Lãnh tụ Cuba Fidel Castro: Chống lại mọi giáo điều

Thứ Năm, 20/11/2008, 11:00
Nguyên Chủ tịch Cuba, Fidel Castro Ruz năm nay đã 82 tuổi và không giữ bất cứ một cương vị chính thức nào trong bộ máy lãnh đạo đất nước nhưng vẫn rất quan tâm tới mọi mặt của đời sống trong nước và quốc tế. Tư duy của ông dù ở giai đoạn nào của cuộc đời cũng luôn nhạy bén và tươi mới, vì thế, thường là chuẩn xác.

Mới đây nhất, ông đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Cuba về triển vọng của vận động tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Mỹ. Trong đánh giá của vị "trưởng lão" trên chính trường "hòn đảo Tự do", ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain là một nhân vật "hiếu chiến", còn Thượng nghị sĩ da đen thuộc đảng Dân chủ Barack Obama là người tiến bộ nhất trong số tất cả các ứng cử viên Tổng thống Mỹ.

Và mặc dù thế, cũng theo nhận xét của lãnh tụ Fidel Castro, ngày 4/11 tới có nhiều triệu cử tri Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho ông Obama vì tâm lý phân biệt chủng tộc sâu sắc vẫn đang tiếp tục hoành hành ở Mỹ... Theo quan niệm của lãnh tụ Fidel Castro, ông Obama rất có thể sẽ lại phải chịu chung số phận như thủ lĩnh da màu ở Mỹ Martin Luther King, Malcolm X... đã đấu tranh quên mình cho tự do và công bằng.

Tất nhiên, như thực tế cho thấy, dự đoán diễn tiến các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ luôn là việc khó khăn và không chắc chắn vì đó luôn là  những show diễn mang đậm kịch tính và bất trắc tới cùng. Tuy nhiên, những gì mà lãnh tụ Fidel Castro nói luôn cần được quan tâm đúng mức vì từ lâu, ông đã nổi tiếng là một người có khả năng tiên cảm chính trị cao độ.

Không ngẫu nhiên mà theo tường thuật của nhà báo Pháp nổi tiếng Ignacio Ramonet, biên tập viên Tạp chí "Le Monde Diplomatique" trong cuốn sách "Cuộc đời tôi hay Một trăm giờ với Fidel", Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterand đã nêu tên Fidel Castro là một trong ba lãnh tụ chính trị gây cho ông ấn tượng sâu sắc nhất vì "khả năng nhìn thấu tương lai và cảm quan về lịch sử" đặc biệt.

Một cuốn sách thú vị

Nhà báo Ranonet là người sáng lập ra tổ chức Media Watch Global và tác giả của nhiều cuốn sách viết về nền chính trị thế giới đương đại. Cuốn sách "Fidel Castro: Cuộc đời tôi hay một trăm giờ với Fidel" ghi lại nội dung những cuộc trả lời phỏng vấn của lãnh tụ Fidel, khi đó còn là Chủ tịch Cuba, cho nhà báo Pháp, đã được xuất bản ở gần 60 quốc gia trên thế giới.

Và sắp tới cuốn sách này sẽ được xuất bản ở Việt Nam nhờ những cố gắng của Nhà xuất bản Thông Tấn và Công ty Tân Việt. Điều rất đáng nói ở đây là, thông qua các cuộc phỏng vấn đó đã hiện lên một cách chân thực và rất sinh động hình ảnh một vĩ nhân nhưng rất gần gụi với đời thường. Nhà báo Ramonet kể: 

"Thời gian, đối với một cuốn sách, sẽ có diễn tiến chậm hơn và vị thế của nó cũng khác và xét theo góc độ này, điều đó sẽ cho phép người được phỏng vấn đọc lại những tuyên bố của mình, sửa đổi và hiệu đính, bổ sung những chi tiết bị quên mất, và thêm thắt những thông tin cần thiết.

Một khi không bị ràng buộc với yêu cầu bức thiết về "trực tiếp và độc quyền", người phỏng vấn có thể sắp xếp các câu hỏi, tổ chức chúng thật hợp lý sao cho cuộc trò chuyện có nhịp điệu và tính xuyên suốt.

