Ông Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ:

Không thụ động chấp nhận !

Thứ Tư, 09/04/2008, 09:00
"Những năm công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng đối với tôi rất có ý nghĩa. Tình thân ái, không khí dân chủ và nếp làm việc chặt chẽ, ngăn nắp là môi trường để anh chị em làm việc tốt và mau tiến bộ. Môi trường ấy giúp tôi tự rèn cho mình cách làm việc cẩn thận, không bao giờ làm chiếu lệ, làm cho qua chuyện. Tôi đã học tập được rất nhiều ở phong cách làm việc của anh Thận - Trường Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác..." - Ông Nguyễn Khánh tâm sự.

Từ lâu tôi đã muốn hầu chuyện ông vì tôi biết ông từng có một thời gian làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được trực tiếp giúp việc những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của chúng ta mà giờ đây, tên tuổi họ đã trở thành những biểu tượng sáng nhất của một giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng đối với đất nước và dân tộc.

Những bài viết của ông về những đồng chí lãnh đạo ấy, đặc biệt là về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng… cũng khiến tôi tò mò muốn hiểu rõ hơn về ông: ông không bao giờ muốn kể lại chi tiết những gì ông đã được biết mà chỉ trung thực, điềm đạm kể những gì ông tâm đắc nhất.

Nhờ sự giúp đỡ của nhà báo Dương Đức Quảng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, chiều 18/3/2008, tôi đã có được cơ hội trò chuyện cùng với nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh. Ông hiện sống trong một ngôi nhà mặt phố ở khu Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, lúc nào cũng ồn ã bởi muôn chuyện đời thường dân dã.

Các lối vào khu Hoàng Cầu ngay cả giữa giờ hành chính cũng luôn đông nghìn nghịt, chứ không chỉ trong giờ cao điểm. Chúng tôi cũng gặp cảnh tắc đường và tới chậm giờ hẹn.

Nhà báo Dương Đức Quảng nhớ lại, hồi ông Nguyễn Khánh còn đương chức, có lần ông cũng bị rơi vào cảnh tượng tự như chúng tôi. Cảnh sát giao thông không có cách gì dẹp đường để ông kịp đến dự một buổi lễ quan trọng, ông đã rời khỏi xe hơi đi xe taxi ngược trở lại cho kịp giờ. Bây giờ, buổi sáng ông vẫn ngồi xe ôm đến bể bơi Ngọc Khánh.

Đến nhà ông, bấm chuông, chúng tôi thấy ông ra tận cửa đón khách. Ngồi vào bàn, thấy ông vừa hỏi chuyện khách vừa pha nước, tôi định giúp ông nhưng ông không cho, để mình tự làm…

Về sau, khi vui chuyện, ông bảo, tác phong như thế là mình học được ở đồng chí Trường Chinh, không bao giờ để khách đến nhà mình, phòng làm việc của mình mà khách lại phải tự tay rót nước cả. Và khi đã hẹn khách đến nhà, thì bao giờ chủ nhà cũng phải ra cửa đón…

Phóng viên (PV): Xin phép được mở đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi rất thông thường: Ông có nhớ mình đã sống thế nào thời còn nhỏ tuổi và đến với cách mạng như thế nào không?

Ông Nguyễn Khánh (NK): Tôi quê gốc Thường Tín, Hà Đông, ở làng Hà Hồi, một làng mà ngày xưa gần như cả làng theo đạo Thiên Chúa. Bây giờ ở quê phần lớn người trong họ nhà tôi vẫn đi nhà thờ. Đến đời ông nội tôi làm thợ ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, chuyển cả gia đình đi Gia Lâm lúc ấy còn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ông bố tôi tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp bị bắt đày đi Côn Đảo từ năm 1930 đến năm 1937 được ra tù rồi mất năm 1938 khi tôi 10 tuổi.

Gia đình tôi chuyển lên Thái Nguyên làm ăn sinh sống từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi học tiểu học ở Thái Nguyên, rồi về Hà Nội học thành chung ở Trường Gia Long ở phố Phủ Doãn bây giờ. Thái Nguyên là nơi tôi lớn lên và trưởng thành, cho nên nhiều người tưởng tôi quê ở Thái Nguyên.

Tôi là con một, bố đi tù rồi mất sớm, nên được mẹ chiều, nhưng không hiểu vì sao lại không hư hỏng, mà lại chịu khó học, và học khá. Mẹ tôi tham gia Việt Minh từ năm 1943, bạn của bà nhiều người cũng là Việt Minh, nhờ đó tôi được biết ít nhiều về phong trào cách mạng ở Thái Nguyên.

Sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp tháng 3/1945, quân Nhật đóng ở Thái Nguyên khủng bố dữ dội, tôi được mẹ đưa về ở với bà ngoại ở Gia Lâm. Mấy tháng ở Gia Lâm hừng hực không khí trước khởi nghĩa ảnh hưởng đến tôi rất nhiều.

Tôi chưa phải là người trong tổ chức nhưng hồ hởi tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Minh. Tôi cùng mấy bạn học đến dự cuộc mít tinh công chức ngày 1/-8/1945 rồi cuộc biểu tình tuần hành ngày 19 tháng Tám. Tôi rất thuộc những bài hát tiền khởi nghĩa.

Hai ngày sau Tổng khởi nghĩa, tôi lên Thái Nguyên và được vào làm việc ngay tại Ban Tuyên truyền Thị bộ Việt Minh, rồi Tỉnh bộ Việt Minh, rồi Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thái Nguyên... Chuyện tham gia cách mạng của mình đơn giản là như vậy thôi, như biết bao thanh niên ta thời ấy.

PV: Hồi ấy cán bộ Việt Minh có lương không, sống như thế nào, sống bằng gì?

Ông NK: Hồi ấy cán bộ Việt Minh, mọi người trong cơ quan của chính quyền cách mạng có ai nghĩ gì đến chuyện tiền lương. Làm việc xong thì về nhà, về gia đình ăn cơm. Rồi đi vào kháng chiến, cơ quan chuyển về nông thôn thì "ba cùng" với dân. Cán bộ đến nhà, dân cho nghỉ, cho ăn, chẳng cần hỏi giấy tờ gì. Đúng là sống với dân, sống như dân.

PV: Đúng là "Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy, Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên"! Tôi xin phép được hỏi tiếp, đến năm nào thì ông bắt đầu về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng?

Ông NK: Tháng 2/1947, tôi được kết nạp Đảng và một ngày sau được bổ nhiệm làm Chủ sự Văn phòng của Sở Thông tin chiến khu I. Năm 1948 được cử làm Ủy viên Đảng đoàn của Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên; năm 1950, làm Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên và cứ thế tham gia công tác Đoàn tới hết cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1959, tôi đi học ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, lớp 2 năm. Hết khóa học, tôi được Đảng cho đi học ở Liên Xô, làm nghiên cứu sinh triết học ở Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, làm xong luận án Phó Tiến sỹ thì về nước, không bảo vệ, vì phản đối Chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô.

Năm 1965, tôi công tác tại Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban và một số đồng chí Ủy viên BCT trong ban lãnh đạo. Công việc này đối với tôi rất hấp dẫn. Nhưng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt; đồng chí Trường Chinh nói phải tạm gác làm lý luận để lo chiến đấu.

Tôi và hai đồng chí nữa cùng đi học ở Liên Xô về được điều sang công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, và từ đó tôi làm việc luôn ở Văn phòng Trung ương trong 20 năm cho đến sau Đại hội VI của Đảng, khi tôi được chuyển sang công tác ở Chính phủ.

Những năm công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng đối với tôi rất có ý nghĩa. Tình thân ái, không khí dân chủ và nếp làm việc chặt chẽ, ngăn nắp là môi trường để anh chị em làm việc tốt và mau tiến bộ. Môi trường ấy giúp tôi tự rèn cho mình cách làm việc cẩn thận, không bao giờ làm chiếu lệ, làm cho qua chuyện.

Tôi đã học tập được rất nhiều ở phong cách làm việc của anh Thận - Trường Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác.--PageBreak--

PV: Nếu tôi nhớ không nhầm, năm 1953, khi ông còn làm công tác thanh niên, ông đã tham gia Đoàn đại biểu thanh niên nước ta dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ IV ở Bucarest (Rumanie).

Sau đó, trong Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam, đi thăm Liên Xô và Trung Quốc, và ở Thượng Hải, lần đầu tiên ông được gặp đồng chí Lê Duẩn, lúc ấy sang Trung Quốc dưỡng bệnh.

Sau này, trong tập hồi ký "Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam", ông có viết bài "Gặp Anh Ba ở Thượng Hải" rất nhiều ý tưởng. Nếu hôm nay, nói ngắn gọn về đồng chí Lê Duẩn, ông có thể nói gì?

