Họa sĩ Tạ Quảng: Khi đau đớn cũng đã là tài sản

Thứ Hai, 18/05/2015, 23:01
Số phận đã chỉ đường cho Quảng đến với hội họa. Rồi đến lượt, hội họa lại trở thành con đường để Quảng đi tìm mình. Nhưng, số phận chỉ làm người đưa đường quyết liệt khi đã thử thách Quảng vượt qua những giờ khắc cam go, cận kề sinh tử. 

Một người lữ hành như Quảng, những trải nghiệm dường như đã lớn gấp nhiều lần số tuổi, đủ để nhận ra rằng, không chỉ niềm vui hạnh phúc, mà cả những nỗi buồn, những nỗi đau hay bất hạnh cũng chính là tài sản để anh trang trải cùng nghệ thuật.

Tôi nhớ hôm đó đang là mùa đông, Hà Nội lạnh cắt da cắt thịt. Quảng nói, đang làm tranh in độc bản ở Trung tâm Mỹ thuật đương đại và tôi ngỏ ý muốn đến xem tranh của Quảng. Trong xưởng vẽ bừa bộn giấy, màu và mực in, Quảng chìm đắm với công việc của mình. Quảng đang thực hiện loạt tranh với chủ đề "Hiện thực". “Hiện thực” chính là biểu hiện của mắt nhìn Tạ Quảng. Những bức tranh độc bản với gam màu tối, kỳ công theo ý đồ của họa sĩ, mang một thông điệp dường như dữ dội, gai góc, không dễ dàng về cuộc sống.

Những bức tranh chứa nhiều ẩn ức, những quẫy đạp vượt thoát, những thét gào câm lặng, rồi có lúc lại bình thản giông bão. Quảng tạo hình những bức tranh, làm mọi công việc kỹ thuật chỉ bằng  tay trái của mình. Tay phải của Quảng cơ bản không hỗ trợ được gì nhiều. Có những bức tranh in độc bản cực kỳ ưng về bố cục, đường nét màu sắc, nó trùng khít với ý tưởng ban đầu của Quảng, nhưng nó lại bị lem màu ở đường viền vì thao tác chỉ bằng một tay nên có lúc không chuẩn xác, và Quảng buộc phải hủy bỏ.

Miệt mài hàng chục ngày trong xưởng vẽ giá lạnh, bên chiếc máy in cùng những ý tưởng cuộn trào, Quảng gần như không ngủ. Quảng nói, anh cần phải làm việc gấp nhiều lần các họa sĩ khác, vì anh chỉ có cánh tay trái để cầm cọ, pha màu và làm mọi việc cho hội họa. Làm việc gấp nhiều lần các họa sĩ khác, cũng là cách để bù vào những năm tháng đã mất, vì những oái oăm của số phận, khi Quảng phải vượt qua những biến cố về sức khỏe.

Trước khi gặp Quảng, tôi có xem tranh của Quảng trên facebook. Một vài họa sĩ tên tuổi trong ngành mỹ thuật nói về việc Quảng tự học. Cuộc sống đã đẩy Quảng vào một bước ngoặt số phận từ những năm Quảng đang tuổi 20. Tưởng như tương lai đã khép cửa với chàng trai cao lớn Tạ Quảng, sau một cơn tai biến. 18 ngày hôn mê, sau ca mổ, tỉnh dậy, Quảng như đã trở thành một người khác, như đã mất đi toàn bộ sinh lực tuổi trẻ. Cơ thể gần như bất động. Chỉ còn đôi mắt để nhìn thấy gương mặt của mẹ cha già sạm vì lo lắng.

Quảng nghẹn ngào kể lại những ngày khó khăn đó. Mẹ Quảng đã khóc rất nhiều. Gia đình khó khăn mẹ phải làm thêm ca đêm để có tiền chạy chữa thuốc thang cho con trai. Cha Quảng có lúc tuyệt vọng vì nghĩ không thể mang con từ cõi chết trở về. "Nhưng mẹ tôi có một niềm tin vô cũng mạnh mẽ. Bà nói với cha tôi, chúng ta phải tìm mọi cách để cứu con. Sau này nó tự xúc được một thìa cơm để ăn, tự đi vệ sinh được thì cũng đã là mãn nguyện lắm rồi".

