Lang thang cùng “ông già Nam Bộ”

Thứ Sáu, 06/05/2005, 15:42

Sơn Nam - một nhà văn mà tên tuổi đã trở thành một biểu tượng của văn hóa miền Nam. Hơn tám chục tuổi đời vẫn đều đặn ra sách. Ngày ngày rong ruổi lang thang trên khắp các nẻo đường Sài Gòn, ông vừa đi vừa học, và ghi lại cái sự học ấy cho con cháu ngày sau qua những tác phẩm để đời. Sơn Nam - một chân dung không đồng dạng, một "ông già Nam Bộ" muôn năm cũ giữa lòng đô thị Sài Gòn náo nhiệt, tươi mới..

Khoảng mười năm trở lại đây, đều đặn mỗi sáng sớm, nhà văn Sơn Nam đón xe ôm đi từ nhà ở Bình Thạnh tới thư viện và nhà truyền thống quận Gò Vấp. Ở đây, giữa khuôn viên tĩnh lặng nhiều hoa kiểng, ông nghiên cứu tài liệu và viết sách, thích thì làm, không thích thì bỏ đi la cà vô khu xóm nhỏ lao động gần đó. Sáng cà phê tán chuyện, trưa ăn cơm bình dân, chiều ghé nhà xuất bản - một thời khóa biểu thong dong, giản dị. Có lúc người biết mặt lại bắt gặp ông tha thẩn ở Lăng Ông Bà Chiểu, hay khu Thảo Cầm Viên, hoặc dạo quanh các đình, đài, miếu, mộ. Một kiểu nhàn du lang bạt dễ khiến người ta liên tưởng tới thi sĩ Bùi Giáng, người mà không ai biết làm việc lúc nào. Nhưng số tác phẩm hơn 60 đầu sách đủ thể loại gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, công trình nghiên cứu của ông đã chứng tỏ một khả năng sáng tạo dồi dào và sức làm việc bền bỉ không ngừng.

Tìm ông dễ mà khó. Một buổi trưa chờ dài cổ ở phòng đọc thư viện Gò Vấp không thấy ông về, tôi chạy tới Hội quán Hoa văn Sùng Chính, rồi vòng qua quán cơm bình dân quen thuộc. Tới đâu người ta cũng nói ông vừa đi khỏi. Ra quán cà phê đầu hẻm, chị Thuận - chủ quán người Hoa ân cần sai con dắt tôi đi tìm ông Năm. Đứa nhỏ chạy tọt vô con hẻm, ghé từng nhà kêu ông Năm ới, ông Năm ời. Ông Năm ở trần, đang ngả lưng trên tấm phản gỗ ở nhà anh bạn vong niên, đọc báo. Thấy tôi, ông nhỏm dậy, giọng tỉnh bơ: "Tới hỏi chuyện nữa hả?". Trở ra quán chị Thuận, ông thoải mái kéo ghế ngồi, châm một điếu Hero, nhấp một ngụm cà phê rồi khề khà kể tôi nghe, toàn những chuyện không đầu không cuối.

"Bút danh Sơn Nam của bác có ý nghĩa gì không?", tôi hỏi. "Tình thiệt thì tui họ Phạm, tên Minh Tài. Nhưng hồi xưa làm hộ tịch người ta ghi lộn thành Phạm Minh Tày, thay đổi cũng khó, riết tui để vậy luôn. Ở nhà tui còn giữ cái căn cước tên Tày làm kỷ niệm. Còn bút hiệu Sơn Nam thì xuất phát từ vùng quê tui sinh ra, Sơn là từ chữ Núi (miệt Bảy Núi, An Giang) mà cũng là họ của người Khmer hay dùng. Hồi đó, gia đình tui sống chung với bà con chòm xóm xung quanh toàn là người Khmer. Từ thời vua Minh Mạng, người Khmer qua xứ mình thường không mang họ. Họ thường lấy núi, đá - theo âm Hán Việt là Thạch, Sơn để làm họ của mình. Còn tên Nam của tui thì có ý nghĩa là vùng đất phía Nam. Bà con quen biết lúc kêu tui bằng ông Nam, khi lại gọi ông Năm, sao cũng được".

Quê ông ở miệt U Minh Thượng, Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Xưa là xứ khỉ ho cò gáy với tứ bề mênh mông chỉ toàn tràm và nước. Là sấu đặc sông, là ong tứa mật bu bám cây rừng, là muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lền như bánh canh sau này tượng hình tượng dạng mặn mòi thấm thía theo từng trang văn ông viết. "Xứ này bây giờ kêu tìm trên bản đồ, chắc tui tìm hổng ra quá. Vì bốn, năm tuổi tui đã theo cha bỏ xứ đi khẩn hoang ở vùng tứ giác Bảy Núi, giáp ranh Cam-bốt và vịnh Xiêm La. Nơi mà đào đất lên nhiều khi chỉ thấy toàn tượng là tượng. Xứ Phù Nam mênh mông thiên địa biết đường nào lần. Giã từ quê nghèo, không có trường học, tuổi thơ tui theo cha lang bạt khắp các vùng miền. Cha tui thấy người Khmer khẩn hoang năm bảy trăm năm vẫn thất bại, nghĩ mình siêng năng hơn sẽ thành công, nhưng rồi cũng chẳng ăn thua.

