Khoảng trống có thực

Thứ Ba, 04/11/2008, 17:00
1.Tôi được nghe Xuân Diệu nói chuyện lần đầu tiên tại lễ trao giải thưởng cho cuộc thi thơ do Báo Văn Nghệ tổ chức, năm 1969. Năm này, giải nhất là anh Phạm Tiến Duật nhưng anh Duật ở chiến trường, không về được.

Giải nhì là chị Phan Thị Thanh Nhàn và anh Bế Kiến Quốc. Giải ba là anh Vũ Duy Thông, anh Mã Giang Lân. Tôi nhận giải khuyến khích cho một chùm thơ thiếu nhi. Hình như anh Vũ Châu Phối cũng nhận giải đồng hạng với tôi.

Lúc ấy tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Văn học. Chân ướt chân ráo bước vào các sinh hoạt của giới văn nghệ nên tôi khá hồi hộp. Sau các phần thủ tục của buổi lễ, chúng tôi được nghe Xuân Diệu. Xuân Diệu: "Thưa các vị tân khoa" nhưng cảnh báo họ về con đường cực khổ, gian truân để có thể trở thành một nhà thơ. Ông nói to, giọng có phần gay gắt.      

Lần tiếp theo, tôi được nghe ông là tại Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ 2, tháng 6-1972.

Có một buổi tối chúng tôi được triệu tập đến trụ sở Hội Nhà văn để nghe các nhà văn, nhà thơ nói chuyện. Ngôi nhà 65 Nguyễn Du lúc bấy giờ còn rất đẹp, thỉnh thoảng lại có các đoàn sinh viên kiến trúc tham quan, học hỏi. Cuộc họp được tổ chức ở khoảnh sân bên trái của ngôi nhà. Khoảnh sân khá rộng, có mấy cây ăn quả sum suê cành lá.

Có nhiều người nói, nói về nhiều chuyện liên quan đến văn học. Nhưng tôi nhớ cuộc "chạm trán" giữa Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Chế Lan Viên bước lên, ông mỉm cười rồi mào đầu rằng ông mừng vì có bóng lá che bớt khuôn mặt để dễ nói chuyện. Ngay sau đó là Xuân Diệu.

Xuân Diệu nói to: "Tôi, thì tôi thích giơ mặt tôi ra trước mọi người". Ông nhấn mạnh chữ "giơ" với giọng Bình Định pha Bắc. Có ai đó bảo tôi: Hai cụ không ưa nhau. Nhưng tôi không để ý đến điều đó lắm, chỉ cảm thấy tính cách của hai con người này rất khác nhau. Sau này, tôi có dịp trò chuyện với cả hai ông mà chưa lần nào nghe họ phàn nàn về nhau.        

Tôi còn có nhiều dịp nghe Xuân Diệu tại chỗ này chỗ khác... Xuân Diệu lúc nào cũng nói thẳng, nói to và gay gắt. Mặc dù biết những ý kiến của Xuân Diệu đều đúng và ông rất thành thực, tôi vẫn rất sợ ông.         

2. Từ khi về làm biên tập ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, nhất là khi tham gia vào Hội đồng Thơ do ông làm Chủ tịch, tôi mới được gần và hiểu Xuân Diệu nhiều hơn. Thực ra, ông là người rất chi chút, ân cần, hiền hậu. Đi nước ngoài về, ông đạp xe đến nhà tôi ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ để cho quà, lúc là lọ nước hoa nhỏ, lúc là vài chiếc khăn mu-xoa rất đẹp.

Có hôm họp Hội đồng Thơ vào buổi tối tại nhà ông - Xuân Diệu tự tay xào gan với cà chua, hành tây, mời mọi người uống bia. Thấy tôi đem theo cháu Phong (con trai đầu của tôi, lúc này lên 7 lên 8), ông mở tủ lấy cho cháu một gói kẹo Hải Châu. Loại kẹo này hồi ấy phải có tiêu chuẩn bìa B, hoặc C gì đó mới mua được mà số lượng cũng rất hạn chế.

Trên bàn làm việc, các tập thơ dự tuyển được ông bó thành từng bó, ghi chú cẩn thận. Những tác giả ông thích, ông nhớ từng bài, từng câu. Thú thực, mặc dù Xuân Diệu rất lắng nghe ý kiến của mọi người, ý kiến của ông vẫn chi phối chúng tôi rất nhiều.