Trước khi tai họa về sức khỏe đổ ập xuống, Quảng đã vẽ. Quảng vốn mê hội họa từ nhỏ. Những bức vẽ vượt xa tuổi của cậu học trò về độ già dặn trong biểu đạt,  trong kỹ thuật tạo hình đã từng khiến không ít người ngạc nhiên. Từ bệnh viện trở về nhà, nhìn những bức tranh, Quảng tuyệt vọng. "Tôi đã xé, đã đốt phần lớn những bức tranh mình đã vẽ trước đó bởi thấy rằng cuộc đời mình đã khép mọi cánh cửa rồi. Tay phải không cử động được, tôi sẽ cầm cọ thế nào để vẽ đây. Tôi thành người bỏ đi thật rồi".

Trong cơn giận dữ số phận, điên cuồng hủy hoại những bức tranh, Quảng luôn thấy bóng dáng mẹ phía sau mình. Bà đau khổ nhìn đứa con trai, đang đốt đi những ước mơ mà bà biết là rất quan trọng đối với nó. "Một số bức họa ngày nhỏ tôi vẽ còn lại đến bây giờ, trong đó có cả vẽ hoa, vẽ chân dung, vẽ phong cảnh, vẽ nude, là do mẹ tôi đã âm thầm cất giữ cho tôi". Quảng mở điện thoại, cho tôi nhìn hình ảnh bức tranh bị cháy xém ở góc, là một trong những bức tranh mà mẹ của Quảng đã lưu giữ, bảo vệ cho Quảng.

Dễ hiểu vì sao trong câu chuyện Quảng bộc lộ một tình yêu đặc biệt dành cho mẹ. Chứng kiến những ngày tháng gia đình lao đao, khó khăn kiệt quệ vì chạy chữa cho mình, Quảng càng thương mẹ. Cho đến bây giờ, nỗi sợ lớn nhất của Quảng là làm việc gì đó khiến mẹ tổn thương, đau lòng.
Sau những tuyệt vọng, Quảng quyết tâm giành lại cuộc sống, giành lại ước mơ đã theo đuổi từ thời đi học, đó là hội họa. Quảng lao vào tập luyện, kiên trì từng ngày từng ngày. Sức khỏe hồi phục dần dần. Quảng tập vẽ bằng tay trái, tìm thầy để trau dồi kiến thức, kỹ thuật hội họa. Từng nấc, từng nấc thang nhỏ, Quảng cần mẫn vượt qua. Từ năm 2005 đến nay, Quảng liên tục có tranh trong các triển lãm khu vực và các triển lãm dành cho họa sĩ trẻ. Năm 2012, Quảng tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Hà Nội.

Nếu biết rằng Quảng đã phải sống qua những ngày tháng tận cùng của khó khăn, tuyệt vọng, lại vẽ bằng tay trái và bằng con đường tự học, người xem sẽ không khỏi ngạc nhiên khi xem tranh của anh. Nhưng Quảng không muốn nhấn mạnh về điều đó. Quảng nói, trước một tác phẩm nghệ thuật, công chúng phải được bình đẳng trong cảm nhận. Anh không dễ chịu một chút nào với một ấn tượng  trong đầu người xem, rằng đây là tác phẩm của họa sĩ có hoàn cảnh đặc biệt.

Quảng khái tính, cực đoan, và có một triết lý riêng về hội họa. Xem tranh của Quảng có thể nhìn ra điều đó. Quảng thường gói những suy ngẫm của mình trong tên gọi của các se-ri tranh, như Cái nhìn, Dòng chảy, Hiện thực. Đối với Quảng, dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ nằm trong biểu hiện của "cái nhìn". Mỗi một người theo đuổi nghệ thuật trong đời sống này, để ở lại được với công chúng, phải mang theo một "cái nhìn" đặc biệt của chính họ. Ở đó họ bộc lộ quan điểm về thẩm mỹ, hiểu biết, vốn sống, tri thức, tình cảm với người, với đời. Và càng đi đến tận cùng mình, cái nhìn càng trở nên riêng biệt. Dĩ nhiên là không thể thiếu tài năng. 

Làm nghệ thuật ở tỉnh lẻ, trong hoàn cảnh riêng của Quảng, có muôn vàn khó khăn. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất của người nghệ sĩ là cơ hội để giao tiếp. Quảng thường đi lại như con thoi giữa Hà Nội và Việt Trì. Để mua các họa phẩm cần thiết cho công việc sáng tác, Quảng phải về Hà Nội. Quảng nói, anh không muốn rời Việt Trì, vì ở đó Quảng có gia đình, cha mẹ. Quảng muốn ở cạnh mẹ, muốn nhìn thấy mẹ hàng ngày, muốn bù đắp những vất vả nhọc nhằn của mẹ và của những người thân đã vì Quảng trong suốt những năm tháng khó khăn".

