Họa sỹ Lê Đại Chúc: Người tự học chưa bao giờ dừng bước

Thứ Hai, 03/10/2011, 14:49
Họa sĩ Lê Đại Chúc chơi sang, mời nhiếp ảnh gia Đỗ Huy, người chụp tranh được giới mỹ thuật ưa thích nhất ở Việt Nam vào tận Thành phố Hồ Chí Minh, lưu lại hình ảnh tuyệt đẹp của những sáng tác mới nhất mà ông vừa hoàn thiện. Xấp xỉ 100 bức tranh, đúng kiểu Lê Đại Chúc, đều khổ lớn, vẽ đen trắng hoặc màu, tất thảy độc đáo và day dứt, ám ảnh.

Con trai của nhà thơ Lê Đại Thanh, anh trai của NSƯT Lê Chức, cậu ruột của các nhan sắc nức tiếng Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi, họa sĩ Lê Đại Chúc, thành viên trong cái gia tộc hầu như nghệ sĩ có cách riêng để vừa định danh được tên tuổi mình, vừa nhung nhăng nhàn tản và thảnh thơi trong cuộc mưu sinh vốn đầy mỏi mệt.

1. Lê Đại Chúc thì vẫn được tiếng dân chơi. Vẽ, toàn bộ chất liệu của ông phải thuộc hàng "xịn" nhất. Từ toan vải đến bút, màu dầu đều đặt hàng tại nước ngoài. Qua rồi cái thời phải để tâm tính toán tiết kiệm, giờ không ngại đầu tư, bởi với Lê Đại Chúc, vẽ trước hết là cuộc chơi của mình, cho riêng mình, thỏa mãn cái phần bản năng nghệ sĩ và cả những khao khát thầm kín âm ỉ bên trong con người mình, rồi mới tính đến chuyện bán buôn thương mại.

Một phần trong số những bức tranh đậm đặc triết lý kinh điển của tôn giáo được Lê Đại Chúc lên ý tưởng và hoàn thiện trong thời gian du ngoạn ở nước Mỹ. 6 tháng rong ruổi trên đất Mỹ, choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và ngày thường an bình ở California, Lê Đại Chúc có điều kiện va chạm cọ sát với một thế giới quan khác xa những gì đã thân thuộc, dù đi nước ngoài đã là một phần quá nhàm chán trong cuộc sống của ông.

Dựng giá vẽ trước cửa nhà con trai, trên khoảng sân rộng ăm ắm hoa và cây cối thỏa sức tung hứng với ánh sáng, màu sắc, thi thoảng thấy một người láng giềng đi qua, giơ ngón tay biểu lộ niềm phấn khích "number one" trước bức tranh nào mà bản thân Lê Đại Chúc cũng thấy tâm đắc, thú vị. Có cả những giáo sư đại học nhà sát cạnh đó chốc chốc lại sang chơi, xem tranh, bàn chuyện nghệ thuật và hàn huyên đủ thứ trên đời cùng ông họa sĩ mới tới từ Việt Nam.

Thượng đế 2010. Tranh: Lê Đại Chúc.

Ngắm nghía soi xét từng bức tranh, chứng kiến Lê Đại Chúc làm việc, đàm đạo với người đàn ông có vốn tiếng Anh khá thành thạo, các giáo sư đại học chỉ thốt lên ngắn gọn: "Ông đúng là một họa sĩ đích thực". Những giao đãi thân tình giữa Lê Đại Chúc, người qua Mỹ lần thứ 2 với nhiều trí thức sở tại, khiến con trai họa sĩ phải thốt lên đầy kinh ngạc: "Con ở đây mãi mà không ai quan tâm, bố mới đến có vài bữa đã quen hết hàng xóm".

Lê Đại Chúc lý giải, chính cái bản chất nghệ sĩ và sức hút của nghệ thuật đã lan tỏa, cộng hưởng, làm nên môi trường thân thiện cho con người dễ dàng xích lại gần nhau, bất chấp sự khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, màu da hay xu hướng chính trị. Tranh của Lê Đại Chúc đã thành cây cầu phi ngôn ngữ, gắn kết tình xóm giềng của ngay cả những người Mỹ, vốn coi trọng quá mức sự riêng tư của người khác.

