Họa sĩ Đinh Ý Nhi và những khoảng tĩnh lặng

Thứ Hai, 01/06/2015, 09:08
Đời Nhi bình yên, thậm chí có gì đó nhàn nhạt. Nhưng với hội họa, Nhi là sự quyết liệt, dữ dội. Đó là một cuộc độc hành không mỏi mệt. Có thể, chị đang ở một giai đoạn khác của cuộc sống, nơi hội họa của chị đã chạm tới sự tĩnh lặng, yên hòa.

Chúng tôi ngồi với nhau trong phòng khách của chị, một không gian mộc, lọt thỏm giữa phố xá ồn ào. Bộ bàn ghế cổ xưa. Mấy đồ gốm mộc. Và tranh của Nhi. Chị vừa đi Myanma, một trải nghiệm thú vị cho những kẻ thích du lịch bụi, thích tìm đến những nơi nguyên thủy, hoang dã nhất. Từ Myanma, chị mang về một chú ngựa gỗ, sần sùi và cũ kỹ. Nhiều người thắc mắc, sao Nhi toàn mê những thứ cũ kỹ, sần sùi thế. Chị cười, cái đẹp với chị, là sự giản đơn. Chị mê mẩn vẻ đẹp mộc đó, vẻ đẹp thoát ra khỏi mọi sự hào nhoáng, tô vẽ.

Chị đang ở một giai đoạn tĩnh lặng của đời sống. Và tranh của chị, dường như cũng đỡ chói gắt hơn, đằm hơn và dịu hơn. Triển lãm “Con mắt thời gian” của họa sĩ Đinh Ý Nhi cùng với họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ trong không gian của Heritage đang gây chú ý dư luận. Bảy năm Nhi không làm triển lãm, kể từ “Những niềm vô hạn bị bỏ quên” từ năm 2009, trưng bày vài ba ngày ở Viet Art. Nhi bảo, chị vẽ tranh không phải để triển lãm. Với hội họa, chị không bao giờ vội. Chị vẽ từ nhu cầu nội tâm của chính mình. Và ơn trời, đến bây giờ, gần 30 năm miệt mài, cặm cụi làm việc, chị vẫn tìm thấy niềm vui và hứng thú khi cầm cọ, đó là một may mắn trời cho.

15 bức tranh, 15 gương mặt đàn bà với những gam lạnh. Ở đó có sự tĩnh lặng của đời sống khi chị đang bước sang một giai đoạn khác của cuộc đời. Vẫn là những mảng màu ngấm lạnh, xanh, đen trắng và đỏ, vẫn là những hình hài thô ráp, không chải chuốt, nhân vật trong những chuyện kể lần này của họa sĩ Đinh Ý Nhi không còn là những bóng hình dằn vặt, đau đớn. Mắt mở to tròn, khi tò mò, ngây thơ, lúc bất ngờ như đứa trẻ tìm được điều gì mới mẻ.

Không gian lạnh lẽo, chói gắt giờ không bó đứa trẻ lại, mà như một miền hoang mang đón đợi sự khám phá, một con mắt thời gian dõi theo những bước dò dẫm theo bản năng đi tìm một điều mới lạ. Nhưng đó chỉ là một nhánh nhỏ trong gia tài tranh của Nhi ở thời điểm này. Chị còn một vài nhánh khác, chị đang muốn thành hình hài, đầy đặn hơn, rõ nét hơn.

Nhiều người nói, Nhi đang trở về bản thể của mình, những gương mặt ngây thơ, có gì đó dịu hơn. Ở đó, chị nhìn cuộc sống chảy trôi, vận động một cách thư thái. Vẫn những gương mặt đàn bà, Nhi chưa bao giờ vẽ gì khác ngoài những gương mặt đàn bà, ngây thơ hơn. Nhưng đó là niềm ngây thơ của người đàn bà 50 tuổi chứ không phải nét hồn nhiên của bé gái tuổi lên 5.

