Tổng thống Nga Dmitri Medvedev:

Khác phong cách, chung mục tiêu

Thứ Hai, 14/07/2008, 08:30
Ngày 3/7, tại cuộc họp báo ở Moskva với các phóng viên tới từ các nước công nghiệp phát triển, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 34 của G-8, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã cho thấy, dù phong cách lãnh đạo của ông có thể có những nét khác với người tiền nhiệm Vladimir Putin, nhưng hoạt động của Điện Kremli vẫn tiếp tục hướng tới mục đích tối thượng là bảo vệ những quyền lợi chân chính của nước Nga.

Theo ông, phong cách lãnh đạo không thể làm thay đổi những ưu tiên chung đã được Moskva lựa chọn.

Theo lời thổ lộ của ông Medvedev, ông không hề nuôi ảo tưởng rằng, trở thành Tổng thống Nga, trên đỉnh cao quyền lực, công việc của ông sẽ đỡ bận bịu hơn khi còn là Phó Thủ tướng thứ nhất, một trong những nhân vật chủ chốt của bộ máy hành pháp.

Ông nói: "Đất nước chúng tôi đang có vô số những vấn đề, với một cộng đồng dân tộc chưa giàu có, đang phải ở trong một không gian toàn cầu biến đổi rất nhanh với rất nhiều hiểm họa. Chính vì thế nên Tổng thống của một quốc gia như LB Nga, một quốc gia hùng hậu, một quốc gia lớn, một quốc gia có vũ khí hạt nhân, cần phải làm việc 24 giờ trong một ngày, hay ít nhất là không được lơi là phút nào. Và tôi đã ý thức được rất rõ điều này khi đồng ý tham gia tranh cử và đứng ra làm ứng cử viên Tổng thống".

Với những kinh nghiệm đã thu nhận được trước đây, với sự hỗ trợ và tư vấn của những người đi trước, đặc biệt là ông Vladimir Putin, ông Medvedev đã bước đầu chứng minh được rằng,  nước Nga đã tìm thấy một vị nguyên thủ xứng đáng khi bầu cho ông làm Tổng thống. Đó là một vị Tổng thống biết xác định đúng vị trí và cách hành xử của nước Nga trên trường quốc tế trong một thế giới đầy biến động phức tạp như hiện nay.

Tiếp xúc với các nhà báo G-8, ông Medvedev đã nhanh chóng khiến mọi người tâm phục, khẩu phục khi đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế thế giới. Theo ông, tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay không thể làm cho bất cứ ai cảm thấy thích thú: "Mặc dầu trên thế giới vẫn đang tồn tại những ốc đảo không tồi một chút nào về ổn định kinh tế, nhưng nhìn chung các chỉ số kinh tế đang rất phức tạp. Năm ngoái đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, nảy sinh vấn đề thanh toán tiền tệ.

Cuộc khủng hoảng đã gây tác động đến tình cảnh của hàng loạt những tay chơi lớn. Cuộc khủng hoảng, về bản chất đã làm đổ vỡ niềm tin đối với hệ thống cho vay tín dụng trên thị trường bất động sản ở Mỹ, luôn kèm theo các quá trình tiêu cực khác nhau trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô".

Ông Medvedev cũng cho rằng, kết quả của việc thay đổi chính sách của hàng loạt nước chủ đạo đã trở nên gay gắt hơn vấn đề lạm phát, hiện đang tồn tại ở mức độ gia tăng trong mọi nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế phát triển. Có những nơi lạm phát cao hơn, đặc biệt là trong những nền kinh tế còn chưa được điều chỉnh đủ tốt, có những nơi tốc độ gia tăng lạm phát thấp hơn nhưng vẫn còn ở mức đáng lo ngại. Cộng đồng châu Âu cũng đã vượt qua mức vẫn được coi là nguy hiểm - 3%/năm…

Ông công nhận rằng: "Nước Nga cũng phải chịu trên mình những vấn đề nhất định liên quan tới thực trạng kinh tế hiện nay, với thực trạng tài chính hiện nay…".

Về chính sách của nước Nga, ông Medvedev nói: "Đó phải là một chính sách ổn định và cân đối, không có những lạ lẫm và cong queo. Chính vì thế nên về những ưu tiên của chúng tôi trong vòng 15-20 năm tới, thì chúng tôi đã nói tới từ 8 năm trước, và từ đó đến nay, các mục tiêu của Liên bang Nga không hề thay đổi.