Hành trang của Lê Đại Chúc sau chuyến hành hương tới Mỹ là chừng 50 bức vẽ (thêm một số tương đương nữa được gửi tại chỗ, do các nhà môi giới nghệ thuật người Mỹ quản lý để đưa ra trưng bày, giới thiệu), vô số sách và những lý luận hội họa vừa được đúc kết tự thân. Những lý luận riêng mình, Lê Đại Chúc không phải chiêm nghiệm từ sách về hội họa mà chính ở mảng miếng ông đã nghiền ngẫm suy tư từ rất lâu: tôn giáo, triết học.

Những hiểu biết khá thấu đáo về Phật giáo, Ấn Độ giáo, Ki tô giáo giúp Lê Đại Chúc có cách nhìn sự vật hiện tượng không giống ai, tưởng như quen, phổ thông đấy mà hóa ra rất khác biệt, lạ lẫm. Một họa sĩ thực sự, trong con mắt của Lê Đại Chúc, phải tụ hội được ba chữ "vàng": khối óc bằng vàng, trái tim bằng vàng và đôi tay bằng vàng.

Họa sĩ vẽ bằng lý trí, nhưng nhìn vào người xem phải thấy rung động tới tận con tim, ý tưởng dẫu ghê gớm thế nào nhưng quan trọng là kết quả, cái đọng lại cuối cùng, cái hồn của tác phẩm. Một bức tranh hoàn thành khi các ý tưởng ban đầu đã bị xóa sạch, các phác thảo bị xóa sạch và hồn cốt phả ra từ trường hút được thế giới xung quanh.

Để đạt được cái "hồn" khó đoán định, đặc trừu tượng ấy, Lê Đại Chúc đã từng, tự tay mình hủy đi nhiều bức vẽ, hoặc gác đấy, 10 năm sau lôi ra khởi thảo lại. Đôi khi trong những phút giây chối bỏ mình, bôi màu tẩy xóa những đường nét đã thành hình, vô hình trung, ông lại tạo ra một tác phẩm ngoại lệ, hoàn mỹ, phá bỏ các nguyên tắc hội họa được in trong sách giáo khoa.

Sự ngẫu nhiên kỳ lạ ấy phải được tạo tác từ một nghệ sĩ có trình độ bậc cao, một người biết làm chủ đôi tay và khối óc của mình, để trái tim dẫn đường chỉ lối đúng hướng.

Tuyệt đối tin vào định mệnh, ông coi đấy là giây phút trời cho, sự thành tâm của người nghệ sĩ đã động tới quỷ thần và mặc nhiên, phép mầu linh ứng. Nhiều trong số các bức tranh của Lê Đại Chúc, vẽ trong năm Canh Dần, Tân Mão, đều là hiệu ứng của những khoảnh khắc thành công nằm ngoài mọi sắp đặt thường tình của con người…  

2. Lê Đại Chúc dự định tổ chức một triển lãm vào cuối năm nay, thật hoành tráng, công bố thành quả sau 3 năm lao động của mình. Nhiều tác phẩm, thực sự hay và lạ, còn tạo cảm giác vô cùng tiếc nuối trong nhiều người, sợ nhỡ họa sĩ bán chúng đi, để chúng lại phiêu diêu lưu lạc chân trời góc bể xa xôi nào đó.

Họa sỹ Đỗ Thúy Hằng công tác tại Hải Phòng, ghé tới studio xem tranh và cứ mãi tấm tắc, nhắc nhở Lê Đại Chúc: Anh đừng bán bức này, bức này nhé, phí lắm. Toàn những bức tranh Lê Đại Chúc vẽ trong cái - thời - khắc - trời - cho. Kế hoạch triển lãm phút cuối hoãn lại, dời sang khoảng thời gian khác, để Lê Đại Chúc rảnh rang chào đón một sự kiện có ý nghĩa lớn hơn tẩy thảy: chuẩn bị cho giây phút chào đời của cùng lúc 2 đứa cháu nội.

Từ một người công nhân trải qua 2 năm ròng rã làm phu bốc vác ở Cảng Hải Phòng, đầu trần chân đất với bao hàng hóa nặng, dưới sức nắng khủng khiếp của mùa hè đất Bắc, trải qua quá trình tự học, tự học một cách bài bản, thông minh và chắt lọc, Lê Đại Chúc đã đàng hoàng dấn bước vào đại lộ thênh thang của nghệ thuật.

