Đông các đại học sĩ Lê Tung của nhà Lê sơ:

Không phụng thời vẫn để đời danh tốt

Thứ Hai, 17/09/2012, 14:50
Chỉ có rất ít tư liệu về cuộc đời Lê Tung còn lại tới hôm nay. Tuy nhiên, với bài “Đại Việt thông giám tổng luận” mở đầu cho bộ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), ông xứng đáng được đời sau tôn vinh là một trong những trí tuệ mẫn tiệp nhất của nước Việt thời trung đại.

Tận tâm thầm lặng

Lê Tung, tên thật là Dương Bảng Ban, sinh năm 1451 tại làng An Cừ (Yên Cừ),  huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đó chính là  năm Thái Hòa thứ 9, dưới triều vị vua trẻ sáng suốt và nhân hậu Lê Nhân Tông. Ông vua này ở ngôi 17 năm nhưng đã bị giết chết năm 19 tuổi, được ĐVSKTT ca ngợi là “thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ…”.

Không ai rõ gia tộc của Dương Bang Bản như thế nào. Chỉ biết rằng, tới mùa xuân năm 1484 (tức là năm Hồng Đức thứ 15), dưới triều vua  Lê Thánh Tông (em út của vua Lê Nhân Tông, lên ngôi năm 1460), Dương Bang Bản đã đỗ tiến sĩ.  ĐVSKTT chép rằng, trông kỳ thi đình năm ấy, đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùng văn sĩ. Trong khoa thi này đã có 3 người đỗ tiến sĩ  cập đệ, 16 người đỗ tiến sĩ xuất thân và 25 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân…

Một điều cũng nên biết là chính trong năm 1484, vào trung tuần tháng 8, Lê Thánh Tông đã sai dựng bia có ghi tên các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ ba (1442) dưới triều vua Lê cho tới khoa Giáp Thìn năm Hồng Đức thứ 15. Có lẽ Lê Tung đã là một trong những tiến sĩ  mới nhất được ghi tên vào bia đá  năm đó…

Các sử liệu cũ hầu như không ghi chép gì về hành trạng của Dương Bảng Ban dưới triều vua Lê Thánh Tông. Có lẽ lúc ấy ông mới chỉ được giữ những chức quan nhỏ nên chưa lọt được vào mắt xanh của vị minh quân vào loại hàng đầu thời Lê sơ này. Sau khi vua Lê Thánh Tông  mất ngày 30 thàng giêng năm 1497, kế vị ông là hoàng thái tử Tranh, tức vua Lê Hiến Tông. Trong 7 năm dưới triều Lê Hiến Tông, Dương Bảng Ban cũng chưa làm được việc gì nổi bật hẳn nên cũng là “vô danh” trong ĐVSKTT.

 Khi Lê Hiến Tông “vì đam mê nữ sắc, bị bệnh nặng” (ĐVSKTT) rồi qua đời ngày 23/5/1504, lên thay ông là người con trai thứ ba, tên húy là Thuần, tức vua Lê Túc Tông. Đây là  ông vua “dốc chí hiếu học, thân người hiền, vui việc thiện” nhưng lại đoản mệnh nên chỉ ở ngôi được gần một năm và mất khi mới 17 tuổi (ngày 8/12/1504)! Kế vị Lê Túc Tông là người anh của ông, con trai thứ hai của vua Lê Hiến Tông, tên  húy là Tuấn, tức vua Lê Uy Mục. Khác vói cha và em, Lê Uy Mục “nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tôn thất, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương” (ĐVSKTT). Chính vì thế nên Lê Uy Mục chỉ ở ngôi được 5 năm thì bị hại, phải uống thuốc độc tự tử năm 22 tuổi (ngày 1/12/1509).

Trong suốt khoảng thời gian trên, Dương Bảng Ban vẫn phục vụ trong triều nhưng ông vẫn chưa được xếp vào hàng trọng thần có oai vũ đáng kể nên ĐVSKTT cũng không hề nhắc gì tới ông. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn đó, có lẽ ông đã rất tận tậm với nhà Lê nên đã được ban quốc tính và có tên họ Lê Tung để về sau hậu thế ghi danh.

