Nhà văn, nhà biên kịch Trần Kim Thành:

Không ngoái nhìn quá khứ

Thứ Ba, 19/04/2011, 16:01
Có lẽ, bất cứ ai đã trải qua năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, chắc chắn sẽ không thể quên được cảm xúc về những ngày tháng 4 lịch sử. Đó là ngày mà cả dân tộc ngập chìm trong niềm hạnh phúc tột bậc vì đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà.

Có một cuốn sách đã ra đời sau ngày trọng đại ấy: "Sài Gòn 5-1975" của nhà văn, nhà biên kịch Trần Kim Thành, đã đáp ứng kịp thời những thông tin, tư liệu về Sài Gòn những ngày tháng đầu tiên sau giải phóng,  bán hết veo 5.000 bản trong lần in thứ nhất và cho đến nay đã tái bản tới lần thứ 5 với lời đánh giá: "…

Đây là một trong những tài liệu ghi lại chính xác nhất thời điểm lịch sử cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975 ở Sài Gòn" (Đài Phát thanh TNVN buổi 14 giờ 30 ngày 26/4/2008). Tác giả cuốn sách giờ đã bước sang tuổi 73, ông cũng đã có trong gia tài hơn chục đầu sách, vài chục kịch bản phim, nhưng với ông, hoài niệm về những ngày tháng ấy vẫn như một thước phim "âm bản" luôn trở về trong ký ức.

Ông được thừa kế căn nhà của cụ thân sinh để lại rộng cả trăm mét vuông trên mặt đường phố Ngọc Lâm, Hà Nội. Khu phố sầm uất và náo nhiệt mua bán nhưng dường như không hề ảnh hưởng gì tới không gian ấm cúng của đôi vợ chồng hạnh phúc là nhà văn Trần Kim Thành và vợ ông.

Căn nhà của ông bà được thiết kế theo phong cách xưa nhưng thoáng đãng và gọn gàng, bốn bức tường chỉ toàn sách là sách. Những cuốn sách đã úa màu thời gian nhưng được xếp đặt bởi một bàn tay nâng niu, trân trọng. Bên cạnh giá sách là những bức ảnh chân dung của gia đình, ông đứng cạnh vợ và bốn cô con gái thành đạt với nụ cười viên mãn.

Nhà văn Trần Kim Thành và con gái, diễn viên Yến Chi.

Bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra một trong số bốn cô con gái ấy là nữ diễn viên nổi tiếng Yến Chi, người đã có hai vai diễn trái ngược nhau nhưng đều rất thành công: Một cô gái nghèo khổ phải đi đẻ mướn để kiếm tiền trong phim Tôi vào đời (phim truyền hình được Huy chương Vàng của Liên hoan phim Truyền hình Việt Nam) và một bà Nam Phương Hoàng hậu sang trọng, quyền uy trong phim Ngọn nến Hoàng cung (phim truyền hình dài 45 tập được giải Cánh diều vàng Liên hoan phim 2004), đấy là chưa kể những vai diễn trước đó đã góp phần mang lại tên tuổi cho chị như Tú Lan trong phim Tráng sĩ Bồ Đề, Thị Mịch trong phim Giông tố, Lan trong Hoàng hôn nhiệt đới, Bích trong Nói với người đang yêu, Cam Ly trong Hai nửa yêu thương, Duyên trong Mảnh đất tình đời…

Nhà văn Trần Kim Thành tốt nghiệp Khoa Sinh học khóa 3, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1957-1961), sau đó ông về làm việc  trong Ban thư ký Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp. Là người học khoa học tự nhiên, nhưng lại yêu thích văn chương. Tốt nghiệp đại học, đồng thời ông cũng đã viết được một tập truyện, rải rác có truyện in trên các báo. Thời đó để in riêng được một tập truyện ngắn rất khó khăn.