Đích thực nghệ sĩ, nhưng hoàn toàn tỉnh táo, ông ngẫm ngợi, khi nhìn từ cuộc đời của chính cha mình, nhà thơ Lê Đại Thanh, người mà trời sinh ra chỉ để làm việc duy nhất cho đời: làm thơ. Thượng đế vốn công bằng, trời cho tài năng và cũng cho luôn sự đày đọa. Nghệ sĩ luôn là những người tự đày ải, ngược đãi chính mình.

Tuy vậy, cũng đừng đề cao quá mức sự đau khổ của cá nhân người nghệ sĩ, người đời chỉ trầm trồ thán phục tài năng mà không hiểu, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Vĩ đại như Picasso nhưng đâu có hạnh phúc riêng tư trọn vẹn, bởi người hạnh phúc đâu có phải lấy tới 7 bà vợ.

Trong một bức thư từ thành phố Hồ Chí Minh gửi cho bố ở Hải Phòng, Lê Đại Chúc viết: “Chưa bàn tới thơ hay hay chưa hay, nhưng bố đúng là một nhà thơ chân chính. Bố học rất nhiều chỉ để phục vụ cho thơ, không biết một cái gì, thậm chí ngây thơ về chính trị dẫu yêu nước yêu thương con người hết mực, xả thân vì bạn bè”.

Tình yêu thi ca lớn mạnh đến mức, lúc nào nhà thơ Lê Đại Thanh cũng ôm ấp ước mơ, Trung Quốc có thơ Đường - Đường thi, làm sao Việt Nam phải có thơ Việt - Việt thi làm đối trọng. Ông bà Lê Đại Thanh sinh được 10 người con, nuôi được 6, đến nay cũng chỉ còn 4 người, 4 anh chị em Lê Đại Chúc, cả bà Lê Mai, ông Lê Chức… đều thành đạt, thành danh và mang trong mình khí chất đậm đặc của người dân Hải Phòng.

Cái ngang tàng khảng khái bẩm sinh, cộng thêm với quá trình tự học, tự thu nhận nên Lê Đại Chúc may mắn không bị ràng buộc, áp chế bới một ông thầy bà thầy, một trường phái hay phong cách hội họa nào. Chắt lọc được tinh hoa của nghệ thuật thế giới, cộng với tài năng trời cho, Lê Đại Chúc tự mình làm nên một trường phái trong hội họa, không chịu lẫn vào đám đông, nhưng cũng không cố biến thành dị biệt, quái đản trong thẩm mỹ chung.

Dù vẽ người hay hoa, hay cảnh vật thiên nhiên, vẽ chân dung Thượng đế hay Đức Phật, tranh của ông cũng giàu trí tuệ, có tầm tư tưởng, dù đôi khi, ông phải giảng giải rất nhiều thì người thưởng ngoạn mới vỡ lẽ ra những ẩn ý sâu kín dưới lớp toan đắt tiền ấy.

Vẻ bề ngoài trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi cũng gần gần tới ngưỡng 70, họa sĩ Lê Đại Chúc còn mang tâm hồn quá thanh niên. Ông xem ra được trời cho nhiều, ngoài tài năng, còn một gia đình riêng hạnh phúc, với 2 con trai giỏi giang và 1 con gái trông như người mẫu, với những đứa cháu đều được nuôi dạy, ăn học ở nước ngoài và người vợ mỗi lần đi công tác xứ người, lại tỉ mẩn tha về cho chồng những quyển sách quý mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để tìm mua.

Giờ này Lê Đại Chúc vẫn học, học không phải để khoe kiến thức, để khỏa lấp đi cái mặc cảm không được đào tạo chính quy bài bản, mà học để luôn bắt mình phải thay đổi, phải mới, phải đạt được đến sự đốn ngộ sâu xa nhất của cõi thiền. Bắt chước là tự sát, định hình cũng là tự sát, tâm niệm thế nên Lê Đại Chúc, dù không còn ở tuổi đôi mươi ba mươi đầy khí phách, vẫn tìm tòi, khai phá, nhào lộn để làm mới trái tim, khối óc và bàn tay của mình, một nghệ sĩ theo cái nghĩa đẹp nhất của danh từ này.

Ông đã đốn ngộ, nên vẽ cảnh chọi trâu, chỉ phẩy vài đường nét nhưng vẫn tạo ra được cái không khí hừng hực máu lửa, làm nên biểu tượng rút gọn cho cuộc cạnh tranh sinh tồn, một mẫu số chung nhỏ nhất của cuộc đời

Ngô Hương Sen
.
.