Đạo diễn, NSND Khải Hưng

Không tin vào số phận

Thứ Sáu, 04/10/2013, 13:47
Nói chuyện với đạo diễn Khải Hưng bao giờ cũng cho tôi một cảm giác tin cậy và thẳng thắn. Ông không né tránh cả những vấn đề thuộc vùng “nhạy cảm”, như cách ông đã sống và làm việc gần cả đời người. Hàng ngày ông vẫn có mặt ở hãng phim gia đình từ 7h sáng. Vẫn quần soóc và tâm thế của một người ra trận. Nghề làm phim truyền hình cơ cực lắm, cay đắng lắm, thậm chí đã phải trả giá cho nó. Nhưng ông vẫn quyết liệt đi đến tận cùng con đường nghệ thuật của mình.

Hãng phim của Nghệ sĩ nhân dân Khải Hưng giờ chỉ có chục  người. Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều hãng phim lao đao. Nhưng Khải Hưng, người chiến binh biết mình biết ta, chỉ làm những thứ vừa vặn với mình. Không ảo tưởng, không tranh giành, cũng không bị áp lực kinh tế. “Tôi giờ vô vi rồi, chỉ làm những gì mình thích mà thôi. Tôi đang làm chuyên mục “Chuyện kể trước lúc 0 giờ” phát trên ANTV, một sê-ri phim hài phát trên SCTV, vừa thực hiện xong một phim ca nhạc cho kênh Truyền hình Quốc phòng đặt và có thể sắp thực hiện một bộ phim dài tập với VTV... Đến cái tuổi tôi, mình làm cho mình, chứ không bị áp lực bởi điều gì”. Bao năm nay, ông vẫn giữ thói quen dậy từ 5h sáng, ăn sáng ở một quán quen và lái xe đến hãng phim gia đình lúc 7h. Nắng cũng như mưa. Đông cũng như hè. Chưa một ngày ngừng nghỉ. Đối với Khải Hưng, phải nghỉ làm là một cực hình. Thế nên những người sống quanh ông cũng bị cuốn vào guồng quay đó.

Những danh hiệu, những giải thưởng trong cuộc đời làm phim, chỉ là những kỷ niệm mà thôi. Ông cất kỹ nó vào một góc ký ức. Với Khải Hưng, những hào quang, danh vọng đều chẳng có mấy ý nghĩa. Bởi cốt lõi trong cuộc đời, ông là một đạo diễn mà thôi. Dù làm lãnh đạo, hay giờ chỉ là dân thường, thì Khải Hưng vẫn phải xắn tay vào, lăn lộn trên phim trường, chứ chẳng thể đứng đó mà nhìn. Thế mới hiểu vì sao hình ảnh đạo diễn Khải Hưng luôn gắn với chiếc quần soóc. 

Nói chuyện với Khải Hưng, thấy rất nhiều dự định còn dang dở trước một thị trường điện ảnh đang nhuốm màu u ám. Thế nhưng, ông nhìn nó bằng cái nhìn lạc quan và thức thời hơn. “Đến một lúc nào đó, sẽ qua cơn bĩ cực này, tất cả những thứ èo uột, nhạt nhẽo này sẽ qua đi”. Tuy nhiên: “Nghệ thuật bây giờ phải bán được, trước hết phải bán được cho mình đã, rồi mới bán được cho cuộc đời. Người nghệ sĩ không thể cứ ôm giấc mộng tôi làm phim nghệ thuật mà không quan tâm đến việc đứa con tinh thần đó có được công chúng đón nhận hay không”.

Đạo diễn Khải Hưng chỉ đạo diễn xuất trong một cảnh quay.

Những năm lăn lộn làm nghề đã cho ông cái nhìn thức thời đó. Dù nghề làm phim truyền hình mang lại cho ông nhiều vinh quang, nhưng cũng lắm nỗi cơ cực. “Đời làm phim truyền hình cơ cực, gian khổ nhưng lại mang đến cho mình sự thăng hoa, khiến mình phải sống chết với nó. Lúc đó, tôi mới được là tôi chứ không phải ai khác”.