Hồi còn nhỏ, tui thường theo tụi thằng Khách, thằng Ní, Thách, Ná, Khưng đi chơi, còn học hành thì bữa đặng bữa thất. Nói là trường nhưng chỉ như chỗ để con nít trửng giỡn. Sách học duy nhứt một cuốn "Quốc văn giáo khoa thư" từ ngoài Bắc gởi vô, lớn nhỏ gì cũng chỉ học trong cuốn sách đó. Tụi bạn nhỏ người Khmer hiền lành, sống chan hòa nhưng ít chịu học. Thấy tui ốm yếu, nhỏ con nên tụi nó tội nghiệp, thường ghé nhà để cõng tui chạy ào một mạch tới trường. Vì ít học nên đứa nào lớn lên cũng chỉ làm những nghề quanh quẩn, không hớt tóc thì cũng chèo ghe do không có chữ nên chẳng ai thèm mướn! Trong nhóm con nít hồi đó, thầy tui thương tui nhứt, vì tui chịu khó học hành. Thấy ở đâu hay nhà nào có sách báo, hoặc bất kể thứ giấy tờ gì tui cũng mượn xem. Tui đọc tất cả những gì được viết bằng chữ quốc ngữ. Từ từ, tui đâm yêu chữ nghĩa hồi nào hổng biết".

Ông miên man theo dòng chảy ký ức tuôn trào, hồi tưởng một thuở ấu thơ đã thành xa lơ xa lắc. "Sau đó, cha tui gửi tui ra nhà ông cậu ở Rạch Giá, gần khu thành thị để tiện bề ăn học. Nhà ông cậu tui ở trong khu đông người Hoa và một ít người Khmer. Dân ở đây chuyên buôn bán dầu cù là từ Miến Điện về, nên người ta gọi là xóm Cù Là. Tui xa mấy thằng bạn thân, biệt nhau luôn từ đó, và cũng chẳng mấy khi còn dịp đắm mình trong những lễ hội của người Khmer như đua nước, rước nước, cốm dẹp, đua ghe ngo. Tụi thằng Thách, Ní bây giờ chắc cũng đã "đi trước" tui rồi. Đời dâu bể mà trời thương cho tui cái trí nhớ lâu, tự dưng bữa nay tui nhớ lại rõ mồn một.

Tui học ở Rạch Giá một thời gian, rồi ra Cần Thơ thi trung học, đậu đíp-lôm nên được học bổng trường Tây. Hồi đó đi đâu cũng khó khăn, kiểm soát gắt gao lắm! Mà tuổi thanh niên lại muốn thỏa chí tung hoành ngang dọc. Khoảng 17 - 18 tuổi gì đó, nhờ theo kháng chiến mà tui được đi khắp nơi. Tui hiểu nhiều về sông nước miền Tây cũng bắt đầu từ giai đoạn này. Kiến thức nằm trong đầu, không viết ra lâu ngày sẽ quên, nên có lẽ tui có ý thức về văn chương cũng từ những tháng ngày sôi nổi đó. Con đường dài cuối cùng cũng dẫn dắt tui về tới Sài Gòn.

Sau Hiệp định Geneve, nhiều người kháng chiến tập kết ra Bắc, còn tui ở lại trong lòng địch viết văn. Tác phẩm Hương rừng Cà Mau ra đời sau đó không lâu. Hai lần ở tù (Phú Lợi - Bình Dương) và thời gian nương náu lại Sài Gòn không làm tui nhụt chí, mà ngược lại còn giúp tui có thêm vốn sống về cuộc kháng chiến trường kỳ, lúc đó chưa biết tới hồi nào mới kết thúc".

Đang kể chuyện xưa, bỗng nhiên ông nhắc nhớ buổi giao lưu với sinh viên Đại học Văn khoa mới diễn ra tuần trước. Chương trình bán đấu giá sách Sơn Nam gây quỹ học bổng cho sinh viên nghèo đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các bạn trẻ - có cả những tín đồ đầy sắc màu của hip-hop, trong điều kiện quà khuyến mãi cho người mua chỉ giản dị là chữ ký tặng của ông nhà văn già. "Thấy tui già, ốm yếu vậy chớ còn ăn nhậu khỏe re đó, cậu! Tám chục năm trời, tui chỉ một lần vô bịnh viện hồi năm hai ngàn lẻ hai. Hồi đó tưởng không qua khỏi, vì bị nhũn não, vậy mà sau cái hạn đó, tui bước ra khỏi Bịnh viện Nhiệt đới, khỏe luôn cho tới bây giờ!".

