một dân ủy  “chèn ép” những cán bộ tốt nhưng có ý kiến khác với mình,  Lênin đã viết cho nhà lãnh đạo này: “Không được cho là có “âm mưu” hay “đối trọng” trong những người nghĩ khác về công việc mà phải đánh giá đúng những cán bộ có tính độc lập...”.

Lênin coi một trong những nhiệm vụ chính yếu nhất của chính quyền Xôviết là phát hiện ra trong nhân dân những tài năng tổ chức. Người kêu gọi “làm sao thận trọng và nhẫn nại hơn thử thách và nhận biết những nhà tổ chức đích thực, những người kết nối lòng trung thành với chủ nghĩa xã hội với khả năng không ầm ĩ (thậm chí ngược lại những ầm ĩ và rối rắm) gây dựng nên hoạt động bền chắc và đồng tâm nhất trí của một số lượng lớn cán bộ... Chỉ những người như thế, sau cả chục lần thử thách, qua từ việc nhỏ nhất tới những việc nặng nề to lớn nhất, mới đưa lên đảm nhận những vị trí lãnh đạo lao động quần chúng, lãnh đạo bộ máy điều hành...”.

Hoạt động của Lênin là mẫu mực của tính tổ chức và kỷ luật, cụ thể và năng động, của yêu cầu cao đối với đội ngũ  cán bộ đồng thời với sự quan tâm thích đáng đến họ...

Nguyễn Trung Tín
.
.