Lãng tử trời Âu

Thứ Tư, 07/08/2013, 14:38
Tình cờ gặp anh ở Praha, trước giờ khai mạc vòng sơ khảo cuộc thi Sao Mai điểm hẹn ở Séc, tôi mừng như bắt được vàng, vì đang vật vã với vấn đề gìn giữ văn hóa Việt trong cộng đồng bà con ta ở nước ngoài. Mà về nghệ sĩ “Hùng râu” thì tôi nghe tiếng đã lâu. Hẹn đi, hẹn lại, cuối cùng anh mới dành cho tôi hơn một tiếng buổi trưa, trong một quán bia cỏ ở Munich. Nguyễn Xuân Hùng mở lời tâm sự, anh nói như lên đồng, mắt có lúc nhòe đi...

Đã mang cái nghiệp vào thân…

“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức Hà Nội, vào những năm tháng cực kỳ khó khăn của đất nước. Bố tôi là Giáo sư Nguyễn Xuân Mẫn, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành Cầu đường Việt Nam. Nhưng thời ấy làm cán bộ khoa học kỹ thuật, đời sống eo hẹp lắm. Mẹ tôi là kỹ thuật viên của Viện Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải, lương tháng được 49 đồng. Thế mà tiền học đàn của tôi đã ngốn mất 10 đồng một tháng!

Là lớp trưởng của lớp chuyên trong Đại học Quân sự, đáng lẽ tôi được đi học nước ngoài cùng hầu hết các bạn, nhưng anh trai đã đi học ở Cuba, tôi phải vượt điểm chuẩn thì mới được đi. Thế là ở lại nhà học Đại học Bách khoa, ngành Tự động hóa. Thời bao cấp, khó khăn là thế, vậy mà bố mẹ vẫn tạo điều kiện cho tôi học nhạc ở trường dân lập. Các cụ biết tôi học Bách khoa là chiều theo ý gia đình, chứ thực ra tôi chỉ thích nghệ thuật. Bé tí, nghe nhạc tôi đã nhún nhảy theo. Những năm cuối thời sinh viên, tôi đã chơi đàn ở các tụ điểm, sân khấu nhỏ.

Dường như số phận đã gắn tôi với nghệ thuật. Đợt tuyển quân năm 1975, tôi đi nghĩa vụ quân sự. Vào Quân đội, tôi lại được anh em bên Tổng cục Chính trị biên chế vào Đoàn Ca múa Công an vũ trang (sau này đổi tên là Đoàn ca múa Bộ đội Biên phòng). Đó là thời kỳ mà tôi vừa học  nghề, vừa được đi biểu diễn từ Bắc vào Nam, từ biên giới đến hải đảo. 6 năm ở đó, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Các anh trong đoàn muốn đưa tôi về Nhạc viện đào tạo thành cán bộ khung. Nhưng vốn tính lãng tử, tôi muốn thoát ra ngoài, làm nghệ thuật theo kiểu của mình.

Thế rồi, tôi về Đoàn Ca múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), làm chân đánh đàn keyboard. Được gần một năm, Tổng cục Du lịch Việt Nam thành lập một dàn nhạc riêng để phục vụ khách quốc tế (ở Việt Nam thời kỳ ấy đang rất khó khăn trong việc xât dựng các quan hệ đối ngoại). Tôi được cử về đó phụ trách dàn nhạc. Và ban nhạc đó đã thành danh, là nơi đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như nghệ sĩ Săcxôphôn Trần Mạnh Tuấn, Nhạc sĩ Quốc Trung, Tuấn Phương, Quang Vinh v.v.

Dù không phải là đoàn nghệ thuật chính thức của Bộ Văn hóa, nhưng ban nhạc này gắn bó chặt chẽ với ngành Văn hóa, gồm nhiều diễn viên chuyên nghiệp, phục vụ khách ngoại giao đoàn một cách xuất sắc. Thu hút nhiều ca sĩ, cho đến cuối năm 1987, Ban nhạc đã góp phần làm bàn đạp cho họ nổi tiếng. Đó là những Vũ Dậu, Thanh Hoa, Kiều Hưng, Quốc Đông, Trung Đức, Thu Hiền, Ái Vân, Lệ Quyên, Hồng Nhung, Thanh Lam, Thái Bảo...

