Lặn lội cùng nhan sắc

Thứ Hai, 15/09/2008, 18:00
Ông là một nhà thơ, nhưng đồng thời cũng là một nhà báo và là một người quản lý. Gộp "3 nhà" ấy vào một con người, tất nhiên sẽ có những mâu thuẫn nội tại. Và cũng không có gì là lạ, khi ông nói rằng cả cuộc đời ông chỉ đi tìm cách để nói ra sự thật. Bởi theo ông, sự thật chỉ có một, nhưng mỗi người nói một cách và mỗi lúc nói bằng một giọng khác nhau.

Có lẽ vì thế mà khi báo chí không nói được, ông đã trốn nhiều vào tiểu thuyết. Và giờ thấy Dương Kỳ Anh không làm thơ nhiều như trước. Một cuộc đời lắm bể dâu, ngổn ngang thế sự, ông đang nhả dần với những trang tiểu thuyết.

1. Dương Kỳ Anh là một người vất vả. Nhìn cái dáng ông đi, cái cách ông ăn là thấy. Có những năm tháng tuổi thơ ông thường giấu kín. Chỉ khi cuốn tiểu thuyết "Xuyên Cẩm" đến với bạn đọc, những năm tháng ấy, dẫu không cố tình, nhưng vẫn hiện diện trên những trang viết.

Đó là tuổi lên sáu, ông nội và bố của cậu bé Nam bị đưa đi cải tạo. Còn mẹ và hai người em mới sinh được mấy ngày chết đói. Chính cậu bé Dương Xuân Nam ở tuổi lên 6 đã phải vác cuốc đào huyệt cho mẹ mình. Và bắt đầu từ đó, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác. Đi xin ăn, đi ở đợ, làm tất cả mọi việc để mưu sinh qua ngày...

Những năm tháng đầy sẹo ấy đã in lại trong những trang sách sau này. Trong hai cuốn tiểu thuyết "Thổ địa" và "Xuyên Cẩm", ông đều dành nhiều tình cảm cho nhân vật nhà báo. Trong nhân vật ấy có bóng dáng của chính ông. Có nhiều khi, mọi thứ đã không cố tình nhưng như thể tự trào ra trang viết.

Nó như những bộc bạch tự sự, nó mang nỗi buồn bàng bạc, mà tôi nhớ ông đã nói ở đâu đó rằng, nỗi buồn khổ như một thứ tài sản. Câu nói ấy không phải là cách làm đẹp ngôn từ mà đó là sự thật. Thứ tài sản bằng máu và nước mắt ấy giúp những trang viết của ông nhiều hồn vía hơn, người đọc thấm thía nhiều hơn.

2. Tôi hẹn ông phỏng vấn nhân chuẩn bị cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2008 vào sát ngày ông đi Hội An. Đây là cuộc thi thứ 10, nghĩa là tròn 20 năm Hoa hậu Việt Nam ra đời, kể từ năm 1988 tôn vinh cô hoa hậu giỏi giang nhưng chỉ cao 1,59m tên Bùi Bích Phương. Và đây cũng là năm thứ 21 ông đứng trên vị trí Tổng biên tập Báo Tiền phong.

Đời một thi nhân đã nhiều dâu bể. Đời một nhà báo, nếu có nghĩa khí, dâu bể trước áp lực của cái ác, cái xấu còn nhiều hơn. Và khi nhà báo ấy đứng trên mũi thuyền lèo lái một con thuyền là cả một toà soạn rộng lớn là công việc không thể đùa. Có biết bao nhiêu sóng gió đã đến. Vậy mà Dương Kỳ Anh vẫn say sưa nói về các hoa hậu.

Dường như đó mới chính là sự hy sinh lớn lao nhất của ông. Ông khoe, hoa hậu Việt Nam 2008 nhiều cô rất đẹp, cao lắm, xinh lắm, và có trình độ đại học. Ông đã nhìn ra hoa hậu rồi. Tất nhiên, chẳng dại gì ông nói trước về cô gái đó. Hai chục năm trước, khi ông khởi xướng cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong, người ta không hình dung được con gái mình sẽ mặc áo tắm đi lại trước hàng ngàn cặp mắt thiên hạ như thế nào.

Vậy mà ông, khi  ấy vẫn quyết tâm thực hiện hoạt động này. Tôi hỏi ông rằng, khi ông quyết định tổ chức cuộc thi hoa hậu, ông có nghĩ tới việc sẽ bị ảnh hưởng tới thân phận chính trị của mình?

