Những người cộng sản Nga kỷ niệm 61 năm ngày mất của Lãnh tụ Xô Viết Iosif Stalin:

Ký ức anh minh

Thứ Ba, 18/03/2014, 13:40

Ngày 5/3 vừa qua, nhân Ngày Tưởng nhớ lãnh tụ Xôviết Iosif Stalin, người qua đời cách đây 61 năm (ngày 5/3/1953), theo sáng kiến của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng Cộng sản Nga và Thành ủy Cộng sản Moskva đã diễn ra lễ dâng hoa lên mộ Stalin ở cạnh tường Điện Kremli với sự tham gia của Chủ tịch Đảng Guennadi Zyuganov. Tiếp xúc với các nhà báo, ông Zyuganov đã nhấn mạnh: “Tôi mong muốn ký ức về Stalin không chỉ tươi sáng mãi mãi mà còn rất anh minh và đầy trách nhiệm...”.

Có lẽ hơn bao giờ hết hôm nay nước Nga lại càng cần tới nguồn động viên đích thực từ quá khứ Xôviết hào hùng và vinh quang. Theo lời ông Zyuganov, hiện nay trên thế giới đang có những thế lực muốn triển khai sát sạt vòng vây đối với Moskva, đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dân tộc Nga chỉ vì họ đã không chịu bó tay thúc thủ trước sự hoành hành đột biến của những lực lượng phát xít, cực đoan mới. Và hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, hình ảnh Stalin lại có thể giúp cho người Nga lấy lại nguồn cảm hứng sáng tạo lớn lao của mình: “Stalin đã cùng Lênin xây dựng nền móng công nghiệp hóa của Liên bang Xôviết. Tháng 2/1931, tại hội nghị những người lao động tiên tiến, Stalin đã tuyên bố rằng, đất nước cần phải trong mười năm vượt qua con đường mà châu Âu đã mất tới 50-100 năm mới qua nổi, khác đi thì sẽ bị đè bẹp. Và trong 10 năm sau đó ở Liên Xô đã xây dựng được sáu nghìn nhà máy hiện đại nhất. Tất cả những kẻ khốn nạn cho tới nay vẫn không nguôi thù hận Stalin vì ông đã trong 19 năm biến một đế chế bên bờ vực tan rã thành một cường quốc hàng đầu thế giới với một nền công nghiệp tuyệt vời, một Hồng quân thượng hạng cùng những người lính dũng cảm, một nhân dân đầy tinh thần yêu nước. Đấy chính là tấm gương để cho những nhà lãnh đạo đất nước hôm nay soi vào mà thấy cần phải làm gì để quốc gia và dân tộc phồn thịnh...”.

Các cuộc điều tra xã hội tiến hành trong những năm gần đây đều cho thấy, bất chấp những cố gắng của giới truyền thông hữu khuynh muốn tô lem quá khứ, tỉ lệ những người dân Nga đánh giá cao lãnh tụ Xôviết Stalin vẫn luôn ở mức cao. Trong cái nhìn của một bộ phận không nhỏ người Nga, Stalin đã có  vai trò rất quan trọng hoặc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Liên bang Xôviết. Nhiều người  Nga thậm chí còn tuyên bố, họ ủng hộ hoặc không có gì chống lại việc trên chính trường nước Nga hôm nay lại xuất hiện một nhà lãnh đạo tối cao như Stalin...

Cần phải thấy rằng, cho tới hôm nay, những đánh giá tích cực về Stalin từ quá khứ vẫn không hề bị lỗi thời. Cố Tổng thống Pháp, tướng Charles De Gaull, một trong những “người hùng” của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đánh giá cao những phẩm chất cá nhân của  I. Stalin. Trong cuốn Hồi ký chiến tranh của mình, tướng De Gaull viết: “Stalin có một uy tín to lớn, và không chỉ riêng ở nước Nga. ông biết “thuần hóa” kẻ thù, không hoảng hốt khi núng thế và không say sưa thắng lợi. Mà ông lại là người có nhiều chiến thắng hơn thất bại...”.

Tướng De Gaull đặc biệt ấn tượng về cách hành xử của Stalin trong thời gian tiến hành hội nghị ở Tehran năm 1943, khi lãnh đạo ba quốc gia Đồng minh lớn nhất là Liên Xô, Mỹ và Anh ngồi lại cùng nhau thống nhất kế hoạch kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2: “Stalin trò chuyện ở Tehran như một người có quyền đòi hỏi người ta phải báo cáo mình.  Không bộc lộ kế hoạch của mình cho hai thành viên khác tham gia cuộc họp là Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill, ông lại đạt được việc buộc họ phải trình bày với ông kế hoạch của họ để ông bổ sung những điều chỉnh. Roosevelt đã nghiêng về phía ông để bác bỏ ý tưởng của Churchill về việc các lực lượng vũ trang phương Tây tấn công rộng rãi qua Italia, Nam Tư và Hy Lạp tới Vienne, Praha và Budapest. Mặt khác, người Mỹ cũng đồng tình với người Xôviết, bác bỏ, bất chấp những yêu cầu của người Anh, việc xem xét trong cuộc họp những vấn đề chính trị liên quan tới Trung Âu, và đặc biệt là vấn đề về Ba Lan, nơi mà Hồng quân chuẩn bị tấn công...”.

