Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng:

Không để cái gì mua chuộc

Thứ Bảy, 04/05/2013, 09:42
Trong hoạt động báo chí của mình, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người bận bịu công việc nhưng quả thực là bận cỡ như Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Phạm Huy Hùng thì không có mấy ai. Mặc dù đề xuất thực hiện cuộc trò chuyện này xuất phát từ chính phía ViettinBank, nhưng phải đến gần một năm ông Phạm Huy Hùng mới sắp xếp được thời gian để ngồi cùng chúng tôi, lại ở cuối buổi chiều, sau 17 giờ.

Khi bắt đầu câu chuyện, ông đồng ý sẽ dành cho nhà báo nửa tiếng vì ngoài cửa phòng ông lúc đó đã có khá đông khách hàng ngồi chờ rồi… Tuy nhiên, khi đã hơn một giờ trôi qua và ông Chủ tịch xem ra vẫn còn nhiều điều say sưa muốn nói tiếp, tôi đành phải tế nhị xin kết thúc cuộc trò chuyện dù rất muốn được hỏi nhiều thêm nữa. Nói thực là tôi ngại những “ánh mắt hình viên đạn” của những người khách hàng ngồi ở cửa phòng đợi đến lượt  được ông tiếp. Công việc của họ đều trị giá rất nhiều tiền và tôi sẽ áy náy nếu việc làm báo của mình lại làm khó khăn thêm cho họ…Những gì được ghi lại trong bài báo này chỉ là một phần nhỏ câu chuyện với ông Phạm Huy Hùng. Tôi nghĩ, để viết về ông cho đầy đủ hơn, cần thêm dung lượng báo nhưng khuôn khổ của chuyên mục này, đáng tiếc thay, chỉ được có vậy…

 - Hồng Thanh Quang: Thực ra bây giờ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính là việc lớn ở tầm quốc tế rồi, nỗi lo không phải của riêng ai cả. Nhưng với ông, với Vietinbank, thì theo ông, những thách thức, những sóng gió hiện nay đang có tác động như thế nào? Và ông có thể dự đoán rằng điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới VietinBank trong tương lai?

- Ông Phạm Huy Hùng: Đúng như anh đã có ý kiến, có thể nói là, khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đang hết sức nặng và nó làm rung chuyển tất cả các nền kinh tế lớn. Những hậu quả mà nó có thể để lại cũng sẽ rất dai dẳng. Nhiều nhà kinh tế cứ nói rằng, chu kỳ khủng hoảng đó chỉ là 5 năm. Nhưng rõ ràng là cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính này đã bắt đầu từ tháng 4/2008, và như vậy đến nay đã là 4 năm...

- Bước sang năm thứ 5 rồi…

- Bước sang năm thứ 5 mà triển vọng thoát hiểm ở phía trước vẫn còn chìm lắm…

- Đường về phía trước mờ sương khói…

- Cũng có thể nói như vậy. Ở thời điểm hiện nay thì ở kinh tế Mỹ cũng có một vài khởi sắc nhưng phần thế giới còn lại thì vẫn còn u ám lắm.

- Châu Âu thì đang cực kỳ nguy nan.

- Châu Âu thì quá nặng rồi. Câu chuyện khủng hoảng nợ công và nhiều cái ta không thể lường hết được, buộc phải bỏ ra không biết bao nghìn tỷ đô la để giải cứu. Nợ công hiện nay đang là nỗi đau đầu đâu phải của riêng  Hy Lạp.

- Cũng không phải chỉ riêng “hòn đảo Thần Vệ nữ” mới đang có nguy cơ sập tiệm.

- Nó lây ra hết, Hy Lạp chỉ là cái nhỏ thôi, hầu hết các nước châu Âu hiện nay nợ công rất lớn, thậm chí lớn hơn cả GDP của nước sở tại. Nợ công lớn như vậy. Thất nghiệp gia tăng, có nơi hơn 10%; xuất nhập khẩu giảm; đời sống thu nhập người dân giảm… Kể cả ở Mỹ hiện nay cũng có chuyện xếp hàng dài dằng dặc nhận được những suất cơm, suất cháo tế bần của các hội từ thiện. Chính phủ có trợ cứu thì cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Trợ cấp thất nghiệp mấy trăm đô, mấy trăm euro chỉ đủ cuộc sống tùng tiệm nhất hằng ngày… Thế giới phần đông là như vậy và nền kinh tế Việt Nam cũng ở trong bối cảnh như vậy. Đặc biệt ở Việt Nam mình, tôi thấy còn rất là khó khăn trong điều kiện thực sự Đảng, Chính phủ đang đề ra chuyện thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

- Trong điều kiện mới, chúng ta phải tìm kiếm những hình thức mới để đối phó những khó khăn hiện nay nảy sinh.

