Học Phi, nhà văn cao tuổi nhất Hội Nhà văn Việt Nam: Viết để neo mình vào cuộc đời

Thứ Năm, 01/05/2008, 08:30
Sống và yêu như đời, đời như tiểu thuyết, đó là cái ký ức đầy ắp và kiêu hãnh của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi. Giờ đây, thời gian sống chỉ là những khoảng đập yếu ớt và nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la này thì Học Phi vẫn chắt chiu từng khoảnh khắc nhỏ ấy. Từng giờ khắc, từng ngày, cụ dành dụm chắt chiu cho mình, để cần mẫn, kiên nhẫn neo chặt mình vào cuộc đời...

Sau khi nhà văn Bàn Tài Đoàn và nhà thơ Khương Hữu Dụng tạm biệt cõi nhân gian để về cõi hư vô, thì nhà văn cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay là nhà văn, nhà viết kịch Học Phi vẫn kiên nhẫn níu mình vào cõi sống. Năm nay cụ Học Phi đã 95 tuổi, ơn trời, nếu quỹ thời gian là vô tận thì chỉ 5 năm nữa thôi, nhà văn Học Phi sống qua 100 năm, tròn 100 tuổi, trọn 1 thế kỷ.

Tôi đến thăm nhà văn Học Phi một ngày vào cuối tháng 3. Đã sang hè, xuân thì chín nẫu trong tiết trời lơ mơ ngái ngủ. Cụ Học Phi ở cùng với cháu gái trong căn hộ đầy đủ tiện nghi ở khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính.

Tuổi tác cao cùng với căn bệnh thoái hóa xương nên suốt 4 năm nay, ông trời lấy mất khả năng tự do di chuyển. Cụ Học Phi buồn lắm, thấm thía cái sự khổ của mất tự do. Chiếc xe lăn trở thành vật bất ly thân để cụ nối đời sống của mình với thế giới bên ngoài. Nhưng dẫu sao, mọi sự vẫn thật chán. Nhất là khi mà mọi sinh hoạt cá nhân giờ đã buộc phải có người thường xuyên đỡ đần.

Ngày nối ngày, thời gian vẫn được phân định rạch ròi trong cõi sống miên man của một cụ ông 95 tuổi. Mỗi một ngày của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi bắt đầu từ 7h sáng. Cụ thức dậy, ăn sáng và nghỉ ngơi.

Đúng 8h30', cụ bắt đầu ngồi vào bàn và tiếp tục với những trang bản thảo viết dở của cuốn tiểu thuyết: "Đi tìm mái ấm gia đình". Buổi chiều thường là có bác sỹ trị liệu đến để xoa bóp và chăm sóc cho sức khỏe của cụ.

Cụ chỉ dành 1 tiếng để viết, hoặc để đọc sách báo. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của cụ xuất bản cuối năm 1999 có tên: "Cuộc đời về cuối". Cuốn sách này được giải thưởng trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tập truyện ngắn cuối cùng được xuất bản trong thời gian này chính là tập truyện "Nguyệt", trong đó cụ đã chuyển thể truyện ngắn "Nguyệt", thành kịch bản  phim "Minh Nguyệt". Kịch bản này cũng được trao giải thưởng trong liên hoan phim năm 2006.

Từ bấy đến nay, nhà văn Học Phi hoàn thành thêm được một tập truyện ngắn nữa mang tên: "Hoàng Lan". Tập truyện này viết xong rồi nhưng vẫn chưa xuất bản.

Độ hai năm nay, nhà văn Học Phi đang bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết dự kiến khoảng trên 500 trang: "Đi tìm mái ấm gia đình”. Tiểu thuyết này xuất phát từ câu nói của thi hào Gớt: "Dù là ông vua hay thứ dân, kẻ nào có mái ấm gia đình, kẻ đó có hạnh phúc". Nhà văn Học Phi đã viết được khoảng 100 trang viết tay.

Tôi hỏi nhà văn Học Phi vì sao độc giả xem cụ là nhà văn, nhà viết kịch chỉ có một đề tài. Đề tài duy nhất như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tất cả các sáng tác của cụ là về Đảng Cộng sản, và người đảng viên Đảng Cộng sản.

Cụ Học Phi cười giòn. Cụ bảo: "Vì Đảng Cộng sản là máu thịt của tôi, tôi theo Đảng từ lúc 13 tuổi, trưởng thành từ con đường hoạt động chính trị. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà viết kịch thì tôi là một đảng viên hoạt động chính trị, đi theo cách mạng và giác ngộ cách mạng rất sớm. 95 tuổi đời thì có tới 75 tuổi Đảng. Đảng và cách mạng đã đào tạo tôi, bồi dưỡng tôi trở thành một nhà văn, nhà viết kịch.

Có một câu nói của một nhà văn Pháp nổi tiếng đại ý là: Người ta chỉ viết được một cách hay nhất những gì mà mình yêu thích nhất, thân thuộc nhất. Đảng là cái mà tôi yêu nhất, cảm hứng dào dạt nhất. Cả truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch của tôi đều viết về Đảng, về cách mạng.