Kết quả đạt được tại Tehran năm 1943 với cách hành xử khôn khéo của Stalin đã tạo cho Liên Xô có được những yếu tố thuận lợi hơn trong cuộc hành binh chống lại chủ nghĩa phát xít và xây dựng mô hình mới cho châu Âu sau này. Còn bá tước xứ Avon, Anthony Eden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh trong thời gian chiến tranh đã nhận xét như sau về lãnh tụ Xôviết: “Stalin ngay từ đầu đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với tôi bởi tài năng của ông, và ấn tượng này trong tôi tới nay vẫn không thay đổi. Tầm cỡ của ông tự nói được về mình và ở đây không cần một sự phóng đại nào cả. Ông có những cử chỉ hay rất tự nhiên, có lẽ xuất xứ từ Gruzia. Tôi biết ông rất cứng rắn nhưng tôi kính trọng trí tuệ của ông và có cảm tình với ông, thậm chí cũng không thể giải thích rõ tới tận cùng là vì sao... Tôi luôn luôn tìm thấy trong ông một người đối thoại thú vị, hơi u ám và nghiêm khắc... Tôi chưa từng thấy ai có thể tự chủ được như thế trong các cuộc họp. Stalin được thông tin đầy đủ về mọi vấn đề có liên quan tới ông nên ông luôn cẩn trọng và nhạy bén... Đằng sau tất cả những cái đó chắc chắn là một sức mạnh”.

Lãnh tụ Xôviết I. Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Tehran, tháng 11/1943.

Sau này, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Henry Kissinger, một trong những “nhà thiết kế” Chiến tranh lạnh cũng buộc phải công nhận những phẩm chất chính trị gai góc nổi trội của lãnh tụ Xôviết: “Hơn bất cứ một thủ lĩnh nào của thế giới dân chủ, Stalin  sẵn sàng trong bất cứ lúc nào bắt tay vào tìm hiểu cán cân lực lượng. Chính vì luôn tin tưởng rằng ông là người mang trong mình sự thật lịch sử mà hệ tư tưởng của ông phục vụ nên ông cứng cỏi và kiên quyết bảo vệ quyền lợi dân tộc Xôviết, không chịu tuân theo những thói đạo đức mà ông cho là giả hay những quan hệ cá nhân”.

Tất cả những ai có cách nhìn nhận nghiêm túc về Stalin đều phải công nhận rằng, thế giới đã “gặp may” khi đã có ông làm lãnh tụ của Liên Xô vào đúng cơn thử thách sinh tử của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, vì xét trên mọi phương diện, ông đã là người cầm quân thích hợp để đưa Hồng quân Liên Xô tới chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Piter Ustinov, một chuyên gia lịch sử, đã nhận xét: “Có lẽ không thể có một ai khác ngoài Stalin có thể làm được những việc như thế trong chiến tranh: quyết liệt, mềm dẻo, nhất quán, như yêu cầu đánh thắng trong những kích cỡ phi thường như thế...”.