Ông thuộc thế hệ đầu tiên làm phim truyền hình. Ba cái đèn, một cái máy cổ lỗ sĩ, cách đây 25 năm cũng thế và đến giờ cũng vậy. Thế mà làm được phim. “Tôi thấy những người làm phim truyền hình quá dũng cảm, bởi họ phải làm phim với một mức thù lao rẻ mạt và một đội ngũ làm phim thiếu chuyên nghiệp, nhiều rủi ro. Mọi người đừng nghĩ, quần áo xênh xang mà ảo tưởng về cái nghề khổ ải này. Chuyện đổ vì bối cảnh và diễn viên là thường tình. Tôi từng bị một diễn viên bỏ ngang khi phim đã quay được 7 ngày. Cả đoàn nghỉ vài ba ngày để đợi một diễn viên là chuyện bình thường. Vì sao ư, vì đó là nghiệp dư. Những diễn viên này không biết họ để lại biết bao hệ lụy… Rồi ngồi bệt ở hành lang, ăn những bữa cơm tạm bợ, khô khốc. Những lúc đi ra nước ngoài, xem người ngoại quốc làm phim, khi trở về, tôi tự hỏi, không hiểu vì sao đồng nghiệp của mình có thể làm được phim truyền hình với một thực trạng như vậy. Từ xưa và đến bây giờ vẫn thế”.

Nhưng niềm đam mê, sự dấn thân lớn hơn tất cả. Khải Hưng kể, ông có quen một tỷ phú, sau này bị vướng vào pháp luật và bị xử bắn. Ông ta nói với Khải Hưng rằng: “Tôi là tỷ  phú, nhưng tôi không bao giờ có được thứ anh có, đó là nụ cười, nước mắt, là hạnh phúc hay khổ đau của khán giả. Điều đó tiền không bao giờ mua được”.

Thế nhưng cũng chính vì cái thứ mà tiền không mua được ấy, mà cuộc đời làm đạo diễn của Khải Hưng cũng lên bờ xuống ruộng. “Nhưng tôi cứ đường thẳng mà đi, với cái tâm sáng và niềm tin vào chính mình”. Những năm 90 của thế kỷ trước, phim truyền hình đã gây một hiệu ứng mạnh mẽ với khán giả mà đến bây giờ, khi nói về chất lượng phim truyền hình, nhiều người vẫn hồi tưởng về thời vàng son ấy. Những bộ phim chiếu trên VTV chiều chủ nhật đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả: Lời nguyền của dòng sông, Mẹ chồng tôi... Nhưng cũng chính những bộ phim được yêu thích ấy mà đạo diễn Khải Hưng “lên bờ xuống ruộng”. Từ Chuyện làng Nhô, bộ phim chính luận đầu tiên được coi như “có vấn đề”, “có thể không được phát sóng”, khiến Khải Hưng đích thân mang lên tận ông Hà Đăng, Ban Văn hóa Tư tưởng. Chính ông Hà Đăng đã phê như thế này: “Phim  tốt, có hướng suy nghĩ mới”. Nếu không quyết liệt đến tận cùng thì những bộ phim vàng của truyền hình phải đắp chiếu bởi những kiểm duyệt gắt gao và đầy định kiến thời đó và không dễ dàng gì mở đường  cho những bộ phim mang tính chiến đấu sau đó. Điều gì đã khiến ông quyết liệt đến thế? Khải Hưng cười, tôi tin ở chính mình. Và những bộ phim tôi làm, có chút dự báo, dù là rất nhỏ với xã hội. Mẹ chồng tôi là phim 2 tập đầu tiên được Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình. Còn Lời nguyền của dòng sông được giải thưởng quốc tế… Những bộ phim này đã gây chao đảo cho chính ông . “Đau khổ nhất với người nghệ sĩ là làm phim mà không được chiếu. Những năm 1992, có lúc tôi thấy cay đắng khi phim mình thấy hay mà lãnh đạo cho là dở. Nếu không tin ở chính mình, thì tôi không thể quyết liệt đến thế, và tôi sẽ tuyệt vọng”.

