Hoạ sĩ Văn Đa: Văn trong mắt hoạ

Thứ Sáu, 28/04/2006, 09:15

Họa sĩ Văn Đa tuổi Thìn, năm này đã sắp lên hàng đại lão, vậy mà mỗi khi được minh họa cho các truyện ngắn in trên báo hoặc đặc tả các nhà văn bằng nét vẽ, ông vẫn tỏ ra rất hào hứng. Ông luôn luôn coi công việc này như một niềm vui, một niềm đam mê từ nhiều chục năm nay.

Đánh giá sự nghiệp của Đại tá - họa sĩ Văn Đa, nói về Văn Đa không thể không nói tới hàng mấy trăm bức minh họa, hàng chục bức ký họa chân dung mà ông đã vẽ từ sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, không, sớm hơn, kể từ khi ông tham gia kháng chiến, tòng quân làm anh Bộ đội Cụ Hồ ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công.

Đó là những bức ký họa bút sắt được vẽ tại trận miêu tả một cách sống động cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong những năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là những tranh minh họa những truyện ngắn, bút ký đa phần cũng là những tác phẩm viết về bộ đội hiện thực đấy mà cũng rất lãng mạn. Và đó còn là những ký họa chân dung bè bạn (phần đông là bộ đội văn nghệ sĩ) một cách rất có hồn có nét.

Khoan hãy nói tới hàng trăm bức ký họa, minh họa được in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, trên báo Văn nghệ liên tục từ ngót nửa thế kỷ qua - những bức tranh minh họa đã không chỉ góp phần làm nên một phong cách Văn Đa, một bút pháp Văn Đa, một tên tuổi Văn Đa mà còn góp phần làm nên bản sắc, diện mạo một tạp chí - để nói tới những bức ký họa chân dung độc đáo của ông.

Ấy là những bức ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong đó có những bức được in trang trọng nhiều lần trên các báo mỗi dịp lễ trọng, được lưu giữ trong các viện bảo tàng của lực lượng vũ trang nhân dân.

Ấy những bức vẽ các anh hùng, chiến sĩ thi đua, những mẹ Việt Nam Anh hùng mà bức nào cũng in đậm những nét rất riêng, riêng của nhân vật và riêng của người vẽ.

Nhiều hơn cả là những bức ký họa (đôi khi chỉ là phác họa hoặc tốc họa) chân dung bè bạn. Cho đến nay chính Văn Đa cũng không biết ông đã vẽ bao nhiêu bức, bởi ông có rất nhiều bè bạn, bạn trong giới họa, giới văn, bạn thời niên thiếu, bạn thuở Quân khu Ba, thời Tây tiến, bạn đồng ngũ đồng hương, bạn già, bạn trẻ. Ông kể có bức vẽ xong kỷ niệm luôn, có bức vẽ treo trên tường nhà, trong triển lãm hôm trước hôm sau bị “tước” liền. Tuy vậy, ông và bạn bè ông còn lưu giữ được khá nhiều bức đủ các kích cỡ, chất liệu. Có bức vẽ trên giấy giang, giấy học trò kẻ ôli, có bức vẽ trên vỏ bao thuốc lá, vỏ bao ximăng thời bao cấp, có bức vẽ trên giấy tờrôki ngoại, giấy A4, A3 đắt tiền… nhưng chỉ nhìn thoáng qua thôi đã có thể nhận ra ngay nhân vật được vẽ, nhận ra ngay “chất” của Văn Đa.

Này là người bạn Tây tiến một thời - nhà thơ Quang Dũng - với vẻ đẹp kiêu hãnh u hoài, này là một Hồ Phương ngộ nghĩnh, một Tào Mạt gân guốc, một Thu Bồn vạm vỡ trẻ trung như một bản trường ca, một Thanh Tịnh rất tấu và… tếu, một Nhị Ca uyên thâm lịch lãm… Rồi nữa, một Mai Văn Hiến “có cái mũi biết cười”, một Vũ Cao “tóc bạc thương từ mỗi gốc cau”... Nhiều lắm, mỗi người một vẻ, mỗi người một nét riêng “mười phân vẹn mười” mà nếu gom lại, sắp xếp lại tí chút rất có thể sẽ có một bộ sưu tập quý, một sưu tập có thể tạm gọi là “tinh hoa hội tụ”. Tinh hoa ở đây là những tên tuổi, những văn nghệ sĩ đa phần được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, trong đó có tác giả - họa sĩ - chiến sĩ lão thành Văn Đa

Ngô Vĩnh Bình
.
.