- Cái đó là đúng. Tái cơ cấu nền kinh tế là đúng, nhưng cái quan trọng tôi cho là chúng ta phải có cả đề án tổng thể, cụ thể…

- Hơn nữa?

- Hơn nữa! Đưa ra những mục tiêu, nội dung cụ thể, những lộ trình, kế hoạch, giải pháp, biện pháp, trách nhiệm của các ngành, các Bộ, ở từng địa phương như thế nào để thực hiện thực hiện được tái cơ cấu nền kinh tế. Cái đó là hết sức quan trọng. Tôi cho là mục tiêu lớn nhất mà chúng ta cần thực hiện bằng được là cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế một cách vững chắc, dài hạn thì nó mới đảm bảo chúng ta tự chủ được, không bị cái sóng, kể cả sóng từ bên ngoài va đập. Còn hiện giờ thì nhiều lúc chúng ta hoàn toàn bị động.

- Nhưng liệu bên trong ta có thể chủ động được không khi mà ở bên ngoài họ cũng bị động?

- Tôi xin nhắc lại là: nếu chúng ta thực hiện được cái cân đối ở bên trong mình, nội tạng mình, hoàn toàn chủ động, tự chủ được thì nó sẽ đỡ, giảm thiểu rất nhiều, cái hết sức cơ bản, trong đó Chính phủ vẫn nêu ra là chúng ta ưu tiên ba tái cơ cấu. Ưu tiên trước hết là tái cơ cấu đầu tư công, làm sao xác định, cân đối lại các nguồn vốn đầu tư công thế nào để thực sự đồng vốn có hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế, dự án lớn, trọng điểm của Chính phủ. Điểm thứ hai là, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào tập đoàn kinh tế; cái đó cần phải làm nhanh hơn, dứt khoát hơn. Cái thứ ba là, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại. Tôi cho cái đó hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của ngành ngân hàng trong việc triển khai thực thi những chính sách tiền tệ. Nó sẽ giúp ổn định hoạt động ngành ngân hàng. Nói gì thì nói, ngân hàng là xương sống của nền kinh tế. Các doanh nghiệp hiện nay phải nói rằng, hầu hết đều phải vay vốn để hoạt động. Đầu tư có thể nói rằng tới 85-90% là của ngân hàng. Đấy là điểm yếu thực sự. Còn những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh thì không nhiều…

- Phần lớn đều phải dựa vào ngân hàng. Và trong bối cảnh ấy, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank, ông nhìn nhận thế nào về việc tái cơ cấu của ngân hàng do ông đang lãnh đạo?

- Tôi cho rằng, việc tái cơ cấu ngân hàng là cần thiết hơn lúc nào hết, bởi  như tôi đã nói, ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế và ngân hàng có vững mạnh, có ổn định thì nền kinh tế mới vững mạnh được. Nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế hiện nay hết sức là sâu rộng và rất nhanh. Nhiều khi chúng ta không kịp nghĩ đến và không đánh giá được một cách đầy đủ những tác động của quá trình hội nhập này. Theo lộ trình hội nhập WTO thì thời gian kéo dài từ 2006-2016. Bây giờ đã là năm 2013, chúng ta đã bước chân vào rồi thì chúng ta không có lý gì…

- Để mà trì hoãn?

- Không thể trì hoãn được dù bất cứ lý do gì. Chúng ta đã cam kết phải mở cửa đầy đủ. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính hiện nay, đã và đang có rất nhiều định chế tài chính quốc tế, các tổ chức tài chính ngân hàng lớn của nước ngoài đã tham gia sâu rộng vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, kể cả bảo hiểm, kể cả các quỹ đầu tư, rồi các ngân hàng…

- Điều đó buộc các ngân hàng của mình phải tự ổn định một cách lâu dài, vững chắc thì mới đáp ứng được, đối phó được tất cả điều kiện mới?

- Đúng thế!