Gần bùn mà chẳng…

Theo tìm hiểu của người viết, ĐVSKTT đã lần đầu nhắc tới Lê Tung là ở đoạn chép về việc lên ngôi của Giản Tư Công Lê Oanh, tức vua  Lê Tương Dực, sau khi Lê Uy Mục tự vẫn bằng thuốc độc. Lê Oanh, tên húy là Dinh, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, bị Lê Uy Mục tống giam nên buộc phải tìm cách thoát thân và dấy binh tụ nghĩa để lật đổ bạo chúa. Sau khi lên ngôi cuối năm 1509, Lê Tương Dực đã ngay lập tức chọn trong số các triều thần cũ những người mà ông cho là sáng giá để trao trọng trách. Lê Tung là một trong số những người được chọn như thế. Trong giai đoạn đầu ngự trên ngai vàng, Lê Tương Dực, như ĐVSKTT chép, “đã ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp”.  Thế nhưng chẳng bao lâu sau, do chơi bời vô độ, nên Lê Tương Dực đã để xã hội dần dà đồi phong bại hóa và rối loạn…

Chính trong giai đoạn đầy nhiễu nhương đó của thời Lê sơ, Lê Tung đã làm được những việc rất hữu ích không chỉ cho thời bấy giờ mà cả cho hậu thế.

Tháng 3/1512, Lê Tương Dực đã gia phong cho Lê Tung làm Thiếu bảo  Lễ Bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc Tử giám tế tửu  tri kinh diên sự Đôn Thư bá. Tới tháng 9/1512, Lê Tương Dực sai Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận dựa trên cơ sở của bộ Đại Việt thông giám thông khảo của Vũ Quỳnh soạn trước đấy. Đó gần như là một bản tóm tắt những sự kiện cốt yếu, theo quan điểm và cách nhìn rất sắc sảo của người soạn kèm theo những lời bình sáng suốt, nội dung tập sử đồ sộ này. Về sau, bài tổng luận của Lê Tung được các soạn giả của ĐVSKTT đưa toàn bộ vào phần đầu của bộ quốc sử.

Hơn ai hết, Lê Tung hiểu rõ công dụng giáo huấn của lịch sử đối với những người cầm quyền. Ngay ở phần đầu bài tổng luận của mình, ông đã nhấn mạnh: “Các bậc đế vương thánh minh trị vì thiên hạ, có chí ở trách nhiệm làm vua, làm thầy,  không thể không nghiên cứu cái học của đế vương; mà có chí ở việc nghiên cứu cái học của đế vương thì không thể không biết rõ cái lý của xưa nay. Xem như thế thì các sách sử làm ra sở dĩ thành rùa bói gương soi cho vua các đời là bởi ý ấy”.

Sống trong thời phong kiến xa xưa, nhưng là một trí giả đích thực, Lê Tung đã có một phương pháp tư duy không duy tâm. Có thể nói hơn thế, ông luôn kiên trì bám theo cách nhìn duy vật, “lấy nhân làm gốc”, vào dòng chảy nhiều biến thiên của lịch sử, dù lắm khi vẫn phải sử dụng cách nói có vẻ như duy tâm phổ biến ở thời đó. Ông phân tích sự nổi lên cùng sự diệt vọng của nhà Đinh: “Nhà Đinh dấy lên, tuy do số trời, nhưng đến lúc suy  là do tam cương không chính. Tiên Hoàng bỏ con đích lập con nhỏ, mà ân tình cha con trái lìa; lập năm hoàng hậu ngang nhau mà tình nghĩa vợ chồng rối loạn, yêu dùng Đỗ Thích để thành họa cướp ngôi giết vua, mà đạo vua tôi không còn. Thế thì họ Đinh dấy lên do ở Tiên Hoàng mà họ Đinh mất đi cũng là do Tiên Hoàng, không phải là mệnh trời không giúp mà chính là do mưu người không ra gì”.

Là người hiển nhiên là có tín ngưỡng nhưng Lê Tung vẫn  rất phê phán đối với thói sùng tín tôn giáo quá đáng trong một số giai đoạn lịch sử ở nước ta. Khi tóm lược sử liệu về triều Lý, ông đã đặc biệt phê phán đam mê tôn giáo lắm khi đã trở thành quá đà, vốn rất phát triển ngay cả ở những nhân vật xứng danh minh quân nhất của dòng họ này.