Tác phẩm "Vòng xoáy" - chất liệu in độc bản của Tạ Quảng.

Vả lại, trong môi trường làm nghệ thuật ít sôi động của tỉnh lẻ, cảm giác đơn độc đôi khi lại mang cho Quảng sự mạnh mẽ. Quảng có thể náu vào góc riêng của mình, trải mọi cung bậc cảm xúc lên màu và hình. Đơn độc, khiến cho những trò chuyện của người nghệ sĩ trong mỗi bức vẽ trở nên sâu sắc hơn. Vì đó là những đối thoại với chính mình thuần chất nhất.

Tranh của Quảng buồn. Nhưng chắc chắn đó không phải là những nỗi buồn đèm đẹp. Nói đúng hơn, buồn trong tranh Quảng mang cho người xem cảm nhận về một sự không dễ dàng của đời sống. Đó là buồn của bão, đôi khi là tâm bão nữa. Là buồn của những ẩn ức số phận, của sự lạc lõng thiếu vắng tri âm tri kỷ. Là buồn của khát khao đi tìm một tiếng vọng của đời sống. Xem tranh, thấy Quảng cô đơn. Cô đơn như từ tiền kiếp. Nhưng, ngẫm cho cùng, những kẻ mon men đến nghệ thuật có khi nào không mang tâm thế cô đơn ấy. Và dường như, nghệ thuật thực sự cũng chỉ vẫy gọi kẻ tội đồ như vậy thôi.

Quảng làm hội họa ở nhiều thể loại, từ đồ họa đến sơn dầu. Trong đồ họa, Quảng có những thành công đáng kể, và là một họa sĩ trẻ rất được chú ý. Không ít những lời mời hấp dẫn từ các Gallery, chỉ cần Quảng "thị trường" hơn một chút, Quảng sẽ giàu tiền bạc hơn từ việc bán tranh, có điều kiện sống tốt hơn, giúp đỡ người thân được nhiều hơn. Nhưng Quảng không chấp nhận điều đó. Quảng chia sẻ: "Tôi sáng tạo tác phẩm, chứ không làm tác phẩm. Mỗi tác phẩm phải là duy nhất, và thậm chí là nó phải giống như một cái ngưỡng nào đó trong nghề để tôi vượt qua. Người ta có thể sản xuất hàng loạt ở những sản phẩm khác trong đời sống, còn trong nghệ thuật thì đừng ứng xử như vậy".

Tạ Quảng thường nhắc lại lời của thầy Lê Huy Tiếp - người mà anh đã khăn gói theo học nghề nhiều năm và được thầy "xác tín" xem là học trò, đại ý những người làm nghệ thuật đích thực thường phải vượt qua những thử thách lớn của số phận. Ở tuổi ngoài 30, Quảng đã trải nghiệm những thử thách không kém phần khốc liệt. Quảng đã từng đứng ở lằn ranh sự sống và cái chết, vượt qua những đau đớn bệnh tật, những mất mát trong tình yêu, từ bỏ những điều mà Quảng trân quý và xem trọng, chỉ vì không muốn người mình thương yêu phải phiền lụy, khổ sở vì mình. Trên facebook của Quảng, hai chữ Trường đời được viết công khai ở lý lịch cá nhân. Đó không phải là viết cho vui, đó thực sự là con đường của Quảng, để trở thành một họa sĩ đúng nghĩa.

Đối với Tạ Quảng, hội họa không giống một công việc. Hội họa là đam mê, là cuộc sống, là nơi ẩn náu, nhưng không phải nơi ẩn náu để tìm kiếm an toàn. Mà là nơi ẩn náu để sẵn sàng cho những giông bão của tâm trạng, cho những chiêm nghiệm riết róng về cuộc đời, cho những tận cùng của tìm kiếm bản thể...

Quảng sở hữu một đôi mắt, có thể xem như là hiện thân của "cái nhìn" trong tư duy nghệ thuật của anh. Một cái nhìn chất chứa, đủ sức mạnh để vượt qua những thông thường, đủ tỉnh táo để chống lại những ảo tưởng, đủ yêu thương trắc ẩn cuộc đời, để đi lâu dài cùng nghệ thuật. Vì một cái nhìn như vậy, một cách tự nhiên, nghệ thuật sẽ thuộc về Quảng, không phải là anh cố tình chọn nó.

Bình Nguyên Trang
.
.