- Đối với VietinBank chẳng hạn, ông có thể nói cụ thể, nếu không có gì bí mật, về những việc dự kiến sẽ làm để tái cơ cấu? Theo ông đánh giá, thực trạng VietinBank bây giờ như thế nào ở trong bối cảnh có rất nhiều biến động thị trường tài chính ở trong nước cũng như quốc tế?

- Có thể nói rằng, chúng tôi hết sức lạc quan, nhưng không phải là lạc quan tếu, mà lạc quan thực sự. Bản thân tôi với tư cách là người đứng đầu chịu trách nhiệm ở VietinBank thì tôi khẳng định, chúng tôi đang trên chặng đường hết sức gian khổ và phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải tập trung các nguồn lực, động viên tất cả các bộ phận để thực hiện thành công và có kết quả tất cả các mục tiêu, định hướng, chiến lược đã đề ra. Câu chuyện đổ vỡ từ năm 1997 và vụ án Minh Phụng - EPCO đã là tiếng chuông…

- Cảnh báo đầu tiên…

- Cảnh báo thức tỉnh tất cả những ai làm ăn sai phạm, kinh doanh không chuẩn. Rồi quá trình sau này nữa. Chúng tôi đã đánh giá hết sức thấm thía những bài học của quá khứ. Câu chuyện chúng ta từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường thực sự có nhiều cái bỡ ngỡ, nhiều cái thật sự không ai dạy bảo, không ai đào tạo. Cơ chế chính sách thì chưa hoàn chỉnh, luôn luôn biến động. Rồi thực tiễn cũng vậy, phải hiểu thế nào là nền kinh tế thị trường, thế nào là tính thị trường. Nó ghê gớm, khắc nghiệt lắm. Những tác động ấy cũng đã khiến chúng tôi phải xác định rõ hơn định hướng của mình đi. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như tôi nói, thì nó lại là hết sức cần thiết, không có con đường nào khác. Càng khó khăn bao nhiêu, càng rủi ro bấy nhiêu và bối cảnh khách quan càng không chuẩn bao nhiêu thì chúng ta càng phải thoát, phải đi nhanh, phải thoát ra và dứt khoát phải phấn đấu đạt được tiêu chuẩn, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hoạt động, công nghệ, quản trị điều hành, quản trị rủi ro và phải làm một cách rất chuẩn từ trên xuống dưới thì chúng ta mới lường tránh được tất cả những cái rủi ro. Không thể nói tránh được 100% đâu, nhưng tôi dám chắc phải tránh được 80-90% những cái va đập đến mình trong bối cảnh điều kiện Việt Nam hiện nay không chỉ là những rủi ro trong cuộc sống hàng ngày… Cũng cần phải nói rằng, trong chính doanh nghiệp của mình, trình độ cán bộ ở nhiều khâu cũng còn rất non, rất yếu; tới với hội nhập quốc tế thì nhiều cái mình còn bỡ ngỡ lắm, đặc biệt là với nền kinh tế thị trường. Cán bộ mình từ bao cấp đến giờ cũng vậy, trình độ được đào tạo không bài bản, đặc biệt những kiến thức về thị trường là rất yếu, không hiểu gì về va đập, không hiểu gì nhiều về mặt trái của thị trường, những kỹ năng nghiệp vụ cũng rất yếu… Tất cả những cái yếu này rốt cuộc cộng lại sẽ đưa đến cái cuối cùng là thất thoát, rủi ro ngân hàng rất lớn. Hơn nữa, ngân hàng là lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, mà trong bối cảnh xã hội có những bất ổn, những tệ nạn gia tăng như vậy  thì khủng khiếp lắm. Bây giờ xuất hiện đổ vỡ nhiều mà đổ vỡ nhiều nó  lại sinh ra nhiều trò: tệ nạn, lừa đảo, chụp giật bằng mọi cách; nó lôi kéo cả cán bộ ngân hàng vào chuyện đó, làm sao bằng mọi cách moi tiền ngân hàng. Khủng khiếp lắm! VietinBank là một hệ thống lớn, 20.000 cán bộ nhân viên, 14.000 nữ… Quản lý thế nào cho tốt là một việc không dễ.

- Không thể chu toàn mọi khâu…

- Chúng tôi có tới 162 chi nhánh, 1.000 phòng giao dịch ở tất cả các nơi trong 63 tỉnh thành phố. Tôi cho là  trước hết phải xác định được, định hướng được các mục tiêu chiến lược, kể cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Và phải quyết tâm đưa hệ thống ngân hàng đi đến đích và phải chuẩn hóa. Không dễ gì! Quốc tế họ đi trước mình hàng mấy chục năm, mình phải công nhận là đến nay quản lý của họ là tốt, cơ chế quản trị của họ cũng tốt…

- Họ làm tốt và có kinh nghiệm hơn ta…

- Kinh nghiệm nhiều hơn.