Còn Nguyên soái Xôviết Georgi Zhukov, vị tướng quân lừng danh bậc nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thì hồi tưởng: “Tôi được  gần gụi Stalin sau năm 1940, khi tôi làm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu và trong thời gian chiến tranh, khi tôi là Phó Tổng tư lệnh tối cao. Về ngoại hình của Stalin, người ta đã viết nhiều rồi. Là một người không cao lớn và có vẻ như không nổi trội, nhưng Stalin lại tạo nên được một ấn tượng mạnh mẽ. Không bao giờ tỏ vẻ này nọ, ông khiến người đối thoại phải thấy cảm tình với mình bằng sự giao tiếp giản dị. Cách trò chuyện thoải mái,  khả năng diễn đạt rõ ràng ý tưởng, trí tuệ phân tích thiên phú, sự hiểu biết bách khoa rộng rãi và trí nhớ hiếm có đã buộc ngay cả những nhân vật lớn, lịch lãm khi trò chuyện với Stalin cũng phải tập trung nội tâm và luôn sẵn sàng đối đáp. Ông biết tiếng Nga rất giỏi và thích dùng những hình ảnh văn học giàu hình tượng, đầy ẩn ý. Ông thường tự viết tay. Ông đọc rất nhiều và biết nhiều thứ  trong các lĩnh vực khác nhau. Sức làm việc đáng kinh ngạc của ông, khả năng nhanh chóng nắm bắt thông tin cho phép ông trong một ngày xem xét và thấu hiểu một khối lượng tư liệu lớn đến mức chỉ những vĩ nhân mới có thể làm được như thế. Thật khó nói nét tính cách nào là chủ đạo trong ông. Là một con người đa diện và tài năng, ông không bằng phẳng. Ông làm việc nhiều, khoảng 12-15 giờ trong một ngày. Tôi đã nghiên cứu I. Stalin như một nhà hoạt động quân sự rất kỹ càng vì tôi đã cùng ông đi suốt cuộc chiến tranh. I. Stalin nắm chắc các vấn đề tổ chức chiến dịch mặt trận và các chiến dịch phối hợp giữa các nhóm mặt trận, và ông chỉ huy các chiến dịch này rất bài bản, vì biết rõ các vấn đề chiến lược lớn. Trong chỉ đạo chiến tranh nói chung, Stalin được giúp đỡ bởi trí tuệ thiên phú của ông và một linh tính rất phong phú. Ông biết tìm ra  mắt xích chủ đạo trong tình huống chiến lược và nắm lấy nó, phản kích kẻ thù, tiến hành chiến dịch tấn công lớn này hay chiến dịch tấn công lớn khác. Không có gì hoài nghi nữa, ông là một Tổng tư lệnh tối cao xứng đáng...”.

Cố Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết A. Gromyko đã đưa ra một đúc kết ngắn gọn rằng, Stalin “là con người của tư tưởng”. Tin vào lý tưởng của mình, tin vào lẽ phải của Tổ quốc mình, ông đã làm mọi việc để tôn vinh đất nước Xôviết. Và không phải ông không nhìn thấy trước được những hiểm họa có thể xảy ra nếu đất nước mà ông góp tay gây dựng không giữ vững được định hướng đã chọn sau khi ông và thế hệ của ông ra đi. Theo hồi ức của bà Alexandra Kollontai (1872-1952), đại sứ nổi tiếng một thời, lúc còn sống, chính Stalin đã từng nói: “Nhiều công việc của Đảng ta và nhân dân ta rồi sẽ bị xuyên tạc và bôi bẩn trước tiên ở nước ngoài, và cả ở trong nước nữa.  Chủ nghĩa Sion đang hằn học muốn vươn lên thống trị thế giới sẽ trả thù chúng ta vì những thành tựu và thắng lợi của chúng ta. Nó vẫn còn coi nước Nga như một xứ man dại, một nơi cung cấp nguyên liệu. Và tên họ của tôi cũng sẽ bị vu cáo và bôi bác. Chúng sẽ gán cho tôi vô số những tội ác.

Chủ nghĩa Sion thế giới sẽ dùng mọi sức mạnh để tiêu hủy Liên bang của chúng ta, để nước Nga không bao giờ có thể gượng dậy được nữa. Sức mạnh của Liên bang Xôviết là ở trong tình hữu nghị của các dân tộc. Mũi nhọn của cuộc chiến sẽ nhằm vào việc trước hết phá vỡ tình hữu nghị đó, tách các vùng ngoại vi ra khỏi nước Nga. Tại đây, cũng phải công nhận rằng, chúng ta vẫn còn chưa làm xong tất cả mọi việc. Còn rất nhiều việc cần phải tiếp tục làm nữa. Chủ nghĩa dân tộc rồi sẽ ngóc đầu lên rất dữ dội. Nó có thể trong một thời gian nào đó át được chủ nghĩa quốc tế và tinh thần ái quốc, nhưng chỉ trong một thời gian thôi. Sẽ xuất hiện những nhóm dân tộc chủ nghĩa trong các dân tộc và các cuộc xung đột. Sẽ xuất hiện nhiều thủ lĩnh lùn, phản bội chính dân tộc mình.

Nhìn chung trong tương lai sự phát triển sẽ trở nên phức tạp hơn và theo những con đường có thể rất rồ dại, những bước ngoặt sẽ rất khốc liệt. Sự kiện sẽ xảy tới là phương Đông, nơi đây sẽ nổi nóng cực kỳ. Và sẽ đụng độ mạnh mẽ với phương Tây.

Và dù có thế nào thì sau một thời gian trôi qua, các thế hệ mai sau sẽ hướng về những chiến thắng của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Rồi những thế hệ mới sẽ tới. Họ sẽ tiếp nối giương cao ngọn cờ của cha ông và sẽ tỏ lòng kính trọng xứng đáng đối với chúng ta.

Họ sẽ xây dựng tương lai trên quá khứ của chúng ta”

Nguyễn Trung Tín
.
.