Khi thủ lĩnh... hát!

Chủ Nhật, 05/09/2010, 15:00
Thủ lĩnh? Nghe vẻ hơi hướng rừng rú thế nào nhưng có một người cánh trẻ khá mê và thường dùng cụm từ ấy trong những cuộc vui, trong những khoảng thư giãn hiếm hoi... Không thường xuyên và tường tận, nhưng tôi biết vị thủ lĩnh ấy hát chỉ đường được thôi nhưng lại hay hát!

Có câu ngạn ngữ, người ta có thể hát lên một mối tình đã bị chết chứ không ai hát lên một món... tiền đã bị mất! Tình lẫn tiền, không rõ  người ấy có bị suy suyển gì chưa nhưng tôi ngờ rằng, với cái sự hay hát, người ấy dùng nó như thứ  phương tiện để tìm một tiếng nói chung vì công việc?

Cái ngày mấy anh em làm báo lên Sông Đà, máu lên theo lời gạ của anh cán bộ Đoàn Đinh La Thăng nhập cuộc bóng với mấy anh em trong BCH Đoàn Tổng Công ty (TCT). Tiền đạo được coi khá nhất trong đám báo chí lử lả chạy bởi cuộc vui quá đà tối hôm qua nên bên báo thua liểng xiểng! Cán bộ Đoàn thanh niên ở công trường TNCS Sông Đà hầu như anh nào cũng có máu văn nghệ nhưng có vẻ như Thăng nhỉnh hơn cả.

Ngài Satoshi Arai, Bộ trưởng Bộ Chính sách quốc gia Nhật Bản (đứng giữa, thứ 4 từ trái sang) trong buổi làm việc với Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng (thứ 6 từ trái sang) và Tập đoàn PVN. Ảnh Võ Hồng Long ( PVN).

Thuở ông Đặng Quốc Bảo, hồi ấy là Bí thư thứ nhất TW Đoàn khăng khăng dõng dạc rằng cán bộ Đoàn dứt khoát phải nổi trội phong trào thanh niên như một vai trò của... thủ lĩnh! Tôi không hiểu lắm cái ý ấy nhưng ở lâu lâu với Đoàn thấy cái lý ấy nó có cơ đứng được. Hình như ở độ tuổi nào người ta cũng cần cho mình một người phụ trách na ná như thứ minh chủ?

Người trẻ lại càng cần sự dẫn dắt chăm nom ấy. Họ chỉ thực sự phục và tin theo những phụ trách có năng lực chuyên môn lẫn tài quản trị, cộng với dạng nghị lực chi đó mà người trẻ có thể gửi gắm, tin cậy... Vị Bí thư Đoàn TCT kiêm Phó phòng Tài vụ Đinh La Thăng hình như có na ná thứ barem ấy? Lại nữa, hầu như tất tật các cuộc gặp hay hội họp, nếu có điều kiện là Thăng luôn là người cầm trịch, cầm cái cho các cuộc hát!

Hình như người Việt mình nhất là ở người trẻ trong máu có tiềm ẩn cái khả năng hát? Hát để tìm vui tìm quên tìm nhớ những gì chả biết. Mới đầu có lẽ cũng ngượng và sượng nhưng có sự cầm cái và khuyến khích thì cái máu ấy đôi khi ngủ quên đã chợt bừng thức? Âm thanh đồng ca tối đó của những người trẻ Sông Đà như có chi lấn lướt đuổi xua cái ám ảnh lẩn quất của thời điểm hậu Sông Đà!

Khỏi nói tới những cố gắng, những giải pháp tình thế, thứ thì tuyệt vọng, thứ thì vượt bậc để giải cứu cái họa hậu Sông Đà. May sau đó mà có táo bạo đột phá Ialy và những gì nữa chả thể kể hết ra đây! Với Ialy, quân Sông Đà, người Việt Nam tự làm lấy tất cả! Sau tiếng reo Ialy, quân Sông Đà khôn khéo chu tất đã không xảy ra hậu Ialy như Sông Đà Hòa Bình.

Dạo khởi công Sơn La, công trường có một đêm vui. Bốn thế hệ làm thuỷ điện từ ông Ngô Xuân Lộc, Anh hùng lao động Trần Thọ Chữ, Cao Lại Quang (lính đường hầm của ông Chữ khi đó là Thứ trưởng Bộ xây dựng) rồi cánh thợ trẻ mới tuyển, theo sự cầm cái của Chủ tịch HĐQT TCT Sông Đà  Đinh La Thăng, tất thảy những khuôn ngực xẹp lép vì tuổi tác hay đang độ vồng của thanh tân đều vồng lên bởi ca khúc “Tiếng gọi Sông Đà” của Trần Chung. Ca từ của ca khúc ấy từng theo quân Sông Đà đi khắp các công trình xây dựng lớn của đất nước như một thứ ca khúc truyền thống. 