Thành công ấy khiến tôi  mơ ước thành lập một ban nhạc “mỡ nó rán nó”, có thể tự hoạch toán, và phát triển. Nhưng đề án ấy của tôi “hoài thai” quá sớm - ở cuối những năm 1980 khốn khó, trong cái đáy của thời kỳ bao cấp. Không thực hiện được ước mơ, tôi dứt áo rời ban nhạc, quyết định đi xuất khẩu lao động, để tìm cơ hội học thêm nhạc nhẹ ở Đức - nơi có nền âm nhạc rất phát triển.

Một cuộc sống mới mở ra, rất khác với cuộc sống ở nhà, làm cho tôi, vốn sinh ra ở Hà Nội, được học hỏi giao tiếp nhiều, mà ở phía chân trời này vẫn cảm thấy bỡ ngỡ. Tôi tìm cách hòa nhập dần với cộng đồng người Đức, và xin tập trong một ban nhạc của bạn. Nhưng một khúc ngoặt khác lại xuất hiện.

Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, các hiệp định hợp tác về học tập, lao động không còn nữa. Về nước với 3000 DM bồi thường (đồng mác của Đức), hay ở lại khi không còn lương, nơi ở, không còn bảo hiểm y tế...?! Nhưng tôi vẫn chọn con đường ở lại. Không thể kể hết sự gian nan ở ngã rẽ ấy. Chúng tôi bắt đầu tự kiếm sống từ những việc nhỏ bé, như mua quần áo, quà tặng rồi bán lại.

Cuộc thi Sao mai điểm hẹn (tháng 6/2013) tại Cộng hòa Séc.

Tiến đến, tôi nhập khẩu vải rồi tổ chức sản xuất quần áo, cung cấp cho người bán lẻ. Làm nhỏ rồi làm quy mô to, làm cả xuất khẩu. Rồi lại chuyển sang làm dịch vụ ăn uống. Cái máu liều khiến tôi trở thành một trong những người bán hàng ăn đầu tiên ở Đức. Nếu cứ chuyên chú đầu tư, làm ăn kinh tế, chắc bây giờ tôi đã trở thành người giàu trong cộng đồng ở Đức. Nhưng, lại một chữ “nhưng”, một ngã rẽ mới...

Những năm 1995 - 1996, khi lưng vốn đã tàm tạm, không còn phải cắm mặt làm ăn nuôi bản thân và vợ con, tôi bỗng nhận ra rằng, đời sống văn hóa của bà con người Việt mình ở Đức rất thiếu thốn. Không có mối liên hệ gì với văn hóa quê hương. Món ăn chính là đĩa nhạc Thúy Nga - Pari. Sau dăm, sáu năm mày mò kinh doanh, tôi nhận ra rằng, người Việt mình ở đây sao mông lung thế, sao khó hội nhập đến thế. Đã đành là có sự khác biệt về phong tục, về văn hóa, lối sống, một đằng là người Á, một đằng là người  Âu.

Người Đức có nhiều điểm văn minh, đáng học tập, ví dụ như  tính kỷ luật, ý chí phấn đấu, tính hiệu quả trong công việc... Nhưng người Việt, văn hóa Việt cũng có nhiều điểm đáng tự hào. Tôi mong muốn người Đức hiểu đúng về đất nước, con người và văn hóa Việt, khi mà nước Đức đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều người Việt. Không còn cách nào khác là tự nâng mình lên, tự lo đời sống cho mình, cho gia đình mình và kéo người Đức lại gần mình hơn thông qua con đường văn hóa. Gần hai chục năm nay, tôi trở lại làm văn hóa.

Tôi và bạn bè đã tổ chức được hơn 600 sự kiện văn hóa. Nhớ nhất là chương trình đầu tiên vào năm 1996. Tôi thuê 12 điểm biểu diễn, quảng cáo in đến nửa tấn, phát đi khắp nước Đức. Nhưng vì lý do an ninh, đoàn nghệ sĩ không sang được.