Ngày đầu tiên, ông mang bản thảo đến Nhà xuất bản Văn học thì gặp nhà thơ Quang Dũng. Cái nhìn của nhà thơ  đầy vẻ… nghi ngờ. Hẳn là nhà thơ nghĩ, một thanh niên Hà Nội chừng 22, 23 tuổi mà lớ ngớ viết văn thì có đọc cũng… mất thì giờ.

Trần Kim Thành hồi đó đang được Bộ Nông nghiệp cân nhắc cho đi học tu nghiệp ở nước ngoài, nên đánh liều hỏi nhà thơ Quang Dũng là bao giờ thì có sách in. Ông nhận được nụ cười mỉm và câu trả lời tưng tửng: "Anh đi học chừng ba, bốn năm phỏng? Nếu thế thì cũng chừng ba bốn năm nữa mới có tin tức về bản thảo này, anh cứ yên tâm mà đi đi!".

Trần Kim Thành rời Nhà xuất bản trở về với công việc của mình ở Bộ Nông nghiệp. Nhưng thật bất ngờ, chỉ chừng 15 ngày  sau, ông bỗng nhận được cuộc điện thoại gọi đến Văn phòng thư ký Bộ trưởng. Đầu dây bên kia, giọng nhà thơ Quang Dũng có vẻ gấp gáp: "Bảy giờ tối nay anh đến Nhà xuất bản gặp tôi nhé!". Khi Trần Kim Thành đến thì nhà thơ Quang Dũng mặc áo may ô, quần đùi vì thời tiết mùa hè nắng nóng, đang ngồi bên bàn làm việc.

Nhìn Trần Kim Thành dáng vẻ e dè, nhà thơ hào hứng đập  bộp bàn  tay to lớn vào vai anh thanh niên, nói: "Cậu rất có triển vọng. Được lắm. Tôi đọc của cậu nhanh là vì, hôm qua, khi tôi đến làm việc thì cậu Hợp (làm việc hành chính ở NXB) lại khóa mất cái tủ bản thảo của tôi rồi đi công việc, không có gì để đọc, tôi mới lấy bản thảo của cậu đang để trên bàn chưa kịp cất vào tủ ra đọc, thì thấy được lắm. Nhưng thôi, tôi mời cậu đi ăn phở!".

Trần Kim Thành đi cùng nhà thơ Quang Dũng mà cứ ngỡ đang nằm mơ. Đến tiệm phở, ông mải nhìn thần tượng của mình mà dốc cả lọ hạt tiêu vào bát phở nóng, sau đó nghiến răng ăn cay chảy cả nước mắt mà không dám kêu. Cũng từ đó, nhà thơ Quang Dũng trở thành một người bạn vong niên đối với Trần Kim Thành. Sau này cũng vì thích truyện ngắn Chị Thảo trong tập truyện ngắn mình  biên tập mà nhà thơ Quang Dũng đã đặt tên cho cô con gái của mình sinh lúc đó theo tên nhân vật chính trong truyện là Thảo.

Tập sách đầu tiên của Trần Kim Thành đã lọt vào mắt xanh của Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Phạm Tuấn Khánh. Ngay sau đó, Trần Kim Thành được chuyển từ Bộ Nông nghiệp sang làm cán bộ biên tập Xưởng phim Hà Nội (sau này đổi thành Hãng Phim truyện Việt Nam), trong khi ông chưa biết gì về phim ảnh.

Năm 1976 ông được đi nghiên cứu về điện ảnh ở Bungari. Gần bốn chục năm làm việc  trong điện ảnh, ông đã viết hơn 30 kịch bản phim. Phim của ông đã được hoàn thành dưới bàn tay của các đạo diễn tên tuổi như Phạm Văn Khoa, Trần Đắc, Hải Ninh, Lê Đăng Thực, Huy Thành…

Bản thân ông đã làm biên tập hàng chục bộ phim truyện nhựa, trong đó có nhiều phim đã để lại những mốc son cho điện ảnh nước nhà như Làng Vũ Đại ngày ấy, Tự thú trước bình minh, Chom và Sa… Làm việc trong ngành điện ảnh, Trần Kim Thành đã đi tới nhiều vùng đất để quay được những thước phim quý giá, cũng là dịp để ông đi thực tế lấy tư liệu để viết văn. Cuốn ký sự Sài Gòn 5/1975 được hoàn thành trong hoàn cảnh tương tự, khi ông cùng ê kíp đoàn làm phim tiến vào Sài Gòn vào đúng ngày giải phóng để ghi lại toàn bộ sự việc để làm một cuốn phim tài liệu.