Bây giờ, mỗi một buổi sáng, trước khi cầm bút viết tiểu thuyết, tôi phải đọc được một bài thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ, lúc đó tôi mới có cảm hứng sáng tạo để ngồi trước trang giấy của mình cho cuốn tiểu thuyết đang viết dở.

Càng đọc lại “Nhật ký trong tù” càng thấy hay, càng thấm thía về sự tinh thông uyên bác của Cụ Hồ. Đông tây kim cổ gì Cụ cũng thông thuộc, tinh hoa văn hóa thế giới, Cụ Hồ đều nắm trong lòng bàn tay cả".

Khơi gợi lại tuổi trẻ và những mối tình trong đời, cụ Học Phi hào hứng kể. Cụ thú nhận rằng: tất cả những sáng tác của mình chính là những hồi ký cuộc đời được tiểu thuyết hoá. Từ "Cô bán rau", "Chị Hòa", "Một đảng viên", "Ni cô Đàm Vân" là những tác phẩm đã mang đến cho nhà văn Học Phi giải thưởng cao quý nhất là giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên đều bắt đầu từ những hồi ức thật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ.

Nhà văn Học Phi không giấu giếm cụ đã có rất nhiều những mối tình éo le và ngang trái khi vừa mới bước vào đời hoạt động cách mạng cho đến khi đã có vợ con.

Trong đời cụ, cụ không thể nhớ nổi có bao nhiêu người phụ nữ mê cụ, yêu cụ, thần tượng cụ và đi qua để lại bóng hình trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của cụ. Những người phụ nữ, những đồng chí, những người tình, những mối tình sâu đậm là những khoảng sáng tối trong cái ký ức diệu vợi ấy.

Trong tác phẩm "Cô hàng rau", cụ đã có mối tình éo le với một thiếu phụ có thật ngoài đời. Đó chính là cô Chắt xinh đẹp nhưng có cuộc đời bất hạnh. Bố chết trong một tai nạn xe lửa, gia đình khánh kiệt, mẹ phải gán nợ cô cho con trai một gia đình giàu có nhưng nghiện ngập. Họ gặp nhau và cảm nhau trong quá trình hoạt động, Học Phi đã cảm hóa cô hàng rau đi theo cách mạng.

Hai người được tổ chức cho đóng giả vợ chồng ở trên Yên Phụ để hoạt động theo dõi mật thám. Gần 1 năm đóng giả vợ chồng, tình cảm trong hai người nảy nở. Học Phi đã xao xuyến trước tình yêu cháy bỏng của người thiếu phụ trẻ. Sau đó, do tổ chức điều động, Học Phi lại vào làm người hầu trong một gia đình đại tư sản giàu có ở Phúc Yên.

Tại đây, cô Tuyết con gái của gia đình tư sản giàu có nhưng đa tình và có cuộc sống phóng đãng nên đã chửa hoang. Để hợp thức hóa cái bụng chửa nên cha mẹ phải gả chồng vội. Cô Tuyết không ưng ai mà phải lòng anh hầu đẹp trai, cao to, thân hình vạm vỡ và bơi rất giỏi đòi bố mẹ cưới anh hầu làm chồng.

Tổ chức yêu cầu Học Phi đồng ý cưới với việc đòi nhà gái món tiền 3.000 đồng để giúp công nhân Gia Lâm đang đình công. Cưới nhau xong, nhà gái cho hai vợ chồng Học Phi một biệt thự ở Hàng Kèn. Cưới nhau nhưng mỗi người vẫn ở một tầng riêng, có khóa cửa riêng.

Trong một lần Học Phi diện quần áo tây, dắt xe pơgiô đi làm, vừa ra khỏi nhà thì gặp lại cô hàng rau. Cô hàng rau nhìn thấy Học Phi trong một bộ dạng sang trọng, phía trên lầu là cô Tuyết trông như 1 tiểu thư khuê các.

Đinh ninh Học Phi đã bỏ cách mạng theo lấy vợ tư sản rồi nên trong lòng vô cùng đau khổ. Cô hàng rau đã bật khóc nức nở từ đó lánh mặt Học Phi.

Sau này hoạt động của Học Phi bị lộ, nên phải trốn khỏi ngôi nhà ở Hàng Kèn. Trước đó cô Tuyết đã biết rõ chồng hờ của mình là một trí thức đội lốt để hoạt động cách mạng, nên tình yêu đã nảy nở một cách sâu đậm. Chính cô Tuyết đã giúp Học Phi trốn thoát khỏi bọn mật thám. Sau này, cách mạng thành công, hơn 10 năm sau, Học Phi có gặp lại cô Tuyết thì lúc này cô đã lấy chồng và yên bề gia thất.--PageBreak--

Sau đó, Học Phi lấy vợ là một đồng chí cùng hoạt động cùng bị bắt đi tù. Vợ Học Phi hơn cụ 5 tuổi và theo như cụ kể thì không xinh đẹp. Cụ nói, thời đó, cứ yêu cách mạng là yêu luôn người hoạt động cách mạng. Học Phi tiếp tục đi hoạt động cách mạng rồi bị bắt.