Ông nhận định về Lý Thái Tổ: “Lý Thái Tổ… ứng mệnh trời,  thuận lòng người, thừa cơ mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân, tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ. Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên. Song thánh học chẳng nghe, nho phong chúa thịnh, tăng ni chiếm nửa nhân gian, chùa chiền dựng đầy thiên hạ, không phải là đạo sáng nghiệp truyền dòng vậy…”.

Ông cũng phê phán vua Lý Thái Tông “nay thơ kệ đạo Phật ở chùa Tiên Du, mê điệu hát Tây Thiên, không phải đạo nuôi dân trị nước…”. Không phải nhận lòng nhân nghĩa to lớn đối với dân của các ông vua như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, ông vẫn chỉ ra những điểm yếu của các ông vua này là: “nhọc sức dân để xây tháp Báo Thiên, phí của dân để dựng cung Dâm Đàm” (Thánh Tông), “Lãm Sơn mở tiệc để mẫu hậu dạo chơi, Quy Điền đúc chông cho bọn tăng ni lừa phỉnh” (Nhân Tông)… Ông cũng phê phán thói “quá thích điềm lành, sùng thượng đạo Phật, thắng giặc cũng quy công cho Phật” của Lý Thần Tông, trách Lý Anh Tông “tin dùng đạo Phật, đạo Lão mà đặt khoa tăng đạo, sao mà u ám thế”…

Đối với nhiều vị vua của nhà Trần, Lê Tung đã đánh giá rất cao những công lao của họ đối với sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước, nhưng ông cũng không khoan nhượng khi đề cập tới “đạo Phật đắm lòng” của họ. Ông đã kết luận bằng những phân vân rất đắng lòng: “Nhà Lý thờ Phật rất kính, thế mà con cháu nhà Lý bị giết ở tay hung hiểm… mà Phật chẳng cứu nổi. Là thiên tử mà làm đại sĩ, làm phi tần mà làm khưu ni, làm vương chúa mà làm tăng chúng, nhà Trần thờ Phật hết lòng, thế mà tôn thất nhà Trần bị giết bởi tay gian trá... Phật cũng chẳng độ được. Thế thì việc thờ Phật có ích gì không?”. Đúng là Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho tới bây giờ mặt vẫn chau (Huy Cận, Những  pho tượng La Hán chùa Tây Phương)…

Trong phần cuối bài tổng luận, Lê Tung đã mạnh dạn nêu lên nguyện  vọng  của mình đối với vua Lê Tương Dực: “Cúi xin Hoàng đế bệ hạ khi rảnh rang sau muôn việc giảng giải cho rõ đạo trị nước, đọc các việc của Triệu, Đinh, Lý, Trần thì biết được mệnh trời, lòng người mất hay còn, hiểu rõ quốc thống cơ đồ hưng hay phế, phân biệt quân tử tiểu nhân tiêu hay trưởng, xét rõ khí số phong tục thịnh hay suy; do đó mà chính sự các triều đại hay dở thế nào có thể biết rõ được…”.

Tiếc thay, Lê Tương Dực không phải là minh quân như Lê Tung mong đợi. Những lời tâm huyết của ông chỉ là “đàn gảy tai trâu” đối với một vị vua không sáng nghĩa. “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, ấm chỗ trên ngôi báu, Lê Tương Dực đã càng ngày càng trở nên sai quấy.

Tội lỗi của ông đã được chép trong ĐVSKTT như sau: “Gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước của người khác, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khóa nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi…”. Những trò chơi vô độ hoang dâm đã khiến ông vua này bị dân gian đã gọi ông là “Trư vương”…

Rốt cuộc thì tức nước vỡ bờ, tới ngày 1/4/1516, ở tuổi 21, sau 7 năm làm vua, Lê Tương Dực đã bị bề tôi nổi loạn giết chết ở ngay cửa nhà Thái Học… Lúc này, Lê Tung đã ở tuổi ngoại lục thập, chưa phải “cổ lai hy” nhưng cũng không còn trẻ nữa… Sách sử không ghi thời điểm Lê Tung mất. Có lẽ những năm cuối đời, ông đã phải sống với những ưu tư không thể gọi là vui về thời đại u ám, bất đắc ý của mình. Dẫu sao, ông vẫn có thể  ngẩng cao đầu nhìn nhân thế, vì dù sinh ra không phụng thời, ông vẫn làm được những việc hữu ích cho đương thời và cả thời nay

Đặng Đình Nguyên
.
.