Lặng lẽ với những người mẫu

Thứ Bảy, 02/06/2007, 11:00
Vốn là người sống cô độc, sự lặng lẽ đã ngăn cách ông với cuộc sống nên dễ bị xáo động mạnh khi gặp phải cơn gió tươi mới của cuộc sống ùa vào. Lúc này Dương Bích Liên đang xúc động trước vẻ đẹp huyền diệu của cô gái và lửa. Sau hai tiếng đồng hồ, tác phẩm gần như đã hoàn thành...

Trong những buổi sáng trưa trắng bạc một màn sương khói, tại biệt thự số 4 Hạ Hồi, tôi như người ngược trở về những tháng năm xa vắng để nhẩn nha cùng người bạn vong niên của Dương Bích Liên lần tìm những ký ức sót lại của người "họa sỹ lặng lẽ".

Trong những kỷ vật xưa, những bức tranh còn sót lại và trong những câu chuyện rưng rưng kỷ niệm, dường như Dương Bích Liên đã trở về và ngồi xuống bên chúng tôi. Người họa sỹ với nét mặt đăm chiêu khắc khổ, trên tay cầm ly rượu trong vắt, ông như đang uống đến cạn đáy những giọt buồn cuộc đời.

Chạy trốn

Hồi đó, khoảng những năm 1980, Dương Bích Liên quyết định làm một tác phẩm lớn bằng chất liệu sơn dầu "Mùa xuân và thiếu nữ" (khổ 130cmx180cm). Vẽ được một thời gian ngắn, họa sỹ bảo với Nguyễn Hào Hải: "Hải này, vẽ suông chán lắm. Mình đi tìm mẫu đi". Thế là hai ông lang thang đi tìm mẫu.

Thời đó, tìm được người để làm mẫu vẽ đâu phải chuyện đơn giản. Hai người cứ thẩn tha phố này qua phố nọ nhưng không tìm ra đâu một gương mặt hớp hồn. Kết thúc những cuộc lang thang là hai người lại rủ nhau đi ra quán bia lậu ở vỉa hè Bà Triệu - Trần Nhân Tông.

Trong men say la đà, hai ông phát hiện ra cô hàng đậu phụ mắm tôm có một ngoại hình rất đẹp, gương mặt lai tây, nước da trắng hồng, cổ cao thanh tú và thân hình rất gợi cảm. Hai ông ngồi lỳ tại quán bia bên cạnh gánh đậu phụ của cô hàng xinh đẹp uống mãi, gọi đậu mãi, cốt níu chân cô.

Cho đến khi trời sâm sẩm tối, khách uống bia đã về hết, hai ông mới khẽ khàng đặt vấn đề cô hàng đậu về làm mẫu vẽ với thu nhập cao hơn đi bán đậu. Cô hàng đậu phụ vốn là người lao động, thật thà chất phác đồng ý ngay với điều kiện phải về nhà cùng cô để xin phép bố mẹ chồng và chồng.

Thế là trong buổi chiều tối nhập nhoạng, họa sỹ cùng Nguyễn Hào Hải lẽo đẽo sau quang gánh cô hàng đậu đi về một hẻm nhỏ tối tăm và chật chội ở phố Bà Triệu, nơi xóm nghèo lao động tá túc.

Tại đây hai ông ngỏ lời xin phép bố mẹ chồng và chồng cô hàng đậu. Cả gia đình rất tốt bụng, thật thà, nghe họa sỹ nói cần mẫu mặc áo dài cho bức tranh lớn ông đang sáng tác, liền đồng ý ngay.

Ông bố còn rối rít cảm ơn: "Nếu con dâu tôi giúp được gì cho các anh, cho Đảng và Nhà nước là gia đình tôi vinh dự lắm". Họa sỹ mừng rỡ ra về sau khi đã hẹn cô hàng đậu đúng 9h sáng hôm sau đến làm mẫu tại nhà họa sỹ ở 55 Bà Triệu.