Trong trường hợp này, tôi còn muốn cuộc phỏng vấn là một cuốn sách về lịch sử đương đại, và mong muốn đó đã khiến tôi bổ sung vào các tuyên bố của Chủ tịch Cuba rất nhiều những chi tiết và chú giải nhằm góp phần làm rõ bối cảnh, cung cấp thông tin về các nhân vật chính trị, văn hóa và lịch sử mà Castro và tôi đề cập đến, cũng như nhắc lại các sự kiện lịch sử; tôi còn thiết lập cả một bảng niên giám với những chi tiết so sánh rất hữu ích về thời gian và địa lý.

Trước khi chúng tôi ngồi xuống làm việc giữa không khí tĩnh lặng trong văn phòng riêng của Fidel... tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn một chút về nhân vật của chúng ta, gần gũi với ông hơn, quan sát ông trong công việc hàng ngày, giải quyết những vấn đề quốc gia đại sự và cuộc sống riêng.

Cho đến lúc đó, tôi mới chỉ nói chuyện với Fidel trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi vì công việc, xoay quanh những chủ đề rất cụ thể cho các câu truyện mà tôi đang thực hiện tại hòn đảo này hoặc khi tôi đang tham gia một cuộc hội thảo hay sự kiện nào đó ở đây, ví dụ như Hội chợ sách La Havana. Ông đồng ý với đề nghị đó, và mời tôi cùng ông tham gia một số chuyến đi trong vài ngày, cả ở Cuba (tới Santiago, Holgúin) và ra nước ngoài (tới Ecuador).

Trong suốt thời gian đó - trên chiếc xe công của ông, một chiếc Mercedes màu đen bọc thép nặng nề sản xuất từ năm 1980, với một khẩu súng máy gắn trên sàn xe; trong chiếc chuyên cơ của Chủ tịch có một chiếc Ilyusin Il-18 cổ lỗ sỹ của Liên Xô đã ngừng sản xuất từ năm 1970; hoặc đi bộ, ăn trưa hay ăn tối - chúng tôi liên tục trao đổi về các chủ đề thời sự, những trải nghiệm của ông trong quá khứ, những mối quan tâm trong hiện đại, tất cả các chủ đề có thể, và không dùng máy ghi âm. Sau đó tôi sẽ sắp xếp lại nội dung các cuộc trò chuyện đó trong sổ ghi chép của mình từ trí nhớ, vì chúng tôi đã thống nhất rằng ông sẽ đọc lại và thay đổi những câu trả lời của mình trước khi cho xuất bản...".

Những nỗ lực của nhà báo Ramonet đã được đền bù xứng đáng và cuốn sách viết chung với lãnh tụ Fidel Castro của ông quả thực là một tác phẩm thú vị và cuốn hút. Đọc xong cuốn sách này, ta hiểu thêm và yêu thêm Fidel, cộng hưởng với tình yêu thương của nhà báo Pháp đã dành cho nhân vật của mình.

Nhà cách mạng thanh cao

Trong quan sát gần của nhà báo Ramonet khi phỏng vấn lãnh tụ Fidel Castro, nhà cách mạng này là "một người đàn ông lịch sự và niềm nở luôn tôn trọng và quan tâm tới người tiếp chuyện mình, ông nói chuyện với sự nhiệt tình và sôi nổi, nhưng vẫn giữ được nét kiểu cách và những cử chỉ của một tác phong lịch lãm cổ xưa đã giúp ông được xưng tụng là "quý ông Tây Ban Nha cuối cùng".

Ông luôn quan tâm lắng nghe người khác, coi họ như những con người - đặc biệt là với những người ông làm việc cùng, các nhân viên và đội bảo vệ - ông không bao giờ cao giọng.

Tôi chưa bao giờ nghe thấy ông ra lệnh. Tuy vậy, cho dù đang ở đâu, ông cũng luôn khẳng định được quyền lực tuyệt đối của mình - đó chính là sức mạnh trong tính cách lãnh tụ của ông. Nơi nào có ông, ở đó chỉ có một tiếng nói: Của ông. Ông ra tất cả các quyết định, từ lớn đến nhỏ. Mặc dù ông tham khảo ý kiến của các lãnh đạo khác trong Đảng và Chính phủ một cách rất tôn trọng và "chuyên nghiệp", nhưng cuối cùng vẫn là Fidel quyết định.

Không một ai trong bộ máy lãnh đạo xung quanh Fidel, kể từ khi Che Guevara hy sinh, có được tầm trí tuệ sánh ngang với ông. Về khía cạnh này, ông khiến chúng ta có cảm giác ông là người cô đơn, không có bạn bè thân thiết, không có người ngang hàng về mặt trí tuệ...".