 Dương Kỳ Anh thẳng thắn: "Lúc ấy nói thật, tuổi trẻ rất hăng, kể cả mất chức cũng không sao, thấy gì hay, đẹp thì làm thôi, làm Tổng biên tập một ngày cũng không sao. Nếu lúc đó mà sợ thì chả làm được gì. Tuổi trẻ thì phải dám làm, lúc đó tôi nghĩ thế thôi".

Và sự kiện đó thực sự gây chấn động. Tất nhiên, tầm vóc của cuộc thi lúc ấy khá khiêm tốn. Nhiều người nhớ lại rằng, nó giống một buổi... sinh hoạt văn nghệ, các thí sinh lúng túng đi lại, Ban tổ chức phải cử người động viên, thậm chí đẩy ra sân khấu trong màn áo tắm. Nhưng sau đó thì rất nhiều người đã tìm cách để nhìn được mặt hoa hậu.

Và năm 1989 thì các cuộc thi hoa hậu tràn ngập trong Nam, ngoài Bắc, đến mức người ta gọi là dịch hoa hậu. Và cái nhìn về cuộc thi hoa hậu đầy ác cảm. Một cuộc họp của 8 bộ, ngành được tổ chức để... cách chức ông vì "tuyên truyền lối sống tư bản".

Cuối cùng là cấm thi hoa hậu. Nhưng ông đã tìm cách... tự cứu mình. Ông tìm được những tài liệu nói về cuộc thi hoa hậu đền Hùng có từ 2000 năm trước. Rồi thậm chí trong một cuộc họp của Ban Bí thư TW Đảng bàn về văn hóa, ông và Bí thư thứ nhất TW Đoàn khi ấy là đồng chí Hồ Đức Việt phải trình bày 15 phút về cuộc thi hoa hậu để các đồng chí trong Ban Bí thư hiểu.

Sau đó, đồng chí Đào Duy Tùng, khi ấy là Thường trực Ban Bí thư TW Đảng đã kết luận, tổ chức thi hoa hậu như Báo Tiền phong làm là được. Cuộc thi được tiếp tục tổ chức, nhưng xin địa điểm tổ chức ở đâu cũng là việc  vô cùng khó khăn.

Những cái khó ấy đã tập cho ông một thói quen, cần phải biết làm một "thuyết khách" và phải "tiền trạm" trước về mặt thông tin cho dư luận, nhằm giúp cho quần chúng hiểu rõ hơn về cuộc thi. Trước khi đến gặp ông, tôi đã đọc hết cuốn sách ông viết về Hoa hậu. --PageBreak--

Tôi thực sự không thích cuốn sách đó lắm, dù nó mang đến cho tôi nhiều thông tin hấp dẫn về các hoa hậu. Đơn giản vì tôi không thích hình ảnh nhà thơ Dương Kỳ Anh trong những chuyện đôi khi hơi... bếp núc như vậy… Chuyện về Á hậu Trịnh Chân Trân có tin đồn bằng thạc sỹ giả. Chuyện hoa hậu Mai Phương mất tích...

Không biết có phải thói quen của một người cầu toàn, hay ông nhìn về cuộc thi hoa hậu dưới con mắt của một người "tổng chỉ huy" nên những trang viết về các hoa hậu và chuyện hậu trường mang đầy tính "định hướng". Và cũng chính vì thế, tôi vẫn còn mong muốn, nếu viết về hậu trường, viết về số phận các hoa hậu, ông phải "hết mình" hơn.

Hoặc nếu ông không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của các hoa hậu, ông có thể biến hoá nó vào những trang tiểu thuyết. Ông nói, ông sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về các hoa hậu. Thực chất các cuốn sách của ông đều thể hiện rất rõ quan niệm về nhan sắc, về cái đẹp. Nhưng cuốn tiểu thuyết mà ông sắp viết sẽ chỉ để nói về cuộc đời các nhan sắc mà thôi...

3. Dương Kỳ Anh kể rằng, những đêm trước đêm chung kết hoa hậu, ông thường thức trắng. Vì áp lực quá nhiều. Vì lo lắng. Những khi ấy tin đồn, thư nặc danh tố cáo các hoa hậu rất nhiều. Và ông phải làm việc hết công suất. Cử nhân viên đi xác minh. Tìm những mối quan hệ thân thiết để hỏi thêm chi tiết.