- Bộ máy chạy cũng trơn tru hơn nhiều.

- Nói là kinh tế thị trường nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Tôi từng gặp những nhà tài chính hàng đầu thế giới, kể cả những vị chủ tịch nhà băng lớn cũng vậy, có người năm nay 90 tuổi, từng được học hành rất cơ bản, làm chủ nhà băng bao nhiêu năm và người ta vẫn nói rằng, riêng lĩnh vực tài chính này không bao giờ cho phép buông lỏng quản lý, phải hết sức chặt chẽ, giám sát quản lý chặt chẽ và phải có những cơ chế giám sát đặc biệt.

Ảnh: Minh Trí.

- Ông vừa nhắc lại những năm 90 của thế kỷ trước khi chúng ta bắt đầu nhận được những bài học cay đắng đầu tiên trong cơ chế thị trường và đặc biệt là đối với các cán bộ ngân hàng. Tôi nhớ hồi ấy, khi tôi mới làm báo thôi, hễ cứ tiếp xúc với ông anh nào làm ngân hàng mà rất chịu khó hòa nhập và chịu chơi, dám nghĩ dám làm thì lại dễ bị sai lầm nhất, không hẳn là do động cơ xấu của mình mà do mình không lường hết được tất cả những rủi ro ấy. Ông cũng là một cán bộ ngân hàng lâu năm rồi và chắc chắn cũng ở týp người dám nghĩ dám làm, cũng năng động, nhưng ông là một trong số không nhiều người trong đội ngũ ấy mặc dù vẫn trải qua mọi sóng gió, thách thức đó mà vẫn an toàn, vẫn phát triển được. Thế thì theo ông, ông nhìn lại mình, nhìn lại công việc của mình, bí quyết nào lớn nhất giúp ông có thể trụ lại với công việc mà ông yêu quý?

- Tôi cho rằng cái cơ bản nhất là, bởi vì chúng ta trong điều kiện đất nước Việt Nam rõ ràng như thế, gian khổ cũng có, thành công, chiến thắng cũng hết sức vinh quang, có thể nói như vậy, xác định như vậy. Rõ ràng chúng ta có Đảng lãnh đạo, Đảng lãnh đạo xuyên suốt, Nhà nước, Chính phủ thì phải khẳng định là chúng ta thực hiện một cách kỷ cương, đúng đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, cũng như của ngành, tuân thủ pháp luật, đồng thời tôi cho rằng từng cá nhân phải nhận thức rõ vói trách nhiệm của mình, với vị trí của mình luôn luôn phải coi trọng tư duy đúng, định hướng đúng và hành động đúng.

- 3 điều căn bản là tư duy đúng, định hướng đúng và hành động đúng?

- Và cái gì chưa tư duy được thì anh phải khảo nghiệm và anh phải xem xét kỹ.

- Kỹ lưỡng!

- Kỹ càng, kỹ lưỡng để từ đó anh có tư duy đúng, có thể khẳng định làm hay không làm. Làm rồi, tư duy đúng rồi, thì anh lại phải có định hướng đúng và đã định hướng đúng rồi thì phải hành động đúng, không cho phép sai lệch.

- Đúng cả về thời điểm, đúng cả về tính chất của công việc.

- Đúng như thế.

- Nó phải đúng cả về không gian và thời gian.

- Như thế nó đảm bảo công việc phải thật sự, phải thật, chứ giả thì cái gì nó cũng bật hết, không sớm thì muộn nó cũng bật. Tức là trong mọi việc anh phải tuân thủ pháp luật.

- Thượng tôn pháp luật.

- Tôi nói Việt Nam mình có Đảng lãnh đạo, có Nhà nước quản lý, Chính phủ điều hành…

- Anh phải chặt chẽ tất cả các thủ tục, thao tác…

- Chứ không phải đơn giản anh hiểu thế nào cũng được, chung chung rồi hô xung phong, xung phong không được thì rồi anh cứ lý do này lý do nọ để tự biện bạch. Làm thế là không được. Tự bản thân mình anh phải hiểu, phải biết công việc và phải hiểu đúng công việc và bản thân mình cũng phải giữ gìn, cái gì không được là không được, ranh giới nào không bước qua được là không bước qua được.