Ông NK: Nếu nói về đồng chí Lê Duẩn, thì trước hết phải nói, đó đích thực là một trí thức. Thế nào là người trí thức? Trí thức, theo ngôn ngữ của một số bản báo cáo, đó là người đã tốt nghiệp đại học trở lên. Có lúc người ta hạ thấp tiêu chí, là tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Quan niệm về người trí thức như thế, chỉ lấy bằng cấp làm tiêu chuẩn là không đúng, chính cái đó sinh ra căn bệnh bằng cấp rất khó sửa chữa.

Tôi cho rằng nhận dạng người trí thức không chỉ là ở trình độ cao về học vấn, về bằng cấp. Học vấn sâu và rộng là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ để làm nên một người trí thức.

Người trí thức là người hoạt động chủ yếu bằng lao động trí óc, nguồn thu nhập chủ yếu từ lao động trí óc, luôn luôn động não, có đầu óc sáng tạo, có khuynh hướng muốn tìm tòi để hiểu biết những cái mới, những điều mới, chứ không dừng lại, tự đóng khung vào những kiến thức "Sẵn có" đã tiếp nhận được ở trường học. Tư tưởng, tư duy của người trí thức bao giờ cũng hướng vào những cái mới tiến bộ.

PV: Nói tóm lại, trí thức là người phải có đủ một khối lượng tri thức nhất định và một phương pháp xử lý thông tin đúng đắn để có thể ứng dụng những điều mới mẻ vào cuộc sống của mình một cách hữu lý, hữu lợi và hữu tình nhất?

Ông NK: Cũng có thể định nghĩa như thế. Người trí thức phải có và luôn giữ cho mình một tâm thế, một tư tưởng lúc nào cũng  muốn tìm cái mới, muốn biết cái mới, muốn lý giải cái mới, mà cao hơn nữa là muốn ứng dụng cái mới vào đời sống.

Những người không thích cái mới nữa, tự cho mình đã "đủ" lắm rồi với cái vốn học sẵn có ấy có thể yên tâm "tiêu dùng" suốt đời, thì không phải là trí thức đích thực.

PV: Nói như vậy thì trí thức là một khái niệm động.

Ông NK: Quan niệm trí thức chỉ là người có bằng cấp là một quan niệm lạc hậu, làm cho người ta rất khó phân biệt ai là trí thức thật, ai chỉ mang danh trí thức. Người trí thức không bao giờ chịu chấp nhận những cái sẵn có một cách thụ động, không suy nghĩ.

Trở lại với đồng chí Lê Duẩn. Đây là một con người luôn luôn suy nghĩ, không lúc nào là không tư duy để tìm ra những ý tưởng mới. Khi trong đầu óc nảy ra ý tưởng gì mới thì ngày đêm đồng chí ấy nung nấu cái ý tưởng đó, suy nghĩ liên tục. Tôi được ở trong nhóm biên tập Văn kiện Đại hội IV của Đảng, giúp việc cho đồng chí Lê Duẩn, được thấy một phong cách, một tính cách đặc biệt của đồng chí ấy.

Trong 2 năm 1974 và 1975, hầu như tuần nào đồng chí Lê Duẩn cũng triệu tập nhóm biên tập lên làm việc ở Khu biệt thự Hồ Tây. Với anh em trong nhóm biên tập, đồng chí nói rất nhiệt tình, say sưa về ý tưởng mà đồng chí đang suy nghĩ, đang nung nấu, cảm nghĩ của đồng chí về những vấn đề mà đồng chí cho là không đúng cần thay đổi, sửa đổi.

Ngay cả về những ý kiến của chính mình mà đồng chí đã nêu ra trước đây hoặc vừa mới phát biểu hôm qua, đồng chí lại nói lại, cân nhắc thêm, bổ sung những điều mới, bỏ đi những điều mà đồng chí cho là không thật đúng. Nhiều lúc tôi có cảm giác như đồng chí vội nói ngay sợ rồi sẽ quên đi.

Hình ảnh những cuộc làm việc việc ấy tôi nhớ rõ đến bây giờ. Đồng chí Lê Duẩn không chỉ là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiều năm, mà còn là một nhà tư tưởng.

PV: Tôi nhớ, trong hồi ức của mình, ông Tô Bửu Giám, một người cũng có thời gian được làm việc gần đồng chí Lê Duẩn có nhắc lại câu một đồng chí ở Nam Bộ đã nói với đồng chí Lê Duẩn: "Tôi ghi gần như tốc ký phát biểu của Anh. Về chép lại nguyên xi những lời đó. Nay Anh lại bác nữa. Thật hết biết cách nào diễn đạt cho đúng ý Anh".