Một cú sốc lớn với thiệt hại 100.000DM  không làm tôi nản chí, vì tôi biết việc tôi làm không sai. Thời gian sau, không chỉ đoàn nghệ thuật đó, mà nhiều đoàn nghệ sĩ nổi tiếng đã sang biểu diễn ở châu  Âu. Hầu hết các nghệ sĩ thành danh đã đem tiếng hát quê nhà đến với bà con xa xứ. Nào là Thu Hiền, Trung Đức, Ngọc Tân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Lam Trường, Xuân Hinh...

Đó là những sự kiện lớn trong cộng đồng người Việt ở châu  Âu. Mùa đông châu  Âu, tuyết dày, trời lạnh cóng, bà con ta từ các nước lái xe năm bảy trăm cây số đến xem. 8 giờ tối biểu diễn, mà 6 giờ đã chật cứng người, vỡ cả cửa mà bảo vệ cũng đành bó tay. Từ những cái mốc ấy, tôi biết mình đã làm đúng. Hạnh phúc nhất là được chứng kiến hơn 3000 bà con Việt cùng đứng dậy vỗ tay hô vang lời chào mừng khi các nghệ sĩ quê nhà xuất hiện trong chương trình Gặp gỡ quê hương, tổ chức năm 2000.

Con đường đưa văn hóa Việt tới bà con Việt kiều và làm cho người dân Đức hiểu người Việt không hề dễ dàng. Đã nhiều lần, tôi mất trắng vài chục đến hàng trăm nghìn euro khi tổ chức các sự kiện văn hóa, vấp phải sự chống đối của một bộ phận Việt kiều ra đi sau 1975. Tôi cứ ngỡ chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau đã lắng lại, vì không có cuộc chiến tranh nào không để lại dấu vết cho cả hai phía.

Vậy mà đã có lần, bà con đi xem không dám vào, vì người biểu tình đông quá. Họ vin vào một đôi chuyện trong nước, rồi cầm cờ ba que hô đả đảo. Họ chửi tôi là Cộng sản vì họ nghĩ tôi làm theo định hướng ở nhà. Tôi không phải là đảng viên, nhưng tôi nghĩ điều tôi làm có ích cho cộng đồng Việt, thì dần dà bà con ta sẽ hiểu, ở trong nước cũng sẽ hiểu.

Tôi tự hào là đã dùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt từ Công ty Asia Tour (mà tiền thân là HM Sky, hay dịch ra là “Những khoảng trời Hà Nội” - tôi đặt tên như thế vì tình yêu không nguôi với Hà Nội, với quê hương Việt), và từ những hoạt động kinh doanh trước đây để hỗ trợ cho nhiều sự kiện văn hóa của cộng đồng Việt ở Đức.

Văn hóa kết hợp với du lịch, đưa người Đức tới Việt Nam trong Hội chợ bia Berlin quốc tế. Thử tưởng tượng mà xem, trên chiều dài hơn 2 km trong 3 ngày, có khoảng 1 triệu người uống 2000 loại bia của 80 nước trên thế giới. Có một năm, anh Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cứ xuýt xoa cảm động, khi thấy lá cờ Việt Nam bay phần phật trên Hội chợ bia, khi thấy người Tây đội nón lá uống bia Việt Nam, ăn món ăn ta và xem biểu diễn quan họ.

Văn hóa Việt đến với nước bạn bằng những con đường như thế. Giá mà có thể kết hợp nhiều nguồn lực từ các bộ ngành trong nước với đóng góp của bà con Việt kiều chúng tôi ở các nước bản địa, thì sẽ tạo nên những con sóng liên tục, lan xa, lan xa mãi. Giống như ném gạch xuống hồ nước, phải ném liên tục mới tạo được sóng.

Ở Đức bây giờ, dù vẫn còn một số ít Việt kiều phản đối những hoạt động văn hóa lớn của cộng đồng, nhưng tôi bây giờ không đơn độc. Dù sự kiện Sao Mai điểm hẹn ở Munich vẫn phải nhận những lời đe dọa, nhưng bên cạnh tôi đã có những người nhiệt tình như anh Mai Xuân Sang, chị Kim Muller... 14 thí sinh ở Munich đã sẵn sàng. Chúng tôi không chỉ đóng góp tiền bạc, mà còn dồn cả công sức vào đấy.

