Khánh Huyền: Mùa thu, cây cầu đã gãy

Chủ Nhật, 06/06/2010, 15:43
Trong trái tim người phụ nữ, điều gì là quan trọng nhất? Tình yêu hay sự bình an? Không ai biết, ngoài chính họ! Người phụ nữ, như một cành cây trong gió, có thể sẽ kiên cường nhưng cũng có thể bị bẻ gãy trước bão. Tùy thuộc vào nội lực bên trong sự mảnh mai của họ. Khánh Huyền, người đàn bà nhút nhát, đã đứng dậy sau cơn bão, đi tìm nhịp đập bình an cho trái tim mình. Chị, người phụ nữ tưởng như bi lụy và ngập tràn nước mắt, bỗng một ngày sống mạnh mẽ và dám đương đầu nơi xứ lạ…

Nếu không có những bộ phim truyền hình, bắt đầu từ "Ngọt ngào và man trá", thì có lẽ cái tên Khánh Huyền sẽ khiêm nhường đâu đó, như rất nhiều nghệ sỹ của các nhà hát ở Hà Nội. Khánh Huyền từng làm ca sỹ, rồi làm MC, rồi làm diễn viên của Đoàn kịch 2, Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng trên sân khấu ấy, chị lại là người thua thiệt hơn nhiều người. Chị có những vai diễn, nhưng thường là diễn đúp vai với Lê Khanh. Và tất nhiên, đó là một bất lợi lớn.

Sân khấu có một sự thật khắc nghiệt, người ta đến để xem diễn viên đó đóng vai đó trong vở kịch đó, chứ không phải chỉ đến xem một vở diễn thông thường mà ai xuất hiện cũng được. Khi Lê Khanh đã tạo dấu ấn (mà hình như với nữ nghệ sỹ này thì vai nào cũng có những dấu ấn) thì khán giả sẽ chỉ nhớ Lê Khanh thôi. Khánh Huyền khi ấy thực sự là một cái bóng. Chị cũng có những vai diễn riêng, trong những vở kịch lớn. Nhưng không riêng gì chị, rất nhiều nghệ sỹ cùng lứa của chị, gặp một sức cản lớn, chính là lứa nghệ sỹ đi trước của Nhà hát, như Lê Khanh, Chí Trung, Anh Tú, Lan Hương… Đó là những cái bóng lớn đổ xuống các thế hệ đi sau. Và lứa của Khánh Huyền xuất hiện  khi lứa nghệ sỹ đi trước đang hồi sung sức nhất. Và vì thế, sức ảnh hưởng của Khánh Huyền với công chúng cũng khiêm nhường hơn.

Rất lâu, người ta nhớ Khánh Huyền là một gương mặt đẹp. Nhưng người ta lại không nhớ được vai diễn nào của chị. Chị làm ca sỹ, nhưng cũng ít ai biết chị hát ca khúc nào. Và người ta nhớ, có một diễn viên rất xinh đẹp, biết hát và thường làm công việc giới thiệu các chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhưng số mệnh đã dành cho chị một ngôi sao may mắn. Và các vai diễn liên tiếp trong những bộ phim truyền hình đã chính thức khai sinh một ngôi sao thực sự. Khánh Huyền tỏa sáng và là lựa chọn phù hợp cho những vai nữ chịu thương, chịu khó. "Nhưng tôi cũng là người vô duyên với giải thưởng. Khi các bộ phim tôi đóng rất được chú ý, người ta bầu chọn rất nhiều, thì tôi cũng không đi được đến vinh quang. Giải diễn viên được yêu thích nhất năm ấy lại thuộc về NSND Lan Hương. Đạo diễn Tất Bình đùa với tôi, anh ấy bảo, nếu có giải nhì kiểu gì Huyền cũng thắng" - Khánh Huyền nói. Nhưng, dù gì đi nữa, thì suốt hơn 10 năm, Khánh Huyền đã ở lại trong tâm trí khán giả, như một ngôi sao ngọt ngào, không scandal và làm nghề nghiêm túc.

Đã có thời gian, Khánh Huyền là hình mẫu phụ nữ mà nhiều cô gái Hà Nội mơ ước. Một sự nghiệp vững vàng, với những vai diễn xuất sắc. Có việc làm ổn định ở một Nhà hát của Nhà nước (thứ mà nhiều bậc phụ huynh bây giờ vẫn coi như một chuẩn mực của sự nghiệp). Có chồng làm doanh nhân thành đạt. Và có hai đứa con ngoan…

Thế nhưng, chị đột ngột rời Hà Nội, bỏ lại tất cả, bỏ lại cả công việc của Nhà hát, với tất cả sự ngỡ ngàng của mọi người. Rời bỏ cả mái ấm, cái nơi mà nhiều người từng ngưỡng mộ. Rời bỏ danh tiếng. Để trốn chạy những thị phi.

Nhiều người nói chị chạy trốn cuộc hôn nhân đã đổ vỡ.

Và những người thân của chị thì lo lắng. Từ bé, chị đã không quen đi xa, lười thay đổi. Ai cũng thấy công việc ở Nhà hát là vô cùng phù hợp với Khánh Huyền. Không ai, kể cả chị, hình dung được khi chị rời bỏ mọi thứ thân quen để bắt đầu bập bõm những bước đi ở một nơi xa hàng ngàn cây số sẽ như thế nào. Nhưng chị rời đi, vì chị không muốn đối diện với quá khứ của sự đổ vỡ.