Một phần vì các nhận xét của ông chuẩn xác, phần khác là do tình cảm quý trọng của chúng tôi đến với ông, do cái uy của ông. Có hôm, giữa chừng câu chuyện về thơ, về công việc ông dặn dò tôi chăm lo cho bữa ăn hàng ngày. Ông bảo, mình nghèo, nên phải tính toán.

Trong các thứ thịt thì thịt chó nhiều đạm, lại rẻ mà không cần tem phiếu. Ông dặn tôi nên đến mua thịt chó của một cô gầy gầy, tóc búi cao, ngồi sau chợ Hàng Da. Tôi không ăn thịt chó nhưng có dịp qua đó, tôi đã để ý thấy cô hàng và gánh thịt chó...

Vào năm 1983, nhà văn Nguyên Ngọc có tổ chức một chuyến đi thực tế về Quảng Nam, trong đoàn có các nhà văn lớn tuổi như Mộng Sơn, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi... Lúc ngồi chờ xe ở văn phòng Tỉnh ủy, thấy tôi sửa soạn ấm chén pha trà, Xuân Diệu hỏi tôi có biết nếu nước không được sôi thì làm thế nào không.

Thấy tôi lúng túng, nhà văn Đoàn Giỏi bảo: "Cho trà vào ấm, đổ nước xâm xấp thôi. Đợi một lúc cho trà nở rồi mới cho thêm nước". Xuân Diệu cười, xác nhận kinh nghiệm của Đoàn Giỏi.

Tôi nghĩ Xuân Diệu sống một mình nên ông rất để ý đến việc tự chăm sóc. Mỗi khi đi đây đi đó nói chuyện, ông dặn kỹ chuyện ăn uống vì lẽ đó. Ông cũng còn kỹ tính trong nhiều việc khác nữa.

Ông cùng nhiều nhà văn đi tham quan nhà máy chế biến hoa quả. Lúc về, ông làm một bài thơ dài để ca ngợi lao động của công nhân nhà máy. Bài thơ không thành công. Có ai đó nói với Xuân Diệu, ông bảo: Phải trả nợ chứ. Họ mời mình đến, tiếp đãi mình chu đáo là để mình làm thơ mà.

Trong bài "Câu chuyện nhỏ trước các bạn viết trẻ", Xuân Diệu kể: "Cách đây mấy năm, khi báo Thủ đô Hà Nội và Thời mới sáp nhập vào làm một, thành tờ Hà Nội Mới, toà báo đã mời một bữa cơm thân mật nhưng rất hậu hĩ, tôi có được dự trong cảm tình nồng nhiệt đó. Và, tôi cứ áy náy mãi: mình cộng tác bài vở gì để đền đáp cái tình cảm này?

Một năm, hai năm qua... Tôi không yên được trong lòng, không phải chỉ tại ở bữa cơm, mà tại ở thực chất tình cảm mình nhận được mà chưa trả! Mãi đến vừa qua, bầu cử Quốc hội khóa 4 tại Thủ đô, tôi viết được một hồi ký về Tổng tuyển cử năm 1946 ở Hà Nội cho báo Hà Nội Mới, tôi mới nhẹ được trong lòng...".

Nghĩ cho cùng, Xuân Diệu quả có cái lý của mình. Ông là người lao động, lao động nghiêm túc, lao động cật lực, ông quý trọng lao động của người khác. Vả, ông không muốn mắc nợ. Xuân Diệu là người sống không có âm mưu, không có thủ đoạn. Có lẽ vì vậy mà ông chẳng giữ trọng trách nào ngoài cái danh ủy viên chấp hành từ khóa này đến khóa khác.    

Thỉnh thoảng, trong các lần gặp, ông hỏi thăm ba tôi. Ông bảo tôi: "Hoàng Châu Ký rất say mê hát bội. Ý Nhi có thích xem hát bội không?". Tôi đáp: "Dạ có. Cả nhà em ai cũng mê hát bội". Rồi ông khoe vừa gặp ba tôi tại hội nghị về Đào Tấn ở Bình Định. Ông khen thơ trong tuồng Đào Tấn hay. (Điều này thì ông rất giống Chế Lan Viên).

