Hoàng Hồng Cầm: Đứa trẻ về trời

Thứ Tư, 30/11/2011, 16:14
Bây giờ thì anh đang phiêu du ở nơi nào đó, một nơi sẽ tràn ngập niềm vui và sắc màu. Một nơi mà nỗi cô đơn không còn trú ngụ nữa. Anh sẽ vĩnh viễn trong niềm hạnh phúc của một đứa trẻ, niềm hạnh phúc mà suốt những năm tháng trên cuộc đời trần gian ngắn ngủi này anh đã mơ, bằng những bức tranh còn ám ảnh tâm trí mọi người rất lâu, rất lâu nữa.

Những bức tranh mà vì nó, những người đã từng quen biết anh trên cõi đời đều có thể vui vẻ chấp nhận những cơn điên, rồ dại của anh. Những cơn rồ dại nhắc người ta bớt dần đi những trật tự, ngay ngắn, để tiến đến gần hơn với con người thực của chính mình. Con đường viền quanh Hồ Tây như một nét họa đẹp dẫn về phố Võng Thị.

Mùa đông, sương bảng lảng mặt nước, gieo vào lòng người chút ưu tư trong vội vàng cuộc sống. Cẩm đã đi về trên con đường ấy bao lần. Chiếc xe máy cà tàng chở một vóc dáng gầy, gù, xù xì đến dễ sợ. Cẩm cũng như màn sương kia, trôi bồng bềnh trong những cơn chếnh choáng của rượu.

Tựa hồ như không có chút men thì đời không còn thi vị nữa. Có nhiều đêm, Cẩm không ngủ được. Anh lang thang trên con đường làng Võng Thị, đến cạnh hồ mà ngồi lặng im như một phiến đá. Cứ ngồi như vậy, một mình. Những ồn ào, náo nhiệt cố hữu hàng ngày của anh, những quậy phá, khủng khỉnh của anh đã trốn biệt, như thể nó chưa từng tồn tại.

Độc thoại với hồ, rồi bơ vơ như chiếc lá không biết gió đẩy về hướng nào, Cẩm xuyên màn đêm tìm đến nhà một người bạn. Anh bấm chuông liên hồi náo động chủ nhà. Bạn mở cửa nhìn anh bực bội, nhưng chỉ sau nụ cười thơ trẻ của Cẩm, thì bực bội bay mất. Cẩm xin bạn tiền để bắt xe ôm xuôi về Bắc Ninh, quê nhà của anh.

Đó là nơi duy nhất Cẩm muốn chạy về, để thoát khỏi nỗi cô đơn bủa vây. Anh về để nghe hát quan họ, để được hát quan họ thứ âm thanh tuyệt vời của đời sống có khả năng tung lưới vớt anh ra khỏi chìm đắm nỗi buồn. Anh hát như người nhập đồng, phơi bày không giấu giếm con người nghệ sĩ yếu đuối, mong manh và có phần yếm thế của mình.

Tranh: Hoàng Hồng Cẩm.

Cẩm mê đắm quan họ, mê đắm âm nhạc. Cẩm thích cây đàn piano. Và dù trong túi rất ít tiền nhưng khi có cơ hội, anh rất thích mời bạn bè, và bạn bè mời cũng tốt, ngồi uống bia ở sảnh khách sạn 5 sao Sofitel Plaza. Anh thích được quát mắng các em phục vụ xinh đẹp quàng khăn trên cổ áo, rồi khụng khiệng đợi khách đông một chút thì giành bằng được cây đàn piano phía sân khấu. Và mười lần như một, Cẩm chỉ chơi đúng một bài Hạ trắng của Trịnh Công Sơn. Xong thì về chỗ ngồi, dáng đi rất có vẻ là một ngôi sao đang được mọi người tán thưởng.

 Cất giấu nỗi buồn vào quan họ, vào âm nhạc, Cẩm trở lại đời thường trong cái vỏ quậy phá, thậm chí khó gần cố hữu của mình. Cái đầu trọc gồ ghề, áo quần tuềnh toàng, nói năng tếu táo, dáng vẻ có lúc bặm trợn làm người lạ hết hồn. Anh ngồi đâu cũng có ham muốn biến mình thành tâm điểm của đám đông.

