Họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Phong: Có những nỗi đau không thể nguôi ngoai

Thứ Năm, 21/06/2012, 15:14
Đọc “Sát thủ đầu mưng mủ” tôi từng hình dung về cậu họa sĩ trẻ đã làm nên sự ồn ào trong thị trường sách, xuất bản năm qua bằng sự trẻ trung, nghịch ngợm, thậm chí là có chút ngông cuồng trong vai trò của một kẻ chuyên đi săn lùng, sưu tập những cái mới, những điều… không giống ai để thể hiện nó qua những nét vẽ đầy phóng túng của mình. Nhưng ngược lại với hình dung của tôi, Nguyễn Thành Phong có nét trầm lặng già dặn hơn tuổi, gương mặt Phong nhiều suy tư của một người hay quan sát, ưa tìm kiếm những điều mới lạ xung quanh mình.
Trò chuyện cùng Phong trong một buổi chiều muộn mùa hè Hà Nội, tôi càng hiểu vì sao Phong lại yêu thích vẽ truyện tranh, yêu thế giới của trí tưởng tượng, thế giới của sắc màu tuổi thơ…

Nguyễn Thành Phong may mắn sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, bố là một họa sĩ điêu khắc và mẹ là một giáo viên dạy hội họa tại Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Tuổi thơ của Phong êm đềm trôi đi trong một không gian Hà Nội mộng mơ, ấm cúng với ngập tràn tình thương yêu gia đình.

Hai tuổi, Phong đã bắt đầu những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên vào trang giấy trắng. 4 tuổi, Phong bắt đầu có tranh triển lãm và đoạt giải trong một cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi do Quỹ “Tấm lòng vàng” tổ chức. Giải thưởng hồi đó mà cậu giành được là một chiếc xe đạp mi-ni của Tiệp rất đẹp. Phong vẫn nhớ rằng, khi lên nhận giải, cậu đứng chỉ mới cao đến ghi đông xe. Bố mẹ mang chiếc xe về nhà cất vào một góc phòng đầy nâng niu, trân trọng và coi nó như một báu vật đầu đời của cậu con trai bé bỏng. Lớn lên, Phong đã đi học bằng chiếc xe đạp ấy mãi cho đến năm học lớp 8.

Phong kể lại rằng, niềm vui lẫn tự hào càng khiến cho cậu hứng khởi với hội họa. Hồi ấy, những cậu bé kiểu như Phong mê đọc truyện tranh, săn lùng những cuốn truyện tranh mới ra lò như một chiến tích đã nuôi nấng ước mơ của cậu. Vì Phong, khác với chúng bạn, truyện tranh ngoài việc mang lại cho cậu những tràng cười thú vị thì còn giúp Phong hình thành những câu chuyện kể bằng tranh như một cách ghi lại nhật ký tuổi thơ bằng chính cây bút chì màu, để đến một ngày, khi đã trở thành một cậu sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội, những ước mơ tuổi ấu thơ của Phong đã giúp Phong trở thành một trong những họa sĩ trẻ có những tác phẩm nổi tiếng trong giới nghiền truyện tranh như: Phù thủy sợ ma, Bốn anh tài, Nhi và Tũn, Long thần tướng, Cậu bé và máy bay giấy, Orange...

Kể từ đó, không những tranh của Nguyễn Thành Phong được các Nhà xuất bản trong nước mời tham gia in ấn phát hành mà còn được mời tham dự Festival truyện tranh quốc tế tại các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha… với tư cách là một họa sĩ trẻ triển vọng của Việt Nam. Tác phẩm Bicof Story của Phong được chọn đăng trong tuyển tập truyện tranh của các họa sĩ trẻ Đông Nam Á, chùm truyện tranh The boy and the paper plane của Phong đã được những họa sĩ nước Pháp in trong tạp chí truyện tranh Black (Xuất bản tại Ý) và Linquid City (Xuất bản tại Mỹ và Đông Nam Á). Cái tên Nguyễn Thành Phong nhanh chóng được giới họa sĩ truyện tranh của thế giới biết đến. Mới đây nhất, năm 2011, tác phẩm Người hóa hổ của Phong được trao giải cao nhất tại Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á.