- Ông nghĩ thế nào khi có người nhận xét rằng, Phạm Huy Hùng là người có tính nguyên tắc quá cao?

- Không phải, tôi luôn luôn nguyên tắc, nhưng mà tôi năng động, có điều chỉ năng động trên cái đúng.

- Trên cơ sở nguyên tắc?

- Trên cơ sở nguyên tắc! Năng động chứ, phải năng động, trong bối cảnh này không năng động thì làm sao mà kinh doanh tồn tại được. Nhưng tất cả những cái đó nó phải thật, phải đúng…

- Lấy sự chân thật trong cả cảm xúc lẫn công việc.

- Chứ nếu mà không thật thì không thể làm được. Nên tất cả khách hàng đến đây với tôi, nói thật chỉ 5 phút thôi, không được là không được. Bất kỳ ai cũng không thể điều chỉnh được tôi, cái đó là phải rõ như thế.

- Tôi hiểu.

- Bản thân mình phải giữ, không có cái gì mua chuộc được mình, một khi đã không đúng thì không có cái gì mua chuộc được mình.

- Không thể thay đổi được, và không gì tác động đến mình làm mình thay đổi quan điểm được.

- Kể cả quyền lực cũng không thay đổi được tôi. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, các bác rất quý tôi, gặp gỡ rất vui vẻ và có bác nói, mình rất lo cho cậu, làm cả một hệ thống ngân hàng lớn như thế này, va đập rất nhiều, đủ thứ trên đời, tiêu cực cũng có, rồi…

- Những sức ép này nọ cũng có…

- Những sức ép, rồi mua chuộc các kiểu cũng có, đặc biệt những rủi ro va đập trong lĩnh vực ngân hàng phải nói là khủng khiếp, vì ngành nào cũng dính cả. Có đồng chí lãnh đạo đã nói với tôi, mình lo cho cậu lắm, cậu làm gì cũng phải hết sức chú trọng, phải kỹ lưỡng, phải cẩn thận, nếu để đổ vỡ là không ai gỡ cho cậu cả. Ông ấy nói thật. Để đổ vỡ thì không ai gỡ cho mình, không ai đỡ cho mình cả. Chính xác nó là như thế. Đã có kinh nghiệm thực tế rồi, nếu đổ vỡ thì làm gì có bác nào nói là cái này là thế này, cái kia là thế kia… Hoàn toàn mình phải chịu trách nhiệm về tất cả những việc làm của mình. Tôi cho cái đó là hết sức cơ bản. Mà mẹ tôi ngày xưa cũng dạy như vậy. Cụ nói, đến cơ quan là phải làm việc hết sức nghiêm chỉnh chứ không thể làm lơ mơ được, làm lơ mơ mà đụng tới pháp luật thì sẽ không ai đỡ cho mình cả. Đặc biệt là với tiền của Nhà nước. Cụ nói, đó là tiền của giời, của giời thì không chạm vào được…

- Ông vừa nói tới lời dạy của mẹ ông. Tôi cũng định hỏi về điều này. Thực ra người ta nói, muốn làm thành công trong lĩnh vực tài chính thì không chỉ cần có những kinh nghiệm, những kiến thức mà mình đã học được. Để tránh rủi ro, đôi khi đó là sự linh tính rất mạnh mà cái linh tính ấy nó phải là bẩm sinh. Nhiều khi nó là truyền thống, nó là gen gia truyền. Tôi rất muốn biết, ông xuất thân thế nào và tại sao ông chọn con đường tài chính?

- Tôi cũng không thể hình dung được là tại sao. Bây giờ đã có đầy đủ các tư liệu thì mình mới ngộ ra một sự ngẫu nhiên. Bố tôi ngày xưa cũng học hành tử tế, cụ cũng chơi khủng khiếp…

- Cũng tay chơi…

- Cũng tay chơi, dân Hà Nội, cũng khiếp lắm, cũng học cũng làm ở Nha Tài chính, tiếng Pháp rất giỏi, tú tài Trường Chu Văn An. Cụ cũng đã từng một thời làm giám đốc nhà băng thời Pháp

- Ở Hà Nội?

- Nhà băng ở Thanh Hóa!

- Một dạng Kho bạc Thanh Hóa.