Nhưng đến bây giờ, sau 35 năm gắn bó với phim truyền hình, và định hình một lối đi riêng, Đạo diễn Khải Hưng vẫn trăn trở. “Cuộc đời dài mà cũng ngắn. Đôi lúc tôi nuối tiếc tại sao mình không thể làm được tốt hơn vào thời điểm đó. Tôi chỉ ân hận một điều, hồi đó mình không đủ kiến thức để lái con đường phim truyền hình dài tập đi theo một hướng khác, đúng đắn hơn. Không phải theo cái kiểu kéo dài tập theo thói quen như bây giờ. Hồi đó tôi nghĩ truyền hình là điện ảnh, nhưng giờ tôi thấy truyền hình gần phát thanh hơn. Nếu suy nghĩ của tôi được kiểm chứng, tôi sẽ bắt đầu làm lại từ Trường Sân khấu - Điện ảnh, nơi tôi đang dạy nghề cho sinh viên”.

Khải Hưng kể, ông là dân sư phạm. Có lần được người bạn tặng cho cái máy ảnh, hành nghề chụp ảnh kiếm tiền. Một cái ô, một chiếc xe phượng hoàng, lang thang khắp nẻo đường kiếm sống… Học xong sư phạm, ông được về Ban Khoa giáo Đài Truyền hình, phụ trách mục “Sinh đẻ có kế hoạch”. Rồi một cơ duyên giúp ông thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh khóa đầu tiên, học xong về Hãng phim truyền hình. Học đạo diễn điện ảnh mà làm  phim truyền hình là nghề tay ngang và tự mày mò. Thế rồi đam mê kéo ông đi, thành nghiệp của cuộc đời và của cả gia đình. Hồi đó, còn nhớ làm phim truyền hình đầu tiên là Người thành phố. Ông tự mày mò mất 3 tháng trời, từ ánh sáng, hòa âm, mới xong. Rồi sau đó là Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông. Một dòng phim truyền hình hình thành và định hình từ đó.

Khải Hưng không có thói quen nghĩ về quá khứ hay những được mất trong cuộc đời. Với ông, cuộc sống là hiện tại và niềm đam mê công việc. Công việc có thể giải thoát ông khỏi những nỗi phiền muộn trong cuộc đời. Ông không có thói quen tụ bạ bạn bè, rượu chè. Ông chỉ hay hút thuốc và từ xưa đến nay chung thủy với một loại với giá rẻ bèo... 6 nghìn đồng một gói. Những thói quen cố hữu không thay đổi. Cũng như ông mê canh cua, cà pháo và vì thế chẳng thể đi đâu xa khỏi đất nước này. Người ta thích đi nước ngoài, thậm chí thích định cư ở nước ngoài. Còn Khải Hưng, chưa rời xa khỏi đất nước đã thấy nhớ, thèm canh cua, cà pháo. “Nước ngoài giống nhau, lạnh lùng và khép kín. Tôi ngạc nhiên tại sao có những người họ thích định cư ở nước ngoài. Tôi chứng kiến, có một ông già người Việt đã 80 tuổi vẫn lái xe ở Mỹ. Tôi hỏi tại sao không để bọn trẻ chở ông? Ông ấy bảo nếu không tự lái xe thì tôi chỉ ngồi chờ chết. Rõ ràng đó không phải là văn hóa của mình, không phải là cộng đồng của mình.  Mình chỉ sống như một cây tầm gửi mà thôi. Tại sao phải khổ thế?”.

Khải Hưng nhận mình là người rành rẽ, sòng phẳng trong tình cảm, dù ông đã đi qua ba cuộc hôn nhân. Ông không  tin vào số phận. “Tôi là người quyết đoán, không nhân nhượng cuộc sống, nên có nhiều thiệt thòi. Và những người sống quanh tôi cũng phải chịu thiệt thòi”. Nhưng người viết bài này thì nghĩ khác. Số phận đang mỉm cười với ông khi hàng ngày, bên cạnh ông là một người phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung, tự nguyện làm vợ và sinh con cho ông. “Đời người khi mất niềm tin là mất hết. Tôi có niềm tin, nên dù cuộc sống có nhiều trắc trở, thì tôi vẫn vượt qua, và tìm cho mình một bến đỗ bình yên”, ông luôn nghĩ vậy

Khánh Linh
.
.