Có lẽ, một Nguyễn Thành Phong sáng tác truyện tranh dường như cũng chỉ nổi tiếng đối với những độc giả trẻ hoặc các em ở lứa tuổi thiếu nhi, nếu như không có một ngày, Phong được mời làm họa sĩ vẽ 120 bức tranh minh họa cho cuốn thành ngữ, khẩu ngữ sành điệu được cóp nhặt từ trong đời sống đương đại Sát thủ đầu mưng mủ. Mất vài tháng để nghĩ và phác họa những hình ảnh ban đầu, mất một tháng ròng rã hoàn thiện để rồi sau đó, một ấn phẩm xuất bản tới 5.000 cuốn trở thành sách best seller vào thời điểm năm 2011 đã là tâm điểm “mổ xẻ” của giới truyền thông, của báo chí, của các nhà ngôn ngữ học trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Những điều hay và không hay này, đều nằm ngoài dự kiến của Nguyễn Thành Phong. Hai mươi sáu tuổi, Phong quá trẻ để đứng trên búa rìu dư luận hoặc chịu những va đập của những ý kiến trái chiều khen chê. Nhưng có một điều khiến cho Phong vững tâm vào sự ủng hộ và cả sự phản bác của đông đảo khán giả là đã sự quan tâm, khích lệ giúp truyện tranh, thứ mà Phong trót đam mê theo đuổi trong nhiều năm ròng rã, không còn đơn độc. Vì Phong quan niệm rằng, truyện tranh không chỉ dành cho một đối tượng duy nhất là trẻ em, mà nếu biết cách, truyện tranh còn có thể phản ánh được những vấn đề của người đã trưởng thành, rộng hơn là của xã hội, của loài người. Những vấn đề lớn lao như biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường hay vấn đề nan giải như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và có khi đơn giản chỉ là một điều gì đó bất chợt xảy đến quanh đời sống hàng ngày của mỗi con người.

Cùng thời điểm ấy, Phong chia sẻ rằng, chưa bao giờ Phong nhận được nhiều comment đến vậy. Trên Blog của Phong đã có hàng chục nghìn người truy cập, bình luận, có người còn cung cấp cho Phong nhiều câu thành ngữ kiểu “nói lóng” mới, có người đóng góp nội dung cho cuốn chuyện tranh Phong sắp tiến hành, có người còn gửi sơ qua phác thảo về việc cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, cũng có người đưa ra ý tưởng phê phán thói rởm đời của một bộ phận giới trẻ đua đòi, hãnh tiến... Nó giải mã một suy nghĩ đã từ lâu mặc định trong đầu Phong, rằng lớp trẻ đương đại không chỉ mê mẩn công nghệ số, núp bóng và bị điều khiển bởi những trò chơi điện tử đầy mãnh lực tân tiến từng giờ đến chóng mặt, mà nếu biết cách tạo ra một môi trường sáng tạo, họ vẫn đầy sự đồng cảm, đầy những ý tưởng thú vị.

Từ việc sáng tạo và hoạt động độc lập, Phong và những người bạn họa sĩ truyện tranh khác đã cùng nhau hoạt động và thực hiện những dự án về truyện tranh mang tính giáo dục cộng đồng thanh thiếu niên của các nhà xuất bản trong nước và các tổ chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Cùng với đó, là việc tổ chức những cuộc vẽ tranh thiếu nhi.

Phong kể lại rằng, mới đây, Phong làm giám khảo chấm giải của một cuộc vẽ tranh thiếu nhi nhân dịp nhà văn Andy Stanton, tác giả của Lão kẹo Gôm sang Việt Nam tham dự Những ngày văn học châu Âu 2012 với chủ đề “Nếu lão kẹo Gôm sang Việt Nam, em sẽ dẫn ông ấy thăm những địa điểm nào?” thì hình ảnh của các em đã dẫn Phong lạc lối vào một sự ngạc nhiên đến mức hốt hoảng vì hầu hết các em nhỏ dẫn lão kẹo Gôm vào siêu thị, vào những trung tâm mua sắm, nơi có những vườn cổ tích bằng đủ các loại nhựa màu xanh đỏ, các trò chơi xập xình điện tử, chứ không phải là một công viên đầy màu xanh, không phải là một khu di tích lịch sử, không phải là một thư viện hay hiệu sách, không phải là một khu vườn hoa thơm cỏ mát, cũng không phải là biển, là rừng, hay những nơi có không gian và không khí cho sự mộng mơ giúp tuổi nhỏ được sống trong trí trưởng tượng phong phú mà Phong vẫn nhớ như in những điều lưu giữ ấy trong ký ức mình.