- Trong họ nhà mình cũng có nhiều người làm ngân hàng thời Pháp. Khi hòa bình lập lại, gia đình tôi đông anh em, 9 người con cơ, bà mẹ cứ  phải bươn chải. 6 giờ sáng ra đường, 9-10 giờ tối mới về. Ở nhà anh em tự bảo nhau, tự lo cho nhau. Tối mẹ về thì đứa thì xin tiền học, đứa thì xin tiền mua sách vở… Mẹ đưa cho con cái 1-2 hào mai đi mua cua, mua rau cỏ rồi lại đi, không biết đi đâu, đi buôn bán, làm đủ thứ, bán mùn cưa, mua những mẩu gỗ, kể cả trấu đổ vào bếp dã chiến…Cũng như mọi gia đình khác… Rồi ông anh tôi bị ốm, bệnh viêm gan, nên nhà có của nả gì thì cũng phải bán hết. Bây giờ thuốc men chữa khỏi ngay, ngày xưa không có thuốc. Ra chợ mua giấu giếm lạng gan cho ông anh trên tôi là khó lắm, mắc lắm, vì lương công nhân chỉ có 30 đồng thôi mà một lọ Sirepar giá những 18 đồng, coi như mất nửa tháng lương… Nhưng rồi cũng có cứu được đâu…

- Nhà nghèo lại còn bệnh hiểm, thực tội!

- Mà hồi đó  cơm nước có gì đâu, toàn bột mì luộc. Tôi nhớ hồi bé đổ bột mì ra nhào, lấy chai nước rồi cán cán, thái bằng tay, bỏ ra sân cho vào cái mẹt phơi nắng, mỗi bữa lấy một ít…

- Trộn vào…

- Không làm gì có gạo đâu mà, bột mì hoàn toàn độn khoai, ra chợ mua một mớ cua sống giã, làm riêu cua chan mì thế là hết. Nhiều khi có bát cơm anh em chia nhau, tôi là út được thương nhất, chiều nhất.

- Út ít thì bao giờ cũng được thế…

- Khi vào đại học thì lúc đầu tôi đã thi vào Trường Cơ điện.

- Ông thi vào đại học năm nào?

- Năm 1973. Thiếu có nửa điểm thôi. Tôi bí quá, nghĩ giờ không biết đi vào đâu. Gia đình cũng gợi ý là thôi vào Trường Tài chính, với điểm đó thì Trường Tài chính họ đồng ý nhận.

- Hồi đó Trường Tài chính không đắt khách như bây giờ…

- Không đắt khách. Hồi đó nam giới thường thích cơ điện, thích máy móc… Nhưng rồi vào tài chính học thì dần dà cũng say sưa, đắm đuối. Trường hồi đó sơ tán lên Phúc Yên,ở  Lập Thạch. Mình cứ thế nhảy tàu hỏa từ Hà Nội lên. Sống thì nhà nước nuôi 18 đồng, cơm ăn hết 16 đồng, còn 2 đồng. Đi tàu hỏa lắm lúc cũng phải trốn vé, lúc ở đầu tàu, lúc cuối tàu, lúc còn nằm cả trên nóc, vì có tiền đâu…

- Tôi hình dung được cảnh đấy vì cũng từng như thế…

- Trên trường cũng bột mì luộc với bo bo thôi chứ làm gì có cơm đâu. Bột mì thì mỗi đứa được cái bánh to bằng cái đĩa rồi chấm xì dầu chưng. Rau cũng có rau gì đâu, toàn những lá su hào già muối dưa. Cũng hoàn cảnh như thế. Thỉnh thoảng mấy anh bạn có mấy hào góp nhau ra chợ mua khoai bi bé bằng ngón tay để nó được nhiều, nó rẻ, về chỉ cạo cạo rồi cho vào nồi nấu. Được cái, ngày xưa hành với mùi nhiều, ở nông thôn thì trồng đầy, mì sợi thì về nhà cũng lấy được ít trộn vào, trộn mì sợi, còn chủ yếu là khoai bi, cà chua thì nhiều cứ cho cà chua vào, cho muối, cho hành cho mùi vào, hổ lốn thế mỗi đứa được 1-2 tô là sướng lắm.

- Tôi hồi xưa cũng từng ăn như thế… Thế năm nào thì ông tốt nghiệp đại học?

- Năm 1977.

- Sau đó cơ quan đầu tiên mà ông công tác là ở đâu?

- Tôi làm ở Bộ Tài chính 3 năm.