Nhà văn Trần Kim Thành còn nhớ một kỷ niệm thú vị sau thời điểm cuốn sách ra đời: "Một hôm tôi ra hiệu sách Nhân dân ở phố Tràng Tiền thì nhìn thấy nhà thơ Xuân Diệu tay cầm cuốn Sài Gòn 5-1975 đang lớn tiếng với cô bán sách rằng: "Nhà thơ Xuân Diệu xưa nay đọc không hết những cuốn sách của văn nhân thi hữu tặng. Giờ Xuân Diệu phải đi đến hiệu sách bỏ tiền mua cuốn này bởi nghe người ta truyền tai là cuốn sách nhiều tư liệu hay, kể nhiều chuyện nhiều việc rất thú vị. Vậy mà hiệu-sách-nhân-dân lớn nhất đất nước lại không bán sách cho Nhà-thơ-Xuân-Diệu!!". (Nhà thơ nhấn mạnh những từ này).

Ông bực bội nhìn quanh. Bởi thấy tôi đứng gần bên (lúc đó cũng như sau này, tất nhiên nhà thơ Xuân Diệu không biết tôi là ai), nhà thơ túm lấy vai áo tôi giật giật: "Xuân Diệu nói thế phải không anh bạn trẻ?... À ờ…Ông nhìn tôi, nghi hoặc: “…Nhưng tôi hỏi thật…anh bạn trẻ có năng đọc sách không đã chứ?". Tôi ngượng ngùng bối rối quá, không biết nói sao. Chỉ còn biết im lặng gỡ bàn tay nhà thơ túm  vai áo, tìm cách đi khỏi quầy sách.

Biết hôm đó nhà thơ Xuân Diệu không mua được cuốn sách (thời đó sách tuy in nhiều, nhưng đa phần dành bán cho thư viện, tủ sách), cách mấy hôm sau, tôi mang 1 cuốn Sài Gòn 5/1975, không lời đề tặng, không chữ ký tác giả, đến gặp nhà văn Hoàng Lại Giang là người biên tập cuốn sách của tôi ở NXB Văn học để nhờ anh đưa tới nhà thơ Xuân Diệu…

Từ đó cho đến sau này, tôi không có dịp nào được gặp nhà thơ Xuân Diệu. Chỉ đôi lần thoáng nhìn thấy nhà thơ đạp chiếc xe đạp màu đỏ cũ kỹ trên đường phố Hà Nội. Ngày 18/12/1985 nhà thơ Xuân Diệu mất, tôi đến viếng ông như nhiều người yêu quý thơ ông. Tôi lặng lẽ xếp vào dòng người dài đi sau linh cữu nhà thơ, với tâm thức trân trọng, xúc động của một người viết vô danh đưa tiễn một Người đọc lớn  của mình về nơi an nghỉ cuối cùng".

Nhà văn Trần Kim Thành luôn nghĩ rằng, ông đến với văn chương như một nhu cầu tự thân, thấy cần cầm bút để ghi chép lại những điều mình mắt thấy, tai nghe và biết cảm nhận trong những chặng dừng chân sau mỗi cuộc hành trình.

Ông luôn coi văn chương là một cõi thiêng, nên, dù được hai nhà văn đều là hai vị Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Đình Thi và Vũ Tú Nam giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1971, nhưng từ bấy đến nay suốt 40 năm hội viên, ông chỉ mới đến Hội Nhà văn chừng 3,4 lần (để nhận thẻ  hội viên, sách kỷ yếu của hội...). Ông bảo, ông không quảng giao và không nhiều người quen thân trong giới văn chương nên ông thấy mình… "vô duyên" khi bước vào ngôi đền thiêng ấy.

