Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên:

Khi những giấc mơ yêu vụn vỡ

Thứ Hai, 25/11/2013, 16:19
Đôi khi, Mỹ Uyên khiến tôi cảm thấy chị như một người đàn ông, vì những suy nghĩ phóng khoáng, những cuộc chơi hết mình và cảm giác không thích bị ràng buộc đời mình vào một cuộc tình. Nhưng một mặt khác, chị lại quá chi tiết đến… phát mệt, khi làm chương trình, trên sân khấu hay những chuyện nghề nghiệp.

Đời người đàn bà, ở tuổi này, sống trong căn nhà rộng với những bức ảnh kỷ niệm, hẳn là buồn. Nhưng đời người nghệ sỹ, ở tuổi này, được hạnh phúc với công việc và được nhiều người trân quý, lại là một niềm vui…

1. Mỹ Uyên thường nhắn tin cho tôi vào sáng sớm, hỏi chuyện công việc, cũng đôi khi chỉ là “ngủ dậy chưa, tôi gọi điện nói chuyện này quan trọng”. Thực ra cũng không quá quan trọng, là chuyện đây đó trong việc chúng tôi cùng hợp sức sản xuất chương trình Nhịp sống gia đình trên ANTV. Nhưng tôi biết, cảm giác muốn trò chuyện lúc buổi sáng của người quen dậy sớm là vậy.

Được chia sẻ và được lắng nghe, trước khi bước vào đời cơm áo. Mỹ Uyên dậy sớm, để lo bữa ăn cho hai má con và “cô Bim”, chú chó đã sống cùng chị gần hai chục năm trời trong căn nhà trên đường Bùi Viện. Rồi sau đó, chị đưa bé Na đi học. Cô con gái đã bước vào lớp 7, cao gần bằng má, ít nói, hay cười nhưng quan sát rất kỹ tình cảm của má mình. Chị không sinh ra Na, nhưng chị đã chăm sóc cho cô bé từ khi còn ẵm ngửa.

Khi ấy ba mẹ Na còn sống chung với chị ở Sài Gòn, rồi họ quay lại quê nhà Tây Ninh để bắt đầu một cuộc sống khác. Na ở lại với má Uyên, má con sớm tối có nhau. Na thân với bạn bè của má, biết hết mọi chuyện đời má, kể cả chuyện tình yêu. Na thuộc thoại vở diễn của má hơn cả diễn viên chuyên nghiệp và là khán giả trung thành nhất của nhà hát, xem từ lúc tập tới khi duyệt và xem cả trăm suất sau đó…

Và họ vẫn đưa đón nhau hàng ngày như vậy. Đến đêm, khi má Uyên có tiệc, bé Na cũng lẽo đẽo đi cùng, má ngồi trò chuyện với bạn má, con ngồi học bài trên chiếc Ipad mini…

Nhưng sáng ấy, Mỹ Uyên gọi rất sớm, giọng chị pha giữa sự hoang mang lẫn buồn chán: “Nó đi rồi, đi thật rồi!”. Đó là vào khoảng đầu tháng 10, trường học của bé Na đã học được nửa kỳ. Một cuộc hiểu lầm giữa chị và vợ chồng em gái, đến mức ba mẹ bé Na muốn đón con về Tây Ninh. Mỹ Uyên, trong cơn giận, đã đồng ý. “Tôi không biết nói sao nữa. Lúc đó tôi giận lắm, tôi nói con mấy người thì đem về nuôi đi, tôi không hầu nữa. Nhưng giờ, má nó đón thật rồi, mình tôi ở nhà trống huơ trống hoác. Tôi không quen cảm giác đó. Một mình, nấu chén cơm ăn cũng thấy lạ lùng làm sao”…

Na đi được hết kỳ nghỉ cuối tuần, Na lại về với má Uyên. Na giống như nguyên nhân gây ra những cuộc cãi nhau giữa hai người mẹ, nhưng Na cũng là chất xúc tác để hai chị em thuận hòa trở lại.

Đời người đàn bà, suy cho cùng, có thể thiếu bóng đàn ông, nhưng không thể nào sống một mình, ân ái với nỗi cô đơn. Mái ấm, có thể khuyết hụt một bàn tay đàn ông, nhưng không thể khuyết hụt hơi ấm của tình thân…

2. Nhưng Mỹ Uyên có thực sự cô đơn không? Cuộc sống với những thói quen và bè bạn đã kéo chị đi quá nhanh, mà dường như nỗi cô đơn chỉ hiện hữu vào mỗi sáng sớm, khi chị tỉnh dậy thấy căn phòng tĩnh lặng đến lạ kỳ. Còn khi đã bước ra khỏi nhà, lái xe đi diễn, đi tập chương trình, quay hình, tham gia các hoạt động thiện nguyện và đặc biệt nhiều bè bạn, Mỹ Uyên cảm thấy mình được vui nhiều hơn. “Tôi không bao giờ đổ lỗi cho nỗi cô đơn, bởi vì tôi biết cách để sống chung với nó. Tôi chưa lấy chồng, nhưng không có nghĩa là không yêu”, Mỹ Uyên từng nói vậy.