Nhà báo Ramonet cũng kể lại rằng, theo những gì mà ông quan sát được khi có cơ hội làm việc trực tiếp với lãnh tụ Fidel Castro, đó là "một lãnh tụ sống rất khiêm tốn, giản dị, trong những điều kiện phải gọi là khắc khổ: Hoàn toàn không có gì là xa hoa, sang trọng; những vật dụng thường ngày chỉ ở mức tối thiểu; thức ăn đạm bạc, lành mạnh và toàn là thức ăn chay. Cuộc sống của ông giống như của một quân nhân - tu sĩ. Hầu hết kẻ thù của ông đều phải thừa nhận rằng ông là một trong số rất ít các nguyên thủ quốc gia không hề lợi dụng địa vị của mình để làm giàu cho cá nhân.

Trung bình mỗi đêm ông ngủ khoảng bốn giờ đồng hồ, và thỉnh thoảng nghỉ trưa khoảng một hoặc hai tiếng. Ngày làm việc của ông, cả bảy ngày trong tuần, thường kết thúc vào lúc 5 - 6 giờ sáng, khi bình minh bắt đầu hé rạng. Đã hơn một lần, ông phải gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi vào lúc 2 - 3 giờ sáng vì vẫn mỉm cười tươi tỉnh dù mệt mỏi, ông phải tham dự một cuộc họp quan trọng…

Một hành trình, một chặng đường từ nơi này sang nơi khác, một cuộc họp, một chuyến thăm, một buổi xuất hiện trước nhân dân cứ thế liên tiếp diễn ra hết sự kiện này đến sự kiện khác, với tốc độ chóng mặt. Các trợ lý của ông - tất cả đều là những người trẻ tuổi và giỏi giang - ai nấy đều mệt bã người sau mỗi ngày làm việc. Họ hầu như ngủ gật khi đang đứng vì kiệt sức, không sao theo kịp nổi ông già tám mươi tuổi không gì đánh gục nổi kia.

Fidel lúc nào cũng yêu cầu phải có các bản ghi chép, báo cáo, điện tín, thông tin cập nhập tình hình trong nước và quốc tế, tóm tắt các bản tin trên truyền hình và phát thanh, kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý trong nước. Ông thường xuyên nhận hoặc thực hiện những cuộc gọi qua điện thoại đi động mà thư ký riêng của ông, Carlitos Valenciaga luôn mang theo…

Ông là người lúc nào cũng khát khao tìm hiểu, không bao giờ ngừng suy nghĩ, trăn trở và huy động trí tuệ của đội ngũ cố vấn đến mức cao nhất. Luôn luôn sẵn sàng hành động, chỉ huy Ban Tham mưu của mình - đội ngũ những trợ lý của ông - chuẩn bị tinh thần tham gia vào những cuộc chiến mới mỗi ngày. Ông luôn sẵn sàng thực hiện lại cuộc cách mạng với tinh thần tươi mới, ngày nào cũng thế.

Không có gì xa lạ với ông hơn là các giáo điều, nguyên tắc, quy định (khuôn mẫu) và những sự thật đã được phơi bày. Ông là tất cả những gì điển hình cho một nhà lãnh tụ chống sự giáo điều: Ngay từ trong bản năng, ông đã là người luôn phá vỡ mọi rào cản, một người luôn lật đổ, chống lại những gì xưa cũ, độc đoán...".

Nhà báo Ramonet cho rằng, "thật thú vị khi được quan sát Fidel Castro hành động chẳng khác gì được chứng kiến chính trị không ngừng chuyển động. Lúc nào cũng tràn trề ý tưởng, suy nghĩ về những điều tưởng chừng như không thể suy nghĩ, tưởng tượng về những gì không ai tưởng tượng nổi, với một sức sáng tạo mà chúng ta chỉ có thể gọi là thiên tài.

Theo nghĩa này, có thể nói rằng ông là một nhà sáng tạo chính trị, như những nhà sáng tạo khác trong các lĩnh vực hội họa hoặc âm nhạc. Không có ý tưởng nào của ông lại không phải là một ý tưởng vĩ đại, và sự táo bạo trong tư duy của ông phải nói là vô tiền khoáng hậu....

Phố Hiến (lược thuật)
.
.