Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947):

Không nói điều không thực nghĩ

Thứ Sáu, 10/05/2013, 10:54
Trung tuần tháng tư này tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã long trọng diễn ra Lễ Truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trong những sĩ phu nổi bật nhất trong phong trào yêu nước ở nửa đầu thế kỷ XX. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ Huỳnh đã ra Hà Nội tham gia chính quyền mới và từng là Quyền Chủ tịch nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khi cụ Huỳnh từ trần, Bác Hồ trong lá thư gửi đồng bào cả nước ngày 24/4/1947 đã viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập".

Tinh hoa phát tiết

Sinh ra trong một gia đình Nho học nghèo, gốc nông dân ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bằng những nỗ lực to lớn, cụ Huỳnh nổi danh là một trong “tứ hổ” của đất Quảng (bên cạnh những Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến và Phạm Liệu). Mặc dù đỗ đại khoa với học vị tiến sĩ, cụ đã không chịu dầm mình trong chốn quan trường mà lại cùng với các nhân sĩ đương thời như các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp tiên phong khai mở Phong trào Duy Tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, chủ trương cứu nước bằng con đường bất bạo lực. Thế nhưng, nhiệt huyết của các cụ cũng đã làm dấy lên cao trào đấu tranh yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, làm rung động bộ máy thống trị của thực dân Pháp. Và cụ đã bị chúng đày ra Côn Đảo suốt 13 năm liền (1908-1921). Ra tù, cụ vẫn không rời bỏ tâm nguyện cũ và nhận làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, với mong mỏi được góp sức giúp dân, giúp nước nhiều hơn. Tuy nhiên,  chế độ thực dân phong kiến đương thời đã không cho phép cụ hành động như ý muốn nên cụ đã khảng khái từ chức và đứng ra lập báo Tiếng dân. Số đầu tiên của tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở xứ Trung Kỳ này ra mắt độc giả ngày 10/6/1927. Ngay trong “Lời phi lộ” của báo, cụ Huỳnh đã tuyên bố: “Nếu không có quyền nói tất cả những  điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Chính trên Tiếng dân, cụ Huỳnh với vai trò “nhà cách mạng công khai” đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền; vạch trần chính sách cai trị nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến…

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Hà Nội chung tay gánh vác việc nước và nhận chức Bộ trưởng Nội vụ trong thành phần chính phủ liên hiệp kháng chiến. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà  thì bất cứ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”… Và cụ đã làm được rất nhiều việc lợi dân ích nước với một tinh thần tận hiến đến cảm động. Tháng 11/1946, khi quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cải tổ lại chính phủ liên hiệp kháng chiến, cụ Huỳnh dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn “vì đại nghĩa” mà “ở gắng lại” trên chức vụ cũ (lời Bác Hồ). Rồi cụ thay mặt chính phủ trung ương đi kinh lý miền Trung.  Trung tuần tháng 4/1947, vào tới Quảng Ngãi, không may cụ bị ốm nặng. Biết mình không thể qua khỏi, cụ đã viết gửi tới Bác Hồ những dòng cuối cùng đầy cảm động:

“Tôi bị bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã được hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”.

Báo Tiếng dân.

Nhìn thẳng sự thật

Bất chấp tất cả những hữu hạn của thời đại mà mình sống, “Nhà cách mạng công khai” Huỳnh Thúc Kháng trên hết luôn là một nhà khai sáng. Những bài viết của cụ luôn lấp lánh những ánh lửa trí tuệ giúp cho mọi người thấy rõ hơn những điều phải trái để tự tu thân dưỡng tính vừa thiện mình, vừa ích nước. Trên tờ Tiếng dân, trong số báo ra ngày 15/5/1929, cụ Huỳnh đã viết bài báo Cái tánh gia truyền của dân tộc ta mà trong đó đã vạch ra được những “sở đoản” trường niên của “người mình” đúng đến mức nếu hôm nay ta đọc, vẫn có cảm giác hình như đã có quá ít những điều thay đổi trên dải đất quê hương:

“Dân tộc ta là một nước cổ bên Á đông này, những tính di truyền như: chuộng sự văn học, trọng kẻ tài đức, kính kẻ già, thương kẻ trẻ, giúp đỡ những người nghèo, người bệnh, cứu nhau trong hoạn nạn tai ương, cho đến hôn nhân tang tế, cốt tự lòng thành, trai hiếu gái trinh, giữ làm nền nếp v.v… đó đều là sự tốt mà đời nọ đời kia dần dần phát triển ra, cho đến ngày nay, chầu chợ biến thiên, bể dâu thay đổi, mà cái tánh di truyền đó còn có cái ảnh hưởng ngấm ngầm lưu hành trong xã hội mà chiếm một cái thế lực vô hình. “Lễ mất tìm ở ngoài đồng nội” (Lễ vong cầu chư dã), câu ấy thật không sai vậy.