Có lần, ông cười bảo: "Đáng lẽ Ý Nhi phải gọi mình bằng chú. Bạn của ba mà. Nhưng gọi anh cũng được, cho thân mật". Tôi cũng dần quen thân với ông, trò chuyện với ông đủ thứ chuyện đời, chuyện nghề. Ông rất ân cần, bình đẳng. Một hôm, nhân câu chuyện về các nhà thơ trẻ, ông nhắc đến tên một nhà thơ. Tôi thưa: "Tay này chán lắm anh ạ".

Xuân Diệu nghĩ ngợi một lúc rồi bảo tôi: "Nhưng mà hắn còn biết đỏ mặt Ý Nhi ạ. Còn đỏ mặt là còn biết xấu hổ. Mà còn biết xấu hổ là còn tốt, còn chơi được"... Lần khác, tôi được cùng tham gia Ban giám khảo với ông trong cuộc thi thơ do tuần báo Văn Nghệ tổ chức.

Không hiểu sao ông cứ bực bội với một chùm thơ của Lê Thị Mây. Mà tính ông, đã bực là nói nhiều, nói cho hả. Thấy vậy, tôi bèn chen vào: "Mây đảm đang lắm đó anh". Ông quay lại nhìn tôi, vẫn còn hậm hực: "Cô này mà đảm đang hả".

Thế nhưng khi Mây ra Hà Nội, tôi đưa Mây đến thăm, ông lại rất vui vẻ trò chuyện. Ông tiễn chúng tôi ra tận cửa, dặn lúc nào rỗi ghé lại chơi. Xuân Diệu là vậy. Bộc trực, nóng nảy nhưng không để bụng, không giận ai lâu.  

Năm 1987 tôi vào làm việc tại Chi nhánh miền Nam của Nhà xuất bản Tác phẩm mới ở TP Hồ Chí Minh. Tôi may mắn được gặp Tịnh Hà, em ruột Xuân Diệu. Khi vừa được giới thiệu, tôi đã nhận ra ngay sự giống nhau của hai anh em, mặc dù anh Tịnh Hà gầy, đen, khắc khổ.

Tịnh Hà kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Xuân Diệu. Tịnh Hà bảo lúc nhỏ vì chán cảnh nhà nên bỏ đi hoang. Xuân Diệu rất thương em, lén cha mẹ cho em từng nắm cơm, từng chiếc áo, từng đồng bạc. Sau 1975, anh em gặp nhau mừng lắm. Xuân Diệu hỏi em cần gì thì tính toán rồi báo với ông.

Biết tính anh, Tịnh Hà ghi rõ từng món chi phí cho việc quét vôi, cho việc sửa nhà, mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Xuân Diệu hứa sẽ gửi tiền cho em nhưng chưa kịp gửi thì đã ra đi.

Tịnh Hà còn bảo, không biết có linh tính hay sao mà Xuân Diệu dặn ông: "Anh đi nước ngoài nhiều. Sau mỗi chuyến đi đều có dư ít ngoại tệ. Anh cất tất cả trong chiếc gối". Sau khi Xuân Diệu mất, Tịnh Hà có ý tìm gối nhưng tang gia bối rối, nó đã thất lạc đâu đó. Tịnh Hà mất, tôi đại diện Nhà xuất bản mang vòng hoa tới viếng.

Năm 1992, chúng tôi in lại hai tập "Thơ Thơ" và "Gửi hương cho gió" của Xuân Diệu (trong bộ sách 12 tập về Phong trào Thơ mới). Huy Cận có ý dùng số tiền nhuận bút hai tập thơ để sửa mộ cho Xuân Diệu nhưng tôi viết thư, xin phép gửi cho gia đình Tịnh Hà.

Tôi nghĩ, nơi chín suối, hẳn Xuân Diệu vui lòng vì ông rất yêu thương em và gia đình em.       

3. Từ đầu tháng 12/1985, tôi cùng mọi người lo chuẩn bị cho Hội nghị nhà văn trẻ lần 3. Nghe tin Xuân Diệu bị cảm lạnh, phải nhập viện, tôi nghĩ chắc ông ốm nhẹ và sẽ kịp về để đọc bài phát biểu của ông ở hội nghị. Vậy mà Xuân Diệu đột ngột ra đi. Hoàng Trung Thông là người trực tiếp báo tin cho tôi.

