Nghệ sĩ ưu tú Thanh Lam:

Kiếp sau con lại xin được làm con gái của ba

Thứ Năm, 27/11/2014, 15:31
Tình cha là một điều gì đó thật khó để diễn tả bằng lời. Đó là thứ tình cảm giống như sóng ngầm dưới lòng đại dương bao la. Là thứ tình ít tỏ bày, nhưng mỗi lần nhắc đến, chúng ta có thể hình dung về độ cao rộng của nó. Như một nhà thơ nào đó đã viết: Cha là bầu trời, con là hạt bụi/ Con lẫn vào cha từ bé đến muôn đời. Mỗi người sẽ vững lòng đi trong cuộc đời hơn, khi có sự che chở của cha. Thanh Lam cũng vậy, chị luôn nói mình may mắn vì trong mỗi bước đi quan trọng của đời mình, chị đã luôn được cha dìu dắt, yêu thương, nâng đỡ, thấu hiểu và tha thứ...
Bản tình ca cha viết là show diễn mà Thanh Lam muốn dành tặng cha. Đây là một chương trình ca nhạc đặc biệt mà chị, cùng với em trai mình, DJ Trí Minh, thiết kế dàn dựng, như một lời cảm ơn sâu sắc đến người cha thân yêu, nhạc sĩ Thuận Yến, đã vắng bóng 1 năm trên cuộc đời. Trong đêm diễn này, những ca khúc tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Thuận Yến sẽ được vang lên, bằng giọng ca của con gái ông - nữ diva nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam, và các ca sĩ khách mời. Vài năm trước, khi sức khỏe của nhạc sĩ Thuận Yến có phần giảm sút, Thanh Lam và em trai cũng đã từng tổ chức đêm nhạc Tình yêu không lời cho cha ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Nhạc sĩ Thuận Yến mất đi là một thiệt thòi lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị, in đậm dấu ấn trong lòng người nghe nhiều thế hệ. Còn với riêng Thanh Lam và gia đình chị, vắng bóng người cha ân cần độ lượng, chỗ dựa tinh thần lớn của chị, là một nỗi buồn không khi nào tả hết.

Trong công việc làm báo của mình, hơn một lần, tôi đã được gặp nhạc sĩ Thuận Yến, nghe ông nói chuyện về cuộc đời, về âm nhạc, về gia đình, về các con, và đặc biệt là con gái Thanh Lam. Tôi cũng hơn một lần nghe Thanh Lam kể chuyện về cha chị. Tình cha con của họ làm tôi vô cùng cảm động. Có thể chúng ta đều nhận biết, không có người cha nào trên đời lại không yêu thương con cái của mình vô điều kiện. Giống như phần lớn những người con đều yêu thương, biết ơn cha mẹ mình, người đã sinh thành và nuôi nấng mình thành người. Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn về tình cha con của hai người nghệ sĩ. Thanh Lam, chị đúng là thật may mắn khi có một người cha nghệ sĩ. Những gì trên đường đời chị đi qua, vấp phải, trả giá, dường như đều nằm trong sự thấu hiểu của cha mình. Bởi ông là người cầm bút nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn. Tôi nghĩ nhạc sĩ Thuận Yến đã không chỉ yêu con gái Thanh Lam như cách của một người cha bình thường. Ông dõi theo Thanh Lam còn là dõi theo một số phận nghệ sĩ.

Ca sĩ Thanh Lam và em trai Trí Minh trên tay cha mẹ lúc còn thơ ấu.

Lần đó, trong ngôi nhà nằm khuất tận cùng của một con ngõ nhỏ, trên đường Đê La Thành, giữa căn phòng bề bộn đồ đạc, nhạc sĩ kể về con gái mình, rất nhiều kỷ niệm, từ lúc chị chưa chào đời cho đến những bước đi đầu tiên, và sau này, trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Gương mặt nhạc sĩ ưu tư thật nhiều khi nói về con. Ông thương con lúc lọt lòng không có cha ở cạnh. Từ rừng Trường Sơn, vợ ông, nghệ sĩ Thanh Hương, ôm đứa con còn đỏ hỏn ra Hà Nội. Và con gái ông đã kiên cường cùng mẹ vượt qua những tháng năm gian khó, đợi cha về. Ngày ông trở về Hà Nội, con gái đã tròn 2 tuổi, líu ríu bước chân đón cha, đầy ngỡ ngàng. Ngày xưa, với chất giọng “ồ ồ” của Thanh Lam, không mấy người tin chị sẽ là ca sĩ . Ban đầu, nhạc sĩ Thuận Yến và vợ cho con theo học đàn tì bà.

