Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm: Đi tìm cái đẹp từ bên trong

Thứ Bảy, 12/09/2015, 19:44
Doãn Hoàng Lâm ngồi giữa những bức tranh, bình thản kể chuyện về chúng, hoặc là đang bình thản nghe chúng kể chuyện. Những bức tranh trình bày một sự “giật mình” nào đó, đôi khi chúng không đẹp, theo cách mà người ta vẫn nghĩ. Với Lâm, hội họa đơn giản là tiếng nói của riêng mình, cất lên từ phía bên trong. Một bức tranh được vẽ giống như một phút nói thật, một phút ngộ ra, tìm ra. Và điều này nữa, một bức tranh được vẽ ra, chưa chắc đã là phút yêu mình, mà có khi là phút chối bỏ mình.

Rất khó tìm lời để nói về thứ hội họa mà Doãn Hoàng Lâm đang theo đuổi. Nó gần như chẳng có nhiều màu sắc để ve vãn thị giác ta, thỏa mãn cái sở thích nông toèn mà ta ấp ủ, sùng bái, về tính trang trí của hội họa. Lâm chỉ thích hai sắc đen trắng và thứ mà anh theo đuổi là hình. Mà hình thì cũng có gì đó khó khăn, không nuột, chẳng nịnh, thường làm ta gai gai, thường làm ta giật mình. Lâm nói, anh đúng là cần những cái giật mình. Cảm giác chói gắt, sốc, hay quyết liệt là những cảm giác mà anh muốn tạo ra, muốn mang đến cho người xem.

“Tôi thường không có câu chuyện nào cụ thể để kể trong từng bức tranh. Tôi đơn giản là tạo ra một sự chú ý của thị giác. Người xem có thể khó chịu chứ chưa chắc đã dễ chịu. Nhưng rồi họ, biết đâu đấy, sẽ nhớ những bức tranh. Biết đâu họ sẽ quay lại ngắm bức tranh thêm một lần nữa, một lần nữa. Trong phút “tìm kiếm gì đó” từ bức tranh có thể họ sẽ bớt đi những việc vô bổ khác, ví dụ chơi game, chơi lô đề. Mặc dù tôi cũng không dám chắc ngắm tranh thì có bớt vô bổ hơn không”.

Với lối bình thản pha chút hài hước ấy, Doãn Hoàng Lâm gửi gắm một thông điệp của anh về hội họa. Rằng anh đã chọn lấy một cách biểu hiện thoải mái nhất, là mình nhất, vừa với mình nhất, không cố gắng cũng không buồn tỏ ra. Anh cũng khước từ luôn hai chữ “chiều chuộng” trong nghệ thuật. Không có gì được chiều chuộng cả, trừ một ngọn đèn dẫn dắt từ đâu đó phía trong mình.

Công chúng của nghệ thuật nói chung thường lười nhác. Họ phần lớn thích tiếp cận những gì cho họ cảm giác được nuông chiều, được ru ngủ, được vuốt ve. Họ ngại sự phá bỏ nào đấy, tốn công sức, lại phải tự làm cho mình sắc nhọn thêm. Đấy là lý do vì sao thị trường cho những cái đèm đẹp luôn mênh mông rộng lớn, là đất đai béo bở mà nghệ sĩ nếu cần số đông biết mình có thể chiếm thị phần ở đấy. 

Những người trên tầng tháp cao hơn của tòa tháp nghệ thuật thì có xu hướng từ chối thị trường ấy, một cách tự nhiên. Ở đây, công chúng ít hơn, và nghệ sĩ quan tâm nhiều hơn đến hình thức, ở góc độ lược bỏ chúng. Doãn Hoàng Lâm đang đi đường ấy, anh tước dần những cái mà người ta gọi là “ưu thế” của hội họa. Màu sắc không màng, cái giống hay cái đúng không màng. Những cái “bên ngoài” đã mất gần như toàn bộ sự ưu tiên, nhường chỗ cho cái “bên trong”.

