Nhà văn E.Hemingway, giải Nobel văn học:

Không mạnh mẽ thì không sống nữa

Thứ Hai, 16/07/2012, 10:30
Mặc dù đã qua đời hơn bốn thập niên (ngày 2/7/1961), Ernest Hemingway vẫn còn rất thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ ở riêng nước Mỹ. Cho tới hôm nay, ngay cả sau khi sách báo viết về ông đã lên tới con số hàng chục nghìn, người ta vẫn tò mò muốn biết thêm về đời tư của ông. Ông vẫn có vô số người bắt chước, cả nghiêm túc lẫn không quá nghiêm túc. Nhiều cây bút văn học ở Mỹ tới nay vẫn còn cảm thấy sự ảnh hưởng to lớn của phong cách Hemingway đối với mình.

Và mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật ông (21/7) hàng năm vẫn có vô số những hoạt động hướng về tác giả của những “Giã từ vũ khí” (1929), “Chuông nguyện hồn ai” (1940), “Ông già và biển cả” (1952)...

Tâm lý tại mẫu

Hemingway là người con thứ hai nhà (trên ông có một người chị). Mẹ ông, bà Grace Hall, xuất thân trong gia đình một người Anh nhập cư, từng là quân nhân trong cuộc nội chiến Mỹ. Thời trẻ, bà từng mơ ước trở thành một nữ nghệ sĩ hát opera và đã từng đi làm kiếm tiền để theo học thanh nhạc. Tuy nhiên, rốt cuộc bà phải chấp nhận vai trò làm vợ của một bác sĩ làng!

Như chính nhà văn sau này nhớ lại, mẹ ông là một phụ nữ độc đoán và rất sùng đạo. Đó cũng là người vợ, cũng theo ký ức của Hemingway, đã chi phối chồng một cách tồi tệ đến mức gần như là bà đã hủy hoại ông. Cũng có những tài liệu cho rằng, mẹ nhà văn đã bị rối loạn thần kinh chức năng… Những khiếm khuyết về tâm lý của người mẹ hiển nhiên đã ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tinh thần của người con trai…

Theo nhận xét của nhà thơ nổi tiếng Wallace Stevens, có vẻ như Hemingway là người duy nhất mà ông từng gặp “thực sự ác cảm với mẹ của mình”… Cũng có thể (một cách vô thức) chọc giận mẹ nên Hemingway đã không tỏ ra say mê âm nhạc như bà mong muốn mà lại cố tình bộc lộ những ham mê giống cha như đi săn, câu cá và cắm trại trong những khu rừng và hồ vùng bắc Michigan…

Cần cù bù mọi thứ

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng toàn thế giới, Hemingway nhiều năm hành nghề báo. Sau khi học trung học, Hemingway không vào đại học mà đi làm phóng viên cho tờ The Kansas City Star. Mặc dù chỉ trụ ở đó có sáu tháng (từ 17/10/1917 tới 30/4/1918), nhưng trong suốt cuộc đời mình, ông đã sử dụng tôn chỉ viết của tờ báo này để tạo nên phong cách viết cho riêng mình: “Sử dụng những câu văn ngắn. Sử dụng những đoạn mở đầu ngắn. Sử dụng thứ tiếng Anh hùng hồn. Phải khẳng định, không phủ nhận”. Năm 1999, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hemingway (ông sinh ngày 21/7/1899), ban biên tập The Star đã ghi danh Hemingway là phóng viên hàng đầu của báo trong một trăm năm qua.

Lối tư duy và làm việc của một phóng viên bẩm sinh đã khiến cho ngòi bút của ông trở nên khác lạ, gần như trở thành đặc trưng cho phong  cách tiểu thuyết thời hiện đại, vô cùng gần gũi với báo chí.