Sáng hôm sau, vào lúc 9h30’, Nguyễn Hào Hải nghe tiếng gõ cửa ầm ầm phía dưới nhà. Vừa ló mặt qua cửa sổ, đã nghe tiếng quát to của cô hàng đậu hôm qua: "Các anh đúng là như trẻ con không bằng. Nể các anh, em bỏ cả gánh đậu đến đúng giờ như đã hẹn, thế mà ông họa sỹ ông ấy không có nhà, cửa khóa chặt đi đâu từ sớm".

Không thể tin được một người rất cẩn trọng, nghiêm túc, và đặc biệt lịch lãm với phụ nữ như Dương Bích Liên lại sai hẹn, Nguyễn Hào Hải chạy sang 55 Bà Triệu thì quả thật cửa khóa im ỉm, hàng xóm cho biết từ mờ sáng đã thấy ông vội vã ra khỏi nhà.

Vô cùng hồ nghi nhưng Nguyễn Hào Hải đành bịa ra lý do chắc họa sỹ có cuộc họp gấp ở cơ quan nên ông phải đi sớm, mong cô mẫu thông cảm.

Đến 11h trưa, Dương Bích Liên sùm sụp một chiếc mũ cối hớt ha hớt hải đi vào số 4 Hạ Hồi tìm Nguyễn Hào Hải. Vào nhà rồi, mắt vẫn còn lấm la lấm lét chừng sợ hãi, ông thì thào: "Tớ đi trốn mẫu đấy. Đêm qua, tớ nằm mãi không ngủ được, càng hình dung lại cô hàng đậu càng thấy đếch vẽ nổi Hải ạ. Hình thể và gương mặt cô ta đẹp thật nhưng trông lam lũ và hiện thực quá. Tớ càng nghĩ càng lo sốt vó, cả đêm không chợp mắt nổi, trời tảng sáng là tớ khóa cửa lên tít tận Hồ Tây uống rượu một mình. Thôi, Hải giúp mình lo vụ này đi".

Nguyễn Hào Hải biết Dương Bích Liên rất ít khi trở chứng, nếu ông đã không vẽ được thì sẽ không bao giờ có chuyện nghĩ lại. Hôm sau, chính Nguyễn Hào Hải mang tiền công trong mấy ngày đến gửi cô hàng đậu và mong gia đình cô ấy thông cảm. Cả nhà rất thật thà dặn đi dặn lại: "Khi nào họa sỹ hết bận, cần đến con dâu tôi thì cứ gọi nhé".

Nguyễn Hào Hải về kể lại cho Dương Bích Liên, họa sỹ ngồi so vai, co rúm người lại dáng điệu rất khổ sở và e ngại. Từ đó trở đi, mặc dù rất thích uống bia nhưng không bao giờ Dương Bích Liên dám mon men đến quán bia lậu quen thuộc ở Bà Triệu - Trần Nhân Tông nữa. Có việc gì cần phải đi qua đoạn đường này, ông đều tìm cách đi vòng thật xa để tránh quán bia.

Sau này hiệu kem bốn mùa ở Bờ Hồ cải tạo thêm một quầy bia, lúc đó Dương Bích Liên mới lọ mọ đi lên đó để uống cho đỡ nhớ bia. Khi Dương Bích Liên mất, nhớ bạn, Nguyễn Hào Hải lẩn thẩn đi đến những chỗ ông và họa sỹ hay ngồi. Ghé thăm quán bia vỉa hè cũ, gặp lại cô hàng đậu phụ rán, cô níu tay Nguyễn Hào Hải hỏi thăm rối rít: "Lạ quá, từ ngày hai bác nhờ em làm mẫu vẽ đến nay, em chẳng bao giờ thấy họa sỹ trở lại uống bia nữa. Thế bây giờ họa sỹ ở đâu hả bác?". Nguyễn Hào Hải ngậm ngùi. 

Đốt salon, sưởi người mẫu

Trong một lần cùng Nguyễn Hào Hải đi bộ lang thang trên đường Bà Triệu trong thời tiết đông hàn lạnh giá, họ gặp người bạn gái của Nguyễn Hào Hải đang vừa đi vừa khóc. Hỏi ra mới biết, cô mải đi chơi không thổi cơm, bị bà cô giận đuổi ra khỏi nhà (cô gái này mồ côi sống cùng bà cô).