Thế là đồng chí Lê Duẩn đã cười phá lên và bảo: "Tôi phải nghiền ngẫm để hoàn thiện những điều mình suy nghĩ. Không lẽ các anh không muốn cho tư duy tôi phát triển sao? Các anh khi nghe phải động não, phải suy nghĩ để tiếp nối và phát triển những suy nghĩ của tôi. Không nên như một cái máy ghi âm thụ động".

Ông NK: Khi gặp đồng chí Lê Duẩn lần đầu ở Thượng Hải, nghe đồng chí ấy nói sự suy nghĩ của mình về văn hóa Việt Nam, về lịch sử Việt Nam, tôi hết sức khâm phục.

Đồng chí đã nói như thế này: Nếu với non sông gấm vóc thì ta chẳng kém gì Trung Quốc. Nhưng có điều khác rõ nét là ở bên này hầu như quả núi nào, con sông nào cũng có những đền, chùa, lăng tẩm, những công trình văn hóa, lịch sử do con người tạo nên từ hàng trăm năm trước.

Còn ở ta, thì nhiều nơi chỉ là cảnh đẹp, thiên nhiên, ít có các công trình của con người. Như vậy phải chăng ông cha ta không coi trọng văn hóa? Có phải người Việt Nam ta không có đầu óc sáng tạo? Không phải vậy đâu! Muốn hiểu đúng vấn đề này phải hiểu rõ lịch sử Việt Nam, lịch sử cuộc sống và chiến đấu của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.--PageBreak--

PV: Tôi còn nhớ câu mà ông đã trích dẫn lời của đồng chí Lê Duẩn đã nói ở Thượng Hải năm 1953: "Không phải ít có những công trình văn hoá thì không có nghĩa là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam không có nền văn hóa dân tộc sâu sắc. Nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, thể hiện ở tâm hồn người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, văn học và nghệ thuật Việt Nam, trong cuộc sống hòa bình và cả trong chiến tranh".

Ông NK: Đúng như vậy! Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, sức mạnh của dân tộc ta không ở trong những công trình vật chất to lớn, kỳ vĩ mà ở chính sự phong phú và sâu sắc của tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam...

Đồng chí ấy đích thực là người Việt Nam yêu nước, nhiệt thành bảo vệ tất cả những cái gì thuộc về Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, nền độc lập, cả nền văn hóa Việt Nam. Đồng chí ấy đưa ra những quan niệm rất là hay về nguồn gốc văn hóa Việt Nam.

PV: Ông cũng từng làm việc gần đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, ông có thể nói gì về đồng chí ấy?

Ông NK: Ấn tượng mạnh nhất đối với tôi về đồng chí Trường Chinh là sự trung thực của đồng chí ấy, trung thực với cách mạng, với nhân dân, với chính mình. Đó là một nhà chính trị luôn hành động nghiêm túc, với tính nguyên tắc cao để thực hiện những gì mình đã cho là đúng.

Nhưng khi đã suy nghĩ lại, thấy được những điều không đúng hay không còn đúng nữa, thì đồng chí dồn tâm trí tìm hiểu, nghiên cứu để chứng minh là không đúng, là cần sửa và tác động vào cơ quan lãnh đạo để sửa cho được. Chính nhờ tính cách trung thực và thẳng thắn như vậy mà đồng chí Trường Chinh đã đóng vai trò rất lớn trong công cuộc Đổi Mới của Đảng ta, đất nước ta.

Một phong cách, tính cách đặc biệt nữa của đồng chí Trường Chinh là hết sức cẩn thận, đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn, từ chủ trương chung cho đến các chi tiết. Chắc anh Hồng Thanh Quang đã đọc bài viết của tôi "Phong cách làm việc của anh Thận" trong cuốn sách "Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam"?

PV: Dạ có, tôi có được đọc. Và tôi rất ấn tượng về những gì mà ông nhớ lại về cung cách làm việc của đồng chí Trường Chinh. Tôi xin phép được đọc lại cho chúng ta cùng nhớ: "Cách thức anh Thận tham gia các cuộc họp của Bộ Chính trị là một mẫu mực về sự nghiêm túc, về ý thức trách nhiệm. Bao giờ anh cũng đến sớm khoảng 5 phút trước giờ bắt đầu họp theo giấy mời.