Và nỗi lo lắng ấy còn kéo dài đến lúc hoa hậu đội vương miện. Tôi hỏi ông rằng, những áp lực ấy có phải là áp lực lớn nhất khi ông làm Tổng biên tập hay không? Ông nói, những cái đó là rất nhỏ so với những áp lực thực sự của nghề báo.

Ông làm Tổng biên tập 21 năm, biết bao nhiêu sóng gió, để đến mức ông tự nhận mình là người suốt đời chỉ tìm cách để nói ra sự thật. Quả là nói ra sự thật không dễ dàng. Nói ra sự thật về cái xấu, cái ác cũng cần phải chọn cách, chọn lúc thích hợp để nói.

Nhưng người làm báo thì không thể không nói ra sự thật. "Có những thử thách cực kỳ khắc nghiệt. Chẳng hạn như khi bước vào thời kỳ đổi mới (sau năm 1986) lúc đó có nhiều thông tin khác nhau, làm thế nào để tờ báo đứng vững được, là một điều cực kỳ gian khó. Và cả việc chống tham nhũng, chống tiêu cực… phải đối mặt với rất nhiều thế lực, cảm thấy thực sự căng thẳng.

Ví dụ như năm 1998, khi phóng viên Xuân Ba phanh phui những tiêu cực trong ngành dầu khí và bị khởi tố. Vừa rồi thì sự việc mới được nói nhiều. Nhưng thời điểm đó, khi Xuân Ba đưa lên báo thì bị khởi tố vì "để lộ bí mật quốc gia". Tôi và các đồng chí lãnh đạo TW Đoàn phải làm việc rất vất vả để "cứu" Xuân Ba khỏi sự việc này. Bảo vệ phóng viên cũng là một việc không đơn giản" - ông nhớ lại.

Còn một vụ việc khác mà ông không kể, đó là việc ông quyết định đưa bài về vụ "nhà công - nhà ông" nói về ngôi nhà công biến thành nhà tư của một cựu quan chức Ngân hàng. Hơn thế, cựu quan chức ấy lại là bạn ông.

Có lẽ trong những giây phút ấy, cuộc đấu tranh "cân não" giữa bạn bè và công việc rất quyết liệt. Nhưng cuối cùng việc chung đã thắng. Ông đã quyết định đưa sự việc lên báo. Bởi nếu không, ông sẽ là người có tội với bạn đọc của mình...

4. Trước khi đến gặp ông, nhiều người nói với tôi rằng, đây có thể coi như kỳ Hoa hậu Việt Nam cuối cùng mà Tổng biên tập Báo Tiền phong Dương Xuân Nam làm Trưởng ban tổ chức. Vì ông sắp tạm biệt cao ốc lộng lẫy, tạm biệt mọi chức vụ, tạm biệt cả thói quen đến công sở, làm lãnh đạo để trở về với công việc thuần tuý của một nhà văn. Hẳn đây sẽ là những khi ông mang nhiều nỗi niềm thế sự. Tôi mạo muội hỏi ông điều ấy.

Nhưng trái lại, quả là thi nhân không có tuổi, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết để nói về những dự định của mình cho cuộc thi hoa hậu Việt Nam, cuộc thi mà ông có công "thai nghén" và gây dựng. Ông nói, ông chưa hề nhận được quyết định gì và không nên nói tới những điều ấy vào lúc này.

Kể cả về sau, khi không làm Trưởng ban tổ chức thì ông vẫn có thể làm Trưởng ban giám khảo. Ông hoàn toàn không có gì băn khoăn. Ông chưa bao giờ ngừng viết và ở bất cứ đâu ông cũng sẽ viết. Đó là cái nghiệp mà ông trót đeo mang... Tôi nhớ cách đây chưa lâu, ông và cô con gái, nhà thơ trẻ Dương Anh Xuân, cùng xuất hiện trong bộ phim tài  liệu  "Những công dân @".

Trên bộ phim ấy, cha con ông đã chia sẻ được nhiều điều. Và những ngày này, con gái ông đang du học tại Anh quốc để lấy bằng thạc sỹ báo chí. Ông nói, ông mong con gái sẽ theo được nghiệp cha và thành đạt. Nói đến con gái, trong mắt ông có những tia ấm áp. Như thể đó chính là cái "hậu kiết" của cuộc đời ông sau buổi "tiền hung"...

Thiên Di
.
.