Ba người kéo nhau về nhà Dương Bích Liên. Nhà họa sỹ có độc bộ bàn ghế gỗ hàng hiệu Méno khá nổi tiếng ở Hà Nội trước ngày giải phóng. Loại bộ một bàn và bốn ghế. Trong lúc họa sỹ loay hoay tìm món gì thết đãi cô gái nhỏ nhưng không có, ông nảy ra sáng kiến pha một cốc chè đường nóng cho cô gái đỡ lạnh.

Sau khi nhấp vài ngụm chè nóng, má cô gái đã ửng hồng trở lại, không khí trong nhà trở nên vui vẻ ấm cúng. Họa sỹ lặng lẽ ngắm nhìn cô gái khá lâu với vẻ đầy xúc động, sau đó ông đứng dậy và đề nghị được vẽ chân dung cô gái để tặng cho cô. --PageBreak--

Cô gái lần đầu tiên được vẽ nên gật đầu và hứa chỉ sau 2 tiếng cô phải về nhà. Họa sỹ rất hào hứng kê ghế sát cạnh lò sưởi cho cô gái ngồi và dựng giá vẽ. Khó có thể tả nổi những sự xúc động dồn nén, căng thẳng cảm xúc trên nét mặt họa sỹ khi vẽ.

Thời gian miên man trôi đi, độ sau 1 giờ đồng hồ, cô gái cựa quậy và nói nhỏ với Nguyễn Hào Hải rằng cô thấy hơi lạnh. Họa sỹ nghe rất thính, ông dừng vẽ luôn và đề nghị Nguyễn Hào Hải đưa cô gái đi ăn chút gì cho ấm bụng, và ông với tay xuống giá vẽ lấy chai rượu và bảo: "Với mình chỉ có rượu là thích hợp nhất lúc này".

Khi Nguyễn Hào Hải cùng cô gái trở về thì vô cùng sửng sốt vì thấy lửa trong lò sưởi đang cháy ngùn ngụt. Hơi ấm tỏa ra khắp căn phòng, cảnh tượng thật cổ kính và huyền diệu. Cô gái reo lên thích thú, còn Nguyễn Hào Hải thì không hiểu họa sỹ kiếm đâu ra củi để đốt lò trong căn nhà trống trơn của ông.

Cuối cùng Nguyễn Hào Hải phát hiện ra thiếu mất một chiếc ghế, nhìn vào lò sưởi thì đúng là chiếc ghế hiệu Méno đang cháy dở. Dương Bích Liên xoa tay cười: "Chiếc ghế này long hết mộng rồi, lung lay như răng bà lão, ngồi không cẩn thận sẽ bị ngã". Nói xong ông tiếp tục bước lại giá vẽ và tập trung cao độ cho công việc.

Cô gái lại ngồi bên lò sưởi bên cạnh những ngọn lửa bùng cháy với bao sắc màu hồng, xanh đỏ vàng hòa quện trong làn khói nhẹ xanh tím. Chân dung thiếu nữ với tất cả mọi vẻ đẹp tươi ấm bên lò sưởi. Cảnh tượng thật thiêng liêng và xúc động. Họa sỹ vẫn miệt mài bên giá vẽ.

Khi ngọn lửa nhỏ xuống sắp tàn, Dương Bích Liên bảo khẽ Nguyễn Hào Hải: “Hải tháo nốt chiếc ghế thứ 2 cho luôn vào lò không lửa tắt mất". Lửa lại cháy bùng lên, cô gái hốt hoảng can ngăn, họa sỹ xua tay: "Bộ bàn ghế này quá cũ rồi, sẽ phải thay bộ mới".

Trời lạnh nhưng gương mặt họa sỹ lấm tấm mồ hôi. Vốn là người sống cô độc, sự lặng lẽ đã ngăn cách ông với cuộc sống nên dễ bị xáo động mạnh khi gặp phải cơn gió tươi mới của cuộc sống ùa vào. Lúc này Dương Bích Liên đang xúc động trước vẻ đẹp huyền diệu của cô gái và lửa. Bức tranh tiếp tục hoàn tất, họa sỹ lấm tấm mồ hôi do sự dồn sức, dồn trí tuệ, cảm xúc cho những phút cuối cùng. Chiếc ghế thứ ba tiếp tục được tháo ra cho vào lò sưởi.