Chuyện tình yêu của Mỹ Uyên, cũng thường được kể với tôi vào lúc sáng sớm, kèm theo những nụ cười. Tuổi trẻ của Mỹ Uyên là những tình yêu nhiều nước mắt, chị đã yêu đến quên bản thân mình và hy sinh tất thảy. Nhưng chính chị cũng không biết cách giữ tình yêu đó ở lại bên mình. Rồi tình yêu ấy, cũng như những cơn mưa của Sài Gòn, mau tới mau tạnh. Để lại cô gái tuổi đôi mươi nhiều ngơ ngác, lạc lối giữa thành phố bề bộn những tham vọng. Khi ấy Mỹ Uyên quá rực rỡ. Chị là trường hợp duy nhất không phải hoa hậu hay ngôi sao phim mì ăn liền được nhiều người săn chụp ảnh lịch và mời đóng trong các clip ca nhạc.

Và chị cũng từng được nhiều người đón đưa. “Cái dở của tôi là không biết đánh chìm mình xuống, để người đàn ông cảm thấy được đề cao. Tôi đòi hỏi mọi chuyện phải được công bằng. Càng lớn tôi càng nhận ra mình thật buồn cười, chuyện đó làm gì có, kể cả ở phương Tây, không bao giờ có. Phụ nữ phải biết nhún nhường một chút, hi sinh một chút. Đàn ông, như một giống loài ngang ngạnh, thích được đề cao”…

Mỹ Uyên có bao nhiêu mối tình? Tôi từng hỏi chị, mà chị cười. Ở tuổi này, ngồi đếm những mối tình, thấy không bình thường lắm. Cái quan trọng là có bao nhiêu đàn ông thực sự yêu và muốn gắn bó với mình. Có người đàn ông đã yêu chị hết lòng, muốn cưới chị làm vợ, nhưng rồi chính họ cũng không vượt qua định kiến rằng, yêu một người nghệ sỹ thì khó bền vững.

Người đàn ông khác, lại muốn chị bỏ nghề để sống như một phụ nữ nội trợ. Họ đều yêu chị cả, nhưng sao chị thấy mình không thể thuộc về họ, không thể thuộc về thế giới của những điều khác với thế giới của mình. Thế giới của chị là sân khấu, là những phút tỏa sáng, là nơi những niềm vui và những cơn đau đan cài vào nhau. Ở đó, chị đã được là chính mình, chứ không phải là một bóng hình từa tựa một ai đó mà thiên hạ gắn mác lên rằng đó là người đức hạnh.

Những người đàn ông đến và đi, chưa một ai ở lại.

Phần nhiều, là vì chị không thỏa hiệp được với tham vọng nghệ sỹ của chính mình. Chị có thể đánh mất tình yêu, chứ không bao giờ rời bỏ cái thánh đường mà từ khi còn là cô bé quê mùa đem dừa ra lề đường bán để lấy tiền phụ má, chị đã nhiều đêm thao thức về nó. Chị đã phải mất nhiều năm lăn lộn, từ những vai diễn quần chúng, đến những vai nhỏ nói được một câu thoại, cho đến những vai xấu xí bị quăng quật bên lề cuộc đời để dần được công chúng chấp nhận, người làm nghề tin tưởng. Chị đã phải đối diện với biết bao thị phi, cám dỗ, những khó khăn có khi là về kinh tế, có khi về tình cảm, có khi cả hai thứ dồn mạnh vào chị như một thử thách của tổ nghiệp, để cố giữ lấy cái nghề mà chị được xếp đặt và ấn định bởi một định mệnh mơ hồ nào đó.