Chúng tôi muốn xây dựng một đất nước phát triển, với một nền kinh tế mạnh mẽ và tốt đẹp, với lĩnh vực xã hội làm hài lòng người dân, xóa bỏ nghèo đói, tham nhũng, xây dựng các mối quan hệ thân hữu với các đối tác quốc tế. Những mục tiêu này không thể bị xem xét lại, dù là ai giữ vị trí nguyên thủ quốc gia Nga. Và tôi cho rằng, trong chuyện này không thể có gì thay đổi, đó chính là quan điểm của tôi, và như tôi cảm thấy, đó chính là điều mà nhân dân Nga đang chờ đợi ở chúng tôi".

Tuy nhiên, mọi sự trên đời đều bèo trôi nước chảy nên trong tình hình có những biến đổi thì những tiểu tiết trong chính sách của nước Nga cũng phải luôn biến đổi.

Tống thống Medvedev nhấn mạnh: "Có những vấn đề được chúng tôi giải quyết ổn thỏa, cũng có những vấn đề mà chúng tôi còn chưa tiến lên phía trước được. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà tôi từ cách đây một thời gian đã bắt đầu không chỉ nói tới một cách đặc biệt mà đã đưa ra một số biện pháp theo hướng loại trừ nó đi, đó là tham nhũng. Thật tiếc là chúng tôi còn làm được quá ít việc để xử lý vấn đề này. --PageBreak--

Cũng về vấn đề này, theo tôi, ông Vladimir Putin đã nói tới khi tổ chức cuộc họp báo chung kết của mình. Hiện giờ, khi chúng tôi đã đạt được một số thành tựu kinh tế nhất định, cũng đã đến lúc phải mạnh tay hơn với vấn đề này, vì ở một quốc gia còn nghèo thì không thể nào xóa bỏ được nạn tham nhũng. Chỉ có thể hạn chế một cách đáng kể nạn tham nhũng ở một đất nước đang phát triển và ngày càng trở nên sung túc hơn… Như vậy là những trọng tâm của cả chính sách đối nội và đối ngoại đều sẽ biến đổi.

Có một khái niệm gọi tên là phong cách, nhưng mỗi một chính trị gia, mỗi một vị Tổng thống có một phong cách riêng. Khác đi thì con người chẳng ai khác ai cả và các công dân của chúng tôi sẽ cảm thấy buồn tẻ và các quý vị phóng viên cũng sẽ cảm thấy buồn tẻ. Nhưng đó chỉ là đánh giá mang tính phong cách. Tôi nghĩ rằng, những đánh giá này không được thế chỗ cho điều chủ yếu: Làm việc hướng tới những ưu tiên mà việc biến chúng thành hiện thực được cả nước, cả dân tộc mong đợi…".

Đánh giá mối quan hệ giữa Moskva với các quốc gia SNG, ông Mededev khẳng định: "Có liên hệ hữu nghị và đầy đủ. Và thực hay là, cơ chế này vẫn được bảo tồn vì sau khi Liên bang Xôviết thôi tồn tại, chúng tôi đã không thể thành lập được cái gì khác có thể kết nối gần như tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, ngoại trừ các nước vùng ven biển Baltik. Và SNG cần được trân trọng.

Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ tiến lên theo hướng những khả năng hợp tác khác, sẽ sử dụng những không gian hợp tác khác, như Hợp tác Kinh tế Á - Âu, như Không gian Kinh tế Thống nhất; chúng tôi sẽ phát triển các mối quan hệ trong khuôn khổ Tổ chức Duy trì An ninh… Chính vì thế nên các mối quan hệ của chúng tôi với các đối tác dựa trên một nền tảng quốc tế đủ độ nghiêm túc.

Còn về việc hỗ trợ một số quốc gia riêng lẻ thì tôi cho rằng, sự hỗ trợ tốt nhất cho dân chủ ở bên trong bất cứ quốc gia nào chính là đường lối của chính phủ đang điều hành quốc gia ấy. Không thể áp đặt dân chủ từ bên ngoài vào. Trong những thập niên gần đây, chúng ta liên tục phải thấm thía điều này.

Kinh nghiệm xây dựng một nền dân chủ có hiệu quả ở Afghanistan hay Iraq đã chứng tỏ rất rõ ràng rằng, đến như tiền cũng không thể tự mình mang tới những giá trị dân chủ. Đó phải là kinh nghiệm đã được xây dựng hàng thập niên, là thực tế chính trị cần được dựa trên công việc nghiêm túc, nhiều lao lực của một xã hội công dân, chứ không thể bay tới dưới dạng viện trợ nhân đạo.