Đêm ấy tôi được nghe một Đinh La Thăng đã chững chạc, trước khi vô Huế với cương vị công tác mới (Phó Bí thư Tỉnh ủy) nói với tôi quân Sông Đà đang hiểu đang nhìn ở một góc độ khác câu khẩu hiệu của ngày hôm qua là chỉ dựa vào số lượng, vào con số cộng, nghĩa là số đông làm tiêu chuẩn để đánh giá lực lượng mà lực lượng ấy, nguồn nhân lực ấy phải được nhìn nhận như khả năng làm chủ công nghệ, tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hiện đại!

... Đận ấy về làm việc ở công trình Khí Điện đạm Cà Mau, dự cuộc giao ban khá căng ở công trường. Ông Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Đinh La Thăng ngồi kia, quyết liệt thẳng thắn nhưng hài hước chỉ ngay ra cái ấm ớ hội tề của một đơn vị thi công đường khiến không khí phòng họp như doãng ra, như dịu bớt.

Một Đinh La Thăng sắc sảo chững chạc hiệu quả, tư thế của một chủ đầu tư những công trình cỡ nhiều triệu USD. Một Đinh La Thăng Bí thư Đoàn còn khiêm nhường trong những buổi giao ban ở công trường TNCS Thủy điện Sông Đà những năm đã lăng lắc ấy. Thời nào người nấy, phải vậy chăng? Lại chứng kiến thêm Bộ trưởng Hoàng Trung Hải trực tiếp dùng tiếng Anh để hỏi chuyên gia kết cấu một hồi lâu về độ dung sai chi đó.

Ngó vẻ cả cười của hai bên chắc họ đã tìm được tiếng nói chung? Chao ôi tìm được tiếng nói chung trên một đại công trường cho cả bên A lẫn B mà ở những hạng mục cỡ đại công trường như thế này thường phát sinh những thứ này thứ khác? Việc thì mới nhưng trong tầm tay của những người trẻ. Cách nghĩ cũng trẻ. Trẻ gắn với cái mới! Chợt thoáng hiện những cung cách lụ khụ của những buổi giao ban đã vời xa… 

Đêm ấy tôi như trẻ lại cùng cánh trẻ bộ phận kỹ thuật công trường, lại vẫn là Đinh La Thăng làm MC trong một cuộc vui văn nghệ. Có cảm giác âm thanh của tốp ca, của đơn ca như xua bớt đám muỗi U Minh bu dày đặc quanh những quầng sáng CNH - HĐH đột ngột bừng lên ở miền đất hoang vu tận nơi cuối đất cùng trời của Tổ quốc. Ngó cung cách cầm trịch của ông Chủ tịch HĐQT cùng sự tự nguyện của các bạn trẻ trong đêm vui, tôi đọc ngay được cái nếp hát cùng cung cách vui vầy nọ, Đinh La Thăng không biết tự bao giờ đã xuất khẩu, đã du nhập từ Sông Đà sang bên ngành Dầu khí?--PageBreak--

Mới đây thôi, lại có một đêm hát ở Tokyo. Lại cũng Đinh La Thăng tự tin thoải mái cầm trịch. Số là tôi được ăn theo cuộc xúc tiến thương mại của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại Nhật Bản. Tôi không rõ lắm công việc của vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh La Thăng mấy năm trị nhậm ở vùng Bình Trị Thiên cũng như sau này được điều chuyển sang phụ trách ngành Dầu khí.

Tôi cũng nghe những này khác về sự cải tổ sự đổi mới quyết liệt này khác để ngành không lỗi bước với cơ chế thị trường. Để xứng danh là một trong những tập đoàn kinh tế mạnh giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển của Việt Nam. Cũng phải thôi, PVN cần bành trướng thương hiệu với động thái xúc tiến đầu tư này bởi sản phẩm của PVN chiếm tỷ trọng 45% giá trị xuất khẩu và hằng năm góp hơn 20% cho ngân sách quốc gia.

Do thông tin nhiều chiều của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mà hơn 500 doanh nhân (BTC trước đó nhận được gần 300 đại biểu đăng ký) đại diện cho các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như Mitsubishi, Marubeni, Mitsui, Shimuzu, Sumitomo, Hitachi Nippon… đặc biệt sự hiện diện của đại diện các tập đoàn dầu khí cảng biển hàng đầu Nhật Bản như Idemitsu, Mitsubishi Oil, Mitsui Shipbuilding, Kansai Electric… đã có mặt ngồi chật phòng họp lớn của Tòa nhà Tokyo Mid Town dự Hội nghị Chương trình xúc tiến thương mại do PVN tổ chức.