- Nhà ông không có thần thế quen biết, ông tự nhiên được phân công về Bộ Tài chính?

- Không, không có thần thế gì cả. Rất ngẫu nhiên là lúc tôi ra trường thì rất cần những cán bộ, kỹ sư tài chính ngân hàng. Về Bộ Tài chính, tôi làm công tác cải tiến tài chính nhưng năm 1975 tôi đã tham gia thu đổi tiền, cải tạo tư sản…

- Ở miền Nam?

- Ở miền Nam. Về sau, người ta đòi  tôi về để tăng cường lực lượng cho ngân hàng Trung ương. Năm 1980, tôi về Vụ Tín dụng thương nghiệp Ngân hàng Trung ương và làm tới 8 năm trời nên có thể nói rằng, chặng đường mà 3 năm ở Bộ Tài chính, 8 năm ở Ngân hàng Trung ương tôi cũng đã tích lũy được kinh nghiệm rất nhiều trong các cơ quan Trung ương, trong lĩnh vực nghiên cứu chế độ cơ chế chính sách, viết lách, đi thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo…

- Năm nào thì ông chuyển sang Ngân hàng Công Thương?

- Năm 1988. Khi tách hai Vụ Công nghiệp và Vụ Thương nghiệp thì ra đời Ngân hàng Công thương. Tôi cũng thuộc lớp người về đây đầu tiên, rồi cũng làm Trưởng, phó phòng… Sau đó thì đi làm Phó Giám đốc Ba Đình năm 1993, được mấy tháng thì lên Giám đốc Chi nhánh Ba Đình cho đến năm 1997… Sau đó về trên này. Thực ra từ tháng 10/1996, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hồi ấy là anh Cao Sỹ Kiêm đã ký bổ nhiệm tôi làm Phó Tổng giám đốc. Nhưng thực chất thì phải tới mùng 1/1/1997 mới công bố quyết định. Chính khi tôi về thì mấy tháng sau mới bung ra vụ EPCO.

- Ông lại là người xử lý hậu quả?

- Xử lý hậu quả. Từ năm 1997 đến 2002 phải ổn định bộ máy, siết lại, xốc lại các công việc. Cũng phải chống đỡ để làm sao giảm thiểu tổn thất, đặc biệt về con người…  Lúc đó là giai đoạn rất nóng đối với ngân hàng, cũng bắt bớ nhiều, có người còn phải dựa cột… Tới năm 2001, tình hình mới ổn ổn, dịu đi thì lại phải tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng, xử lý các tồn tại. Lúc đó bác Phan Văn Khải là Thủ tướng. Chính phủ bắt đầu cho tồn tại để gỡ. Vì bị âm, vốn có 1.000 tỷ mà âm 10.000 tỷ đồng.. Nhưng mọi chuyện cũng dần ổn. Bác Khải duyệt cho tới năm 2007 nhưng đến năm 2006 chúng tôi đã khắc phục xong. Vẫn cả hệ thống, vẫn bộ máy đó, vẫn phải đi như thế…

- Khi ông nhận chức lãnh đạo ở đây là tình hình tài chính là âm?

- Âm hết. Thực tế trong bối cảnh kinh doanh lúc đó, VietinBank là nơi đổ vỡ lớn nhất, nhiều nhất, chứ Ngân hàng Ngoại thương cũng có nhưng rất nhỏ, còn Ngân hàng Đầu tư lúc đó vẫn là nơi vốn nhà nước cấp phát

- Điều kiện của họ khác…

- Các ngân hàng khác họ cứ hô ầm ầm thế, trong khi mình cứ phải cúi gầm mặt xuống. Tôi còn nhớ, dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Ngân hàng Công thương, thậm chí khi đi mời các bác lãnh đạo, các bác ấy đều nhận lời nhưng cuối cùng không ai đến cả.

- Cảm thấy nó buồn thê thảm. Lúc ấy ông có lo không?

- Lo chứ.

- Vì ông thực chất đã thấy vấn đề thế nào rồi.

- Tôi hoàn toàn thấy rõ vấn đề. Trong hoạt động ngân hàng thì đặc biệt là tôi luôn gắn với những chỗ khó khăn nhất, những chỗ gian truân nhất…

- Lửa thử vàng, gian nan thử sức… Và việc ông đang trụ vững ở vị trí hiện nay đã chứng tỏ là ông đã chọn được đúng đường và làm đúng kiểu. Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

H.T.Q.
.
.