Suốt 10 năm miệt mài bên cây đàn, Thanh Lam vẫn luôn khát khao được hát trên sân khấu. Nhạc sĩ Thuận Yến đã không bỏ qua niềm mong mỏi đó của con. Ông dường như hiểu được, từ trong sâu thẳm, con gái ông là chính mình nhiều hơn khi được hát. Dù thâm tâm ông cũng không dám tin là Thanh Lam có thể trở thành một ca sĩ được mến mộ, nhất là sau một lần chị bị trúng gió, méo miệng, cha mẹ phải ôm đi khắp nơi tìm thầy chạy chữa. Nhạc sĩ Thuận Yến bảo, nếu cháu để ý kỹ, miệng của Thanh Lam vẫn còn di chứng của lần trúng gió ấy đấy. Nó cười hơi méo méo. Thực ra thì tôi chưa khi nào thấy nụ cười của Thanh Lam méo cả. Chị cười rất duyên.

Đồng ý với quyết định của con, cho con chuyển từ học đàn sang học thanh nhạc, ủng hộ con vô điều kiện trong các hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Thuận Yến cần mẫn theo từng bước chân con. Thanh Lam không bao giờ quên những năm tháng đó, hình ảnh người cha gầy gò chở con trên chiếc xe đạp, đi học rồi đi biểu diễn. Những câu chuyện dọc đường, những kinh nghiệm nghệ thuật, những khích lệ động viên, và cả những an ủi mỗi khi biểu diễn không thành công là tài sản quý mà Thanh Lam nhận được từ cha. Với Thanh Lam, nhạc sĩ Thuận Yến vừa là người cha, vừa là người bạn. Trên đường đời, không ít lần chị vấp ngã, lỗi lầm, đúng và sai trong lựa chọn, nhưng cha thường chia sẻ trong im lặng. Nếu là một người cha bình thường, nhạc sĩ Thuận Yến có thể mắng con, nhẹ hơn thì khuyên nhủ. Nhưng ông đã luôn nhìn con ở một góc khác nữa, góc của người nghệ sĩ. Những lao đao của đời người nghệ sĩ thì phải người cùng làm nghệ thuật mới thấu hiểu được. Nhạc sĩ từng chia sẻ, ông thương và lo cho Thanh Lam lắm, vì con gái ông sống bản năng quá, cá tính quá. Những cực đoan, dữ dội có thể giúp Thanh Lam thăng hoa trong nghệ thuật, nhưng là bất an trong cuộc sống thường ngày. Thực sự thì trong đáy sâu của tấm lòng cha mẹ, phần thưởng lớn nhất đối với họ, là hạnh phúc, bình an của những đứa con.

Nhạc sĩ Thuận Yến cùng vợ và các con cháu.

Bởi nghĩa đó, Thanh Lam chia sẻ, cho đến lúc cha ra đi mãi mãi, chị vẫn còn nợ cha mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chị biết chưa khi nào cha không nghĩ tới điều đó và mong cầu điều tốt đẹp đó cho chị, dù cha không nói ra thành lời. “Khi tôi hạnh phúc hay gặp sóng gió, ba thường im lặng, nhưng chính sự im lặng của cha khiến tôi buộc phải vươn lên”. Ngay cả những phút giây cuối cùng của cuộc sống, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn còn trăn trở về điều này: Cha trở về dòng sông định mệnh/ Lại thương con trắc trở đò ngang/ Con gái cha xinh đẹp, đa đoan/ Cha có lỗi khi để con ở lại/ Ai che chở mỗi khi con buồn tủi?/ Ai viết cho con những bài hát nồng nàn? Ai giữ cho con những phiếu bé ngoan?/ Và chú thích sau những hình con thủa bé?...