Anh ngồi họp rất nghiêm chỉnh từ đầu tới cuối buổi họp, rất ít khi đứng dậy đi ra đi vào. Lúc nào anh cũng cầm bút ghi chép các ý kiến phát biểu trong cuộc họp hoặc ghi thêm ý kiến vào bản thảo phát biểu của anh. Rất ít khi anh ngắt lời đồng chí đang phát biểu. Thường là anh phát biểu cuối buổi họp nếu anh chủ trì buổi họp, hoặc trước khi đồng chí Tổng Bí thư phát biểu kết thúc cuộc họp.

Bao giờ anh cũng có một bản đề cương phát biểu ý kiến đã chuẩn bị sẵn, được đánh máy hoặc viết tay cẩn thận. Ý kiến của anh bao giờ cũng được trình bày có hệ thống, thành các điểm 1,2,3… theo sát các chương, mục của bản đề án được trình bày tại cuộc họp.

Khi anh Thận phát biểu, bao giờ các đồng chí dự họp cũng lắng nghe nghiêm chỉnh, không ai nói chuyện riêng. Có lần đồng chí Tổng Bí thư ngắt lời khi anh đang phát biểu, anh nói ngay với nét mặt nghiêm: "Xin để tôi nói hết đã!".

Anh chị em cán bộ của Văn phòng Trung ương có nhiệm vụ ghi biên bản hội nghị rất yên tâm ghi lại một cách dễ dàng và chính xác các ý kiến của anh Thận, nhất là khi anh chủ trì, kết luận cuộc họp…

Anh Thận hết sức cẩn thận trong việc chuẩn bị các văn bản, từ dự thảo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, báo cáo, bài nói của anh tại các hội nghị của Đảng và Nhà nước, trong các cuộc đi thăm trong nước và ngoài nước đến thư anh gửi các đồng chí ở cơ quan Trung ương và địa phương…

Theo tôi biết, cho đến nay không có đồng chí lãnh đạo cấp cao nào có thể so sánh với anh về sự nghiêm túc trong công việc về văn bản".

Bây giờ ông vẫn nghĩ như vậy về đồng chí Trường Chinh?

Ông NK: Vẫn nghĩ như vậy!

PV: Xin cảm ơn ông!

"Hồi còn công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, hằng tuần Văn phòng xây dựng chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cứ chiều thứ năm phải gửi dự thảo chương trình đã có ý kiến của đồng chí Bí thư Thường trực để xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó Văn phòng tập hợp các ý kiến, giúp Thường trực sửa đổi bản dự thảo chương trình để đồng chí Tổng Bí thư duyệt lần cuối rồi thông báo chính thức vào sáng thứ bảy.

Anh Thận thường đọc rất kỹ bản dự thảo chương trình, hỏi ý kiến các trợ lý, có khi hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo những ban, ngành có liên quan đến phần công việc mà anh phụ trách, rồi trực tiếp ghi ý kiến thêm, bớt, sửa đổi bằng mực đỏ vào bản dự thảo chương trình.

Khi Văn phòng Trung ương thông báo bản chương trình chính thức thì anh Thận điều chỉnh chương trình làm việc riêng cho phù hợp. Rất ít khi thấy anh yêu cầu Văn phòng báo cáo với Tổng Bí thư và Thường trực đổi lại chương trình chung của Bộ Chính trị để đáp ứng yêu cầu của chương trình riêng.

Anh Thận rất không bằng lòng khi thấy bản chương trình đã thông báo bị thay đổi. Nhiều lần, anh đã không đến dự những cuộc họp được bổ sung "bất thường" vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị. Và cũng nhiều lần Thường trực có ý kiến thay đổi chương trình làm việc đã thông báo nhưng thấy anh Thận không tán thành thay đổi thì giữ lại chương trình đã định, không thay đổi nữa.

Anh Thận luôn nhắc Văn phòng Trung ương Đảng: phải giữ nguyên tắc, đã lấy ý kiến rồi thì không được thay đổi, trừ khi có chuyện đặc biệt. Thay đổi chương trình làm việc một cách dễ dãi, có khi tuỳ tiện, là phá vỡ kế hoạch công tác của một loạt cơ quan, một loạt đồng chí có trách nhiệm và cũng làm giảm chất lượng các cuộc họp do không được chuẩn bị trước đầy đủ.

Văn phòng Trung ương Đảng là một cơ quan làm việc có nền nếp, làm việc gì cũng chuẩn bị cẩn thận. Có nếp làm việc ấy là nhờ ảnh hưởng của phong cách anh Thận…"

Nguyễn Khánh

(Trích từ bài viết "Phong cách làm việc của anh Thận", in trong tập "Trường Chinh - một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam", NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2002)

.
.