Có lần Hemingway đưa cho nhà báo Nga Henryk Borovik, một người bạn của ông, xem tờ giấy trong đó có ghi những hàng chữ số. Với vẻ rất nghiêm túc, ông nói rằng đấy là bảng thống kê của ông - cuối mỗi ngày (Hemingway làm việc hàng ngày từ 5 giờ sáng tới 1 giờ chiều), ông đếm xem mình đã viết ra được bao nhiêu chữ. Trung bình mỗi ngày Hemingway viết được khoảng 700-800 từ tiếng Anh. Cũng có một ngày ông chỉ viết được 208 chữ - bên cạnh con số thống kê này ông ghi: “Có những lá thư vụ việc cấp thiết”. Ông tự bào chữa cho mình trước bản thân! Như ông tự nhận xét, ông từ lâu “đã bán mình cho nền nếp kỷ luật cá nhân”. Không gì có thể bắt ông không làm việc. Ngay trong thời gian chiến tranh ở Tây Ban Nha, ông vẫn ngồi một mình ở Madrid trong khách sạn vắng hoe để đều đặn viết bài cho chuyên mục thường kỳ “Cột thứ năm”.

Sự thật nghệ thuật cao hơn

Từng có hai nhà báo Pháp tung ra giả thuyết, Gregoryo Fuentes, một người đánh cá ở làng chài Kojima (Cuba) đã kể lại cho Hemingway cốt truyện Ông già và biển cả. Tuy nhiên, sau khi tác phẩm này được hoàn thành, nhà văn lại quên đi nguyên mẫu của mình. Fuentes về sau gần như trở thành một VIP của làng chài. Ông cụ tham gia vào đủ các hoạt động tưởng niệm Hemingway sau khi nhà văn đã mất. Fuentes qua đời ngày 14/1/2002, ở tuổi 105.

Hemingway có vẻ như không đồng tình với việc Fuentes cứ khăng khăng mình là nguyên mẫu cho nhân vật chính trong Ông già và biển cả. Theo chứng nhận của nhà báo Nga Borovik, dường như Hemingway từng nhận xét về Fuentes như sau: “Tay đánh cá ấy nói ba láp đấy. Ông ta làm nghề chài lưới kém lắm. Tôi có lấy của ông ta một chữ nào đâu. Ông ta vì muốn có được vài ba đô của mấy phóng viên nên cứ tự nhận mình là nguyên mẫu Ông già trong truyện của tôi”.

Sau khi hay tin tác phẩm Ông già và biển cả được trao giải Nobel văn học, Hemingway đã bật cười và kể chuyện rằng, ông từng có lần thề từ đó cho tới cuối đời sẽ không bao giờ cầm bút viết văn nữa khi tiểu thuyết Bên kia sông, trong bóng cây (1950) của ông bị giới phê bình chê bai kịch liệt. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, khi bị rơi vào cảnh bần hàn, không xu dính túi, Hemingway bắt buộc phải viết một truyện ngắn để có tiền trả nợ. Và thế là Ông già và biển cả đã ra đời. Ông nói: “Từ đó tôi không ngừng tự hỏi mình: có khi cảnh túng thiếu mới là nguồn cảm hứng lớn đối với nhà văn?!”.

Theo lời kể của Borovik, Hemingway đã nói rằng, Ông già và biển cả là tác phẩm duy nhất mà ông đã viết xong rất nhanh và rất dễ dàng:

- Tôi không nhớ là đã mất mấy ngày, nhưng tôi viết nhanh lắm. Nhưng trước đó tôi đã nghĩ về cốt truyện này cả 13 năm. Khi vụ việc xảy ra ở làng chài Kojjima, tôi quyết định viết truyện ngắn.  Tuy nhiên, tôi đã hiểu ngay rằng, sẽ không thành công nên quay sang tìm hiểu về làng chài đó. Điều này theo đúng lý thuyết của Stanislavsky: người diễn viên có nhiệm vụ nói hai câu thôi nhưng cần phải biết mọi điều xung quanh nhân vật của mình. Còn nguyên mẫu ư? Sự thật nghệ thuật phải mạnh mẽ hơn sự thật đời sống - nhà văn phải mang tất cả những “sự thật” mà anh ta đã nhận thấy ở cuộc đời, ghép kiến thức và quan sát cá nhân để tạo ra sự thật của mình.