Họa sĩ Đinh Ý Nhi.

Nhi chưa bao giờ vội vàng. Bây giờ chị càng không vội. Chị bắt đầu một sự chậm rãi tích cực, không phải là sự chậm rãi trì trệ, đó là sự thay đổi tự nhiên đến từ bên trong chị. Nhi nói, với hội họa, chị không tìm được gì mới, chị may mắn vẫn tìm được sự diễn tiến trong đời sống của mình, như một mạch chảy, không bị bế tắc, không ngưng trệ. Chị vẽ, với tất cả niềm hân hoan của một người sáng tạo trong hành trình tìm kiếm và khám phá chính bản thân mình. Vẽ với tất cả niềm vui. Và chị tin, ai đó khi xem tranh của chị, cũng sẽ cảm được niềm vui, hân hoan đó.

Nhi nói: “Mục đích cũng không phải là cái gì quá quan trọng. Bản chất của nghệ thuật giống trẻ con, không mưu cầu, không mục đích, chúng ta làm với tất cả niềm vui và sự nhiệt thành. Nếu mình vẫn làm việc với một niềm vui sâu sắc hơn, thông tuệ hơn, đầy nhiệt thành, không mưu cầu, chúng ta sẽ chạm tới nghệ thuật”.

Với Đinh Ý Nhi, nghệ thuật nằm ngoài mọi sự mưu cầu, dù chỉ là mưu cầu vẽ đẹp hơn, khác mình đi, cũng đã là khởi sự của một mưu cầu. Với hội họa, chị luôn giữ sự thuần khiết tối đa, giống như một mạch nước miệt mài chảy trong tâm hồn chị.

Xưa, khi chị vẽ đen trắng, nhiều người bảo xấu, nguệch ngoạc, không biết vẽ. Rồi nhiều người hỏi chị cứ vẽ mãi thế này à, bao giờ thay đổi? Đến khi chị vẽ sơn dầu, có người lại bảo Nhi vẽ  đen trắng đẹp hơn. Nhưng điều đó thì có gì quan trọng. Mọi việc cứ diễn ra tự nhiên vậy thôi.

Nhìn tranh chị, những gương mặt đàn bà chói gắt, vẹo vọ, đau khổ, nhiều người nghĩ, chắc đời Nhi giông bão. Nhưng cuộc đời riêng của chị rất bình yên. Những giông bão, những gai góc trong tranh của chị chính là những va đập của đời sống ngoài kia.

“Khi tôi đi Tràng An, trên dòng suối trong veo ấy, nhìn thấy một bông hoa trắng bé xíu hay một chú chim lộn nhào dưới nước. Trên đường trở về lại qua những bụi bặm, cuộc sống đã trôi tuột đi một khoảng cách rất xa. Tất cả những điều đó đều dội vào tranh của tôi”.

Nghệ thuật của chị bắt nguồn từ những suy nghĩ bình thường đó, khi chị nhìn thấy chú nhim lộn nhào dưới nước và những đống rác chất đầy đường. Chị vẽ, trước hết cho chính bản thân mình. Và có thể, may mắn, tìm được sự đồng cảm của mọi người.

Chị luôn coi mình là một phần của đời sống. Suy cho cùng đó là hành trình ra đời, tồn tại và chết. Thời gian chuyển dịch, suy nghĩ cũng chuyển dịch. Nhưng tranh của Đinh Ý Nhi vẫn là câu chuyện của một cá nhân tồn tại trong đời sống này, một cách thành thực nhất, rõ rệt nhất. “Tôi nghĩ, mình là một phần hữu cơ của đời sống, tôi mô tả mối quan hệ đó bằng hội họa, tôi làm rõ nó bằng hội họa mà thôi. Bạn bè vẫn bảo tôi, phải thế này, phải thế kia, nhưng thực ra chẳng phải thế nào cả, mọi thứ cứ thế diễn ra một cách tự nhiên nhất. Còn việc nó đẹp hay không, là một câu chuyện khác”.