Cũng bởi vậy vào ngày 13/6 tới đây, Nguyễn Thành Phong cùng một nhóm 6 tác giả trẻ của Việt Nam sẽ có một cuộc triển lãm truyện tranh tại Trung tâm Văn hóa Pháp Lespas’t (44 Tràng Tiền, Hà Nội) với chủ đề “Tôi vẽ tôi”, trong đó, riêng Phong đã lựa chọn câu chuyện Bé lợn, lớn bò, một câu chuyện về thực phẩm sạch như một tiếng gọi, một lời cảnh tỉnh về một thế giới đầy những bất an rình rập từ chính cuộc sống thường ngày mà người Việt nói chung, tuổi thiếu nhi nói riêng, đang phải đối mặt.

Có người cho rằng, tất cả những thành công đến với một ai đó ngoài tài năng, một phần là do sự may mắn. Điều này đúng nhưng dường như không đủ với Nguyễn Thành Phong. Hội họa đối với Phong ngoài việc được nuôi dưỡng bởi truyền thống gia đình, năng khiếu bẩm sinh còn xuất phát bởi một ký ức không nguôi niềm đau mà Phong và gia đình từng phải nếm trải.

Một câu chuyện mà Phong bị ám ảnh trong mỗi bữa ăn giấc ngủ suốt một thời gian dài. Đó là sự ra đi đột ngột của người em gái sau một tai nạn giao thông vì va chạm với xe bus trên đường em đi học về. Cô em gái xấu số kém Phong 9 tuổi luôn là một nhân vật, một người trò chuyện, một độc giả trong hầu hết những câu chuyện tranh mà Phong đã kể. Hình ảnh của em như một nỗi ám ảnh về tình trạng mất an toàn của giao thông đô thị, những ánh mắt ngây thơ, những quyển vở còn tươi nguyên nét mực và cả những giọt nước mắt mặn mòi của những người ở lại.

Thời điểm ấy, trong trạng thái tột cùng của nỗi đau, Phong đã vẽ như một kẻ ngông cuồng để kể về một thế giới thần tiên với cuộc sống tươi nguyên mà người em gái bé nhỏ của Phong đáng được tận hưởng. Phong chia sẻ rằng, biến cố lớn lao ấy trong cuộc đời đã phần nào hình thành một nét tính cách trong con người Phong: ít cười, ít nói, ít niềm nở, ít sẻ chia. Khuôn mặt Phong luôn mang một nỗi buồn cố hữu đằng sau một dáng hình già trước tuổi, đầy chất bụi phủi.

Điều mất mát ấy, đối với Phong và gia đình là không thể cứu vãn, nhưng đối với xã hội lại là một lời cảnh tỉnh đầy trách nhiệm với người lớn, với cộng đồng. Phong viết, vẽ về chính những cuộc đối thoại tưởng tượng với cô em gái bé nhỏ, bằng chính đời sống tâm linh và sự hiện hữu của những cảm xúc trong lòng mình. Để từ đó, Phong có những bức vẽ vừa dứt khoát nhưng cũng vừa phóng túng và đầy tình cảm về thế giới của những giấc mơ chẳng bao giờ có sự chia lìa…

Hiện nay, Phong đang làm Giám đốc Mỹ thuật của Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam và nhìn khối lượng công việc mà Phong phải hoàn thành cùng những dự án riêng về truyện tranh đối với các nhà xuất bản trong nước, các công ty nước ngoài, đủ thấy rằng, Phong đang là những họa sĩ của thời đại @, đại diện cho hình ảnh của một người trẻ năng động, đầy bản lĩnh và biết tự đứng bằng đôi chân của mình trong sáng tạo nghệ thuật

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.