Kofi Annan - Người đưa Liên hiệp quốc đến gần người dân

Thứ Bảy, 16/09/2006, 14:00

Có lẽ ít ai biết được rằng trong cuộc đời của mình, phải đến lần thứ II ông Kofi Annan mới có được hạnh phúc trọn vẹn. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông đã tan vỡ chỉ vì Kofi Annan quá mải mê với công việc, ít dành thời gian cho gia đình.

Không chỉ nắm giữ vai trò giám sát 191 thành viên của LHQ, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan còn được coi là ngôi sao sáng trong các mối quan hệ quốc tế. “Viên kim cương” của lục địa đen đã đem đến sự hồi sinh và sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, đằng sau thành công vang dội của ông là những cay đắng, tủi hờn trong suốt quá trình phấn đấu vì tự do, hòa bình và cuộc sống ấm no cho toàn nhân loại.

Bài học đầu đời

Sinh ngày 8/4/1939 tại Kumasi (Ghana) trong một gia đình mà bố mẹ đều xuất thân từ hai bộ tộc lớn, ông và chú lại đều là những trưởng bộ lạc nên Kofi Annan từ nhỏ đã được tiếp cận những người có tiếng là ngoại giao giỏi, làm chính trị tốt. Bản thân chưa phải trải qua cuộc sống khổ cực nhưng Kofi Annan luôn có mộng ước sẽ phấn đấu để người dân quê hương ông nói riêng và nhân dân thế giới nói chung có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 1954, ông được gửi tới học tại trường chuyên Mfansipim được thành lập dưới sự bảo hộ của Anh. Ngay từ những năm tháng đầu tiên của đời sinh viên, Kofi Annan đã tổ chức một nhóm sinh viên biểu tình tuyệt thực để đòi những đồ ăn khả dĩ hơn từ căng tin nhà trường. Cuộc biểu tình thành công và đó là kinh nghiệm đấu tranh đầu tiên của ông. 20 tuổi, chàng sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Khoa học và công nghệ Kumasi đã khăn gói rời đất nước Tây Phi ngập tràn ánh nắng để tới một trong những nơi lạnh nhất ở Mỹ St Paul (Minnesota).

Vàng không sợ lửa

Năm 1961, với tấm bằng cử nhân kinh tế, ông quay trở về tìm việc tại Ghana nhưng không thành. Lúc này, nghe nói Thuỵ Sĩ là một vùng đất lý tưởng để thực hiện khát vọng tuổi trẻ, chàng trai người Châu Phi thẳng tiến tới Geneva. Bước đi táo bạo này đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp cao cả của ông.

Kofi Annan - Vị lãnh đạo gần dân.

Một năm sau đó, Kofi Annan bắt đầu làm việc cho LHQ với tư cách là nhân viên kế toán thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - một vị trí chuyên nghiệp nhưng thấp nhất trong hệ thống công chức quốc tế. Trong khoảng thời gian từ năm 1976-1990, Kofi Annan đi lại liên tục giữa New YorkGeneva.

Năm 1993, tức một năm sau khi giữ chức trợ lý Tổng thư ký LHQ, ông được Tổng thư ký LHQ lúc đó là Boutros Boutros-Ghali đề cử giữ vị trí cao nhất trong lực lượng gìn giữ hòa bình, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự đến từ 77 quốc gia có mặt trong 17 chương trình gìn giữ hòa bình trên thế giới. Tiếp đó, Kofi Annan lại được giao giữ chức Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Nam Tư cũ. Cho đến đầu năm 1996, tên Kofi Annan được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng cho chức Tổng thư ký LHQ.

Không tổ chức các chiến dịch vận động tranh cử và hờ hững trước mọi lời tán nịnh, Kofi Annan đã tự đi lên bằng chính năng lực của mình. Sau vài lần bị phản đối, cuối cùng ông đã vinh dự trở thành người da đen đầu tiên làm Tổng thư ký LHQ và cũng là người đầu tiên leo lên vị trí cao nhất từ một nhân viên cấp thấp của tổ chức này.

Bên cạnh đó, Kofi Annan còn được ghi nhận là Tổng thư ký đầu tiên được bầu bởi đội ngũ nhân viên LHQ. Nhậm chức năm 1997, ông đã phải đối mặt với nhiều thử thách khắc nghiệt bởi lúc đó LHQ đang đứng bên bờ vực phá sản và vấp phải thái độ thù nghịch của chính phủ Mỹ. Ngay trong tuần lễ đầu tiên ở cương vị Tổng thư ký LHQ, Kofi Annan đã thực hiện chuyến công du tới Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

Công cuộc cải tổ LHQ cũng được ông sắp xếp khá thành công với việc loại bỏ 1.000 trong số 6.000 vị trí trong trụ sở LHQ tại New York. Kofi Annan còn cho thực hiện hàng loạt cải cách trong công tác quản lý như lập chức vụ Phó Tổng thư ký LHQ cùng một bộ phận giám sát tài chính theo dõi việc lãng phí, tham nhũng và xây dựng phương thức điều hành hiệu quả hơn…--PageBreak--

Việc ông được tái cử nhiệm kỳ II vào tháng 1/2002 cũng là một ngoại lệ vì những người tiền nhiệm chỉ được làm một nhiệm kỳ và theo thông lệ luân phiên, mỗi châu lục chỉ giữ được 2 nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ.