Doãn Hoàng Lâm kể, đôi khi ngồi giữa những bức tranh, anh cũng thấy nặng nề, muốn thoát khỏi nó, muốn thay đổi. Nhưng luôn có một sự “dẫn dắt”, anh tin vậy, đưa anh đến với những hình như vậy, rồi dừng lại ở đó. Một bức tranh có khi được vẽ hàng chục lần. Hình này không đúng, bỏ, chuyển hình khác. Bỏ cho đến khi dừng lại, là lúc thấy vừa. Sự vừa ấy tuyệt nhiên không cố gắng, nó là một sự vừa tự nhiên.

Chẳng hạn, ngắm 9 bức tranh trong triển lãm Body/ thân thể của Doãn Hoàng Lâm vừa trưng bày tại Manzi Art. Thân thể - một khái niệm đầy khơi gợi. Dĩ nhiên trong giới hạn của hình họa, Lâm luôn lấy hình thể người làm chủ đạo để nói tiếng nói bên trong mình. Nhưng người xem lại phải bắt đầu từ một khái niệm khác của thân thể, bỏ qua cách hiểu thông thường. Những thân thể đôi khi “gợi cảm và riêng tư”, đôi khi lơ đễnh và dữ dằn, đôi khi hân hoan và tổn thương, đôi khi phô bày và che giấu, đôi khi trần trụi và thách thức, đôi khi trong suốt và nhục dục, nhưng cơ bản nó không dễ dàng để hiểu. 

Về mặt thị giác, nó mắc lại trong cái nhìn của người xem, rồi nó tra vấn. Có những bức tranh làm ta khổ sở không. Có đấy. Trong sự kỳ quái hóa, trong sự phá hủy, sự chống lại và chắt lọc của Doãn Hoàng Lâm, ở những “thân thể”, anh buộc người xem phải lưu tâm điều mà anh muốn biểu hiện. Một cái gì ở bên trong bức tranh thực sự đang sống, đang nhắc nhớ, đang cựa quậy. Một cái gì đôi khi không rõ rệt, nhưng nó cho người xem cảm giác rằng tiếng nói ấy là một sự phù hợp với hình thức biểu hiện này, không có gì thay đổi được nữa. Một cái gì khiến người xem phải suy ngẫm, phải tìm cách trả lời.

Ngẫm về đời sống trong hai từ thân thể, ta bỗng nhìn ra các giới hạn của mình. Thân thể, đó là cái vỏ chúng ta đang mang. Một cái vỏ chịu tác động của hầu hết các yếu tố bên ngoài trước tiên. Những xấu đẹp hay biến đổi của thời gian, những hữu hạn và cái chết hay sự biến mất. Dù vậy, sự nhẹ tênh hay nặng trĩu của thân thể lại phụ thuộc vào yếu tố bên trong, không ai nhìn thấy. Đó là một ẩn dụ về cuộc sống, về nghệ thuật. Rằng câu chuyện của người nghệ sĩ không phải là chế ngự hình thức, mà là sự thích ứng của hình thức vào nội dung. Anh ta cần có một nội dung trước, thì sự lệ thuộc vào hình thức sẽ mất đi, hoặc chỉ còn là thứ yếu.

Dù chọn cách biểu hiện nào trên hình họa thân thể, Doãn Hoàng Lâm cũng đặt người xem vào việc tiếp cận với một thẩm mỹ mới mà anh tạo ra. Các triển lãm trước của anh, Xác phàm hay Nội soi đều chung một tiếng nói ấy. Những cú đập mạnh vào thị giác đôi khi như phản ứng của quả bóng đập tường, khiến người xem khó chịu nhưng không thể thờ ơ. 

Điều quan trọng là sau cú đập giật mình, thậm chí đau điếng ấy, người xem còn có gì. Doãn Hoàng Lâm, bằng tài năng, và những  tinh tế nghệ thuật của mình, thật ra là giỏi đánh thức, hay giỏi chuyển trạng thái, tâm thế cho người xem. Ấn tượng thị giác là cách anh đưa người xem vào một từ trường mới, của nghệ thuật mang tính cá nhân anh. Những hình ảnh được tạo ra từ những phim X-quang trong Nội soi chỉ làm ta tò mò ở mặt chất liệu giây phút ban đầu. Nhưng sau đó ta sẽ chìm vào một tiếng nói khác. 