Tuy nhiên, trong những tánh di truyền, cái tốt vẫn nhiều mà cái xấu cũng không ít. Cái tốt thì cần phải phù thực mà san mới phát triển dần dần, còn cái xấu thì đào gốc lấp nguồn mà không sao làm cho nó tiêu hẳn đi được. Bởi vậy cho nên hai điều đó thường đắp đổi nhau mà tiêu trưởng, nhất là gặp khoảng chánh giáo suy đồi, nhân tâm hoảng hoặc thì điều tốt như lan sinh trong cỏ, ngày một tiêu mòn; điều xấu như nước lụt giăng đồng, phá đập vỡ đê mà không có cái gì ngăn lại được. Tức là như hiện trạng xã hội ta ngày nay, thử hỏi cái tánh di truyền tốt thuở này ở đâu, thì thật không biết tìm vào đâu, mà nói đến cái xấu thì hiện trên thế giới đều lấy mình làm gương…”.

Và cụ đã kể ra bốn trong số những tính xấu di truyền của người mình:

“Một là, học để làm quan. Người sinh ở đời, có học mới khôn, có khôn mới làm hết bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tánh di truyền “đi học cốt để làm quan!”. Vì cái tánh đó, cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học, phép thi đổi ra cách mới, công chiến thương chiến, giặc tới bên chân, mà người đi học trong nước vẫn ôm lấy cái kỳ vọng “làm quan” là chủ chốt.

Hai là, làm quan ăn lót. Người mình mà chỉ có cái kỳ vọng làm quan không phải vì ra mà kinh bang tế thế đăng ăn lộc nước mà thôi đâu, cốt là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng nữa, vì thế nên làm quan mà ăn của dân, cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hưởng, tập dữ tánh thành, không ai cho là điều quái lạ hổ thẹn nữa.

Ba là, a dua người quyền quý. Theo thời đại chuyên chế, ông quân chủ là thần thánh bất khả xâm phạm, lần lần rồi đến những chân tay đầy tớ của ông, cũng không ai dám động đến. Ngu dốt mà cũng xưng là thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức.  Dầu cho kẻ nào có dựa được một chút quyền vị nọ mà đứng vào cái địa vị trị dân cũng không dám nói đến. Tham nhũng đến đâu mà cũng phô rằng thanh liêm, hèn mạt đến đâu mà cũng tôn làm tài đức. (Thử xem mấy bài tấu, sớ, biểu, chương của đám quan trường, cùng những đơn nguyện lưu các phủ huyện, thì gần như trong đời không có ông hôn nhân, cùng kẻ tham lại nào, mà thuần là thần thánh tài năng cả). Vì cái tánh đó di truyền đã lâu, cho nên bất kỳ việc gì, người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương, Thói này thì ngày nay càng thịnh hành hơn ngày xưa, vì không cần phải vua quan mà thôi, xem những tiếng “vạn tuế” cao xướng hàng ngày thì đủ biết!

Bốn là, trọng xác thịt. Vì trọng xác thịt nên ngoài sự ăn sung mặc sướng, ở yên ra, gần như không có tư tưởng gì nữa, tự mình đã thế mà đối với kẻ khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét, nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, muốn bắt chước theo, dầu có hại nòi nát giống, mắng mẹ đạp cha, mà đạt được mục đích thì cũng không từ…”.

Có lẽ không ít người trong chúng ta không khỏi giật mình khi đọc những dòng trên của cụ Huỳnh. Và chúng ta có lẽ càng phải thấm nhuần hơn những chỉ giáo của cụ về nhiệm vụ phải cải thiện không ngừng tâm tánh dân tộc:

“Những điều như thế, kể ra không xiết, nếu những điều xấu cũ cứ một mực thịnh hành, mà không có cái gì ngăn ngừa, lại thêm cái văn minh xu xác, thế lực kim tiền, nó theo mà thổi giục lên nữa, thôi thì lửa nọ được dầu, sóng kia thuận gió, không những quét sạch bao nhiêu tánh di truyền tốt của ông bà ngày trước, mà còn có thể cuốn cả hai mươi triệu đồng bào ta xoay vào cái rốn biển trầm luân mà không sao ngóc đầu dậy được…”

Lưu Hùng Văn
.
.