Chỉ uống mà không để ý chuyện ăn. Và ồn ào, thậm chí “áp chế” người nghe, chả quan trọng người ta nghĩ mình thế nào. Tuồng như Cẩm muốn nhắc cho người ta cuộc đời nhạt quá, chán quá, chúng ta ngay ngắn dễ sợ quá, xem trọng nhiều thứ quá, nên Cẩm phá bĩnh.

Nhớ ra ai là điện thoại, bất kể thời gian, giờ giấc nào, nửa đêm hay sáng sớm. Cẩm cho mình cái quyền được làm phiền bạn bè. Và bạn bè chơi với anh thì hiểu anh. Hiểu đằng sau cái “bắng nhắng” kia thực chất là một khối sầu định mệnh mà số phận buộc vào người nghệ sĩ. Những người thiên hướng nghệ sĩ càng mạnh, khối sầu ấy càng nhiều. Cẩm thì toàn phần thiên hướng ấy. Chẳng phải anh muốn lựa chọn. Mà anh sinh ra vốn đã là như vậy.

Ngoài hội họa và âm nhạc, anh không màng thứ đáng giá nào khác, những thứ mà không ít bạn bè nghệ sĩ của anh đang mải mốt chạy theo, như chức tước, địa vị. Cẩm lang thang trên cuộc đời, lãng du như không cần biết đâu là bến, là bờ. Anh tìm kiếm mình trong hội họa và cách chính xác nhất để anh giới thiệu mình, cũng chỉ bằng hội họa.

Hiểu Cẩm nhiều hơn, ai cũng biết, những điên rồ của anh chỉ là cái vỏ. Như những con sóng lăn trên mặt hồ, ồn ào, nhưng dưới mặt nước là phẳng lặng, là tĩnh, là chất chứa. Những chất chứa ấy không thể gọi thành tên. Cho nên rất dễ hiểu khi giữa đám đông, vừa huyên náo đấy, rồi bất chợt Cẩm lại ngồi thừ ra, im lặng đến lì lợm. Những chất chứa ấy chỉ hiện hình khi Cẩm vẽ.

Nó vào tranh Cẩm, bằng đường nét, bằng bố cục, bằng hòa sắc. Nó “tố cáo” toàn bộ đời sống tinh thần của Cẩm, sâu hơn và cao hơn. Và mạnh mẽ đến nỗi có thể gây ảnh hưởng đến quan điểm sáng tác của không ít họa sĩ trẻ sau anh. Tranh của Cẩm đơn giản đến tối giản về nét. Anh dường như đã đi qua hết mọi phiền hà, rối rắm, phức tạp, để đến được sự giản dị cuối cùng.

Trong những bức tự họa, Cẩm vẽ gương mặt mình, ngơ ngác như một đứa trẻ lạc thời, chẳng “liên đới” gì với những hiện hữu trần ai. Anh vẽ những người đàn bà như đến từ một thế kỷ nào đó, xa vắng, đẹp hư ảo và buồn sương khói. Những ngọn đèn dầu hắt ánh sáng từ ký ức, từ tâm hồn, soi vào ta một ước nguyện nào đó, mỏng manh mà gần gũi như có thể chạm vào được.

Cẩm thường để trong tranh của anh rất nhiều khoảng trống, chỉ một chút hòa sắc thôi mà có thể làm trái tim người xem xao xuyến, và không thôi suy ngẫm. Tranh của Cẩm thường buồn. Nhưng nỗi buồn ấy chưa khi nào chịu u ám. Đó là nỗi buồn màu xanh, nỗi buồn biết hát. Nỗi buồn ấy dường như đã được thanh lọc qua rất nhiều tấm màn của thời gian, đã được loại bỏ hết mọi tạp chất, vụn vặt và chưng cất thành một thứ hương thơm cứ phảng phất đâu đó trong cảm nhận của mọi người.

Nó không còn là những nỗi buồn cụ thể của đời sống trần gian với đủ hỉ- nộ- ái- ố. Mà cao hơn, nó là nỗi buồn về kiếp người, về phận người. Nó trao cho ta những câu hỏi về sự tồn tại của chính mình, về sự có mặt và đi vắng, về những ước mơ trong đời sống. Nghĩa là, tranh của Cẩm buồn mà ấm áp, mà tươi sáng. Nó thanh lọc tâm hồn ta.