“Tổng thống thế giới” của nhân dân

Khác với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, nhà lãnh đạo của tổ chức quyền lực nhất thế giới này không có chuyên cơ riêng và cũng không nhận bất kỳ một đặc quyền nào trong các chuyến công du nước ngoài. Khi đến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, thành phần đi của đoàn theo Kofi Annan chỉ có gần 20 người với hành lý khá gọn nhẹ để đảm bảo tiết kiệm hầu bao đang ngày càng hạn hẹp của LHQ.

Bước chân xuống sân bay Nội Bài - Hà Nội, ông đã gây sự ngạc nhiên lớn khi đi đôi giày bị sờn rách ở phía sau và thái độ vui vẻ, chan hòa với mọi người xung quanh. Chưa hết, Kofi Annan còn tạo nên hàng loạt sự ngỡ ngàng trước người dân Việt Nam khi đi thăm phố cổ Hà Nội và thăm Văn Miếu trong bộ áo cánh bình dị là chiếc sơ mi xanh kẻ sọc và quần kaki xám. Người ta kể rằng, chuyến công du nào của ông cũng vậy, rất ấn tượng, gần gũi và chân thành.

10 năm trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới, Kofi Annan đã được các nhà phân tích, chính trị gia đánh giá là vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử LHQ. Nhằm cải thiện đời sống người dân trên thế giới, Kofi Annan đã tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ những nước nghèo hơn, xoá nghèo và bất bình đẳng. Nhờ có ông mà tầng lớp dân nghèo được chú ý nhiều hơn và có được sự chia sẻ sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Dần dần, LHQ đã trở nên gần gũi với công chúng và gắn bó hơn với xã hội dân sự.

Chính sách kêu gọi hành động ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu của ông năm 2001 đã tạo tiền đề cho việc thành lập quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, lấy ngân sách từ các nước giàu để giúp đỡ những nước đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ. Một thành công nữa của Kofi Annan là ông đã thuyết phục nhiều nước đặc biệt là các quốc gia châu Âu công nhận mối đe dọa lớn của đại dịch HIV/AIDS. Với những cống hiến to lớn cho nhân loại, ngày 10/12/2001, Kofi Annan và LHQ đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.

Hạnh phúc muộn mằn

Có lẽ ít ai biết được rằng trong cuộc đời của mình, phải đến lần thứ II ông Kofi Annan mới có được hạnh phúc trọn vẹn. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông đã tan vỡ chỉ vì Kofi Annan quá mải mê với công việc, ít dành thời gian cho gia đình.

Câu chuyện này bắt đầu từ năm 1960 khi Kofi Annan đang du học ở Minesota. Gặp cô gái trẻ Titi Alakija (người Nigeria), xuất thân trong một gia đình khá giả, ông đã bị vẻ đẹp mặn mà của cô lôi cuốn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chung ngôn ngữ, cùng màu da, lại chung cả tập quán sinh hoạt nên họ nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Rồi tình yêu nảy nở và 5 năm sau họ quyết định đi đến kết hôn. Kofi Annan đã rất hạnh phúc khi đón cô con gái đầu lòng Ama (năm nay 35 tuổi) và cậu con trai Kojo (năm nay 31 tuổi).

Nhưng tiếc thay, những ngày tháng êm đềm hạnh phúc đã qua đi nhanh chóng khi Kofi Annan liên tục vắng nhà bởi những công việc như quản lý du lịch ở Ghana, làm việc tại Cao uỷ người tị nạn của LHQ. Cuối những năm 1970, đôi vợ chồng này bắt đầu cuộc sống ly thân rồi ly dị. Kojo được phép ở cùng cha còn Ama thì sống cùng mẹ Titi Alakija.

Vết thương từ cuộc hôn nhân không thành đã khiến ông trở nên rụt rè, e ngại hơn khi gặp Nane Lagergren, một luật sư xinh đẹp người Thuỵ Điển làm việc tại LHQ, đã có một đời chồng và cô con gái nhỏ Nina. Mặc dù rất ngưỡng mộ nhau nhưng cả hai không có nhiều cơ hội gặp gỡ và trò chuyện riêng.

Cho đến một buổi tối khi Kofi Annan và Nane Lagergren có công việc phải đi cùng nhau, họ mới có dịp thổ lộ tình cảm của mình. Chính Nane Lagergren là người đã vượt qua mọi mặc cảm, chủ động tỏ tình với Kofi Annan. Năm 1994, lễ kết hôn của họ được tổ chức trong sự chúc mừng và niềm vui bất tận của bạn bè. Hạnh phúc cuối cùng mỉm cười với vị “Tổng thống thế giới”

Huyền Chi
.
.