Thực ra, trong mỗi cuộc chia tay của người đàn ông và người đàn bà, người ta thường lấy lý do là không hợp nhau và trường hợp nào cũng đúng. Không hợp vì nhiều lẽ. Đôi khi nhu cầu sống, cách sống và cách nghĩ quá khác nhau cũng sẽ đẩy cuộc hôn nhân đi vào hồi kết. Với Khánh Huyền, có lẽ, đó là một cảm giác được sống là chính mình. Và không phải vì những lý do gì quá to lớn người ta mới chia tay nhau. Chia tay là để bắt đầu một cuộc sống mới, một hành trình khác, một sự trải nghiệm khác. Khánh Huyền đã chọn hành trình đầy bất trắc, đó là vào Nam. Chị bắt đầu đi thuê một mái nhà cho hai mẹ con. Và đọc đủ các loại đắc nhân tâm để trấn an chính mình. Có những khi con gái đã ngủ say, chị thấy bức bối đến mức muốn phá tung khung cửa. Chị đi ra ngoài đường, không mang gì theo cả, rồi đi lang thang trên phố, có người gọi chị, tưởng chị muốn đi chơi đêm. Và cho đến khi chị đi quá xa, chị không biết trở về nhà bằng cách nào. Chị bật khóc nức nở trong đêm đã bắt đầu vắng người. Chị không mang theo điện thoại, không mang theo ví tiền. Buộc lòng chị phải kêu một chiếc xe ôm chở về nhà, mà trong lòng nơm nớp lo lỡ bị… bắt cóc.

Khánh Huyền đã bật khóc hàng trăm lần ở thành phố lạ. Vì cái gì cũng lạ, cái gì cũng bỡ ngỡ, cái gì cũng phải tập làm quen. Và bật khóc vì sự chênh vênh của người phụ nữ đã qua một lần tan vỡ. Chênh vênh vì ngày mai, khi công việc thì chưa có, khi các khoản chi phí ở thành phố đắt đỏ cứ nhiều lên và khi quá khứ cứ dội về. Nhưng chị đã chọn và bắt đầu phải tìm cách sống cho phù hợp nhất. Bắt đầu đi làm MC cho các chương trình lớn nhỏ, bắt đầu tìm những mối quan hệ thân thiết và dần có được những cơ hội làm việc tốt, chị đã dần trở lại với cuộc sống bình thường.

Vượt qua một cú sốc, với người này có thể chỉ là một chớp mắt, nhưng với người khác, có khi phải là một phần đời dài. Khánh Huyền mất gần hai năm cho một cuộc đổi thay, mà đến tận lúc này chị vẫn chỉ dám nói là "tạm ổn". Nhưng chị đã thấy mọi thứ yên bình đi rất nhiều. Khánh Huyền đi tìm sự bình an, chứ không mưu cầu cho một cuộc… lột xác hay bước thăng tiến mới trong nghề diễn. Bây giờ, Khánh Huyền tất bật mỗi ngày, với hai bộ phim đang quay, với lịch ghi hình của chương trình truyền hình mang tên "Sức sống mới". "Tôi muốn được trở về nhà, nấu ăn cho con, đọc sách và xem phim. Tôi thuộc mẫu phụ nữ hướng nội và hoàn toàn không có nhu cầu đi cà phê, mua sắm. Và tôi rất chủ quan với sắc đẹp của mình. Nên không biết có phải vì thế, mà tôi không bao giờ có ý nghĩ, mình phải chưng diện, ra đường kiếm một mối tình. Với tôi, mọi thứ phải từ từ, từ sự sẻ chia dẫn đến tình yêu và tôi thích ở trong ấy có cả sự bền vững".

Tôi hỏi Khánh Huyền rằng, chị có ý định quay lại Hà Nội không? Khánh Huyền dứt khoát là không. Dường như chị đã rất quyết liệt cho chuyến đi này. Chị cũng hiếm khi về lại Hà Nội, trừ những dịp rất đặc biệt mà thôi. "Mỗi lần về lại, tôi đến Nhà hát, mọi người chào đón tôi như người nhà, tôi lại bị cảm giác thân thuộc cám dỗ ghê gớm. Và mọi thứ nó cứ ùa về. Thành ra, mình phải tính rất kỹ, tính mình rất dễ mủi lòng hoặc hay bị cảm giác chi phối, nếu không quyết liệt thì mình sẽ lại bị rơi vào trạng thái muốn quay về. Mà quay về thì sẽ phải đối mặt với biết bao điều mà mình đã cố gắng quên đi. Thôi, tôi cố gắng làm việc và sẽ cố gắng ổn định cuộc sống hiện tại".

Khánh Huyền đã rời bỏ một mùa đông và có lẽ chị sẽ không quay về mùa đông cũ nữa. Ở thành phố quanh năm nắng ấm, có thể chị sẽ tìm được một hạnh phúc mới. Nhưng như tất cả những người xa xứ, tôi biết, cái mùa đông trong ký ức, cái nỗi nhớ về Hà Nội là cả một khoảng mênh mông trong lòng mỗi người. Cây cầu duy nhất giúp chị quay lại, đó là tình yêu, cũng không ở phía mùa đông nữa…

Dương Lê Trung
.
.