Chân lý nằm trong rượu

Hemingway thích uống rượu. Ông giải thích: “Tôi ngồi vào bàn viết từ sáng. Rồi sau đó, để khỏi bị ám ảnh bởi những gì vừa viết, tôi bắt đầu uống rượu và chỉ như thế mới cảm thấy mình được nghỉ ngơi một chút. Chứ không thì có thể hoá dại khi ta cứ phải nghĩ về mọi việc tiếp diễn với các nhân vật, chàng sẽ nói gì và nàng sẽ đáp lại như thế nào...”.

Có lần Hemingway ngồi trong quán rượu cùng vợ. Bỗng có một phóng viên của một tạp chí Mỹ nào đó vào, trông thấy ông hồ hởi tới mời ông cụng ly. Ông từ chối: “Không, tôi đang trong chế độ kiêng!”. “Sao lại kiêng, tôi thấy anh cũng đang cầm ly rượu cơ mà?” Hemingway đáp: “Tôi có chế độ kiêng đặc biệt - tôi không uống rượu cùng những kẻ vớ vẩn!”. Tay phóng viên tím mặt không nói vì - nhà văn không quên những “ân oán giang hồ” với những cây bút mà ông coi thường về nghề nghiệp và nhân cách...

Sống phải khoẻ

Hemingway là một nhân cách mạnh. Các nhân vật của ông cũng toàn những người rất có cá tính và mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn thể xác. Với Hemingway, có khoẻ mới đáng sống. Có lạc quan mới đáng sống. Nhưng cuối đời ông, mọi sự không còn như ý ông nữa. Ông có quá nhiều kẻ đố kị, vu cáo. Những vết thương cũ cũng làm cho ông khốn đốn. Vậy nên ý nghĩ tự sát đã ám ảnh ông. Có lần ông định nhảy ra ngoài máy bay nhưng may thay, cửa sổ không mở...

Cũng trong giai đoạn cuối đời, Hemingway cứ nghĩ rằng ông bị mắc bệnh máu trắng. Các kiểm tra y học không khẳng định điều này nhưng tâm trạng ông vẫn luôn luôn u ám. Ông hay nói: “Người đàn ông chân chính không nên chết trên giường mà chỉ nên chết ngoài chiến trường hoặc cho một viên đạn vào trán mình”...

Mùa xuân năm 1961, Hemingway vẫn bị ám ảnh bởi “khát thèm” tự sát nên đã tiếp tục được chữa trị bằng liệu pháp sốc điện (ETC) tại bệnh viện Mayo. Tuy nhiên, mọi cố gắng đó đều là công dã tràng. Thậm chí Hemingway còn cho rằng, những phiên chữa trị ETC đã làm ông bị mất trí nhớ.

Sáng ngày 2/7/1961, vài ba tuần trước sinh nhật lần thứ 62 của mình, Hemingway đã tự tay bắn đạn vào đầu mình bằng một khẩu súng săn tại nhà riêng ở thị trấn Ketchum, Idaho. Theo yêu cầu của gia đình, cảnh sát đã không khám nghiệm tử thi. Hemingway đã được mai táng tại một nghĩa trang của đạo Thiên chúa La Mã ở phía bắc Ketchum.

Cha nhà văn cũng đã dùng súng tự sát  ở tuổi 40. Về sau, cháu  gái ông, ngôi sao màn bạc Margaux cũng tự sát, vào đúng ngày 2/7/1996. Dường như có một gen di truyền u ám nào đó đã khiến gia tộc ông có nhiều trường hợp tự sát như vậy

Hoàng Trung
.
.