Thanh Lam, với gương mặt không tuổi tác, và đôi mắt ướt lúc nào cũng nhìn như ngơ ngác trước cuộc đời, nói rằng: “Có lẽ tôi đã làm được 90% kỳ vọng của cha, nhưng đó là về sự nghiệp. Còn về tình yêu, tôi đã không thể làm được như những gì cha mong muốn”. Một thừa nhận, hay là một day dứt của chị, về sự khó khăn của hạnh phúc. Không tròn vẹn đâu phải là điều ai đó tình nguyện lựa chọn cho đời mình. Đàn bà như Thanh Lam, chỉ biết cháy cạn cho từng phút giây được sống, ít so đo rào chắn hay nhìn trước nhìn sau, thì những tổn thương làm sao tránh được. Sự an bài của số phận không đến từ phía ngoài, nó phải đến từ phía trong, khi người đàn bà biết thỏa hiệp và chấp nhận, giỏi giang trong việc tự sắp xếp mình. Mà Thanh Lam thì thật khó để làm việc đó. Chị như đứa trẻ trước cuộc đời. Hồ hởi đi, vấp ngã, nhận biết rồi lại hồ hởi đi. Chị ít sống bằng kinh nghiệm. Chị sống bằng sự mách bảo của trái tim. Người như chị, con đường số phận thật khó mà bằng phẳng. Chắc chắn là cha chị, nghệ sĩ Thuận Yến đã nhìn thấy điều đó ở con gái ông. Và ông có thể làm gì hơn, ngoài việc dõi theo con, làm một bờ vai để con tựa vào khi cần.

Có một thời gian rất dài, sau khi cuộc hôn nhân thứ hai thất bại, Thanh Lam chuyển về sống cùng cha mẹ. Chị tìm thấy sự yên ổn trong tâm hồn, khi sống trong tình yêu của cha mẹ. Bóng dáng người cha trong ngôi nhà như cái cây cổ thụ, khiến chị vững lòng hơn trước sóng gió cuộc đời, thêm động lực để làm nghệ thuật. Thanh Lam bảo, chị có hai người đàn ông: là cha và con trai, để tựa vào khi cần, và được thấy mình bé nhỏ.

Nhạc sĩ Thuận Yến sinh thời luôn nâng niu mọi kỷ niệm của gia đình. Ông lưu giữ cẩn thận từng bức ảnh của các con, và thường ghi chú phía sau mỗi bức ảnh nhiều thông tin, cảm xúc liên quan. Riêng Thanh Lam, ông có hẳn một kho tàng sưu tập những bài báo viết về con từ thủa mới bắt đầu với nghệ thuật. Và khi kể chuyện với ai đó về “con gái rượu”, nhạc sĩ thường mang những bài báo đó ra làm dẫn chứng. Ông nâng niu những gì thuộc về con, như nâng niu từng hơi thở cuộc sống. Yêu thương và tự hào, nhìn theo và âu lo. Đôi lúc ông nhìn con như đứa trẻ, muốn vỗ về an ủi, rồi đôi lúc ông lại thấy con như ở ngoài tầm kiểm soát của mình. Ông xót xa con trong im lặng, thương con vô bờ bến.

Mỗi người trong chúng ta không bao giờ đi đến đáy cùng tình yêu của cha mẹ. Hoặc nếu có thể, chúng ta phải sống hết một cuộc đời, cộng với thật nhiều trải nghiệm. Nhưng chắc chắn là chúng ta luôn luôn ở trong tình yêu ấy, không bao giờ vừa, càng không bao giờ ở ngoài được. Đấy là ân huệ của đời sống, nhắc rằng dù có sóng gió bất hạnh đến đâu, chúng ta vẫn luôn còn một nơi cuối cùng để trú ẩn, để có thể trở về nằm co như một hài nhi trong chiếc bào thai ấm ấp. Đó là tình thương của cha mẹ.

Những tình cảm lớn là những tình cảm không thể chứa đủ bằng lời. Thanh Lam, cùng với các thành viên trong gia đình của chị đã kể bằng âm nhạc, một câu chuyện ấm áp, xúc động về tình cha. Trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến, ngoài hình ảnh người vợ, thì con gái Thanh Lam cũng là một nguồn cảm hứng để ông viết. Được hát, được bay trong những bản tình ca của cha, tìm mình và thấu suốt mình trong đó, là hạnh phúc không phải ca sĩ nào cũng có được. Với Thanh Lam, kể chuyện về cha còn là sẻ chia với cuộc đời về một giá trị vĩnh cửu mà mỗi chúng ta đều mang theo, là tình yêu dành cho gia đình, cho những người cha thân yêu. Trong âm nhạc, Thanh Lam sẽ vẫn luôn được gặp cha, được trò chuyện cùng cha, và được dẫn lối. Trên trang Facebook cá nhân mình, chị viết: “Ba đã đi về một khung trời mới, ba ơi. Con nhắm mắt lại nghe văng vẳng ba thì thầm câu hát “bốn mùa tóc bạc nỗi thương con”. Ba ơi ba, kiếp sau con lại xin được làm con gái rượu của ba”...

Bình Nguyên Trang
.
.