Sau hai tiếng đồng hồ, tác phẩm gần như đã hoàn thành. Đây là một tác phẩm chân dung độc đáo của ông, thay vì phong cách hiện thực khi vẽ chân dung, toàn bộ phần phông Dương Bích Liên vẽ theo phong cách trừu tượng với những mảng màu hình khối đan xen kỳ quái.

Sau này Dương Bích Liên tiết lộ, bức tranh này đã vẽ hai chân dung, một là thiếu nữ và một của chính tác giả. Một chân dung tự họa vô hình. Họa sỹ đã nói rất nhiều những nỗi niềm suy tư, tâm sự ở mảng phông trừu tượng mông lung này nhưng ít ai có thể đọc được những thông điệp một cách chính xác vì chìa khoá của bản mã số bằng màu sắc, tác giả đã giấu nó vĩnh viễn.

Vào động ma túy để vẽ thiếu nữ

Năm 1976, Dương Bích Liên vào chơi Sài Gòn. Ông lang thang hầu khắp các phố Sài Gòn cũ. Đi đến đâu người Sài Gòn cũng phát hiện ra ông là "dân Bắc Kỳ mới vô" hay "Việt Cộng mới ở R về" vì bộ quần áo sờn cũ rộng thùng thình, chiếc mũ cối và đôi dép cao su của ông. Thế rồi bất ngờ ông lọt vào một truy ô của những người nghiện ma túy.

Đặc biệt động này đa phần các thiếu nữ còn rất trẻ (có lẽ quán dành riêng cho phụ nữ). Nhiều gương mặt đẹp đầy cá tính đã hút hồn họa sỹ. Ông tìm cách tiếp cận và làm quen. Lúc đầu các thiếu nữ chạy trốn nhưng sau đó thấy ông hỏi mua thuốc lá tẩm ma tuý hút, một cô gái đã đưa cho ông. Họa sỹ đánh liều hút thuốc và ngồi ngắm các cô gái rất lâu.

Mãi sau ông giở giấy bút, cọ vẽ mang theo bên người và bắt đầu vẽ. Các cô gái lúc này mới ùa lại ai cũng xin họa sỹ vẽ cho mình một bức chân dung. Họa sỹ đã nhìn ngắm họ với con mắt thánh thiện nhất, chia sẻ và thương cảm nhất. Ông đã tìm trong đó những nét đẹp trong trẻo, thơ ngây lấp lánh ánh sáng trên từng gương mặt bị nhuốm bụi trần ấy để vẽ. Ông dồn bao nhiêu tiền để đi mua giấy vẽ và màu rồi ngồi lỳ suốt mấy ngày liền ở tiệm ma tuý để vẽ chân dung những số phận con người. Các cô đã tâm sự cho ông nghe nhiều câu chuyện đời buồn, và khi nhận những bức tranh của ông, các cô gái đã khóc...

Cuộc đời của Dương Bích Liên có những trắc trở, bất hạnh và buồn bã. Những nỗi bất hạnh, đau khổ, buồn phiền ấy như những cái gai đặt dưới bàn chân ông, làm ông đi trên đường đời bị dằn vặt đau đớn. Nhưng cũng chính vì thế mà giúp ông siêu thoát hơn bất cứ ai không bị bất hạnh và đau khổ.

Tranh của ông chứa đựng nhiều tâm sự và nỗi suy tư. Dương Bích Liên luôn muốn tranh của ông vẽ trở thành những món quà tặng, những món tiệc của con mắt. Xem tranh của ông, người ta như thấy được nghỉ ngơi, được yên ả, như thấy thương yêu, đôi khi thấy một chút buồn. Và những tình cảm trong sáng lành mạnh chứa chan tình người trong tranh của ông làm chúng ta muốn xa lánh trút bỏ những điều ÁC để hướng về cái THIỆN.

(Bài viết dựa trên tư liệu của nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải - Salon des Beaux- Arts, số 4 Hạ Hồi)

Như Bình
.
.