Giữa chỗ đông người mà tôi không sao cầm được nước mắt. Hoàng Trung Thông cũng đau đớn, bàng hoàng. Tôi biết Xuân Diệu rất thân với Hoàng Trung Thông. Xuân Diệu gọi Hoàng Trung Thông là Thông và xưng là Diệu.

Tết nào vợ chồng Hoàng Trung Thông cũng đem bánh chưng cho Xuân Diệu. Có chút gì ngon Xuân Diệu cũng mang đến tận nhà Hoàng Trung Thông. Xuân Diệu thuộc tên, quen biết tất cả con cái, dâu rể của Hoàng Trung Thông.      

Hôm ấy, tại hội trường, mọi người lắng nghe bài viết cuối cùng của Xuân Diệu cho các nhà văn trẻ. Nhiều người bật khóc. Rồi chúng tôi kéo nhau về 51 Trần Hưng Đạo để tiễn đưa ông. Hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chật quãng đường từ Bà Triệu đến Phố Huế để vĩnh biệt nhà thơ.

Chỉ đến khi Xuân Diệu đã thực sự đi xa, tôi mới thấu hiểu nỗi cô đơn của ông ngày ông còn sống. Chính trong bài viết cuối cùng cho các nhà văn trẻ, ông đã nhắc đến sự cô đơn, vì cô đơn mà "có ý thức đi tìm bè bạn trong thơ xưa nay rồi trở nên đông vui, giàu có".

Vì cô đơn mà ông rất chăm chút cho Huy Cận. Ông nhắc với tôi rất nhiều về Huy Cận, một bài thơ Huy Cận đăng trên nhật báo cũng khiến ông vui sướng. Vì cô đơn mà ông có rất nhiều em kết nghĩa để chăm nom, giúp đỡ họ chuyện đời, chuyện nghề.

Và rồi, mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh về ông dường như đều thấm đượm nỗi cô đơn ấy. Tôi nhớ buổi chiều tôi đến thăm ông. Lúc ấy Xuân Diệu đang chơi đùa với cháu nội của Huy Cận. Cháu mới chập chững biết đi. Cháu tinh nghịch đem hết bút của ông Diệu cho vào cái chân bàn bằng ống trúc rồi bắt ông dốc ngược bàn để đổ bút ra sàn.

Cháu cứ làm đi làm lại như vậy, ông vui vẻ chiều cháu, nét mặt dịu dàng, trìu mến. Không hiểu sao cái cảnh tượng đầm ấm ấy lại khiến tôi buồn. Tôi nhớ buổi xế trưa ở Duy Xuyên năm 1983...

Khoảng 1h trưa, Nguyên Ngọc bảo tôi qua phòng đón Xuân Diệu ra xe để đi đến nơi khác. Xuân Diệu vừa đi nói chuyện cho giáo viên trong huyện về. Mọi người đến rất đông để được nghe, được nhìn thấy nhà thơ lớn.

Xuân Diệu bảo tôi: "Cho mình nghỉ một tí", rồi ông để nguyên quần áo, nằm xuống, quay mặt vào tường. Ông quài tay ra túi sau, rút một chiếc phong bì rồi lúi húi kiểm tiền. Không hiểu sao cái cử chỉ bình thường đó của ông lại khiến tôi bùi ngùi thương xót.

Có lần, khi nói chuyện với bạn bè về Xuân Diệu, tôi đã nói rằng: Nếu không có Xuân Diệu, nền văn học Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn. Nhưng giờ đây tôi mới hiểu, cái ý nghĩ về một khoảng trống khác xa với một khoảng trống có thực.

Khi đưa tiễn Bùi Xuân Phái, tôi viết: "Rồi sẽ chẳng có gì bù đắp nổi. Một phần Hà Nội đã ra đi". Sau này, khi đưa tiễn Hoàng Trung Thông tôi lại viết: "Hà Nội đưa tiễn nhà thơ. Đưa tiễn một phần mình".  

Mỗi người trong số họ ra đi, đã để lại một khoảng trống vĩnh viễn

.
.