Bởi vậy mới có câu chuyện thú vị thế này: Năm 2005, theo lời hứa trong một lần tình cờ gặp lại nhà văn Đỗ Chu trên đường phố, ông mang tới phòng thường trực Hội để gửi tặng nhà văn Đỗ Chu 2 cuốn sách vừa xuất bản, trong đó có cuốn Sài Gòn 5/1975 vừa in lại lần thứ 4. Vài ngày sau, ông nhận được điện thoại của nhà văn Đỗ Chu nói Trần Kim Thành nên làm đơn vào Hội Nhà văn Việt Nam và Đỗ Chu sẽ giúp giới thiệu!

Nhà văn Trần Kim Thành là một người chỉ biết lặng lẽ làm việc. Cho đến nay, dù đã nghỉ hưu, song ông vẫn tư vấn sản xuất phim cho các hãng phim và các tổ chức, cá nhân làm phim trong nước và nước ngoài. Với ông, điện ảnh chỉ là công việc, là nghề, còn văn chương mới thực sự là mảnh đất mà ông gửi gắm mọi tâm huyết, tâm tư của mình. Những năm trước, dù bận rộn đến mấy, ông vẫn đều đặn xuất bản một một tập sách.

Đến năm 2005 ông viết tiểu thuyết Âm bản là chuyện về những người làm điện ảnh Việt Nam để trả nợ cho công việc, nghề nghiệp đã gắn bó mấy chục năm, và cũng tự coi cuốn sách tạm khép lại chặng đường viết văn của mình. Ông bảo, không làm được nhà văn, nghệ sĩ thì làm người lương thiện. Ông đã là nhà văn của một thời và ông cũng hiểu rằng mảnh đất văn chương đầy nghiệt ngã, không phải là trò chơi của bất cứ ai và không phải nhà văn nào cũng có số phận may mắn có thể tồn tại từ thời này đến thời khác.

Ông tâm sự: "Biết tiến đúng lúc là tướng giỏi. Biết lui đúng lúc mới là tướng tài. Câu nói của người xưa chẳng phải chỉ dành cho những vị tướng cầm quân ra trận. Cũng là lời nhắc nhở người viết. Hãy tỉnh táo để biết rút lui đúng lúc khỏi mê hồn trận của đạo quân chữ nghĩa trong mỗi sáng tác và cuộc đời".

Niềm vui nghề nghiệp đối với ông là có cô con gái nối nghiệp cha, nghệ sĩ, tiến sĩ nghệ thuật học Trần Yến Chi. Sau vai Nam Phương Hoàng Hậu, chị đã lui vào hậu trường theo lời khuyên của cha mình để chuyên sâu vào giảng dạy về biểu diễn và đạo diễn tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM. Mới đây, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về nhà soạn kịch người Mỹ Arthur Miller nổi tiếng trên kịch trường thế giới, tác giả hai vở kịch đã được dịch, in ấn và biểu diễn ở nước ta vào những năm 70 của thế kỷ trước là Cái chết của một người chào hàng và Tất cả đều là con tôi.

Trên trang đầu cuốn sách nghiên cứu mới in của mình "Nghệ thuật biên kịch Arthur Miller", tác giả Trần Yến Chi viết rằng: "Tôi mong muốn tặng cuốn sách này cho cha tôi, nhà văn Trần Kim Thành người đã khơi nguồn cảm hứng tri thức và niềm khát khao với học thuật trong tôi". Còn với nhà văn Trần Kim Thành, ông chỉ có một lời khuyên đối với con cái mình, đúng như tiêu chí mà suốt đời ông theo đuổi: Biết dừng lại đúng lúc là một thành công của mỗi đời người

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.