Đôi chân ham đi của Cẩm, có lẽ là được thừa hưởng từ người cha, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Câu chuyện về ngôi nhà lăn “Mê li” của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn nổi tiếng một thời minh chứng bản tính ưa xê dịch người nghệ sĩ. Đi, để ngắm nhìn đời sống, để căng tràn các giác quan những cảm nhận về cuộc đời, về con người. Cẩm học điều đó ở cha, nhưng anh không bao giờ chịu núp bóng cha mình.

Anh đã đi một con đường riêng và để lại dấu ấn không thể trộn lẫn của mình trên con đường ấy. Nghệ thuật không có đường vòng. Nó là một đường thẳng. Đó là những điều Cẩm được cha dạy từ thuở nhỏ. Làm một đường thẳng trong nghệ thuật nghĩa là phải trả giá, phải chấp nhận đớn đau bằng cách sống thật với con chính mình. Sống thật chưa bao giờ là chuyện dễ.

Nó thậm chí là một thử thách nghiệt ngã mà không ít người làm nghệ thuật không thể vượt qua, cho nên những gì họ sáng tạo ra thường được khoác chiếc áo của sự giả tạo. Chiếc áo ấy có thể bắt mắt và lấp lánh, nhưng nó không bao giờ có thể chạm tới trái tim công chúng. Cẩm chống lại sự giả tạo, anh đã sống tận cùng bản thể con người mình, bằng cả cái hay và cái dở.

Trong hội họa, anh xa lạ với thị trường tranh pháo, không bao giờ tiếp thị bản thân hay sắp đặt chỗ ngồi cho mình. Anh sống hồn nhiên hết độ. Tuyệt nhiên trong những bữa nhậu, anh không khi nào nói về tranh mình, cũng không bàn về tranh đồng nghiệp.

Không ít người khuyên anh hãy chuyên tâm vào việc vẽ, vì tranh của anh có thể bán được, và anh có thể giàu. Nhưng Cẩm trừng mắt lên ngay. Cẩm bảo, trước khi mất, cha anh có nói với anh hai điều mà anh luôn ghi nhớ: “Cha mừng cho con là người không vẽ theo thị trường. Và con phải vẽ thế nào để người xem nhìn thấy bức tranh “nở” ra”.

Một bức tranh “nở” ra phải chăng là nó có khả năng hàm chứa rất nhiều cảm xúc, suy ngẫm của người họa sĩ mà người xem chia sẻ được. Để mỗi lần đứng trước bức tranh, người xem có thể khám phá ra một ý nghĩ mới. Nó không có đáy. Nó làm “đầy” tinh thần của người thưởng ngoạn, ám ảnh trí nhớ của họ. Mối giao cảm tuyệt vời của nghệ thuật với công chúng ấy, phải là đích mà người nghệ sĩ chân chính cần đạt tới.

Nhiều lần, họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm chia sẻ: “Tôi cố mấy cũng không đuổi kịp cha mình ở cái thú đi”. Nhưng nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thì Cẩm đã đuổi kịp cha mình ở cái sự già. Về hình thức, anh cố già nhanh cho bằng cha mình. Trách Cẩm, anh cẩn trọng với hội họa bao nhiêu thì lại đối xử bất công, cẩu thả với sức khỏe của mình bấy nhiêu.

53 tuổi đời, quá sớm để mọi người tiễn biệt anh. Nhưng anh đã thanh thản buông bỏ mình nơi trần gian để bắt đầu một cuộc viễn du khác. Những bức tranh ở lại sẽ thay anh kể với chúng ta về một Hoàng Hồng Cẩm hồn nhiên, trẻ thơ và thương yêu cuộc sống này bằng trái tim chân thành không một chút màu mè, son phấn. Rất nhiều người đã đến tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng.

Rượu rót xuống và hoa đặt trên mộ cho anh. Còn bạn bè thì hát. Những người bạn ở miền quan họ ru anh bằng những làn điệu ngọt ngào. Cẩm không còn cô đơn nữa. Anh là người hạnh phúc vì anh luôn ở trong trí nhớ của bạn bè. Và cái chết, có gì đâu, chính là sự khởi đầu cho một cuộc sống khác…

B.N.T.
.
.