Khi ở tù ra, trong thời gian đi tìm việc, Học Phi gặp khó khăn vì ở tù ra, nhất là tù cộng sản càng khó có nơi nào dám nhận vào làm. Thế rồi, có một gia đình tư sản giàu có nổi tiếng trong ngành đường thủy, có cửa hiệu Vạn Tường nức tiếng lúc bấy giờ nhận Học Phi làm gia sư cho gia đình.

Cô chủ Vạn Tường lại là góa phụ hơn Học Phi 8 tuổi, đã có 2 con và nhan sắc đang độ đằm thắm. Quý người trí thức trẻ tuổi, cô chủ Vạn Tường đã trả rất nhiều tiền công cho Học Phi, thế rồi chính cô chủ Vạn Tường đã quyến rũ luôn Học Phi trở thành người tình.

Cụ Học Phi kể lại rằng, bị hút vào thế giới tư sản giàu có, và tình cảm của người góa phụ trẻ ấy, cụ đã chìm đắm trong cuộc sống xa hoa một thời gian. Chính cô chủ Vạn Tường đã đến gặp vợ của Học Phi và có cuộc thương lượng nổi tiếng: "Chị hãy nhường anh ấy cho em, em sẽ biếu chị cả một đồn điền ở Sơn Tây".

Mối tình với cô chủ Vạn Tường không kéo dài. Cụ Học Phi kể rằng: Lúc mình ở tù ra, đói khổ, lại không có công ăn việc làm, mình đến nhà người ta giàu có, mình cũng lóa mắt. Nhưng chỉ được một thời gian thì chán cả người cả của. Mình là người của cách mạng không thể phù hợp với lối sống xa hoa và bóc lột người khác của bọn tư sản.

Nhân một cuộc cãi vã, Học Phi đã xách va ly ra khỏi nhà cô Vạn Tường, từ bỏ nghề dạy học và từ bỏ luôn người góa phụ với lưới tình vây bủa của cô ta để trở về với cách mạng, với vợ con. Đó cũng là một mối tình nổi tiếng của cụ trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhưng theo cụ thì không phải là mối tình đẹp mà có sự lợi dụng nhau ở trong đó.

Người ta lợi dụng mình vì mình là trí thức cách mạng, lúc đó phong trào cách mạng đang lên, người ta cũng muốn dựa hơi mình. Còn mình thì lợi dụng họ để quyên góp tiền cho cách mạng. Sự thật là vậy, sau này hình ảnh cô chủ Vạn Tường có vào trong tiểu thuyết "Xuống đường" của tôi, trong tiểu thuyết đó, tôi lấy luôn tên là cô chủ Vạn Tường.

Nhưng có một mối tình, đẹp nhất, sâu sắc nhất và day dứt nhất trong tôi là mối tình với một người đồng chí. Mối tình này được gói chặt trong hai câu thơ tôi luôn khắc ghi trong lòng: "Cùng nhau hôm sớm đi về/ Nước non chung gánh, đèn khuya chung hình".

Mặc dù biết tôi đã có vợ nhưng cô ấy vẫn yêu. Sau đó biết tình yêu không thể đi đến một kết thúc tốt đẹp, hai người đã chia tay nhau trong tận cùng đau đớn để tiếp tục cuộc sống của riêng mình. Giờ đây, cụ bà cũng khoảng 90 tuổi rồi, hiện vẫn còn sống.

Tôi hỏi cụ Học Phi về cô gái và lời đồn đại chuyện tình của ba cha con cụ Hồng Phi, Chu Lai và Học Phi cùng yêu một người. Cụ Học Phi cười lớn:  Có người nào mê cả 3 bố con tôi cũng là chuyện thường mà. Nhưng chuyện cô bé kia thì hồi đó tôi đi công tác ở Hunggari, trở về có nghe mọi người kể lại.

Cô bé ấy thường hay qua lại nhà, cũng có viết thư bày tỏ tình cảm với tôi, nhưng tôi nhận nó là con, chúng tôi gọi nhau là bố con. Bây giờ, cô cháu gái tôi đang ở cùng đây thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện cũ, nhắc lại cô bé ấy và trêu ông nội của nó. Chuyện chỉ có thế thôi, mọi người đồn đại thêm thắt lên cho vui chuyện mà.

Sống và yêu như đời, đời như tiểu thuyết, đó là cái ký ức đầy ắp và kiêu hãnh của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi. Giờ đây, thời gian sống chỉ là những khoảng đập yếu ớt và nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la này thì Học Phi vẫn chắt chiu từng khoảnh khắc nhỏ ấy.  Từng giờ khắc, từng ngày, cụ dành dụm chắt chiu cho mình, để cần mẫn, kiên nhẫn neo chặt mình vào cuộc đời.

Cụ nói, bây giờ, không đọc và không viết nữa thì buồn lắm, buồn mà chết mất...

Lê Thị Thanh Bình
.
.