Từ bên trong, tiếng nói ấy nhắc nhở về số phận con người, tính riêng biệt trong mỗi con người mà đôi khi vì mải mê đuổi theo cái bên ngoài, chúng ta đã quên. Cũng như đôi khi chúng ta đắm đuối “xác phàm” mà không chăm chút một phần cốt lõi khác trong tâm hồn mình. Phía trong mỗi thân thể, nếu nội soi vào, ngoài xác phàm ra, nếu là hoang mạc, là thiếu vắng yêu thương hay cạn kiệt sự sẻ chia, thì đó là tai họa, là bi kịch.

Tranh của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Trong một xã hội loài người mà mỗi ngày sự hướng ra ngoài trở nên nhiều hơn, sự chú trọng hình thức trở nên nhiều hơn, thì sự hướng vào bên trong, sự nở hoa từ bên trong, cần thiết được đánh thức hơn bao giờ hết. Nghệ thuật với sức mạnh của mình, có thể chưng cất tiếng nói bên trong đó, để nó có khả năng lan tỏa, thậm chí gây hiệu ứng cao hơn cả sự chú ý từ bên ngoài. Một sự cứu chuộc quan trọng, không phải để từ chối cái bên ngoài, mà để tạo ra sự cân bằng hài hòa làm phong phú cái bên ngoài.

Doãn Hoàng Lâm sinh năm 1970, vẫn còn được gọi là họa sĩ trẻ. Một “người đi tìm” với ý thức mạnh mẽ về cái đẹp. Dù cho cái đẹp của anh, đôi khi là “không đẹp”, xét về mặt biểu hiện, và xét theo thói quen chấp nhận của nhiều người. Cái đẹp anh tạo ra đôi khi làm người ta ngại ngần, giật mình, thậm chí là sợ. Giống như một cảnh báo của người trồng hoa trước những bụi gai.

Để ngắm được một sự nở hoa nào đó, đôi khi bàn chân phải có vết đau, đôi mắt phải vượt qua một tầm viễn vọng nào đó. Để ngắm một sự nở hoa, đôi khi không phải là sự mở mắt, mà là sự nhắm mắt. Cái đẹp thực sự, có thể cần đến một sự nhìn ngược vào bên trong, sâu thẳm bên trong, hơn là sự hướng ra ngoài. Một cái đẹp khó khăn, đấy cũng là một lựa chọn khó khăn. Phần lớn chúng ta đã quen với những cái đẹp dễ dàng rồi.

Doãn Hoàng Lâm thực sự chẳng có gì để nhiều lời. Anh ngại sự gò bó của ngôn từ. Anh sợ diễn đạt không khéo, mọi thứ sẽ bị bó chặt trong hữu hạn của một vài con chữ nào đó. Ngôn ngữ của một bức tranh, đối với anh dường như mở hơn, ít tính áp đặt hơn. Anh nói, đời sống, với những va đập chuyển động của nó, là tư liệu cho một người họa sĩ. Viết hay vẽ cũng vậy thôi, không phải là mô phỏng lại cuộc sống, minh họa lại cuộc sống. Một cái gì đó phải cao hơn thế, nhiều hơn thế. Và toàn bộ cuộc sống chảy qua người nghệ sĩ phải được chuyển hóa thành một dạng tinh thần thuần khiết. Một thứ gì có thể dẫn dắt hay soi sáng. Và được người nghệ sĩ biểu hiện trong một hình thức tương ứng với nó.

“Vẽ là để sẻ chia cái bên trong ra, không biết là để làm gì. Nhưng tôi nghĩ đã mang thân phận là một nghệ sĩ, hãy đóng góp ít nhiều vào việc tạo ra những cái đẹp từ bên trong. Giả sử không đóng góp được đi nữa, thì cũng phải thử. Đừng sống một cuộc sống thuần túy cơ học hay sinh học. Hãy cho mình cơ hội được ngẫm nghĩ nhiều hơn về những cái ở bên trong. Nó thực sự cần thiết cho tâm hồn, cho tinh thần”.

Tranh của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm.

Bình Nguyên Trang
.
.