Tôi cũng có thể nói điều này về quan hệ với các quốc gia gần gụi chúng tôi về văn hóa và lịch sử. Tại mỗi một quốc gia đó đang diễn ra những tiến trình chính trị của mình. Có nơi có thể diễn ra nhanh hơn, có nơi có thể diễn ra chậm hơn. Đó luôn luôn là vấn đề đồng nhất giữa quốc gia với nhân dân, với truyền thống.

Rất hiển nhiên là sự lựa chọn như thế không thể nào áp đặt cho cả các đối tác gần và đặc biệt là các đối tác xa. Nhưng dù sao tôi cũng cho là, sau sự kết thúc của Liên Xô như một quốc gia thống nhất, tất cả các thành viên SNG, tất cả các quốc gia xuất hiện trong không gian hậu Xôviết đều đã vượt qua được một quãng đường dài. Hệ thống chính trị của họ đổi khác một cách căn bản so với những gì đã tồn tại 15-20 năm trước.

Trong một số trường hợp, tại các quốc gia đó đã diễn ra nhiều lần thay đổi lãnh đạo, biến đổi hệ thống chính trị, thay đổi cơ chế hợp hiến. Trong một số trường hợp mọi sự diễn ra ổn định hơn nhiều. Và tôi không thể nói rằng, ở những quốc gia mà hiến pháp và hình thái chế độ hợp hiến thay đổi nhanh hơn, thì nhìn từ góc độ bảo đảm các tiêu chí dân chủ tốt hơn ở những quốc gia đang tồn tại sự bình ổn của quá trình điều hòa theo pháp luật trong lĩnh vực này.

Đó là chuyện thứ nhất, đánh giá, và không phải tôi là người cần đưa ra nó; thứ hai, rốt cuộc thì đó cũng là chuyện nội bộ của những quốc gia ấy và tương ứng, chuyện nội bộ của những người sống tại các quốc gia đó. Chính họ bỏ phiếu cho trật tự luật pháp tương ứng, cho những đạo luật được thông qua bởi các nghị sĩ.

Chính vì thế nên tôi nghĩ rằng thực thế thì tất cả các quốc gia xuất hiện trên cơ sở Liên bang Xôviết trước đây sẽ còn phải đi một chặng đường không đơn giản và dài lâu để xây dựng những giá trị dân chủ của riêng mình. Tôi không có ý định lý tưởng hóa tình hình ở nước Nga vì ở chúng tôi mới chỉ là một nền dân chủ trẻ trung và còn chưa hoàn thiện, nhưng chúng tôi đang cố gắng phát triển nó, phát triển một cách nhất quán, và trên cơ sở nền móng hiến pháp mà chúng tôi đang có.

Theo tôi, nền móng hiến pháp đó là tối ưu để phát triển đất nước chúng tôi trong một thời gian đủ dài. Ở đây tất nhiên là tôi chỉ muốn nói tới những điều khoản căn bản của Hiến pháp, bởi vẫn còn một số tiểu tiết, nhưng những điều khoản căn bản thì theo tôi, không nên biến đổi. Tôi đã không chỉ nói về điều này.

Tôi cho rằng, thí dụ như việc thành lập một nền dân chủ nghị viện trên lãnh thổ Liên bang Nga sẽ là cái chết đối với nước Nga như một quốc gia, dù tôi có kính trọng đến mấy hình thức dân chủ nghị trường. Nước Nga trong hàng chục năm nữa, thậm chí hàng trăm nữa phải là một nước cộng hòa theo chế độ Tổng thống để bảo tồn mình như một quốc gia thống nhất…".

Tổng thống Nga cũng thẳng thắn bác bỏ sự áp đặt dân chủ mà một số thế lực ở phương Tây muốn thực thi trên quy mô toàn cầu: "Con đường đi vào nền dân chủ ở mỗi nơi mỗi khác. Quan trọng là không kích động những tiến trình đó từ bên ngoài, tạo cơ hội cho các khát vọng dân chủ của chính nhân dân được trở thành hiện thực. Khi đó, nền dân chủ sẽ bền vững và khi đó nó sẽ đảm bảo sự phát triển đầy đủ của đất nước trong nhiều năm về sau"

Nguyễn Trung Tín
.
.