Chị sẽ không từ bỏ. Và những người đàn ông kiêu hãnh và sĩ diện, những người đàn ông chỉ muốn sở hữu chị như một đức ông chồng sở hữu cô vợ xinh đẹp, đã lặng lẽ ra đi…

Không một ai vừa vặn, đủ hiểu để yêu chị, như một người đàn ông yêu một người đàn bà, như một người tri kỷ thấu hiểu đến yêu một người nghệ sỹ. Còn chị lại cực đoan, để không bao giờ thay đổi lựa chọn, dấn thân đến cùng con đường sân khấu của mình. Đó mới là gia tài của chị, chứ không phải là căn nhà phố lớn, là chiếc xe hơi có thể mở toang cửa ngắm trăng sao giữa đường phố Sài Gòn, hay là những món đồ đắt tiền chị sẵn sàng bỏ quên đâu đó mà không nhớ…

3. Gia tài của chị có gì? Những vai diễn. Và lòng tin của người khác dành cho Mỹ Uyên, như một thương hiệu, không thể dùng tiền để mua. Mỹ Uyên có những vai diễn hay, như cô Ba Có trong phim Nợ đời, như cô Chín bến đò trong Cánh đồng bất tận, hay khoảng gần hai chục vai diễn trên sân khấu. “Tôi đã từng đi diễn tấu hài, tham gia rất nhiều môi trường sân khấu khác nhau. Nhưng tôi vẫn chọn sân khấu 5B. Ở đó tôi được làm việc trong một môi trường sân khấu nghiêm túc, dẫu không phải khi nào cũng thành hiện tượng, nhưng mỗi tác phẩm đều được xây dựng nghiêm cẩn, chỉn chu. Khi tôi làm Phó giám đốc Nhà hát, tôi mới hiểu được hết gánh nặng của những người chèo lái một sân khấu. Giữa cơn lốc bạc tiền, diễn viên chạy show, người người kiếm sống, để duy trì được con đường nghệ thuật mình đã được thừa hưởng từ tiền nhân, là một bài toán không giản đơn”…

Lại một buổi sáng sớm, khi tôi đang ngồi uống trà và đọc nốt cuốn Thang máy Sài Gòn của nhà văn Thuận, Mỹ Uyên lại gọi điện. Chị khóc. Cơn khóc có vẻ như khá dài. Một chút lo lắng, tôi muốn hỏi, nhưng rồi im lặng nghe chị khóc qua điện thoại. Rồi chị bảo: “Có những người thân yêu đã ruồng bỏ tôi. Không phải họ đã dứt bỏ như một cuộc chia tay, mà họ đã không còn hiểu đâu là sự chân thành nữa”. Một người đồng nghiệp của chị, đã từng sống chung qua tao đoạn sinh viên khó nghèo, người đồng nghiệp mà lúc vất vả nhất chị vẫn níu kéo ở lại để giúp đỡ, đã thẳng tay nói sỗ sàng vào mặt chị. Rằng chị đang tìm kiếm hư danh bằng việc trở thành Phó giám đốc Nhà hát, tìm kiếm những danh hiệu hư ảo, và luôn thủ sẵn vai nữ chính trong các vở diễn cho riêng mình. Mỹ Uyên đã không nói nên lời, bởi chị đã từ bỏ những câu chuyện ham hố danh lợi từ lâu lắm.

Từ 5 năm trước, khi chưa là Phó giám đốc Nhà hát, chị đã tự kéo mình vào một góc nhỏ hơn, bằng những vai diễn thứ chính, nhường đất cho những diễn viên mới lên để họ tỏa sáng. Không phải chị cao thượng đến mức từ bỏ cả vinh quang. Mà cái đạo làm nghệ thuật nó phải vậy, như sự đền đáp tiếp nối mà tổ nghề đã ban cho. Và với những vai diễn nhỏ, chị vẫn có thể trở thành một tâm điểm. Là bởi, chị biết mình đang có gì, và nên làm gì…

“Tôi đã nộp đơn từ chức rồi”! - chị nói, pha trong đó là một tiếng thở dài, nửa như thanh thản, nửa gì đắng cay…

4. Nhưng Mỹ Uyên không được chấp nhận để từ bỏ. Và chị vẫn phải cùng những người thân trong ngôi nhà 5B Võ Văn Tần tiếp tục con đường của mình. Họ đang chuẩn bị công diễn vở kịch Gương mặt kẻ khác của nhà văn Bích Ngân. Một vở diễn khác biệt, với số phận nhân vật được đẩy đến tận cùng. Như một cuộc thử nghiệm, để những ai còn lại với sân khấu 5B, nếu còn tài năng sẽ bật sáng…

Sáng đầu tiên của tháng mười một, chị gọi điện cho tôi, khoe vai diễn mới, một người phụ nữ cô đơn, như chính số phận của chị.

Đời nghệ sỹ thường phải gắn mình với cô đơn. Nhưng vì thế, nó lại trở nên khác thường và đẹp đẽ. Như chị, sau những giấc mơ yêu vụn vỡ, chị vẫn còn cánh màn nhung lấp lánh, như một cánh cửa để trở về. Và nỗi cô đơn, như một thứ trang sức của đời thường. Và những vai diễn, mãi mãi là một người tình, thủy chung và mang nhiều hạnh phúc…

Dương Bình Nguyên
.
.