Các doanh nhân Nhật Bản đã chăm chú theo dõi chương trình kế hoạch xúc tiến đầu tư của PVN nhằm thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài mới (trực tiếp và gián tiếp) giới thiệu về hơn 30 dự án trong 6 lĩnh vực của PVN ước tính gần 40 tỷ USD!

Bây giờ, có lẽ còn quá sớm để khẳng định tính khả thi của những dự án mà các đối tác Nhật Bản đã chủ động bàn thảo với PVN, nhưng ngay sau hội nghị, một số văn kiện hợp tác và biên bản ghi nhớ đã được PVN ký kết với các đối tác kinh tế mạnh của Nhật như NEXI, JBIC, SMBC, JETRO… được coi là kết quả bước đầu khả quan của việc xúc tiến đầu tư. Cũng phải kể ra đây ấn tượng của buổi họp báo do Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng chủ trì.

Chúng tôi đã không nhận ra trong số đại biểu doanh nhân Nhật ngồi chật hội trường lớn này có rất nhiều đại diện giới truyền thông Nhật Bản. Báo chí, có những báo lớn như ASahi Shimbun, The Mainichi Newspapers, Yomirishimbun, The sankei Shimbun, The Nikkan Kogyo Shimbun… Truyền hình Nhật Bản có NHK, Nippon Television, TBS (Tokyo Boadcasting Television) Fuji Television, Asahi Television, TV Tokyo Corporation v.v…

Điều ngạc nhiên là PV Nhật quá rành PVN nói riêng và Việt Nam nói chung. Đâm băn khoăn không rõ thông tin  đến với họ bằng nguồn nào? Chững chạc tự tin ở một vị thế tập đoàn kinh tế mạnh thì có lẽ người chủ trì cuộc họp báo mới có thể rành rẽ khúc chiết và thoả mãn vô số những băn khoăn thắc mắc, trong đó không ít những soi mói tọc mạch? Những sự hỏi đáp ấy những băn khoăn những thắc mắc ấy không phải dẫn đến bí bách, đến ngõ cụt mà là mở ra thênh thang của một sự phát triển.

Nhiều phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam và nước ngoài đã đề cập đến hiệu quả buổi làm việc của ngài Satoshi Arai, Bộ trưởng Bộ Chính sách quốc gia Nhật Bản (BTBCSQG) với Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng. Căn phòng khách giản dị của quan chức Nhật này ngay lập tức gây ấn tượng không phải sự bài trí mà là sự có mặt của hàng chục phóng viên thuộc nhiều hãng truyền thông nổi tiếng. Đủ biết giới truyền thông bên này họ đã thính nhạy ra sao khi sự có mặt của một tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt NamTokyo. Mà đối tác phải như thế nào thì ngài Bộ trưởng mới tiếp? Bộ Chính sách quốc gia Nhật Bản (NPU) với chức năng tăng cường khả năng lãnh đạo chính trị sau khi đảng Dân chủ Nhật Bản lên nắm quyền có nhiệm vụ xúc tiến việc lập kế hoạch và điều phối công việc giữa các Bộ.

Từng giữ cương vị BTCSQG có ngài Naoto Kan, từ tháng 9/2009 đến tháng 1 năm 2010 hiện là đương kim Thủ tướng Nhật Bản); Ngài Satoshi Arai, ngoài việc là BTCSQG còn đương kim là Bộ trưởng các Bộ: Bộ Kinh tế tài chính và Bộ An ninh Lương thực Hàng tiêu dùng.

Trở lại với buổi đêm con tàu du lịch tiến dọc sông hướng ra Vịnh Tokyo đang âm vang những ca khúc do MC Đinh La Thăng cầm trịch. Những yếu nhân của các phòng ban cần thiết có mặt trong cuộc xúc tiến đầu tư này tinh những người trẻ. Một hình ảnh thu nhỏ của PVN với hơn nửa lực lượng lao động CBKT là những người trẻ?

Cũng có ý kiến hơi bị... xa xôi rằng, rất có thể mai kia ông Đinh La Thăng ở cương vị công tác mới (?) cái thế của PVN liệu có ổn định chững chạc tự tin trong mặt bằng kinh tế thị trường đầy biến động này không? Nhưng trong hành trình tiến ra biển lớn, có lẽ ban lãnh đạo PVN đã tìm được tiếng nói chung như một lẽ sống còn như là một dàn đồng ca vậy? Đã đành không phải ai cũng thích hát và có khả năng hát, nhưng có lẽ cái bè mà thủ lĩnh Đinh La Thăng đã từng tạo nên vì sự phồn thịnh và giàu có của đất nước trong đó có cá nhân mình (để cân bằng sự sống tinh thần lẫn vật chất) thì cũng phải và cũng nên nhập cuộc?

                                     Tháng 8/2010

X.B.
.
.