"Cậu biết mình đang ngồi ở đâu không? Xưa chỗ này kêu bằng làng Hanh Thông, thuộc Gò Vấp - một làng xưa nhất của Sài Gòn. Hanh Thông có nghĩa là thông suốt. Còn gọi Gò Vấp vì vùng này xưa vốn chỉ là những cái gò, trồng nhiều cây vấp, người miền Nam phát âm là dấp. Cây vấp bây giờ chỉ còn trong sở thú (Thảo Cầm Viên), nhưng dân ở đây ít người biết lắm".

Rồi ông chỉ tay về phía đầu xóm: "Đó là cây da, nó già hơn tuổi tui. Xứ này tui nghiên cứu rất kỹ. Ông cha mình ở miền Trung vô đây lập nghiệp từ khoảng 300 năm trước, chỉ nhờ trồng cây thuốc lá mà phất lên. Người Hoa có qua lại làm ăn, buôn bán chung với người Việt mình, một số dò la thấy hạp phong thủy nên cất nhà ở luôn đây, bởi vậy mới có hội quán, chùa Tàu. Đó là sự giao thoa văn hóa đậm đặc, nhưng không hòa lẫn. Khu này bây giờ dân cư tấp nập nhưng vẫn còn nhiều người nghèo, thất nghiệp. Được cái bà con thân tình, không khí mát mẻ thoáng đãng nên tui thích lên đây chơi cả ngày, tối lại bắt xe ôm về Bình Thạnh ngủ. Cậu thấy xung quanh đâu có nhà máy xí nghiệp gì đâu!

Mang tiếng là vùng ven nhưng Gò Vấp là khu "sang", chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số. Tui khoái vùng này, tới đây thích thì ở, ở rồi viết, viết hoài không hết chuyện. Tui vừa hoàn tất cuốn thứ tư của bộ Hồi ký Sơn Nam nên cũng rảnh rang. Không thích làm thì nghỉ, tui ra nói dóc chơi với bạn bè. Ở đây không có bạn văn nghệ, chỉ toàn bạn đời. Cà phê cô Thuận bán chỉ 2 đồng (ngàn) một ly, cái gì cũng rẻ hơn khu trung tâm. Chòm xóm ở đây lâu năm nên quá hiểu, dù tui có là ông gì thì họ vẫn thương và quan tâm như người nhà. Cái hay của người Việt mình là giữ được quốc đạo".

Quốc đạo của người Việt - theo cách nghĩ của Sơn Nam chính là lòng nhân hậu. Ông diễn giải: "Chẳng biết Nam Dương ở đâu, nhưng khi nghe có thảm họa sóng thần, từ người bán vải ở Chợ Lớn cho tới người bán rau ở Bình Thạnh, nhà nhà người người quyên góp ủng hộ gởi qua cứu nạn, hay lũ lụt ở miền Tây, miền Trung cũng vậy mà dân mình có phải giàu có chi đâu. Cái đạo làm người, sự nhân hậu, hiếu từ của người Việt mình lớn lắm!".

Trời đã ngả chiều, cuộc chuyện trò chẳng biết từ lúc nào đã ngoặt sang hướng khác. Ông già Nam Bộ không giấu được những trở trăn, lo lắng của mình với bao nhiêu khúc mắc chuyện đời - chuyện thời nay. Đột nhiên, ông hỏi tôi: "Cậu bao nhiêu tuổi? Vợ con gì chưa?", và chẳng kịp nghe câu trả lời, ông tiếp luôn: "Đám cưới thời buổi này đã mất dần tính trang nghiêm, nhạc nhiếc xập xình, tây tàu lẫn lộn, ăn uống bừa hừa. Dư những công đoạn cầu kỳ, tốn tiền, pha tạp, nhưng lại thiếu những nghi thức cần thiết theo đúng lễ giáo, phong tục cổ truyền. Ít nhứt một cái đám cưới phải có mâm trầu cau, cặp rượu, đôi đèn cầy để làm lễ ra mắt tổ tiên. Gần đây, người ta có tổ chức đám cưới tập thể, sáng kiến đó rất hay, nhưng vẫn phải có người lớn chứng giám mới thành thân được. Mình là người Á Đông, cây có cội, nước có nguồn".

Trời đất, ông già! Bạc cả mái đầu rồi mà xem ra ông vẫn còn nặng lòng với văn hóa truyền thống, với cội nguồn dân tộc lắm

Bùi Mới
.
.