Một tác phẩm mới của họa sĩ Đinh Ý Nhi.

Tôi cảm nhận sự chậm rãi, thông tuệ trong người đàn bà tuổi 50 của chị. Không phải vì thế mà tranh của Nhi kém phần dữ dội. Mà ở đó, sự dữ dội, chói gắt, nếu trước đây luôn hiển lộ, thì giờ, nó ẩn sâu trong những thế giới nội tâm của Nhi. Nhìn tranh của Nhi, sẽ cảm nhận được những suy nghĩ, chiêm nghiệm về những thân phận người trong đời sống đương đại. Chị điềm tĩnh hơn trước những phản ứng với cuộc sống.

Nhi đi nhiều. Sống sâu trong lòng đời sống. Những chuyến đi của chị mang lại nhiều giá trị. Đôi khi là sự vỡ vụn vì những giá trị đang biến mất. Đôi khi là những dòng chảy âm thầm, tiếp nối của những giá trị văn hóa, hay cả những vụn vặt của đời sống. Chị đi, ngẫm ngợi, cảm nhận ở một tầng sâu khác. Đi để lắng nghe, những âm thanh của nó va đập vào tranh của chị.

Tranh của Nhi, là gia tài sau những chuyến đi. Là cuộc sống không ngừng vận động, không ngừng chảy trôi. Nhi làm việc một cách chuyên nghiệp. Chị không đi theo xu hướng của sự ngẫu hứng hay bốc đồng mà giới nghệ sĩ hay nói tới. Với chị, vẽ là một sự chuyên nghiệp. Chị coi nó là một nghề. Phải tận tụy và nghiêm túc với nó. Sự ngẫu hứng có thể mang đến một bức tranh. Nhưng sự ngẫu hứng không thể mang đến cả một gia tài. Đó là sự tích lũy, chuyên nghiệp, bền bỉ, nền tảng của sự bền lâu.

Có người làm nghệ thuật, tự cho mình quyền sống khác người, có thể họ sợ con người đời thường sẽ giết chết con người nghệ thuật của họ. Còn với Đinh Ý Nhi, trước khi là một người vẽ, Nhi là một người đàn bà trọn vẹn của gia đình như hàng trăm ngàn bà mẹ khác. Nhi lúc nào cũng tất bật. Có những thời điểm, hành trình của chị, 9 năm trời ròng rã, ngày 4 ca đưa đón con ở Trường Tiểu học Quang Trung, hết đứa lớn đến đứa bé. Nhưng với Nhi, đó là niềm vui. Nhi nói, đời chị chẳng có gì đặc biệt là “nghệ thuật” cả. Nhưng sau những bổn phận đàn bà, Nhi dành cho hội họa, trọn vẹn, đủ đầy.

Có thể, nhiều người nghĩ, họa sĩ phải sống bản năng hơn, yêu nhiều hơn, hào nhoáng hơn... Còn với Nhi, cuộc sống đời thường là những điều giản đơn nhất có thể. Vậy mà, dồn tất cả tâm huyết cho hội họa, làm việc một cách miệt mài, thế nhưng chị tự nhận, chị cũng chỉ “bình thường” mà thôi.

Phòng vẽ của Nhi ở trên tầng 5. Tách biệt khỏi mọi sự ồn ào của đời sống. Sau những công việc gia đình, Nhi lên phòng vẽ. Ngày nào chị cũng vẽ, như một công việc, bằng tất cả niềm vui thành thật nhất. Với chị, đó là một hành trình khám phá chính mình.

Ở đó là sự tĩnh lặng của đời sống. Ở đó, người đàn bà vẽ Đinh Ý Nhi cảm nhận đời sống bằng chính sự tĩnh tại, an nhiên của mình. Và ở đó, cuộc sống vẫn không ngừng vận động, chảy trôi...

Việt Hà Nguyễn
.
.