Tôi tin Sao Mai điểm hẹn ở Munich, ở Berlin, ở châu  Âu sẽ thành công. Trong khi suốt 5 năm nay, Ủy ban người Việt ở nước ngoài trăn trở về việc tổ chức Liên hoan Tiếng hát quê hương cho cộng đồng bà con Việt xa xứ, thì chúng tôi và VTV đã bắt đầu bằng sự kiện Sao Mai điểm hẹn. Tôi vinh dự được làm Trưởng Ban tổ chức Giải ở châu  Âu, tự hào khi nghe bà con nói: Tổ quốc đã trân trọng những tài năng xa xứ!

Tại sao tôi lại cứ bỏ tiền ra, lao vào tổ chức những hoạt động nghệ thuật, dù rất khó khăn và không ít lần thua lỗ ư? Vì tôi yêu nghệ thuật, đó là cái nghiệp của tôi. Nhiều nghệ sĩ phải có thêm nghề để kiếm sống, như Ái Vân phải có cửa hàng, Chế Linh phải có cửa hàng bán đồ châu Á, Huy MC và Thu Phương vẫn phải làm việc khác để kiếm sống.

Trong khi đó, những năm gần đây, nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam có thể sống bằng nghề, thậm chí còn giàu có. Họ được chuyên tâm cho nghệ thuật, được đào tạo bài bản. Họ dũng cảm hơn tôi là đã dám sống chết với nghề. Không kiên trì được như họ, tôi muốn đời này, kiếp này, phải làm cái gì đó để tri ân nghệ thuật, để đưa nghệ thuật Việt  đích thực đến với người Việt ở châu  Âu, kéo bà con mình và cả dân bản địa đến gần hơn với văn hóa Việt.

Thú thực, có lúc tôi cũng thấy mệt mỏi. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu mình, chung tay góp sức với mình, và sẽ có những thế hệ kế tiếp, hết lòng dốc sức cho công việc này. Đau lắm chứ, khi có những cụ già Việt sắp chết vẫn cố đi thi để nhập quốc tịch nước sở tại, khi có bố mẹ Việt tự hào vì con không biết nói tiếng Việt... Phải làm thế nào để lớp Việt kiều trẻ không chỉ nói mà còn hiểu văn hóa Việt và hát hay bằng tiếng Việt...?!

Từ năm 2007 đến năm 2010, tôi và cộng sự đã tổ chức hơn 200 sự kiện, được đại diện ngoại giao của các nước ASEAN, của Đức và Việt Nam coi đó là một hình mẫu tiêu biểu. Bộ Ngoại giao Đức đã tổ chức Hội thảo cho các nhà ngoại giao nước ngoài học tập kinh nghiệm của Viethause. Thế mà, tôi đã phải rời bỏ “đứa con tinh thần” mình nuôi nấng từ khi còn trứng nước. Không gục ngã, tôi đã tự rút ra những bài học, để có thể bước tiếp, vững vàng hơn. Nhưng giá như...và giá như...”.

Vĩ thanh

Tâm sự tới đây, giọng anh chùng xuống rồi im lặng... Tôi có thể làm gì đây, khi tôi chỉ là một người làm báo tình cờ gặp anh trên đường sang Đức học?! Không phải chức năng của mình, nhưng tôi cứ nghĩ, chắc lẽ những bộ, ngành liên quan trong nước sẽ có những hình thức động viên, khen thưởng, vinh danh sự đóng góp của những nghệ sĩ, những Việt kiều yêu nước như anh Hùng, anh Sang, chị Kim và nhiều người khác nữa. Không chỉ đánh giá đúng, mà còn có những hành động thiết thực để tạo động lực, để hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao vị thế của mình trên con đường hội nhập với nước bản địa - quê hương thứ hai của bà con mình.

Khi câu chuyện này tới tay bạn đọc, thì cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn” ở châu Âu chắc lẽ đã thành công tốt đẹp. Trước mắt tôi như hiện lên nụ cười đầy nhiệt huyết của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Hùng - chàng lãng tử trời Âu - trái tim luôn trăn trở với văn hóa Việt.

Praha - Munich - Hà Nội, tháng 7/2013

Phan Quỳnh Anh
.
.